Nếu như Đức Giáo Hoàng Piô X đã gọi Thánh nhạc là “nữ tỳ” của Phụng vụ (hiểu theo nghĩa không có Thánh nhạc, phụng vụ vẫn đầy đủ, trọn vẹn), thì trong Thông điệp Meditator Dei, Đức Piô XII đã coi Thánh nhạc như là thành phần cần thiết của phụng vụ.[1] Dẫu sao, Thánh nhạc vẫn phải làm tròn chức phận kép của mình là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các tín hữu.[2] Huấn thị De Musica in Sacra Liturgia số 4a định nghĩa: “Thánh nhạc là loại âm nhạc được sáng tác cho việc cử hành phụng vụ, gồm được tính thánh thiện (sanctitas) và hình thức tốt đẹp (bonitas formae).” Thà rằng một Thánh Lễ không có thánh nhạc (do cực chẳng đã) còn hơn bị cái-tưởng-là-thánh-nhạc làm chia trí. Bài viết này bàn sơ lược về đặc tính nghệ thuật và thánh thiện của thánh nhạc ngang qua các yếu tố thuộc về tác phẩm và trình diễn; quý độc giả quan tâm có thể tìm hiểu sâu xa hơn ở các tài liệu kham khảo được đề cập cuối bài.
Ca từ
Ca từ trong thánh ca có chỗ đứng vượt trên các yếu tố khác, nên phải mang tính văn chương, ít nhiều được chọn lọc và trau chuốt để có được ý nghĩa sâu xa, có vần điệu để dễ nhớ và dễ hát, không được sai văn phạm trừ phi có chủ ý nghệ thuật. Từ dùng không được thô thiển hay lưỡng nghĩa. Dấu giọng từng chữ tiếng Việt phải phù hợp với giai điệu để bài ca không mắc lỗi “cưỡng âm” hay “hát lơ lớ”, nhờ đó được hát lên một cách tự nhiên và thấm đẫm hồn Việt. Khi cần cũng nên dùng những thủ pháp nghệ thuật trong văn chương. “Lời của các bài thánh ca phải phù hợp với giáo lý Công giáo, tốt hơn hết nên được lấy từ Thánh Kinh và các nguồn mạch phụng vụ.”[3] Người sáng tác nên tránh viết ca từ hữu ngôn vô ý, ủy mị, bi lụy, ướt át, kịch tính, nặng cảm xúc riêng tư và nhất là không được sai thần học.[4] Đâu nhất thiết cứ phải “trăng, sao, mây, gió, mênh mông, dạt dào” thì mới khơi gợi được tâm tình cầu nguyện. Có nhiều bài thánh ca ngoại ngữ rất hay nhưng khi được dịch sang tiếng Việt thì hát lên cứ lơ lớ và gượng ép. Ca từ thánh ca phải giúp các tín hữu, khi hát, được thêm sự hiểu biết, khắc ghi, yêu mến Lời Chúa và lời cầu nguyện của Giáo Hội. Khi muốn thay thế bản văn trong các sách Graduale Romanum, Graduale simplex hay Sách Lễ Rôma thì bản văn của bài hát thay thế phải phù hợp với các phần trong Thánh Lễ, ngày Lễ, mùa Phụng vụ và được giáo quyền địa phương phê chuẩn.[5] Không được lấy giai điệu nhạc đời đem đặt lời đạo rồi dùng trong Thánh Lễ.
Giai điệu
Giai điệu thánh ca không nên “sến”, hiểu theo nghĩa nghe câu đầu đã đoán được câu sau. Một giai điệu mang tính độc sáng thường không chỉ xuất phát từ cảm hứng, nhưng còn được khai triển bằng kỹ thuật sáng tác.[6] Giai điệu chuyển hành liền bậc, bình dị và êm ả như kiểu bình ca thì thánh thiện hơn những dòng ca chuyển hành cách bậc, đi những quãng chói tai, kịch tính, ủy mị, phóng túng… Thiết nghĩ giai điệu kiểu nào cũng có cái hay của nó nếu được dùng đúng chỗ, đúng lúc. Những giai điệu theo lối nhạc đời nên được dùng trong phòng trà, sân khấu văn nghệ hay tiệc cưới hơn là trong Thánh Lễ.
Nhịp điệu
Bình ca không lệ thuộc ô nhịp và công thức nhịp điệu nên diễn ra rất bình thản, nhẹ nhàng, tự nhiên. Các nốt nhạc bình ca là bạn đồng hành thân thiết với ca từ (tiếng Latin) thay vì một “kẻ cưỡng bức”. Bình ca xứng đáng là khuôn mẫu cho các sáng tác thánh nhạc tiếng bản xứ noi theo. Giả như có phải sử dụng loại âm nhạc có tiết điệu đi nữa (như trong phụng vụ canh tân hay Thánh Lễ dành cho giới trẻ, thiếu nhi…), thì nhịp điệu thánh ca vẫn phải được cân nhắc để diễn tả nội dung bài hát cách thích hợp.[7] Những nhịp điệu thời trang kích động của vũ trường không được phép xuất hiện trong Nhà Thờ, vì thiên về biểu diễn và giải trí hơn là giúp suy gẫm, chiêm ngắm và lắng nghe. Chẳng hạn, không thể dùng điệu Fox hay Pasodoble để diễn tả tâm tình sâu lắng êm ả lúc Hiệp lễ được! Còn nhạc Jazz đã được “chỉ điểm” là không được dùng trong phụng vụ.[8]
Hòa âm
Những bài hát với phần hòa âm bất chấp quy luật, lủng củng hay ngẫu hứng thì cần được xem lại trước khi đưa vào phụng vụ. Hòa âm thánh ca không chỉ là “phết” vài kí hiệu hợp âm (M, m, m7, 7, 9, 11, 13, dim, aug, major7, add9, sus2, sus 4, 11b9, C/G, C/A…) vào bản nhạc để đệm hát như trong các bản lead sheetnhạc nhẹ. Hòa âm tùy tiện, lạm dụng hợp âm nghịch, hợp âm biến hóa, hợp âm “màu”… khiến bản phối khí của một số bài thánh ca nghe chẳng khác gì nhạc trẻ. Cũng không nên lạm dụng vòng hòa thanh sẵn có để sáng tác thánh ca như kiểu K-pop, V-pop…; kiểu viết ca khúc 2 bè chỉ với Soprano và Alto khiến dấu giọng bè Alto lơ lớ và cấu trúc hòa âm thì mất cân bằng vì thiếu một bè cực (Basso); hay kiểu tự hòa bè quãng 3, quãng 6 (toàn quãng thuận) mà hòa âm cổ điển gọi là “bất trọn hảo” (imperfect) vì làm mất đi nét tương phản của chuyển động hòa âm. Cái gì dễ dãi đến thì cũng dễ dãi đi!
Giá trị phụng vụ
Một bài thánh ca dù ca từ, giai điệu, nhịp điệu và hòa âm có hay đến mấy cũng chưa được gọi là thánh thiện nếu không ăn nhập với các động tác phụng vụ về nội dung, hình thể, thời lượng… Chẳng hạn, không thể chọn bài hát kính Đức Mẹ hay các thánh để hát lúc Nhập lễ hay Hiệp lễ; bài Đáp ca nên được viết và hát theo hình thể đáp ca (responsorium) thay vì ca khúc;[9] Dâng lễ thì không nên chọn bài quá dài kẻo chủ tế và cộng đoàn phải chờ lâu.
Cung cách trình bày
Người nào hát bằng “cả con người” thì mới hát có “hồn” được. Hát đến đâu thì suy ngẫm lời ca đến đó; chính bản thân phải biết “cầu nguyện hai lần” trước thì mới giúp người khác được. Mong đừng ai hát thánh ca với ý hướng phô diễn khả năng hay chỉ để thỏa niềm đam mê ca hát; uốn éo, nhăn nhó, gào thét; xử lý giai điệu chông chênh, nhát gừng, kịch tính hay luyến láy quá mức theo kiểu hát tình ca. Mong đừng ai hát Lễ mà chỉ chú tâm cách ăn mặc, trang điểm bề ngoài nhằm gây sự chú ý. Mong đừng có ca đoàn nào vừa hát xong một bản thánh ca “hoành tráng” thì cười đùa tự đắc ngay khi Thánh Lễ đang diễn ra. Cũng mong các ca đoàn không chỉ hát to mà còn rõ lời, diễn tả đúng cao độ, trường độ, biến cường… hầu chuyển tải được đầy đủ ngôn ngữ âm nhạc của tác giả. Việc huấn luyện ý thức đồng thời nâng cao khả năng thanh nhạc, xướng âm, hòa giọng của ca viên là điều cần thiết. Mong trong Thánh Lễ đừng có ai đơn ca (solo) một bài từ đầu chí cuối, vì còn đâu tính cộng đoàn, và chẳng lẽ nghi thức Thánh Lễ phải chờ soloist hát cho xong hay sao?[10] Tôi mong các nhạc công chơi những bản đàn hay bản đệm đàn đúng kiểu phụng vụ (đã cân nhắc hòa âm đến từng nốt), thay vì chơi tùy hứng; việc này đòi hỏi hiểu biết và kỹ năng nhất định về môn hòa âm. Phải cân nhắc nên dùng loại nhạc khí hay các nhạc cụ nào, với âm lượng ra sao để đệm hát. Ở đây tôi không đề nghị trọng dụng cái này hay loại trừ cái kia, như kiểu nhiều người vẫn hoàn toàn cự tuyệt cây piano dùng trong phụng vụ; thiết nghĩ cách sử dụng, cung cách biểu diễn hay thể thức phối hợp nhạc cụ sao cho đúng mực, nghệ thuật và thánh thiện mới là điều đáng lưu tâm hơn. Đại quản cầm (organo) hay đàn ống (pipe organ) là nhạc cụ xứng hợp nhất. Một ban nhạc thính phòng cỡ nhỏ với khoảng trên dưới 3 loại nhạc cụ cũng đủ tạo âm hưởng thánh thiện. Trường hợp không thể phối khí hay phối dàn nhạc thì dùng một cây organ điện tử mô phỏng cây đàn ống dùng trong Nhà Thờ là thích hợp hơn cả, vì đặc tính liền tiếng và đa âm của nhạc cụ. Nhạc công piano nên tránh lạm dụng kỹ thuật “vuốt đàn”, chạy âm giai đồng chuyển (chromatic scale), hay “đập” đàn như đang chơi bộ gõ! Trong Thánh Lễ không nên dùng bộ trống Jazz hay các mẫu đệm tiết điệu điện tử sẵn có, vì tiếng trống ầm ĩ dễ lấn át tiếng hát, và công thức nhịp điệu “máy móc” có lẽ không đủ “duyên dáng” để dâng Chúa.
Để kết
Thánh nhạc, ngang qua từng cung đàn, điệu nhạc, lời ca và tiếng hát quả là phương thế hữu hiệu để tôn vinh Thiên Chúa, thánh hóa tâm hồn người tín hữu, diễn tả lòng mến Chúa yêu người và sự hiệp thông của những con người thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô. Bên cạnh đó, Thánh nhạc cũng có thể được vận dụng như một cách thức truyền giáo hữu hiệu nữa. Người hoạt động thánh nhạc cần không ngừng ý thức về đặc tính nghệ thuật và thánh thiện của thánh nhạc chính truyền, tất cả để tôn vinh Chúa hơn.
Bart. Nguyễn Anh Huy, SJ
Tài liệu tham khảo
Bách, N. (1997). Bước đầu tìm hiểu Thánh nhạc. Munich: Cơ sở ấn loát của báo “Cánh én”.
Dũng, T. (2001). Tôi viết ca khúc tiếng Việt. TpHCM: Nhà Xuất Bản Trẻ.
Linh, Đ. T. (2014, Feb. 17). Bài Thánh ca phụng vụ. TpHCM, Việt Nam.
Linh, Đ. T. (n.d.). Các hình thể âm nhạc trong phụng vụ. TpHCM.
Quế, Đ. X. (2006). Bàn về Thánh nhạc. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo.
ỦY BAN THÁNH NHẠC – HĐGMVN (2014).”Hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc.” Lưu hành nội bộ.
[1] X. Nguyễn Bách, Bước đầu tìm hiểu Thánh nhạc (Muchen: Cơ sở ấn loát của báo “Cánh én”, 1997), 48
[2]X. Hiến chế De Sacra Liturgia, chương VI – “De Musica Sacra“, số 112
[3] Hiến chế De Sacra Liturgia, số 121
[4] X. Nguyễn Bách, op. cit., 32-33. Tác giả trưng ra một vài dẫn chứng và phân tích những chỗ “có vấn đề”.
[5] X. Đỗ Xuân Quế, Bàn về Thánh nhạc (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2006), 10. Cho đến nay UBTN đã cho ra mắt 2 tập đầu tiên của Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam bao gồm những bài hát đã được kiểm duyệt và phê chuẩn. Dùng cho thiếua nhi có thể nghĩ đến tập Phụng Ca Thiếu Nhi do nhóm Phụng Ca thực hiện.
[6] Xin tìm đọc thêm: Tiến Dũng, Tôi viết ca khúc tiếng Việt (Tp.HCM: Nhà Xuất Bản Trẻ, 2001).
[7] X. Đỗ Xuân Quế, Bàn về Thánh nhạc (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2006), 4-5.
[8] X. Thư ngày 25.1.1967 của Đức Hồng Y Lercano – Chủ Tịch Hội Đồng thực thi Hiến chế Phụng vụ.
[9] Xin xem thêm Đinh Tiến Linh, “Các hình thể âm nhạc trong Phụng vụ”.
[10] X. Đỗ Xuân Quế, op. cit., 7.
Nguồn: http://dongten.net/noidung/60376
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét