Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Trại Taize Đông Á tạo cơ hội đối thoại và cầu nguyện

Trại Taize Đông Á tạo cơ hội đối thoại và cầu nguyện thumbnail
Một tham dự viên Hàn Quốc hát tiếng Quan Thoại 
trong buổi cầu nguyện Taize Đông Á tổ chức hôm 10-14/8.
Ảnh: ucanews.com

Trên 200 Kitô hữu ở Đông Á tham dự chương trình cầu nguyện Taize vì hòa bình ở Hồng Kông, và thảo luận những quan ngại cá nhân về những căng thẳng chính trị trong khu vực.

Thầy Han Yol cho biết có nhiều người trẻ tham dự chương trình “Hành Hương Tín Thác và Hòa Giải” trên đảo Cheung Chau đã làm thiện nguyện viên tại Cộng đoàn Taize ở Pháp.

Nhiều người gặp khó khăn về văn hóa trong môi trường châu Âu, Thầy Han cho biết và nói thêm một môi trường châu Á đối với nhiều người thì dễ dàng hơn cho họ để trải qua.

“‘Văn hóa cầm đũa’ tạo thuận lợi hơn cho các tham dự viên Đông Á trao đổi và tự làm quen với nhau”, Thầy nói. “Thật khó cho người châu Á tham dự các giờ cầu nguyện tương tự ở châu Âu”.

Hồng Kông cũng là địa phương thuận tiện cho tham dự viên đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Macao, Hàn Quốc và Đài Loan, Thầy Han nói.

Một trong những tham dự viên Nhật Bản là Inoue Yuriko cho biết chị đã tham dự các buổi cầu nguyện ở châu Âu trước đây rồi.

Yuriko nói rằng chị cảm thấy như người ngoài cuộc tại các buổi cầu nguyện ở châu Âu nhưng cảm thấy gần gũi hơn khi tham dự buổi cầu nguyện ở Đông Á lần đầu tiên này.

“Không có nhiều người Kitô hữu ở Nhật Bản”, chị nói. “Các buổi cầu nguyện quy mô nhỏ ở Đông Á không làm cho tôi cảm thấy như một nhóm thiểu số. Không như các buổi cầu nguyện ở châu Âu, nơi người ta ăn uống riêng rẽ, chúng ta ăn với nhau theo kiểu châu Á và có cơ hội nói chuyện với ai đó mà mình không biết”.

Thảo luận vấn đề chính trị

Ngoài chuyện ăn uống chung với nhau, tham dự viên còn thích thú thảo luận giải quyết những căng thẳng chính trị trong vùng giữa Trung Quốc và Nhật Bản về tranh chấp chủ quyền các đảo và cũng giữa Trung Quốc và Đài Loan về vấn đề “một nước Trung Quốc”.

Trong khi Thầy Han nói rằng cộng đoàn Taize tụ họp “không phải là nơi thảo luận chính trị” và mọi người “đã cầu nguyện trong bầu khí yêu thương và hiệp nhất” thì một số tham dự viên cho biết họ đã thảo luận các vấn đề xã hội và chính trị riêng rẽ trong các giờ ăn cơm.

“Người ta cũng nói về các vấn đề xã hội tại các buổi cầu nguyện ở châu Âu nhưng đó toàn là những vấn đề châu Âu”, Yuriko nói. “Tại buổi cầu nguyện ở Đông Á này, các vấn đề chúng tôi nói tới gần gũi với chúng tôi hơn và liên quan đời sống chúng tôi hơn. Điều đó cho chúng tôi cơ hội phản ánh cách thức trở thành sứ giả hòa bình ở Đông Á”.

Một phụ nữ Công giáo ở Trung Quốc đại lục yêu cầu không nêu tên cho biết chị đã thảo luận tình hình chính trị Trung Quốc-Đài Loan với các tham dự viên Đài Loan trong các giờ ăn chung vì chị nghĩ nó dễ dàng hơn để nói chuyện trong môi trường toàn là Kitô hữu.

“Ở Trung Quốc, tôi không dám nói về chính trị vì tôi không biết người ta sẽ phản ứng thế nào với quan điểm chính trị của tôi”, chị nói.

Trình diễn văn hóa

Ngoài các giờ cầu nguyện, ca hát và im lặng trong các buổi cầu nguyện theo phong cách Taize, các tham dự viên còn trình diễn văn hóa giới thiệu đất nước và khu vực của mình. Cũng có hội thảo về vẽ tranh nghệ thuật thánh và làm lồng đèn giấy Nhật Bản.

Chương trình cầu nguyện Taize Đông Á lần trước được tổ chức năm 2013 ở Daejeon, Hàn Quốc.

Chương trình cầu nguyện hôm 10-14/8 là lần đầu tiên Hồng Kông đăng cai tổ chức mặc dù đã tổ chức một chương trình nhỏ không chính thức cho 50 tham dự viên năm 2015.

“Đây là một bước ngoặt cho phong trào đại kết ở địa phương vì 60 Kitô hữu ở địa phương, hầu hết là mới được rửa tội thuộc các giáo phái khác nhau, đã đến tham dự với chúng tôi vào ngày cuối cùng”, điều phối viên chương trình James Kwok cho biết.

Cộng đoàn Taize là một tu hội phái tu viện đại kết ở Taize, Saone-et-Loire, Burgundy, Pháp, do Thầy Roger Louis Schutz khởi xướng năm 1940. Cộng đoàn được hình thành như một dấu chỉ hòa giải giữa các Kitô hữu bị chia rẽ và để thúc đẩy đại kết.

Ngày nay, cộng đoàn có hàng trăm thầy dòng gồm cả Công giáo và Tin Lành, từ khoảng 30 quốc gia.

Cộng đoàn đưa ra chủ đề Can Đảm Thương Xót cho năm 2016 giống với tinh thần của Năm Lòng Thương Xót do Đức Thánh cha Phanxicô khởi xướng. “Vui vẻ, giản dị và thương xót” sẽ là ba chủ đề hướng dẫn thêm cho cộng đoàn xuyên suốt tới năm 2018.

Phóng viên ucanews.com từ Hồng Kông
Nguồn: http://vietnam.ucanews.com/2016/08/17/trai-taize-dong-a-tao-co-hoi-doi-thoai-va-cau-nguyen/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét