Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Giáo dân cộng tác với giáo sĩ một cách tích cực và đắc lực



Đầu tháng bảy 2011, đi Houston, Texas thăm bà con, tôi được gặp một bạn học cũ là Gs Lê Đức Thông, chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, nhiều năm qua, ở Giáo Xứ Đức Mẹ Lộ Đức. Mới đây, đầu tháng 06-2016 vừa qua, có việc gia đình phải về Việt Nam, tôi được dịp nói truyện nhiều với một số bạn bè đã hoặc đang làm việc trong ba bốn giáo xứ ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, đặc biệt là Gs Vũ Kim Kỳ, nhiều năm chánh trương Giáo xứ Thượng Thanh. Và trong những ngày tháng 07-2016, trở về Paris, tôi được dịp gặp lại nhiều vị trong HĐMV Giáo Xứ Việt Nam Paris, đặc biệt là Ds Trần Thị Kim Chi, đương kim chủ tịch HĐMV. 

Chúng tôi đã có dịp nói chuyện nhiều với nhau. Câu chuyện xoay quanh nhiều vấn đề của cuộc sống, nhưng đặc biệt đã hào hứng đi vào đề tài sinh hoạt xứ đạo và việc cộng tác tích cực và đắc lực của giáo dân với giáo sĩ. 

Câu chuyện, qua những kinh nghiệm đã thực hiện, cũng làm chúng tôi ý thức về những công việc mà đa sồ các giáo dân đã thực hiện hầu có thể cộng tác tích cực và đắc lực với các giáo sĩ linh mục. Cách làm việc này chung quy thâu về 5 nguyên tắc và 6 công việc thường ngày sau đây. 

A Năm nguyên tắc chỉ đường giáo dân cộng tác với giáo sĩ linh mục cha sở

A1. Không bao giờ lấn quyền hoặc lấy quyết định thay giáo sĩ linh mục

Một trong những sai lầm mà một số giáo dân mắc phải là đặt điều kiện với các giáo sĩ linh mục, khi các ngài nhờ họ một việc gì. Thâm chí có khi họ còn quyết định thay cho linh mục và hầu như ra lệnh cho các ngài phải làm những điều họ đã quyết định

« Con sẵn sàng giúp cha tổ chức tiệc tân niên, với điều kiện là cha phải sắm bàn ghế mới ». « Nhà thờ mình cũ quá, phải chỉnh trang lại, con đã nhờ chị Tý làm họa đồ ». « Con đã thông báo với anh em rồi, Chúa Nhật tới xin cha đến họp với chúng con ». Đó là ba lời tiêu biểu, đôi khi rất dịu dàng, như « xin », nhưng có nghĩa đặt điều kiện, lấn quyền hay thay quyền giáo sĩ linh mục, mà một giáo dân chính danh không bao giờ nên nói với linh mục chính xứ của mình. Đó cũng là những lời mà chẳng bao giờ một nhân viên dám nói với chủ mình ở công sở hay xí nghiệp; vì chắc chắn sẽ bị coi là lấn quyền và hầu chắc sẽ bị khiển trách hay sa thải. 

Khốn thay, từ vài năm nay, cụ thể là từ đầu năm 2010, không chỉ ở cấp giáo xứ, mà ngay cả ở cấp giáo phận, thậm chí ngay cả ở cấp Giáo Hội Việt Nam, nhiều phản ứng của giáo dân và ngay cả của một vài giáo sĩ đã rõ rệt lấn quyền hoặc thay quyền của giám mục hay của Hội Đồng Giám Mục.

Vậy, công việc thứ nhất mà mọi giáo dân cần ghi nhớ là, ở bất cứ cương vị nào, ngay cả chủ tịch hay thành viên trong Ban Thường Vụ của HĐMV, họ chỉ là những cộng tác viên của cha sở, hoặc trực tiếp với ngài, hoặc gián tiếp qua các cha phó khác; và chỉ có quyền tư vấn và thừa hành mà thôi: Tự sắc ''Hội thánh'' (Ecclesiae sanctae) (1966) của đức Phaolô VI đã xác định: HĐMV chỉ hưởng quyền tư vấn thôi'' (Consilium pastorale voce conultiova tantum gaudet, ES 16). Giáo Luật mới (1983) khi nói về HĐMV cấp giáo phận (cc511-514) và cấp giáo xứ (c 536) cũng quy định: ''HĐMV chỉ hưởng quyền đầu phiếu tư vấn thôi'' (Consilium volo gaudet tantum sonsultivo c.514.1 và 536.2).

A2. Không bao giờ âm mưu, đồng lõa chống giáo sĩ linh mục

Trong những giáo xứ có cha phó, đôi khi xẩy ra sự kiện cha chánh cha phó, bất đồng ý kiến, hay trầm trọng hơn là chống đối nhau. Hay xẩy ra nhất là khi các cha xấp xỉ tuổi nhau, mà tính tình lại khác nhau, thành dễ thiếu tôn kính nhau. Các cha có tinh xảo đến mấy, thì nếu có khinh thường nhau, bất đồng hay chống đối nhau, giáo dân cũng rất tinh nhanh. Nhiều cha ngỡ rằng có thể che dấu sự khinh thường, bất đồng hay chống đối của mình. Các cha lầm. Giáo dân họ thấy, nhưng không nói ra thôi. Đôi khi có giáo xứ, cha chính, hay cha phó còn kéo giáo dân theo bè mình, chống đối người kia, thậm chí còn xui họ tố cáo người kia với giám mục. Đôi khi, có những giáo dân sa bẫy, đồng lõa chống đối linh mục kia.

Thực ra, quan niệm truyền thống Việt Nam luôn coi linh mục, người được Chúa gọi và chọn, được phong chức thánh, là phụ mẫu của giáo dân. Cũng như trong một gia đình, con cái đâu có quyền được chọn cha mẹ. Cũng vậy, trong một giáo xứ, có bao giờ giáo dân được chọn cha sở, hay cha phó đâu. Chúa cho cha mẹ nào, linh mục nào thì mình nhận cha mẹ hoặc linh mục nấy. Mà cha mẹ, hay cha sở hoặc cha phó, thì mỗi người mỗi tính. Người thì dịu hiền, kẻ thì nóng nảy. Người thì nhịn nhục, chấp nhận, kẻ lại gắt gỏng, chửi bới. Người thì rộng lượng, bao dung, kẻ lại hẹp hòi, chấp vặt. Người thì thông minh, nhìn xa, kẻ lại đoản trí, nhìn gần,… 

Chuyện của cha mẹ, để cha mẹ khắc xử lấy. Con cái chẳng nên xen vào, nhất là tránh vào hùa, bênh người này, chê người kia. Chuyện của cha chánh, cha phó cũng vậy. Nếu các ngài có chuyện với nhau, thì cứ để các ngài tự lãnh trách nhiệm, tự xử với nhau. Giáo dân tuyệt đối không xen vào, càng không nên vào hùa, đồng lõa với cha này để chê trách, tố cáo, loại trừ, làm hại cha kia. 

Khốn thay, cũng từ NĂM THÁNH 2010, có giáo dân, thậm chí có cả giáo sỹ đã vào hùa với nhau để chống đối, phê bình, tố cáo các giáo sĩ khác, thậm chí tố cáo, vu oan cho cả các giám mục trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Làm như vậy, họ đã phá hoại và chia rẽ Giáo Hội. Việc làm này thật không phải đạo. 

Vậy, công việc thứ hai mà mọi giáo dân cần ghi nhớ là phải tôn trọng chức thánh của linh mục, mà chẳng bao giờ chống đối, chỉ trích, vu oan cho các giáo sĩ linh mục hay giám mục, nhưng nên để các ngài lãnh trách nhiệm tự xử lấy. Cha mẹ hoặc linh mục tài giỏi, tốt lành thì mình được nhờ; Thản hoặc Chúa gửi cho mình cha mẹ hoặc tu sĩ, linh mục hay giám mục, không được như vậy, thì cũng an phận theo thánh ý Ngài.

A3. Cộng tác để đặt dự án, thành thật trao đổi mọi tin tức « theo sự thật và trong tình bác ái » (Ep, 4, 15).

"Cha sở là chủ chăn riêng của giáo xứ đã được giao phó, và thi hành việc săn sóc mục vụ của cộng đoàn được ủy thác dưới quyền của Giám Mục giáo phận, vì được gọi thông phần với Giám Mục vào tác vụ của Đức Kitô, ngõ hầu chu tất nhiệm vụ giảng dậy, thánh hóa và quản trị đối với cộng đoàn ấy, với sự cộng tác của các Linh mục khác hoặc với các Phó tế và cả sự hợp lực của các giáo dân, theo qui tắc luật định. ". (Can.519). 

Trong công việc quản trị, giỏi hay dở là tùy khả năng biết nhìn. Biết nhìn, trước nhất là biết nhìn về quá khứ để thấy ra cái sai lầm, khuyết điểm, hay tầm thường hầu sửa đổi, cải tiến; cái thiếu chưa làm hầu làm cho đủ đã vậy; Mà còn là biết nhìn hiện tại để chọn được công việc có thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà thực hiện, hầu thâu được nhiều kết quả hữu hiệu hơn; Và nhất là biết nhìn xa về tương lai, hầu tiên liệu những thay đổi của môi trường, thời thế, hầu chuẩn bị thích nghi, tránh được lỗi thời, thoát được lạc lõng. 

Các nhạc trưởng, không phải ai cũng giỏi vĩ cầm. Các chủ xí nghiệp, không phải ai cũng giỏi quản trị nhân viên. Cũng vậy, các linh mục, không phải ai cũng giỏi tiên liệu, nhìn xa, biết rộng. Khi các ngài cần và hỏi mình, thì giáo dân, nếu có khả năng, nên cộng tác với các ngài: giúp các ngài nhận xét và phân tích quá khứ cũng như hiện tại, hầu suy xét tiên đoán tương lai, để đưa ra được những dự án thích hợp cho giáo xứ. 

Giá trị của một dự án tùy thuộc vào giá trị chính xác, khách quan và hiện hành của tin tức. Bởi vậy, điều quan trọng là người giáo dân cộng sự viên phải có can đảm trao đổi mọi tin tức mình biết cho giáo sĩ của mình, ngay cả và nhất là những tin tức bất lợi. Phải dám chân thành nói sự thật. « Sống theo sự thật và trong tình bác ái » (Ep, 4,15). Đó là nguyên tắc căn bản của Công Giáo, mà các tín hữu phải áp dụng trong mọi trường hợp, nhất là với chủ chăn của mình.

Chỉ xin nhớ rằng mình là giáo dân, chẳng bao giờ nên đặt điều kiện, lấn quyền hay quyết định thay linh mục giáo sĩ của mình, cha chính hay cha phó. Mình chỉ có thể gợi ý để các ngài suy nghĩ; hoặc trả lời, phân tích, khi các ngài hỏi.

A4. Tôn trọng những quyết định của linh mục và cá tính của ngài

Trong mọi công viêc quản trị, và hẳn nhiên là quản trị mục vụ, việc lấy quyết định là quan trọng hơn cả. Lấy quyết định là hành động đặc trưng của người quản trị. Ai có trách nhiệm thì người đó phải lấy quyết định. Những cộng tác viên có thể hỗ trợ tìm tin tức, giúp phương tiện, nhưng không bao giờ lấy quyết định thay cho người có trách nhiệm quản trị. Ngược lại, tôn trọng mọi quyết định của người trách nhiệm. Và nhất là tôn trọng cá tính của họ. Người trách nhiệm, họ có cái nhìn tổng thể của họ, có cái nhìn vấn đề của họ. Linh mục là người trách nhiệm giáo xứ và đoàn chiên. Giáo dân chỉ là cộng tác viên. 

Nhà lý thuyết quản trị tâm lý Rensis LIKERT đã quan sát các nhà quản trị và đặc biệt cách họ lấy quyết định. Ông nhận thấy có 4 loại lấy quyết định, mà ông gọi là hệ thống quản trị: độc đoán, phụ quyền, tham khảo và tham dự. Các cách quản trị thường thay đổi tùy theo cá tính của mỗi người.

Những vị độc đoán thường chỉ tin vào mình mà chẳng tin vào ai. Họ tự ý lấy quyết định, chẳng cần hỏi ai. Họ ra lệnh và dùng kỷ luật bắt nhân viên theo. Trước những quyết định kiểu độc tài này, thường hay có một sự chống đối ngầm. Muốn hay không muốn, giáo dân chỉ có một đường hoặc theo, hoăc bỏ. Nhưng người giáo dân tích cực thì bền chí, biết cách gợi ý một cách khôn khéo, như kể những chuyện, hoặc cho những thông tin liên hệ đến những quyết định cùng loại. Người trách nhiệm có thể thay đổi quyết định, khi họ có thông tin chắc chắn hoặc mẫu chuyện đáng tin.

Những vị quyết định kiểu phụ quyền hoặc tham khảo, thì có theo ý các cộng sự viên nhiều hơn. Nhưng trách nhiệm của các cộng sự viên cũng tăng hơn và do đó họ phải trau dồi khả năng nhiều hơn. 

Những vị quyết định kiểu đòi các cộng tác viên tham dự một cách tích cực để lấy quyết định là những vị có lòng tin tưởng vào các cộng sự viên. Đây là trường hợp tốt để các giáo dân cộng tác viên biểu lộ khả năng của mình, hầu giúp các linh mục lấy được những quyết định khả thi và khả hiệu. Thường thường trong trường hợp này, các giáo dân cộng tác viên rất tích cực và đắc lực. Những linh mục biết quyết định theo kiểu tham dự này đôi khi bị những giáo dân xấu miệng chê là « nhu nhược, bất quyết ». Thực ra đôi khi cũng có những vị như vậy. Nhưng cũng có những vị ý thức và rõ rệt muốn dùng kiểu quyết định này. Ý thức hay không ý thức thì những linh mục biết quyết định kiểu tham dự thường sẽ là những vị đạt được nhiều thành công trong việc quản trị giáo xứ. Lý do đon giản, vì các ngài biết kính trọng các giáo dân cộng sự viên, tin tưởng vào họ, biết để họ thi thố tài năng. Đo đó họ làm việc hết mình, rộng lượng đóng góp mọi cái họ có cho công việc chung. Và danh thơm của linh mục đồn ra, nhiều giáo dân khác cũng có thể cộng tác dễ dàng hơn. Một linh mục có giáo dân là có tất cả. Một linh mục thiếu giáo dân là thiếu hết.

A5. Luôn luôn liên đới bảo vệ giáo sĩ linh mục

Các giáo sĩ ở Việt Nam, từ năm khởi đầu 1533 cho đến hôm nay, 2011, luôn luôn được tôn kính, nhưng hầu như liên tục, bất cứ lúc nào cũng bị nhiều khó khăn; từ ghen tỵ, chỉ trích, chê bai, diễu cợt, vu oan; qua đấu tố, chèn ép, bách hại; đến tù đầy, đánh đập, giết hại. Cái đó đến từ bên ngoài, do những kẻ ghen ghét, chống đối đã vậy; Mà đôi khi cả từ bên trong nữa, từ trong giáo xứ, từ trong Giáo Hội.

Cha Gioan Huệ và cha Bênêdicttô Hiền là hai giáo sĩ linh mục đầu tiên của Việt Nam được Đức Cha Lambert de La Motte phong chức ngày 08/06/1668 tại Ayuthia, Thái Lan. Cha Gioan Huệ đã nhiều lần bị một số người, vì không được chọn làm linh mục, ganh tỵ. Họ quậy phá: có lần họ tràn vào nhà thờ thóa mạ, chê bai cha, lần khác cướp dựt đồ lễ của cha, đánh gẫy tay cha; thậm chí cái chết của cha có nhiều dấu vết rất đáng nghi rằng cha đã bị đầu độc. 

Năm 1671, trong chuyến kinh lý Đàng Trong lần I, Đức Cha Lambert de la Motte, một trong hai giám mục đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam, đã bị quan trấn Nhà Rù đầu độc, theo lời xúi dục của một người (mà theo mạch văn chắc hẳn là cha Acosta).

May thay, hầu như luôn luôn các ngài, tu sĩ linh mục cũng như giám mục, đã được các giáo dân che chở, bao bọc và bảo vệ. Trong một giáo xứ người ta ước lượng rằng đại đa số các giáo dân quí mến và bảo vệ các giáo sĩ linh mục. Thói quen này lộ rõ và ăn sâu vào tâm khảm giáo dân việt nam từ thời cấm đạo.

Sự bảo vệ có thể là tiếp đón trong cuộc sống thường ngày, đáp lời mời để tham dự mọi công việc cần thiết.

Sự bảo vệ còn có thể là canh phòng, giúp đỡ, để giáo sĩ tránh khỏi bị ức hiếp, khỏi bị hành hung,…

Sụ bảo vệ cũng có thể là che dấu, tìm chỗ cho ẩn thân, để khỏi bị truy nã, bắt bớ.

Sự bảo vệ còn có thể là ngăn cản kẻ thù, giúp đỡ giải quyết và chữa trị thương tích, bù đắp thiệt hại, giải oan hay minh oan khi bị vu khống.

Vậy, nguyên tắc thứ 5 mà mọi giáo dân cần ghi nhớ và phải luôn luôn làm trong bất cứ hoàn cảnh nào là « luôn luôn liên đới bảo vệ linh mục ».

B. Sáu công việc thường ngày mà giáo dân làm hầu cộng tác với giáo sĩ

B1. Cùng nhau thiết kế tiến trình

Thiết kế tiến trình là suy nghĩ để phân chia công việc theo tiến trình kỹ thuật và kinh tế để ấn định được những việc làm phải thực hiện, phân chia được những giai đoạn phải làm, xác định được những phương tiện, vật liệu và nhân sự phải dùng đến, tính toán được chi phí phải tiêu, ước lượng được tài lực có thể có, tiên liệu được những rủi ro và khó khăn có thể gặp và những giải quyết có thể phải xử dụng,…

Hai cách thiết kế tiến trình đang được áp dụng nhiều trong các lãnh vực quản trị là biểu đồ GANTT (dùng biểu đồ để phác ra theo thời gian kế tiếp nhau, những giai đoạn, những công việc và những nguồn lực của dự án) và đồ hình PERT (Đồ hình xếp đặt theo thứ tự hệ thống các công việc tùy thuộc lẫn lộn vào nhau và đi theo thứ tự thời gian để hoàn thành một công việc)

Ở giáo xứ, thường thường cách thiết kế tiến trình được thực hiện một cách đơn giản. Hoặc bằng một sổ những công việc theo thứ tự nội tại của công việc; Hoặc làm một lịch ghi những giai đoan công việc phải làm theo thứ tự nội tại và nối tiếp theo thời gian. Điều cốt yếu là không quên những việc chính yếu và không lẫn lộn thứ tự.

B2. Hỗ trợ tìm phương tiện tài chánh, nhân sự và vật liệu, dụng cụ

Trong đồ hình tiến trình đã được thiết kế, thường thường người ta đã biết phải làm gì, làm với vật liệu nào, dụng cụ nào và phương tiện nào, cũng như ai làm và làm với ai. Người ta cũng có thể ước lượng được số tiến cần phải chi để có được những phương tiện nhân sự, vật dụng và phương pháp. 

Vấn đề đặt ra là giáo xứ không luôn luôn có sẵn những phương tiện ấy. Cho nên việc quan trọng là phải kiếm ra. Nhân sự, có thể hô hào trong giáo xứ, để tìm người tình nguyện hay chấp nhận tham gia công việc. Nhưng cũng phải ngồi lại để xét xem ai có thể giúp, giúp việc gì và giúp bao nhiêu ngày. Rồi những phương tiện khác, cũng cần phải ngồi lại để xét xem cần dụng cụ gì, vật liệu gì, phương pháp gì ? Mua ở đâu ? Chi phí bao nhiêu ? Sau nữa việc quan trọng mà không dễ làm: làm sao kiếm tiền: Tổ chức hội chợ ? Tiệc thân hữu ? Quyên góp ? Bổ nhân danh ?

Mỗi giáo xứ có một hoàn cảnh đặc biệt, một thói quen đặc biệt, một văn hóa đặc biệt. Dẫu sao, những việc này, mình cha xứ không thể làm xuể hết được. Do đó, cha xứ chắc chắn sẽ cần đến các giáo dân cộng tác viên. 

Trong một lớp học, chỉ cần vài ba yếu tố phá quấy là cả lớp thành bất trị; Ngược lại chỉ cần vài ba yếu tố tích cực là lớp học thành chăm chỉ và tiến bộ rất nhanh. Ở Giáo xứ, hay trong bất cứ hội đoàn nào cũng vậy. Nếu có được một vài thành phần tích cực làm nòng cốt, thì các công việc sẽ dễ dàng tiến triển, thành đạt. Cái khó của cha xứ là tìm ra được những thành phần nòng cốt này. 

Cụ thể, không mấy khi giáo xứ có thời giờ để nhận định, phân tích, đặt kế hoạch trước, rồi mới làm sau. Nhưng thường là vừa làm, vừa nhận định, phân tích; vừa làm, vừa lên kế hoạch; vừa làm, vừa tìm phương tiện, nhân sự, vật liệu, tài chính.

B3. Cùng nhau tiên liệu những khó khăn và nguy hiểm, hầu đồng tâm vượt thoát và tích cực đối phó

Trong cuộc sống, những khó khăn và nguy hiểm không thể tránh được. Vấn đề là phải biết tiên liệu và phòng ngừa. Trong bất cứ một đơn vị quản trị nào, ở công sở, xí nghiệp, giáo xứ, hội đoàn, hai khó khăn và nguy hiểm chính vẫn là những vấn đề liên hệ đến nhân sự và tài chính. Đang làm việc mà nhân viên, hoặc vì chán nản, hoặc vì bất bình, hoặc vì những lý do cá nhân khác, bỏ đi, thì làm sao công việc tiến tới tốt đẹp được ? Công việc đã bắt đầu, nhất là những công việc vật chất như xây dựng hay sửa sang nhà cửa, mà không còn tiền để tiếp tục, thì đành phải bỏ dở,… nhiều khi đi đến chỗ bỏ luôn,… thà rằng đừng bắt đầu còn hơn. Tiên liệu việc khả thi, quan trọng nhất là tiên liệu khả năng tài chính. 

Có tài giỏi mấy, thì cũng khó mà tiên liệu hết được những khó khăn, nguy hiểm. Và khi khó khăn xẩy ra, nhất là ngoài sự tiên liệu, thì sinh ra bỡ ngỡ, có thể gây hoảng hốt. Dự án xây cất một nhà thờ đã được chuẩn bị kỹ, đã thiết kế họa đồ, đã nghiên cứu kỹ việc khả thi kỹ thuật và kinh tế, đã phổ biến cho cả giáo xứ, đã thâu nhận mọi góp ý thuận nghịch, đã được đại hội hàng xứ quyết định thực hiện, đã có phép của tòa giám mục, đã được giám mục đến làm lễ đặt viên đá đầu tiên,… Mấy tháng sau, một thư của một nhóm giáo dân đòi phải làm trưng cầu dân ý lại ! Phải xử làm sao ? Đối phó thế nào ? Cha sở quá ngạc nhiên, thành rối trí. Vài ba nhân viên HĐMV hoảng hốt. Nhưng rồi Ơn Thánh Thần cũng đã đến. Một cuộc trao đổi giữa vài nhân viên nòng cốt đã tìm ra kế hoạch đối phó. Một thư trả lời đã được soạn chung, cắt nghĩa tiến trình đã thực hiện, có sự quyết định của đại hội hàng xứ, sự chấp thuận của giám mục, sự đặt viên đá của giám mục,…do cha sở ký, gửi cho từng người trong nhóm giáo dân ký tên đòi trưng cầu dân ý lại,… Nhiều người trong nhóm này xin rút tên !

Tiên liệu những khó khăn và nguy hiểm, quan trọng nhất là tiên liệu những khó khăn và nguy hiểm về nhân sự và tài chính.

B4. Sẵn sàng thực hiện công việc 

Sự thực hiện công việc là nhiệm vụ chung của mọi giáo dân trong giáo xứ, nhưng tùy theo tập tục của từng giáo xứ. Nơi thì bổ nhiệm cho các đơn vị mục vụ. Nơi lại dựa vào tình nguyện. Thực hiện cách nào mặc lòng, thì sự hiện diện của Ban Thường Vụ, của HĐMV, nghĩa là của những người nòng cốt, cũng, nhiều ít, cần thiết.

B5. Khôn khéo kiểm soát kết quả để duy trì và tu bổ công việc hay chuyển sang việc mới

Có hai loại kiểm soát. Một là kiểm soát giai đoan, để coi xem tất cả những việc cần thiết đã làm xong chưa, trước khi quyết định đi sang giai đoạn sau. Hai là kiểm soát toàn diện công việc, khi đã làm xong, để phần thì rút ưu khuyết điểm, phần thì cám ơn những người đã cộng tác, và phần thì gợi ra công việc tiếp theo: hoặc là cần sửa lại một vài khía cạnh, hoặc chuyển sang chương trình mới.

B6. Giúp làm một số công việc chuyên môn

Các nghị phụ Công Đồng Vatican đã nói rõ trong Hiến chế Lumen Gentium rằng « Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân » (LG, 31). Bởi vậy « dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế,với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế,họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ » (Ibid.). Đó là sứ mệnh riêng của giáo dân với Giáo Hội trong trần thế.

Còn đối với giáo sĩ, giáo dân nên mang kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp trần thế mình có mà giúp các ngài giải quyết và thực hiện những công việc một cách tốt đẹp hơn, nhất là những kinh nghiệm chuyên môn nghề nghiệp mà ít vị trong các ngài có thể có, như các lãnh vực thủ tục hành chánh, quản trị tài chánh và cơ sở.

LỜI KẾT

Trao đổi với nhau về những kinh nghiệm làm việc trong giáo xứ để cộng tác tích cực và hiệu lực với giáo sĩ, tất cả chúng tôi, Gs Lê Đức Thông, Gs Vũ Kim Kỳ, các bạn khác và tôi, đều đã đi đến năm tôn chỉ vắn tắt sau đây: 

• Giáo dân tôn kính chức thánh và quyền lãnh đạo của giáo sĩ, 

• Tôn trọng các quyết định của ngài mà tích cực thực hiện, 

• Chấp nhận cá tính của ngài mà cộng tác chân tình, 

• Thành thực và kín đáo trao đổi các tin tức và cộng tác trong mọi công việc, 

• Trung tín bảo vệ và liên đới che chở trong mọi khó khăn. 

Chúng tôi đã rất vui mừng biết rằng nói ra được những điều trên đây là vì chúng tôi đã được học hỏi những điều đã được các nghị phụ Công Đồng Vatican II nêu ra trong Hiến Chế Lumen Gentium, đặc biệt là hai số 32 và 37 về « Địa vị của giáo dân trong lòng Dân Thiên Chúa » và về « Tương quan của giáo dân với hàng giáo phẩm », đặc biệt là hai câu sau đây: 

« Trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không còn có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam nữ, bởi lẽ "không còn là người Do Thái hoặc Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì anh em hết thảy đều là một trong Chúa Giêsu Kitô » (Gal 3,38, bản Hy Lạp; x. Col 3,11).

« Sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân và chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn. Phần các chủ chăn, nhờ sự trợ lực kinh nghiệm của giáo dân, các ngài có thể phán đoán minh bạch và đúng đắn hơn về những vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế; như vậy, toàn thể Giáo Hội được vững mạnh nhờ tất cả mọi chi thể, sẽ chu toàn hữu hiệu hơn sứ mệnh mình đối với sự sống của thế gian ».

Nhưng chúng tôi cũng ý thức rằng có những giáo dân dửng dưng và có những giáo dân chống đối giáo sĩ. Đó là một thực tại của Giáo Hội trần thế.

Paris, Chúa Nhật 24 tháng 07 năm 2011

Cập nhật ngày Chúa Nhật 24 tháng 07 năm 2016

Trần Văn Cảnh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/188233.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét