Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

Hãy cầu nguyện


Xem những tin tức thời sự trên truyền hình, chúng ta thường thấy tại một số nước Âu, Mỹ, khi có những biến cố xảy ra như tai nạn, hỏa hoạn, khủng bố, bắt cóc, người dân thường diễn tả sự chia sẻ cảm thông qua những khẩu hiệu hoặc băng-rôn với dòng chữ: “Hãy cầu nguyện cho…- Pray for…”. Có thể nhiều người trong số này chưa có tâm tình cầu nguyện đích thực, nhưng một điều chắc chắn là, ngoài việc mong đợi những trợ giúp trần thế, họ tin vào ơn phù trợ của Đấng quyền năng cao cả là Thiên Chúa. Họ cũng xác tín rằng, nguồn trợ lực thiêng liêng rất cần thiết cho những nạn nhân và gia đình của họ. Lời cầu nguyện vừa nhằm mục đích đem lại sự nâng đỡ cho những người bị nạn, vừa giúp những người có liên quan bao dung quảng đại, tránh giải quyết xung đột bằng báo oán hận thù.

“Hãy cầu nguyện”, lời khuyên xem ra nhàm chán và vô nghĩa đối với một số người, nhưng lại vô cùng quan trọng với người tín hữu. Bởi lẽ cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn. Cầu nguyện giúp ta lắng đọng nội tâm, trở về với Chúa và với chính mình. Đã có biết bao châm ngôn về lời cầu nguyện. Những châm ngôn này là kết quả đúc kết từ cuộc sống thực tế, như những chứng từ hùng hồn về hiệu quả của lời cầu nguyện và về ơn phù trợ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn lắng nghe những tâm tư ước nguyện của con người. Ngài đồng hành với họ trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Lời cầu nguyện chứng tỏ ta tin vào sự hiện diện quan phòng đầy yêu thương ấy.

“Hãy cầu nguyện”, vì cầu nguyện làm nên ý nghĩa của đời sống Kitô hữu. Cầu nguyện là minh chứng của mối tương giao giữa ta với Chúa. Không cầu nguyện, mối tương giao ấy bị gián đoạn, và vì thế đời sống đức tin trở thành vô nghĩa. Đời sống tín hữu không cầu nguyện sẽ như một thứ hàng giả hiệu, chỉ có vỏ bọc bề ngoài mà không có chất lượng.

“Hãy cầu nguyện”, vì lời cầu nguyện soi sáng cho chúng ta cách đối nhân xử thế. Trước một tình huống cam go phức tạp, lời cầu nguyện sẽ giúp ta tìm được ơn khôn ngoan, sự sáng suốt và quân bình. Có những người vốn hiền lành, bỗng dưng trở thành sát nhân, chỉ vì một chút nông nổi vội vàng. Cầu nguyện đem lại cho chúng ta sự bình tâm, tự chủ, nhờ đó cách ứng xử của ta sẽ công minh và hiệu quả hơn.

“Hãy cầu nguyện” để đem lại thế quân bình trong cuộc sống. Cuộc sống hằng ngày cần có “tĩnh” và “động”. Hai trạng thái này cần phải được chú trọng ngang nhau. Những lúc “tĩnh”, chúng ta hồi tâm để tâm sự với Chúa, cảm ơn Ngài về những điều thiện hảo Ngài ban tặng. Đó cũng là lúc ta cảm nhận hạnh phúc đang có xung quanh, để trân trọng những giá trị của cuộc sống. Những ai chỉ có những hoạt động ồn ào bên ngoài, sẽ tạo nên hạnh phúc giả tạo nhất thời và chỉ chạy theo những giá trị chóng qua.

“Hãy cầu nguyện” để hàn gắn những rạn nứt và đổ vỡ trong mối tương giao bằng hữu và gia đình. Tâm lý tự nhiên làm cho con người dễ coi mình là trung tâm vũ trụ, độc đoán coi mình là chuẩn mực cho người khác. Được soi sáng bởi Lời Chúa, những phút giây chìm đắm trong suy tư cầu nguyện sẽ giúp chúng ta khiêm tốn hơn. Khiêm tốn để nhận ra điều tốt nơi những thành viên trong cùng một gia đình. Khiêm tốn cũng giúp chúng ta nhận ra những bất toàn trong cách ứng xử, để rồi chân thành hòa giải và nối lại mối thân tình với những người xung quanh.

“Hãy cầu nguyện” khi gặp niềm vui trong cuộc sống, để khẳng định rằng đó là những ơn huệ Chúa ban. Thông thường, người ta chạy đến với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh khi gặp gian nan. Ít có người nghĩ đến việc cảm tạ Chúa khi gặp những điều tốt lành. Câu chuyện mười người phong cùi trong Phúc âm đã phản ánh điều đó. Sau khi được chữa lành, chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa, còn chín người kia không trở lại (x. Lc 17,11-19). Tâm tình tạ ơn khi gặp điều tốt lành, vừa là bổn phận theo lẽ công bằng, vừa là lý do để chúng ta tiếp tục xin Chúa ban ơn trợ giúp.

“Hãy cầu nguyện” để bền chí trong lý tưởng. Kinh nghiệm cho thấy, một số linh mục hoặc tu sĩ bất trung với lý tưởng tu trì, đều khởi đi bằng lối sống coi nhẹ cầu nguyện, sao lãng đời sống thiêng liêng. Thật vậy, thiếu lời cầu nguyện, đời sống linh mục sẽ trở nên vô nghĩa. Họ sẽ bị cám dỗ so bì với những bậc sống ngoài đời, và cảm thấy theo Chúa gây nên những thiệt thòi, mất mát. Thiếu đời sống cầu nguyện, đời tu trở nên đơn điệu, nhàm chán nặng nề. Họ làm việc bổn phận như một cái máy, thiếu niềm vui và ngại dấn thân phục vụ. Lời cầu nguyện làm nên sự phong phú đời tu, đem lại cho tu sĩ niềm vui thiêng liêng, trung thành với lý tưởng.

“Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Lc 22,46). Chúa Giêsu đã dặn dò các môn đệ, vì Người biết rõ những khó khăn nguy hiểm đang rình rập xung quanh. Chính Chúa Giêsu cũng đã chịu cám dỗ trong hoang địa. Người đã dùng lời Chúa và tâm tình cầu nguyện để chiến thắng mưu thâm chước độc của ma quỷ. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa cũng đã phải trải qua thử thách đầu hàng và bỏ cuộc. Để vượt lên những thử thách đó, Chúa Giêsu đã đặt ý Chúa Cha như một mối ưu tiên hàng đầu. Người đã cầu nguyện “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Lời cầu nguyện đã ban cho Người sức mạnh để đi đến cùng của sứ mạng thiên sai.

Đâu là cách thức cầu nguyện đẹp lòng Chúa? Chính Chúa Thánh Thần là Đấng soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong nội dung và cách thức cầu nguyện (x. Rm 8,14-17). Lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa luôn phải là tâm tình ca tụng, tạ ơn trước hết, rồi xin ơn lành hồn xác. Lời cầu nguyện cũng phải hướng về tha nhân với tâm tình bác ái hiền hòa để cộng tác xây dựng Nước Chúa nơi trần gian.

Nhiều người viện cớ cuộc sống bận rộn không có thời gian cầu nguyện. Lý do là vì họ chưa có một khái niệm đầy đủ và chính xác về lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện là tâm tình của mỗi người chúng ta đối với Chúa. Vì thế, tâm tình này có thể được thực hiện bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào và hoàn cảnh nào. Chúa hiện diện mọi nơi. Ngài luôn lắng tai nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Cầu nguyện không chỉ dừng lại ở những công thức mà chúng ta quen gọi là các kinh đọc trong sách cầu nguyện, mà còn là những tâm tình tự phát bộc bạch nỗi niềm trước nhan Chúa, như tâm tình của người con, thỏ thẻ với cha mẹ những khi vui buồn.

“Hãy cầu nguyện”. Ước chi đó là tâm tình của mỗi chúng ta khi gặp gian nan trong cuộc đời. Đó là cách thức thể hiện niềm tin nơi Thượng Đế. Đó cũng là niềm ước mong thế giới này sẽ tốt đẹp và nhân ái hơn, bạo lực sẽ bị loại trừ và tình tương thân tương ái sẽ chan hòa cuộc sống.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét