Trong kho tàng văn chương bình dân, ca dao tục ngữ là những câu nói dân gian mang nhiều ý nghĩa. Trong những câu nói ngắn gọn ấy chuyên chở mọi khía cạnh cuộc đời và nhiều đề tài. Một trong những câu nói nổi bật mang ý nghĩa tâm lý và giáo dục, đó là câu: “Dạy con từ thưở còn thơ”.
Nói là ông cha mình không biết gì về tâm lý, nhất là tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục thì là một nhận xét thiển cận và có tính cách xúc phạm. Chỉ cần đào sâu vào ý nghĩa của câu nói trên đủ thấy cái thâm thúy tiềm ẩn trong cả hai khía cạnh vừa lý thuyết lẫn thực hành về giáo dục. Những nhà khảo cứu về tâm lý, nhất là tâm lý phát triển và giáo dục ngày nay cũng đã khám phá ra rằng, thời gian tốt nhất để uốn nắn, giáo dục một đứa trẻ là lúc em lên 3 tuổi. Hai chữ “còn thơ” của câu ca dao diễn tả đầy đủ về thời kỳ phát triển tâm sinh lý của một em bé. Câu ca dao này còn mang cùng ý nghĩa với một câu ca dao khác: “Con lên ba cả nhà tập nói”. Hội nhập vào thế giới chung quanh, phát triển cung cách suy nghĩ, kinh nghiệm tư riêng để hình thành cho mình một nhân cách của một em bé sau này bắt đầu từ những giao tiếp và trao đổi bằng ngôn ngữ.
Như vậy đủ để hiểu rằng việc giáo dục, uốn nắn thành công một em bé không thể chần chừ, hoặc phó mặc cho thời gian. Càng không nên trao phó công việc quan trọng này cho nhà trường, cho bạn bè, cho xã hội. Giáo dục con cái phải bắt đầu từ chính cha mẹ, và khởi sự ngay từ trong gia đình. Ai cũng biết gia đình là một học đường tốt nhất cho con cái. Và bậc thầy đáng kính nhất, ảnh hưởng nhất cho nền giáo dục nhân bản khởi đi từ gia đình là cha mẹ, là anh chị em với nhau dưới cùng một mái nhà.
Nêu lên vấn đề giáo dục tuổi thơ là có ý giúp trả lời phần nào những câu hỏi mà người viết vẫn thường được hỏi và được nghe đặt vấn đề trong các buổi khải đạo, các lần thuyết trình và hội thảo. Trong những lúc như thế, những câu hỏi thường là được nêu lên trong một hoàn cảnh rất thương tâm, dĩ nhiên có pha nhiều nước mắt. Đại loại như:
-Thưa tiến sĩ, con tôi năm nay cháu 15 tuổi và bắt đầu có bạn gái. Cháu thường xuyên trốn học, giao du với bạn bè. Lãng phí học hành và tỏ ra rất ương ngạnh. Tôi đã khóc với nó nhiều lần, nhưng nó không hề thay đổi. Trái lại càng ngày nó càng tỏ ra coi thường lời khuyên răn của chúng tôi, khiến vợ chồng tôi nhiều lần phải cãi vã, to tiếng với nó.
-Thưa ông, con gái tôi năm nay 17 tuổi, đang trong những năm cuối của trung học. Gần đây tôi biết nó quen thân với một con bạn cùng trường. Chúng nó tỏ ra săn sóc cho nhau, âu yếm nhau như cặp bồ vậy khiến tôi thấy không ổn. Đã có lần nó nói với tôi là nó không thích con trai, không muốn lấy chồng mà chỉ muốn sống chung với bạn gái của nó. Vợ chồng chúng tôi đã mất ăn, mất ngủ với nó suốt nhiều tháng nay.
-Thưa giáo sư, con gái em năm nay 19 tuổi, nó thường xuyên giao du với bạn bè và bỏ học mặc dù nó vẫn nói với em là nó đang theo học tại một đại học. Trong cách ăn mặc, đầu tóc của nó em thấy không giống ai. Nó đi sớm, về khuya. Mỗi lần hỏi nó học ở đâu và theo phân khoa nào, chừng nào ra trường thì nó bẳn gắt và nói em xen vào đời tư của nó. Nó nói nếu không cho nó tiền ăn học, thì đừng hỏi nó về chuyện học hành. Nếu cứ tiếp tục hỏi, nó buộc phải dọn ra khỏi nhà. Ở nhà bị bố mẹ theo dõi kỹ làm mất tự do.
-Thưa tiến sĩ, con trai tôi năm nay 29 tuổi và có những thái độ tỏ ra thiếu trưởng thành. Nó hành động rất khác người, nói năng tục tằn, cử chỉ nóng nảy, thô lỗ, bạo tợn. Không được ý nó là nó làm ầm lên, gây náo loạn cả nhà, nhiều lần còn muốn gây sự cả với tôi là bố nó. Tôi rất bực mình về nó. Nó dường như mang tâm sự gì đó nhưng vợ chồng chúng tôi không làm sao để hiểu được nó vì nó rất kín miệng. Nhiều lúc chúng tôi nói với nhau nếu nó lấy vợ may ra sẽ thay đổi tâm tính, nhưng cả đến chuyện vợ chồng cũng bị nó từ chối.
Những câu hỏi như vậy hay tương tự có lẽ phần lớn phụ huynh chúng ta thường nghe, hoặc chính mình là nạn nhân. Và câu trả lời tìm được ở đâu? Ở nhà trường và các cố vấn nhà trường? Ở những nhà tâm lý hoặc văn phòng tâm lý? Ở bạn bè? Ở các người cao niên trong gia đình? Ở các vị lãnh đạo tinh thần? Hay ở nơi chính cha mẹ. Câu trả lời đúng nhất và thực tế nhất là “cha mẹ”.
Nghe vậy, có nhiều phụ huynh sẽ phản đối và cho rằng việc giáo dục một đứa trẻ không nhất thiết qui trách nhiệm cho cha mẹ. Họ cho rằng cha mẹ đầu tắt mặt tối không đủ thời giờ sống cho mình, việc dậy dỗ một đứa trẻ, nhất là một đứa trẻ hư hỏng, bướng bỉnh lại đòi hỏi nhiều yếu tố, nhiều thời gian, nhiều khả năng, mà nhiều khi kết quả chỉ là vô vọng! Và họ đổ lỗi cho trời, “cha mẹ sinh con, trời sinh tính.” Lý luận của họ là tôi sinh con tôi, tôi đâu có sinh ra cái tính nóng nảy, thô lỗ, lười biếng, lêu lổng, và cái trí khôn dốt nát, chậm chạp kia. Cái đó là do trời.
Đối với những phụ huynh này thì con cái quả là gánh nặng, là một cái gì gây đau khổ, phiền phức mà tốt hơn là chúng không nên có mặt trên cõi đời này. Nhất là không nên xuất hiện trong gia đình của họ. Những cha mẹ này cùng đồng quan điểm với một số cha mẹ đã được hỏi ý kiến, và cho rằng sinh con cái đối với họ là một nhầm lẫn, một trách nhiệm nặng nề. Chúng làm gián đoạn và chia sẻ thời giờ vợ chồng dành cho nhau. Tạo thêm gánh nặng về tài chánh. Khiến họ nhiều lúc phải chịu đựng, mỏi mệt, chán nản quá mức.
Nhưng ngược lại thì phần đông cha mẹ vẫn hạnh phúc và sung sướng vì đã sinh ra được những đứa con trên đời. Con cái đối với họ là một hồng ân Thượng Đế ban cho. Sinh con cũng không quá tốn kém như người ta nghĩ. “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Con cái chính là nguồn vui của cha mẹ, của gia đình: “Căn nhà thiếu tiếng cười của trẻ thơ sẽ là một căn nhà vắng lạnh!”. Sẽ là niềm an ủi cho cha mẹ khi về già, ngay cả lúc cha mẹ già sống trong các viện dưỡng lão. Ngoài ra, trong vai trò làm cha mẹ cũng giúp họ sống trưởng thành và có trách nhiệm hơn.
Nếu cha mẹ biết gánh lấy gánh nặng của con cái khi còn trẻ, tức là biết hy sinh dành thời giờ cho con, gần gũi để hiểu và uốn nắn con, thì chính là đã nâng đỡ gánh nặng của con cái khi chúng bước vào đời, khi chúng phải đối diện với những thử thách và trách nhiệm cuộc đời.
Trở lại câu hỏi phải giáo dục con cái lúc nào? Chắc chắn không thể chờ khi con cái lớn lên, bước vào tuổi vị thành niên, thành niên hay đã trưởng thành rồi mới lo giáo dục, dậy dỗ: “Bé không vin, cả gẫy cành”. Tuổi 15, 17, 19, 29 không còn thích hợp cho việc giáo dục, hoặc nếu đề cập đến giáo dục thì cha mẹ phải nhìn giáo dục bằng một góc độ, bằng một lăng kính khác. Lúc đó giáo dục không còn là dậy dỗ, uốn nắn nhưng là hướng dẫn. Những quan niệm về giáo dục, dậy dỗ của phụ huynh nếu đem áp dụng thì chỉ thành công ở tuổi mới lớn, tức tuổi lên năm, lên ba. Đợi khi các em đã bắt đầu xây dựng cho mình một nhân sinh quan, một quan niệm, một lối sống thí dụ ở tuổi 15 thì việc dậy dỗ đương nhiên gặp khó khăn. Bởi vì ở tuổi này một em bé vị thành niên đã có tầm hiểu biết và phán đoán như một người đã lớn.
Do đó việc cha mẹ, phụ huynh quan tâm đến con em mình thì thời điểm bắt đầu và tốt nhất vẫn là tuổi thơ. Tuy nhiên, giáo dục ở đây không thể hiểu là một công việc chẳng đặng đừng, một cái gì làm cho qua lệ. Nó đòi hỏi cha mẹ phải đầu tư tâm sức, tiền bạc, và cả thời giờ riêng tư của mình cho tương lai con cái. Thống kê cho biết thông thường cha mẹ chỉ dành được 10 phút mỗi ngày cho con cái. Rất tiếc trong 10 phút ấy lại là những giây phút dư thừa, hoặc những giây phút căng thẳng, tranh cãi giữa cha mẹ và con cái. 28% các em khi được hỏi muốn gì nơi cha mẹ, thì các em trả lời là muốn cha mẹ ở bên, muốn có cha mẹ. Câu chuyện có thật của một em bé 8 tuổi sau đây rất đáng các bậc phụ huynh phải quan tâm, suy nghĩ:
-Thưa cha, con muốn chết!
Thấy một em bé dễ thương trong tuổi hồn nhiên như vậy lại muốn chết, vị linh mục đã hỏi em:
-Tại sao con muốn chết?”
Và em đã trả lời trong nước mắt:
-Con sống làm gì ở trên đời này để gây thêm gánh nặng và phiền phức cho cha mẹ con. Họ đâu có muốn sự có mặt của con. Con nghe được họ nói trong lúc cãi vã là “con chỉ là một lầm lỡ, một tính toán sai lầm của họ”. Và họ luôn coi con là một gánh nặng.
Đã có bao nhiêu phụ huynh lúc này đang buồn bã và chán nản vì “cái nhầm lỡ” của mình trong tình cảm vợ chồng? Hoặc có bao nhiêu cái nhầm lỡ còn đáng ghê gớm hơn khi cha mẹ cứ nghĩ rằng mình sinh con ra, cho con ăn no, mặc đẹp, và đi học là xong bổn phận. Ngoài ra thì họ không cần biết con họ đang lớn lên như thế nào, đang bị những áp lực nào từ phía bạn bè, học đường, và xã hội. Đặc biệt, họ lại làm gương xấu cho con cái bằng chính cuộc sống của họ: Tham lam, gian dối, lừa đảo, mánh mung, ham hố danh vọng, ham hố chức quyền, phản bội tình cảm của nhau, phản bội tình yêu của nhau, và bằng sự biếng nhác đối với trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha và làm mẹ.
“Dậy con từ thuở còn thơ”. Đây là một bài học chính và bước khởi đầu căn bản của chương trình giáo dục con cái. Nó phải bắt đầu từ chính trong gia đình, và được hướng dẫn bởi cha mẹ. Những câu hỏi khác liên quan đến giáo dục sau này khi con cái gặp những vấn đề đều là những câu hỏi muộn màng, và những câu trả lời thường là đắng đót, và có kết quả ngoài ý muốn.
Trần Mỹ Duyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét