Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Giới thiệu Giáo Hội và đất nước Perù

Bắt đầu từ thứ hai 15 hôm nay cho tới ngày 18 tháng giêng ĐTC viếng thăm dân nước Chile sau đó ngài sẽ sang Perù. Tại Perù ngày 19 tháng giêng ĐTC sẽ gặp gỡ các thổ dân Amazzonia và dân chúng. Vào ban chiều ĐTC sẽ gặp gỡ hàng lãnh đạo chính trị xã hội dân sự và ngoại giao đoàn, gặp tổng thống và các tu sĩ dòng Tên.

Thứ bẩy 20 tháng giêng DTC viếng thăm giáo phận Trujillo, cử hành thánh lễ trên bãi trống Huanchaco. Sau đó ngài viếng thăm nhà thờ chính toà và gặp gỡ các linh mục tu sĩ chủng sinh. Vào ban chiều ĐTC chủ sự nghi lễ kính Đức Mẹ de la Puerta tại quảng trường Armas, trước khi trở về Lima.

Ngày 21 tháng giêng ĐTC chủ sự buổi hát kinh trưa giờ ba của các nữ tu dòng kín tại đền thánh Đức Bà de los Milagros, rồi cầu nguyện trước thánh tích của các Thánh Perù trong nhà thờ chính toà thủ đô Lima, sau đó gặp các Giám Mục Perù và chủ sự buôỉ đọc Kinh Truyền Tin tại quảng trường Armas. Vào lúc 4 giờ rưỡi chiều ngài dâng Thánh Lễ tại căn cứ không quân Las Palmas trước khi ra phi trường đáp máy bay trở về Roma.

Perù là một nước cộng hoà dân chủ, bắc giáp giới với Ecuador và Colombia, đông giáp giới với Brasil, đông nam giáp giới với Bolivia, nam giáp giới với Chile và phiá tây với Thái Bình Dương. Tên gọi Perù bắt nguồn từ “Viru” là tên của một con sông địa phương chảy gần vịnh San Miguel của Panama hồi tiền bán thế kỷ XVI. Perù rộng hơn 1 triệu 265 cây số vuông có hơn 33 triệu dân, 45% là thổ dân Amerindi, 37% lai giống, 15% da trắng, 2% da đen lai giống và người Zambos, và 1% gốc Á châu. Ngôn ngữ chính của người dân Perù là tiếng Tây Ban Nha. Ngoài ra còn có hai thứ tiếng khác là Quechua và Aymara và nhiều thổ ngữ khác.

Trên bình diện tôn giáo 81,3% theo Công giáo, 12,5% theo Tin lành, 3,3% theo các tôn giáo khác và 2,9% không theo tôn giáo nào.

Từ ngày 28 tháng 6 năm 2016 tổng thống cộng hoà dân chủ Perù là ông Pedro Pablo Kuczynski. Các sinh hoạt kinh tế chính của Perù là nông nghiệp và đánh cá, khai thác các quặng mỏ và kỹ nghệ dệt vải.

** Các di tích khảo cổ cho biết Perù có một lịch sử rất cổ xưa đã bắt đầu từ năm 32.000 trước công nguyên với các nhóm dân du mục sống về nghề săn bắn. Vào khoảng năm 4.000 trước công nguyên dân chúng bắt đầu sống bằng nghề nông và thành lập các cộng đoàn định cư dọc vùng duyên hải. Giữa năm 2000-1000 trước công nguyên người Perù bắt đầu sản xuất đồ gốm, trong khi giữa năm 1000 tới 300 trước công nguyên nghề dệt vải và làm nông thịnh hành. Trong thời đại Chavin dân chúng bắt đầu sử dụng kim loại gồm đồng và vàng.

Giữa các năm 300-600 sau công nguyên thời đại Chavin tàn lụi. Tiếp theo đó là nhiều nền văn hoá khác nhau như Salinar, Paracas, Moche, Trujillo và Nazca. Từ năm 600-1000 sau công nguyên là thời đại Wari, rồi các vương quốc Chimú, Chancay, Chachapoyas, Ica-Chincha, Chankras. Vào thế kỷ XIII bắt đầu lịch sử của đế quốc Inca và vương quốc Cuzco trở thành đế quốc Tahuantinsuyo. Nền văn minh quan trọng nhất vùng Andine này đạt tột đỉnh vào đầu thế kỷ XVI, và tàn lụi vài thập niên sau đó khi phong trào thực dân Tây Ban Nha bắt đầu đánh chiếm Perù với đội quân do ông Francisco Pirazzo chỉ huy.

Năm 1529 đế quốc Inca trở thành tỉnh Perù rồi vương quốc Perù thứ hai với thủ đô là Cuzco. Năm 1535 thủ đô được rời về Lima. Năm 1536 người Inca nổi loạn giành độc lập lần cuối cùng, nhưng bị thua trận.

Năm 1542 phó vương quốc Castiglia được thành lập, sau đổi thành phó vương quốc Perù bao gồm một phần Nam châu Mỹ. Năm 1544 hoàng đế Carlo V chỉ định ông Blasco Nunhes Vela làm phó vương đầu tiên của Perù. Nhưng vương quốc đã chỉ được tổ chức vào năm 1572 với phó vương Francisco de Toledo. Năm 1551 đại học đầu tiên được thành lập tại Lima. Đó là đại học quốc gia San Marcos. Đây cũng là đại học đầu tiên toàn châu Mỹ. Vua Francisco de Toledo du nhập Pháp toà và công bố nhiều luật lệ trong đó có luật giảm việc lao động cưỡng bách gây thiệt hại cho thổ dân. Nhà vua cải tiến nền an ninh, cho xây các pháo đài và cầu cống, cũng như thành lập quân đội biển nam là hạm đội chống lại quân cướp biển.

Cứ điểm truyền giáo đầu tiên của dòng Tên được thành lập năm 1609 với mục đích văn minh hoá thổ dân bản xứ, nhưng vài vùng bị người Bồ Đào Nha chiếm đóng. Người Tây Ban Nha không thành công trong việc ngăn chặn sự bành trướng của người Bồ Đào Nha. Năm 1628 một toán quân thám hiểm Bồ Đào Nha tàn phá bình địa một cứ điểm truyền giáo Tây Ban Nha và bắt giữ 60.000 thổ dân.

** Nhiều phó vương nối tiếp nhau cai trị Perù. Năm 1750 thoả hiệp Madrid nhường một phần lớn vương quốc Perù cho Bồ Đào Nha. Năm 1776 phó vương quốc Rio de la Plata được thành lập bao gồm Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay ngày nay. Việc thành lập hai phó vương quốc giảm tầm quan trọng của Lima và di chuyển phần lớn các sinh hoạt thương mại về Caracas và Buenos Aires, cũng như giảm việc sản xuất vải vóc tơ sợi và khai thác quặng mỏ. Trong thế kỷ XVIII thổ dân Inca đã nổi loạn 14 lần chống lại chính quyền thực dân. Hai cuộc nổi loạn lớn nhất do Juan Santos Atahualpa cầm đầu năm 1742 và do Túpac Amaru II lãnh đạo năm 1780 với đạo quân 90.000 thổ dân, nhưng đã bị bóp nghẹt trong máu lửa. Cuộc nổi loạn của dân chúng các tỉnh Castiglia bên Paraguay bắt đầu năm 1721 và kết thúc năm 1734. Người Tây Ban Nha trục xuất các tu sĩ dòng Tên khỏi các vương quốc năm 1767. Vào năm 1814 các thổ dân phát động phong trào độc lập nhưng cũng bị dẹp tan.

Ngày 28 tháng 7 năm 1821 tướng Jose de San Martin thống lãnh cuộc viễn chinh giải phóng Perù từ Chile sang, và tuyên bố Perù độc lập. Nhưng tình hình vẫn bất ổn. Năm 1824 dưới quyền chỉ huy của ông Simón Bolivar quân đội của vương quốc Perù mới vĩnh viễn thua trận. Quân đội Tây Ban Nha bị đánh bại trong trận chiến tại Ayacucho. Chiến tranh độc lập Perù là một trong các cuộc chiến bắt đầu từ năm 1808 và kết thúc năm 1829. Sau khi Perù độc lập tới lượt các quốc gia khác của châu Mỹ Latinh. Tiến trình này xảy ra giữa các năm 1811-1903.

Thời gian sau độc lập đã rất hỗn loạn với các cuộc chiến tranh giành quyền bính và các cuộc đảo chánh của quân đội. Vào hậu bán thế kỷ XVIII làn sóng di cư khiến cho nhiều ngưòi dân Âu châu tìm đến Perù sinh sống trong đó có 100.000 người Ý. Giữa các năm 1980-2000 chính quyền Perù phải đương đầu với hai lực lượng vũ trang là các phiến quân Con đường sáng do Abimael Guzman lãnh đạo theo tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông, và phong trào cách mạng Tupác Amaru do Victor Polay Campos cầm đầu. Uỷ ban sự thật và hoà giải thành lập năm 2000 cho biết cuộc nội chiến đã khiến cho 70.000 người chết, đa số trong các vùng núi Andine và giữa thổ dân Quechua.

Năm 1990 ông Albero Fujimori được bầu làm tổng thống, nhưng hai năm sau ông giải tán quốc hội và ra lệnh thiết quân luật. Năm 1993 ông thay đổi Hiến pháp cho phép ứng cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 1995 ông tái đắc cử tổng thống và phải đuơng đầu với chiến tranh biên giới với Ecuador. Chiến tranh kết thúc với thỏa hiệp hoà bình năm 1998. Năm 2000 ông lại thắng cử, nhưng bị tố cáo gian lận và dính líu vào các vụ gian tham hối lộ. Vào tháng 11 năm 2000 trong chuyến đi sang Brunei để tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC ông đã tư ý lưu vong tại Nhật Bản và từ chức. Năm 2002 ông Alejandro Toleda Manrique được bầu làm tổng thống. Trong cuộc bầu cử năm 2006 ông Alan Garcia thuộc đảng xã hội dân chủ trúng cử.

** Giáo Hội công giáo Perù hiện có 58 Giám Mục, 3.361 linh mục, 55 Phó tế, 587 tiểu chủng sinh, 1.539 đại chủng sinh, 422 tu huynh, 5.568 nữ tu, 179 thành viên tu hội đời, 11.120 thừa sai giáo dân và 51.367 giáo lý viên. Tính trung bình mỗi linh mục phải trông coi hơn 8.300 giáo dân. Giáo Hội điều khiển 995 trường tiểu học với hơn 248.000 học sinh, 524 trường trung học với hơn 196.000 học sinh, 90 trường cao học và đại học với gần 59.000 sinh viên. Ngoài ra Giáo Hội cũng điều hành 38 nhà thương, 323 trạm y tế, 4 trung tâm phong cùi, 90 nhà dưỡng lão, 244 trại mồ côi, 145 văn phòng cố vấn gia đình, 36 trung tâm giáo dục cải huấn và 581 cơ sở bác ái xã hội.

Trong chuyến viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Toà Thánh hồi tháng 5 năm ngoái ĐC Salvador Pinheiro Carcia Calderón, TGM Ayacuhco, kiêm chủ tịch HĐGM Perù, cho biết hiện nay đất nước và Giáo Hội Perù đang phải đối phó với nhiều khó khăn kinh tế, xã hội, luân lý đạo đức và tôn giáo. Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Tây Ban Nha đài Vaticăng ĐC cho biết đất nước Perù đã trải qua các thời điểm khó khăn, có rất nhiều bất an, vì các giới chức chính trị dân sự bị dân chúng tố cáo gian tham hối lộ, nhiều thiên tai và hiện tượng Ninho, nhất là tại miền bắc. Dân chúng rất thất vọng và đau khổ. Nhưng họ tin nơi Chúa Giêsu và yêu mến tin tưởng Giáo Hội. Lý do vì Giáo Hội rất được người dân tin cậy, mặc dầu có các bần cùng, yếu đuối và lầm lỗi của mình. Perù đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế rất trầm trọng, nhưng cũng có cuộc khủng hoảng luân lý đạo đức nữa với sự thiếu vắng gia đình, nhiều bà mẹ bị bỏ rơi phải một mình nuôi dậy con cái. Tệ hại hơn nữa là có nhiều giới chức chính trị muốn bịt miệng Giáo Hội không cho lên tiếng về các vấn đề gia đình và giáo dục. Một vài ngươì còn cổ võ việc chấp nhận ý thức hệ giống và hôn nhân đồng phái. Hiện tượng các giáo phái lan tràn tại những nơi nơi không có sự hiện diện của Giáo Hội cũng gây âu lo. Ban đầu họ lôi cuốn dân chúng với các cử chỉ gần gũi yêu thương, nhưng sau đó là các phỉ báng giới lãnh đạo Giáo Hội công giáo và bài bác các ảnh tượng đạo.

Đôi khi chính giới truyền thông bội nhọ uy tín Giáo Hội bằng cách phóng đại tin tức, khơi lại các vết thương quá khứ liên quan tới vài gương mù gương xấu ấu dâm, tạo ra các tố cáo mới và các cuộc điều tra mới, làm cho Giáo Hội rất đau khổ. Cần hoạt động nhiều hơn để là các mục tử như lòng Chúa mong muốn. Nhưng các vụ lạm dụng tính dục trong lòng tổ chức “Liên đới của cuộc sống kitô” cũng là một cuộc thanh tẩy để Giáo Hội biết nhậy cảm hơn, chân thành hơn, gần gũi với những người cần được trợ giúp hơn, cũng như săn sóc các ơn gọi nhiều hơn.

** Thật thế vì Giáo Hội Perù đang đứng trước hiện tượng ơn gọi linh mục tu sĩ giảm sút rất nhiều. Cả khi Giáo Hội nỗ lực hoạt động trong các gia đình và trong các trường học, nhưng không có nhiều kết quả. Trong vùng của ĐC 70 trên 100 đứa trẻ không có gia đình, không có cuộc sống gia đình. Vì thế đây là một lãnh vực mục vụ khó khăn. ĐC nói: chúng tôi cần cầu xin Chúa soi sáng cho thấy đâu là đỉnh cao, cần làm việc ở chỗ nào để kiếm ra ơn gọi. Có lẽ ngày nay giới trẻ giòn mỏng hơn, có nhiều viễn tượng cho cuộc sống của họ hơn. Và gia đình cũng không trợ giúp họ trong nghĩa này. Riêng đối với giáo dân chúng tôi đang phải trả nợ vì khuynh hướng duy giáo sĩ của mình, vì đã độc quyền trong rất nhiều lãnh vực và sinh hoạt đáng lý ra là nhiệm vụ của giáo dân, và đã không biết huấn luyện và chuẩn bị giáo dân đảm trách các nhiệm vụ đó.

Trong bài phỏng vấn ĐC chủ tịch HĐGM Perù cũng đề cập tới các tai ương thiên nhiên như lũ lụt tại miền bắc Perù. Cho dù đã nhận được nhiều liên đới và trợ giúp trên bình diện quốc gia và quốc tế, nhưng cần phải săn sóc thiên nhiên nhiều hơn và liên đới vớc các anh chị em nghèo túng. Ngoài ra còn có vấn đề của vùng Amazzonia nơi có tới 60% đất đai của Perù. Sự kiện xa xôi cách trở, ít tài lực, dân chúng sống cô lập đã khiến cho Giáo Hội quay lưng lại với người dân trong vùng Amazzonia. Có 8 Giám Mục giám quản tông toà làm việc trong vùng đất rộng mênh mông này, là nơi có nhiều quặng mỏ và việc khai thác rất vô trật tự. Ngay từ đầu các Giám Mục đã lên tiếng và chính HĐGM cũng đã rất chú ý tới thực tại này và can thiệp để các anh chị em thổ dân không bị khai thác bóc lột bởi kỹ nghệ trồng cao su. Cả ngày nay nữa Giáo Hội vẫn kêu gọi tôn trọng thiên nhiên trong các vùng khai thác quặng mỏ, vì nó liên quan tới vấn đề môi sinh, xã hội, và sức khoẻ của dân chúng.

Sự kiện Perù gồm nhiều vùng khác nhau nên 45 giáo phận ở trong các vùng có các tiết nhịp sinh hoạt khác nhau. Tổng giáo phận Lima có hai giáo phận trực thuộc một cách Lima 5 giờ du hành, một cách Lima 16 giờ du hành. Một chương trình chung toàn quốc là điều khó thực hiện. Nhưng văn phòng tổng thư ký vẫn nỗ lực hoạt động với các uỷ ban và các cuộc họp định kỳ.

Linh Tiến Khải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét