Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc và sự hiệp thông với Toà Thánh


Trong những tháng gần đây, báo chí Công giáo nói đến viễn tượng về một thỏa thuận có thể đạt được giữa Toà Thánh Rôma và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục. Có thể nói một trong những người am hiểu tình hình hơn cả là Đức hồng y Gioan Thang Hán, giám mục Hồng Kông. Vì thế bài viết của ngài mới đây về Sự hiệp thông của Giáo hội tại Trung Quốc với Giáo hội phổ quát (31-7-2016) được nhiều người quan tâm. Dựa vào bài viết của ngài, có thể ghi nhận những nét chính yếu trong tiến trình đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc, cũng như học hỏi kinh nghiệm giải quyết những khó khăn trong đời sống Giáo hội.

Theo Đức hồng y Gioan Thang Hán, từ khi đạo Công giáo có mặt tại Trung Quốc, Giáo hội vẫn luôn giữ mối hiệp thông chặt chẽ với Toà Thánh Rôma vì Giáo hội là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu xuất hiện từ năm 1949 khi Đảng Cộng sản thiết lập một Trung Quốc mới. Năm 1951, chính quyền ra lệnh trục xuất Sứ thần Toà Thánh, Đức Tổng giám mục Antonio Riberi. Từ đó, mối hiệp thông hữu hình giữa Giáo hội Trung Quốc và Toà Thánh trở nên khó khăn, cho dù sự hiệp thông thiêng liêng vẫn luôn tồn tại. Trong bối cảnh đó, việc bổ nhiệm giám mục là vấn nạn hết sức gai góc, cũng vì thế xuất hiện hai loại hình: Giáo hội ‘công khai’ và Giáo Hội ‘hầm trú’, Giáo hội mở và Giáo hội chui.

Theo quan điểm của Giáo hội Công giáo, việc Đức giáo hoàng bổ nhiệm giám mục là việc nội bộ của Giáo hội và hoàn toàn mang tính thiêng liêng, không liên quan gì đến chính trị: “Sứ vụ theo giáo luật của các giám mục có thể được thực thi, hoặc theo tập tục hợp pháp mà quyền tối thượng và phổ quát của Giáo hội vẫn còn chấp nhận, hoặc theo các luật lệ được thẩm quyền ấy ban hành hay thừa nhận, hoặc trực tiếp do chính Đấng kế vị Thánh Phêrô; nhưng nếu Đức giáo hoàng phản đối hoặc không thừa nhận sự hiệp thông tông truyền nơi giám mục nào, thì vị đó không được đảm nhận trách vụ” (Hiến chế tín lý về Giáo Hội, 24). Điều chính yếu ở đây không phải là vấn đề quyền lực nhưng là sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội phổ quát, như Đức Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh trong Thư gửi tín hữu Trung Quốc năm 2007: “Sự hiệp thông của tất cả các Giáo hội địa phương trong Giáo hội Công giáo duy nhất, và do đó sự hiệp thông phẩm trật giữa các giám mục là những người kế vị các Tông đồ, với Đấng kế vị Thánh Phêrô, là sự đảm bảo cho tính duy nhất của đức tin và đời sống mọi người Công giáo. Chính vì thế, để giữ gìn sự duy nhất của Giáo hội nơi các dân tộc, điều hết sức cần thiết là tất cả các giám mục phải hiệp thông với các giám mục khác, và tất cả phải hiệp thông với Đức giáo hoàng cách hữu hình và cụ thể”. Đương nhiên những nguyên tắc này cũng phải được tôn trọng tại Trung Quốc, thế nhưng trong suốt 60 năm qua, chính quyền Trung Quốc không hiểu như thế, luôn cho rằng Toà Thánh can thiệp vào nội bộ Trung Quốc, do đó gây nhiều khó khăn cho Toà Thánh trong việc bổ nhiệm giám mục và sự hiệp thông trong Giáo hội bị tổn thương trầm trọng.

Cũng vì thế, trong đời sống Giáo hội tại Trung Quốc mới xuất hiện những vấn đề không nơi nào có. Một vài giám mục “do áp lực trong một vài hoàn cảnh đặc thù đã được phong chức giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức giáo hoàng, nhưng sau đó đã xin được hiệp thông với Đấng kế vị Thánh Phêrô và các anh em trong hàng giám mục”, và đã được Đức giáo hoàng chấp nhận. Một vài vị khác đã được phong chức giám mục mà không có phép của Đức giáo hoàng và cũng không xin, hoặc đã xin nhưng chưa được Đức giáo hoàng chấp nhận, những vị này “được phong chức thành sự nhưng không hợp pháp”. Một vài vị khác thuộc Giáo hội hầm trú đã được phong chức thành sự và hợp pháp nhưng chính quyền lại không nhìn nhận và vì thế, không thể thi hành tác vụ giám mục.

Trước tình hình khó khăn và phức tạp này, Toà Thánh đã chọn con đường đối thoại với nhà cầm quyền Trung Quốc, với hi vọng từng bước tháo gỡ những khó khăn và trở ngại. Thật vậy, khi Giáo hội loan báo Tin Mừng tại một đất nước nào, Giáo hội luôn tôn trọng con người và nền văn hóa tại đó. Điều đáng tiếc là trong lịch sử, hoặc do cách hành xử của nhà truyền giáo hoặc vì họ bị hiểu lầm, mong ước này đã không được thực hiện. Từ đó, đạo Công giáo bị coi như sản phẩm ngoại lai và đe dọa căn tính của một dân tộc. Cách thức tốt nhất để thoát ra khỏi sự hiểu lầm và nghi kỵ này là con đường đối thoại, cuộc đối thoại trong khiêm tốn, kiên trì và nhẫn nại. Chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong cuộc đối thoại này. Trong suốt lịch sử cứu độ, không bao giờ Ngài dùng bạo lực để áp đặt kế hoạch của Ngài đối với nhân loại, nhưng luôn kiên nhẫn giải thích và đề nghị con đường hoà giải qua các tiên tri và đỉnh cao là qua chính Con Một của Ngài, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Giáo hội ngày nay tiếp tục đi con đường đối thoại đó, cụ thể tại Trung Quốc, qua đó Toà Thánh hi vọng sẽ chỉ cho mọi người thấy Giáo hội Công giáo tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, cũng như quyền bính và trách nhiệm hợp pháp của nhà cầm quyền, đồng thời bảo vệ quyền tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp Trung Quốc.

Theo Đức hồng y Gioan Thang Hán, “cuộc đối thoại kéo dài nhiều thập niên giữa Toà Thánh và Bắc Kinh cũng bày tỏ những đặc tính: nhã nhặn, khiêm tốn, chân thành, kiên nhẫn. Sự thỏa thuận, hiểu như bước đầu tiên giữa Toà Thánh và Bắc Kinh, chính là hoa trái của cuộc đối thoại này. Đó là bước chuyển từ chỗ không hiểu biết và không tin tưởng đến chỗ hiểu biết và tin tưởng. Đó là tình trạng cả hai bên cùng có lợi, vì bạn bè hỗ trợ nhau và làm cho nhau thêm phong phú”. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với Toà Thánh trong nỗ lực đối thoại này, do đó có một số vấn nạn cần làm sáng tỏ.

Trước hết, hướng đến thỏa thuận giữa Toà Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, mục tiêu đặt ra là phải gìn giữ và phát huy sự hiệp nhất trong Giáo hội cũng như quyền chính đáng của Đức giáo hoàng trong việc bổ nhiệm giám mục, đồng thời làm sao để việc bổ nhiệm này không bị nhìn như cách Toà Thánh can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Mục tiêu chính là như thế, còn trong thực tế, phải tùy hoàn cảnh để áp dụng, chẳng hạn điều được gọi là “mô hình Việt Nam” trong việc bổ nhiệm giám mục cũng là cách áp dụng vào hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

Kế đến, câu hỏi được một số người đặt ra là tại sao Toà Thánh cứ nhấn mạnh đến đối thoại mà không chất vấn Trung Quốc về những vi phạm nhân quyền? Một số người cho rằng Toà Thánh đã không công khai phê phán những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc cũng như không cố gắng tác động lên chính sách của Trung Quốc để phục vụ người dân. Theo họ, vì mục tiêu nhắm tới, xem ra Toà Thánh đã bỏ quên một số giá trị mà Toà Thánh thường đề cao. Đức hồng y Gioan Thang Hán cho rằng những phê phán này không chính đáng và ngài nhắc lại giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI trong Thư gửi tín hữu Trung Quốc năm 2007: “Chắc chắn Giáo hội quan tâm đến công bằng xã hội và sẽ không ngừng phấn đấu cho công bằng xã hội, nhưng Giáo hội không nên lẫn lộn nhiệm vụ và quyền hạn của mình với nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền. Sứ vụ của Giáo hội Công giáo không phải là thay đổi cơ chế hoặc việc điều hành của các dân tộc. Giáo hội không thể và không nên can thiệp vào những cuộc đấu tranh chính trị. Đúng hơn, Giáo hội nên thực hiện những mục tiêu cao hơn qua suy tư của lý trí và khơi dậy năng lực thiêng liêng. Không bỏ quên những nguyên tắc của mình, Giáo hội nên giải quyết các vấn đề qua việc đối thoại với nhà cầm quyền hợp pháp chứ không qua sự đối đầu liên lỉ”.

Vậy, số phận của Giáo hội hầm trú thì sao? Một số người lo ngại rằng trong cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Trung Quốc, số phận của Giáo hội hầm trú sẽ bị hi sinh, các giám mục hầm trú đang bị tù tội sẽ bị lãng quên. Đức hồng y Gioan Thang Hán cho rằng những lo ngại này không có cơ sở. Khi thương thuyết với Bắc Kinh, Rôma luôn tìm cách bảo vệ quyền bính hợp pháp của các giám mục thuộc Giáo hội hầm trú, và đề nghị chính quyền nhìn nhận các ngài. Sự hi sinh và đau khổ của các ngài được mọi người trong Giáo hội trân trọng, và qua con đường đối thoại, Toà Thánh tìm cách giải quyết những khó khăn để Giáo hội hầm trú có thể sớm được thực hành đức tin tôn giáo cách công khai, dưới sự bảo trợ của luật pháp.

Cuối cùng, cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc đóng vai trò gì? Hiện nay tại Trung Quốc, không có Hội đồng Giám mục được Toà Thánh công nhận, bởi lẽ cái gọi là Hội đồng Giám mục Trung Quốc hiện nay “không bao gồm những giám mục ‘hầm trú’, tức là những vị không được chính quyền nhìn nhận nhưng lại hiệp thông với Đức giáo hoàng; đàng khác lại bao gồm những giám mục vẫn còn bất hợp pháp và bị điều hành bởi những quy chế có những yếu tố không phù hợp với đạo lý Công giáo”. Do đó, Hội đồng Giám mục Trung Quốc trong tương lai phải bao gồm tất cả các giám mục hợp pháp thuộc Giáo hội ‘công khai’ cũng như ‘hầm trú’.

“Con đường ngàn dặm bắt đầu bằng bước đi đầu tiên”, Lão Tử viết như thế. Những khó khăn tích tụ trong nhiều thập kỷ không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Điều quan trọng là đã có bước đi đầu tiên, mở ra cho một hành trình hi vọng như Đức hồng y Gioan Thang Hán ghi nhận: “Nhiều anh chị em thuộc Giáo hội hầm trú cũng ủng hộ cuộc đối thoại giữa Toà Thánh và Bắc kinh… Họ tin rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc có thể mang lại những điều tốt lành cho nhân dân Trung Quốc chứ không chỉ cho người Công giáo… Dân Chúa tại Trung Quốc sẽ được tự do hơn trong việc thực hành đức tin… Do đó, chúng ta hãy bước theo Đức giáo hoàng và tin tưởng vào bất cứ quyết định nào của ngài về mối quan hệ với Trung Quốc”.

10/8/2016

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/giao-hoi-cong-giao-tai-trung-quoc-va-su-hiep-thong-voi-toa-thanh/8121.57.7.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét