Có thể nói không quá đáng rằng thế kỉ XX đã tự loại trừ nền đạo đức tính dục Kitô giáo. Thế kỉ XXI, nếu muốn xây dựng cuộc sống có văn hóa người ta cần phải nhìn nhận lại nền đạo đức tính dục này. Thế nhưng, cách tiếp cận cũ sẽ không thuyết phục được con người thế kỉ này. Chúng ta cần một lối nhìn thần học mới mẻ hay một suy tư theo cách thế mới, để lí giải đạo đức tính dục của Giáo hội.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong triều Giáo hoàng của ngài đã có 129 bài nói chuyện giáo lí ngày thứ tư hàng tuần từ tháng 9/1979 đến tháng 11/1984 về tính dục-tình yêu-hôn nhân-gia đình, tất cả đã tổng hợp nên thành một thứ thần học mới về thân xác. Có người đã nói Đức Gioan-Phaolô II là nhà cách mạng tính dục làm đảo lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, đổi hướng quy nó về Nguồn và Cùng Đích của nó.
Đức Giáo hoàng nói: “Thân xác và chỉ có thân xác mà thôi mới có thể làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới này mầu nhiệm vô hình ẩn giấu nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, và như thế nó trở thành một dấu chỉ của thực tại vô hình kia” (20.2.1980). Điều đó có nghĩa là gì? Chúng ta, những kẻ mang xác phàm tội lụy này làm sao có thể thấy được Thiên Chúa vốn thuần linh? Thế nhưng Thiên Chúa đã muốn làm cho Mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St 1,27). Nhiệm vụ của hình ảnh này là phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là “sự Hiệp Thông thần linh khôn dò của các Ngôi Vị...” (14.11.1979). Bởi thế, Đức Giáo hoàng mới kết luận rằng “con người trở thành “hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu”. Và ngài còn nói thêm: “Ngay từ “thuở ban đầu” Thiên Chúa đã tuôn đổ phúc lành của phong nhiêu gắn liền với sự sinh sản, trên tất cả những điều đó (x. St 1,28)”.
Thân xác có “ý nghĩa hợp hôn” bởi lẽ nó mạc khải ơn gọi của người đàn ông và người đàn bà trở nên tặng phẩm cho nhau, một tặng phẩm được thực hiện trọn vẹn trong sự kết hợp nên “một xương một thịt”. Thân xác cũng có ý nghĩa sinh sản bởi có thể cho chào đời một “kẻ thứ ba” nhờ mối thông hiệp ấy. Theo nghĩa đó, hôn nhân là một “bí tích nguyên thủy” hiểu như là một dấu chỉ thông ban thực sự mầu nhiệm sự sống và tình yêu của Ba ngôi Thiên Chúa cho người chồng và người vợ, và qua họ cho con cái, và qua gia đình họ cho thế giới.
Linh đạo của hôn nhân hệ tại ở điều này, đó là tham dự vào đời sống và tình yêu của Thiên Chúa và từ đó chia sẻ cho thế giới. Ơn gọi này thật cao trọng nhưng không ở cao siêu trên chín tầng trời mà phải chạm thấy được. Vì Tình yêu Thiên Chúa là để cho vợ chồng, cho gia đình sống và cảm nhận trong chính cuộc sống hằng ngày bằng cách sống sao cho phù hợp với toàn thể sự thật của thân xác.
Xin giới thiệu quyển sách “Thần học về Thân xác” của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II mới được chuyển ngữ toàn bộ sang tiếng Việt do linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, STD, cựu sinh viên học viện Giáo hoàng về Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình Gioan Phaolô II.
Sách dày hơn 900 trang, khổ 13 x 20cm, giá bìa: 140.000 đồng.
Địa chỉ liên hệ: Văn phòng Hội đồng Giám mục
72/12 Trần Quốc Toản Q3 Tp.HCM
Email: vptk.hdgm@gmail.com
Cell: 090 632 5382
Tel.: 08 3820 5242
Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn: http://hdgmvietnam.org/gioi-thieu-sach-%E2%80%9Cthan-hoc-ve-than-xac%E2%80%9D-cua-thanh-giao-hoang-gioan-phaolo-ii/8124.55.4.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét