Nhiều người nói rằng các tôn giáo ở Đông phương chú trọng đến tâm, còn Kitô giáo đặt nặng cái “trí”,với khá nhiều đạo lý và cơ chế. Nhận xét đó có đúng không?
Trong tác phẩm viết hồi đầu thế kỷ XX (The Mystical Element of Religion, London 1908), ông Friedrich Von Huegel nhận xét rằng tôn giáo nào cũng bao gồm ba chiều kích cốt yếu là: giáo lý, cơ chế và huyền bí. Ba chiều kích này tương ứng với ba quan năng của con người: lý trí (giáo lý), ký ức và giác quan (phụng tự cơ chế), ý chí và hành động (huyền nhiệm). Có thể mỗi tôn giáo đề cao đến một chiều kích này hơn hai chiều kích kia, nhưng điều lý tưởng là duy trì sự hài hoà giữa cả ba. Tôi không muốn so sánh Kitô giáo với các tôn giáo Đông phương để xem bên nào thiên về tâm bên nào thiên về trí, nhưng thiết tưởng tốt hơn là chúng ta hãy tìm hiểu vai trò của “tâm” trong Kitô giáo.
Kitô giáo là đạo của “tâm” bởi vì nhấn mạnh đến bác ái yêu thương, phải không?
Có lẽ do ảnh hưởng của văn hoá Tây phương, chúng ta coi trái tim như là biểu hiêụ của tình yêu. Nhưng trong nhiều nền văn hoá cổ điển, trái tim không phải là cơ quan tình yêu mà là của cái gì khác nữa. Chẳng hạn như trong tiếng Việt, người ta đặt tình yêu ở trong lòng chứ không ở trong tim (Yêu em, anh để trong lòng), từ đó mới có chuyện “đau lòng xót dạ”. Ngày nay chúng ta nói rằng khi hồi hộp thì tim đập thình thình; nhưng đó là ngôn ngữ của y khoa cận đại, còn ngôn ngữ bình dân nói “sốt ruột” (và đôi khi lây ra cả gan nữa). Trong văn hoá Do thái cũng vậy, biểu tượng của tình cảm là lòng dạ, ruột gan, chứ không phải là trái tim. Và chúng ta đừng nên quên rằng Kinh thánh được viết theo não trạng của người Do thái.
Đối với người Do thái, trái tim là biểu tượng của cái gì?
Cũng tương tự như trong văn hoá Đông phương, trái tim là biểu tượng cho phần chính yếu nhất trong con người, phần vừa sâu thẳm vừa riêng tư nhất trong con người. Chúng ta đừng quên các từ ngữ “trung tâm” hoặc “trọng tâm” được áp dụng không chỉ cho con người mà còn cho bất cứ thực thể nào khác. Trái tim tượng trưng cho phần cao quý nhất của con người, tức là ý chí tự do quyết định điều phải điều trái, cũng tựa như “lương tâm” trong từ ngữ Hán Việt. Tiếc rằng cái “tâm” có lúc “lương” mà cũng có lúc “bất lương”. Không lạ gì mà các ngôn sứ Cựu ước không ngừng kêu gọi con người hãy “thay đổi con tim”, nghĩa là biến đổi cái tâm “bất lương” để trở lại cái tâm “lương”. Những ai đọc Giờ Kinh phụng vụ đều quen thuộc với hai đoạn văn tiêu biểu của trào lưu đó. Đoạn văn thứ nhất là thánh vịnh 51 đọc vào Kinh Sáng các ngaỳ thứ 6, trong đó vịnh gia xin Chúa “tạo nên một trái tim trong sạch” (bản dịch thoát là “tấm lòng trong trắng”). Đoạn văn khác nữa là thánh thi trích từ chương 36 của ngôn sứ Êdêkiel (Kinh Sáng thứ 7 tuần IV), trong đó chính Chúa hứa sẽ thay “trái tim đá bằng trái tim thịt” (dịch thoát là “trái tim biết yêu thương”). Trong bối cảnh tương tự, ngôn sứ Giêrêmia (chương 31 câu 34) so sánh sự khác biệt giữa giao ước cũ và giao ước mới trong tương lai dưới hình ảnh luật “khắc trên đá” và luật “khắc trong tim”.
Luật khắc trong tim có nghĩa là gì?
Ông Giêrêmia đối chiếu hai cách thức giữ đạo: một cách thức giới hạn vào việc tuân hành các luật lệ được viết trên bia đá; ra như tất cả nghĩa vụ đối với Chúa chỉ gồm có bấy nhiêu thôi, và Chúa không được quyền đòi hỏi gì hơn nữa. Còn giao ước ghi trong tâm khảm thì khác: nó mang tính cách nội tại tự phát, quảng đại chứ không tính toán. Không lạ gì mà trong Phúc âm, nghĩa là hiến chương của giao ước mới, Chúa Giêsu nói nhiều đến con tim, nghĩa là đạo của con tim. Chúng ta chỉ cần mở Bài giảng trên núi ở đầu Phúc âm thánh Matthêu thì đủ rõ điều đó: “Phúc cho ai có con tim trong trắng vì họ sẽ được nhìn thấy Chúa” (Mt 5,8). Đối lại, khi một người đã có ý định xấu thì họ đã phạm tôị ngay từ trong con tim rồi chứ không phải chờ đến khi hành động (Mt 5,28). Trong bối cảnh đó, khi Chúa Giêsu khuyến khích thực hành các việc đạo đức (như là bố thí, cầu nguyện, ăn chay) cách kín đáo chứ đừng phô trương bởi vì Cha trên trời nhìn thấy nơi thâm sâu, thì không khó gì kết luận rằng Chúa đang nói về “đạo của tâm”. Việc giữ đạo cốt ở tâm chứ không phải là những tiếng trống kèn bên ngoài, như chính Chúa đã chỉ trích khi trích dẫn đoạn văn của Isaia: “Dân này chỉ thờ phượng ta bằng môi bằng miệng còn trái tim của chúng thì xa ta” (Mc 7,6; xc Is 29,13).
Như vậy, Kitô giáo lúc đầu là một đạo của tâm. Từ hồi nào chuyển sang đạo của trí?
Câu hỏi này khó trả lời cách vắn tắt. Theo như ông Von Huegel nhận xét, tôn giáo nào cũng có yếu tố tâm và yếu tố trí. Thay vì phân tích chính xác để xem Kitô giáo đặt nặng phần trí hay phần tâm, tôi xin lưu ý rằng trong suốt dòng lịch sử, yếu tố tâm không hề bị bỏ rơi. Dĩ nhiên, nếu hiểu tâm như là biểu hiệu của tình yêu thì khỏi cần phải dài dòng, bởi vì yêu thương là giới răn cốt tuỷ của Kitô giáo. Ở đây chúng ta muốn hiểu tâm theo nghĩa là biểu tượng của nội tâm, cái gì sâu đậm nhất trong con người. Ý nghĩa này không hề vắng bóng trong suốt lịch sử thần học tâm linh Kitô giáo, bên Đông phương cũng như bên Tây phương. Vị giáo phụ điển hình nhất bên Tây phương là thánh Augustinô. Tuy ngài viết rất nhiều tác phẩm để giải thích đạo lý Kitô giáo (như vậy xem ra chú trọng đến trí nhiều hơn), nhưng ngài cũng nổi tiếng vì con đường “tâm” khi bàn về sự kết hiệp với Thiên Chúa. Chỉ cần nhắc lại hai câu tuyên bố bất hủ của Ngài thì đủ rõ. Thứ nhất là lời than thở mở đầu cho cuốn sách “Tự thuật” (hay “Tuyên xưng”): “Lạy Chúa, Chúa đã dựng chúng con cho Chúa, và trái tim của chúng con luôn khắc khỏai bao lâu chưa được nghỉ yên trong Chúa” (lib. I, c.1). Mở đầu cho cuốn 10, tác giả cũng khuyên hãy quay về với nội tâm để biết Chúa, chứ đừng chạy tìm đâu xa. Tư tưởng này sẽ gợi hứng cho nhiều tác giả huyền bí (tựa như thánh Catarina Siena) nói đến việc tạo ra một “căn phòng nội tâm” để gặp gỡ Thiên Chúa.
Tiếc rằng bên Tây phương, vào thời Trung cổ, từ “con tim” dần dần trở thành biểu tượng của tình cảm chứ không mang nghĩa của Kinh thánh, vì thế ít được nói đến, xét vì không ai muốn giới hạn việc giữ đạo vào lãnh vực tình cảm ướt át. Tuy nhiên, chúng ta lại gặp thấy một hạn từ mới ở nơi các tác giả mệnh danh là “trường phái sông Rhin”, đó là “cái đáy của linh hồn”. Các tác giả (tựa như Eckhart và Tauler) mời gọi các thính giả hãy trở về với cái đáy của linh hồn, nơi đó họ sẽ gặp Thiên Chúa. Từ ngữ “cái đáy của linh hồn” giả thiết là linh hồn gồm có nhiều tầng nhiều bậc. Thường thì chúng ta chỉ sống ở mặt bằng, nghĩa là các giác quan hướng ngoaị. Đi xuống các tầng hầm sâu hơn có nghĩa là sống có suy xét đắn đo; tuy vẫn còn dựa theo các tiêu chuẩn tự nhiên. Cần phải xuống tận đáy của linh hồn, nghĩa là lột bỏ hết tất cả ý nghĩ ham muốn xoay quanh cái bản ngã, để hoàn toàn thuận theo ý Chúa. Đây là một hành trình xem ra tương phản: ta càng xuống sâu bao nhiêu thì càng vươn cao bấy nhiêu.
Có phải các trường phái tâm linh của các Giáo hội Đông phương chú trọng đến con tim nhiều hơn là bên Tây phương không?
Đúng thế. Tuy nhiên cũng cần phải ghi chú vài điều. Các trường phái tâm linh bên các Giáo hội Đông phương phát triển nơi các đan sĩ hơn là các đại học, vì thế không lạ gì mà họ chú trọng đến việc kết hiệp với Thiên Chúa hơn là tranh luận đạo lý. Dù vậy, học thuyết tâm linh của họ không chỉ dựa vào Sách thánh, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của vài triết thuyết (chẳng hạn như tân Platon và Stoa). Dù sao, có lẽ hai đề tài nổi bật nơi các trường phái tâm linh bên các Giáo hội Đông phương là “con tim trong trắng”, và “lời nguyện của con tim”.
Con tim trong trắng có nghĩa là gì?
Hạn từ này lấy từ Phúc âm theo thánh Matthêu chương 5 câu 8: “Phúc cho ai có con tim trong trắng, vì sẽ được nhìn thấy Chúa”. Tất cả hành trình tâm linh nhằm tạo ra con tim trong trắng ngõ hầu có thể chiêm ngắm Chúa. Các sư phụ vạch ra nhiều đường hướng để đạt tới trình độ đó, khởi đầu bằng việc chiến đấu chống lại những tư tưởng xấu, được Evagriô Ponticô tóm lại vào số 8, đó là: tham ăn, tham dục, tham tiền, buồn phiền, nóng giận, lãnh đạm, ham danh, kiêu ngạo. Dĩ nhiên, con số tội danh không quan trọng cho bằng lý do của cuộc thanh luyện. Thực vậy nếu Phúc âm nói đến “trái tim trong sạch” thì đồng thời cũng cho biết rằng một nết xấu đều bắt nguồn từ con tim: con tim ô uế làm cho ta ô uế (Mt 15,19). Hơn thế nữa, sự thanh luyện không chỉ nhắm đến thanh luyện con tim khỏi vướng mắc tội lỗi mà còn chế ngự mọi xung động, ngõ hầu đạt đến sự an bình.
Lời nguyện con tim là gì?
Bên Tây phương, người ta thường đối chiếu giữa tâm nguyện và khẩu nguyện: cầu nguyện bằng lời và cầu nguyện trong tâm tình. Bên Đông phương, “lời nguyện con tim” mang một nghĩa chuyên môn. Có khi được hiểu là kinh nguyện hướng lên Chúa Giêsu: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con”, lời nguyện được lặp đi lặp lại cả trăm lần, để cho nó đi từ miệng và thấm nhập đến tận con tim. Lời nguyện con tim cũng được hiểu như là lời nguyện tập trung vào điểm chính yếu của người Kitô hữu, đó là lòng tin kính và yêu mến Chúa Giêsu. Ngoài ra, lời nguyện của con tim cũng ám chỉ tình trạng của con người đã đạt đến trạng thái cầu nguyện liên lỉ: con tim của họ luôn luôn hướng về Chúa, dù thức hay ngủ. Con tim là biểu tượng của toàn thể con người.
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, op.
(Bản web độc quyền cho daminhvn.net, trích dẫn xin ghi rõ nguồn.)
114.864864865135.13513513525
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét