cath.ch, Maurice Page, 2016-03-02
Cuốn phim Spotlight về vụ tai tiếng ấu dâm ở địa phận Boston tiếp tục tạo ra các phản ứng và phản hồi của các nhân vật trong Giáo hội. Một trong các phản hồi gần đây là phản hồi của Giám mục Alain de Raemy, giám mục phụ trách truyền thông của Hội đồng Giám mục Thụy Sĩ. “Phải nhìn thực tế trước mặt”, ngài nhận định trong một thông báo công bố trên trang mạng của địa phận Lausanne, Genève và Fribourg.
Nếu bạn chưa xem phim Spotlight , phim vừa đoạt giải Oscar phim hay nhất, kịch bản hay nhất và bạn nói bạn là người công giáo, vậy thì bạn phải đi xem! Bởi vì bạn sẽ rúng động và bạn sẽ phải bị thử thách trong đức tin của mình, cho đức tin của mình.
Đây là câu chuyện có thật, kinh khủng có thật. Và trong sự tủi nhục của mình, bạn sẽ cám ơn Chúa về việc làm tỉ mỉ có lương tâm của các ký giả, một công việc thật đến mức họ phải trả giá cho chính đức tin của họ, cho chính lương tâm nghề nghiệp của họ. Một đức tin đã mất, không phải vì lỗi của thế giới, nhưng do lỗi của Giáo hội, của 250 linh mục lạm dụng và của ít nhất là một giám mục “bao che”. Và chuyện này xảy ra tại Boston mới cách đây 15 năm ở một địa phận rất công giáo. Cũng như ở các nơi khác, và ở cả nước Thụy Sĩ chúng ta.
Một trong các ký giả hướng dẫn cuộc điều tra, sau khi nghe các nạn nhân và các linh mục nói, đã tâm sự với nữ đồng nghiệp của mình: “Khi còn nhỏ tôi có đức tin. Lớn lên tôi xa dần đức tin. Tôi nghĩ khi về già tôi sẽ tìm lại…, nhưng bây giờ, tôi đã mất đức tin, vĩnh viễn mất. Và nữ đồng nghiệp của ông, người bây giờ vẫn còn đi theo bà của mình đi lễ ngày chúa nhật, đã trả lời: đúng, tôi cũng vậy, có một cái gì đã gãy đổ, đã tiêu hủy, đã chấm dứt.
Chính lúc đó, dù không vui chút nào, nhưng với lương tâm của bổn phận mang tính phúc âm trọn vẹn mà cuộc điều tra của họ đã thắng luật cấm nói trong thể chế, một luật bảo vệ tất cả và cho tất cả, trừ một ngoại lệ: các nạn nhân. Chưa bao giờ thói đạo đức giả pharisêu lại hiển nhiên như thế, sau Chúa Giêsu và nơi những người của Ngài.
Bạn nghĩ gì, bạn nói gì, bạn làm gì? Trước hết phải nhìn thực tế trước mặt. Cùng khóc với bệnh nhân. Nói với những người nói. Tố cáo. Sửa sai. Với tất cả sự thật. Và phải đối diện lại, đối diện nữa với Phúc Âm. Và không phải chỉ trên khía cạnh tình dục. Bởi vì mọi lệch lạc đều đáng tủi nhục. Lại thêm làm tổn thương người anh chị em mình. Vậy chúng ta phải ở trong Mùa Chay. Mùa Chay đích thực. Mùa Chay hoán cải.
Để Phúc Âm không phải chỉ dành cho người khác sống…
Ước gì Phục Sinh giúp chúng ta Sống Lại!
Alain de Raemy
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: http://phanxico.vn/2016/03/03/spotlight-phuc-am-ma-nguoi-khac-song/
***
Phim Spotlight
làm rất nhiều người công giáo giao động
Radio Vatican, Cyprien Viet, 2016-03-01
Từ vài tuần nay cuốn phim Spotlight gây rất nhiều phản ứng trong Giáo hội, cuốn phim này vừa nhận Oscar phim hay nhất ngày 28 tháng 2-2016 tại Los Angeles.
Cuốn phim Mỹ dò theo dấu vết điều tra của báo Boston Globe, tờ báo đưa ra ánh sáng vụ tai tiếng ấu dâm chưa từng có, đã làm tung tóe đảo điên địa phận Boston năm 2002. Trong vòng 12 tháng, một nhóm ký giả nghiên cứu đã điều tra các luận cứ về việc lạm dụng tình dục trong lòng Giáo hội Công giáo. Kiên trì, không phải là không khổ, họ đã làm cho các nạn nhân các vụ lạm dụng của các linh mục nói ra và khám phá Giáo hội địa phương đã cố tình che giấu trong hàng chục năm hàng giáo sĩ của mình. Cuộc điều tra này đã đưa đến một làn sóng khám phá các vụ ấu dâm khác trên toàn thế giới.
Trong các phản ứng nồng nhiệt của tuần này đáng kể là phản ứng của bà Lucetta Scaraffia, chủ biên báoL’Osservatore Romano, đăng ngày 29 tháng 2 trên báo này. “Các tên ăn cướp không nhất thiết phải mặc áo nhà tu và nạn ấu dâm cũng không nhất thiết làm cho lời khấn khiết tịnh đi trệch đường, nhưng từ nay rõ ràng, trong Giáo hội có quá nhiều người lo đến sự thể nhiều hơn là sự trầm trọng của hành vi”, bà Lucetta Scaraffia viết. “Tất cả chuyện này không biện minh gì cho tội trọng mà người đại diện Chúa dùng uy quyền của mình để lợi dụng những người vô tội: đúng như chuyện kể trong phim”, nữ ký giả viết. Và theo bà Lucetta Scaraffia, lời kêu gọi của ekíp làm phim gởi đến Đức Phanxicô được đưa ra trong buổi lễ trao giải “phải được xem là một dấu hiệu tích cực: vẫn còn sự tin tưởng vào thể chế và ở một giáo hoàng tiếp tục làm công việc tẩy rửa đã được vị tiền nhiệm của mình khởi đầu”.
Nữ tu Helena Burns, người Mỹ-Canada thuộc dòng Nữ tử Thánh Phaolô, xơ là người điểm phim nổi tiếng ở Canada, xơ lên tiếng kêu gọi nên đi xem phim này. “Tại sao phải xem phim này, trước hết là để vinh danh các nạn nhân, thứ nhì là để hiểu sự thoái hóa hư nát đã tác động như thế nào – dù ở dưới hình thức nào -, để cảnh giác và để chống lại. Không Bao Giờ Nữa.”
Phản ứng đón nhận tích cực của Vatican
Rất nhiều chức trách của Tòa Thánh diễn tả sự quan tâm của họ. “Cuốn phim này, tất cả các giám mục, các hồng y và nhất là những người có nhiệm vụ hướng dẫn tâm hồn phải xem, để họ hiểu thế nào sự tố cáo đã cứu Giáo hội, chứ không phải cấm nói,” ngày 18 tháng 2 vừa qua Đức Giám mục Charles Scicluna, giám mục La Valette (Malta) đã tuyên bố như trên với báo La Repubblica. Ngài là chủ tịch một ủy ban đặc biệt, trong Bộ Tín lý, để giải quyết các vụ cầu cứu của các linh mục bị kết trọng tội trong cuốn phim Spotlight. “Cuốn phim cho thấy bản năng bảo vệ danh tiếng là một sai lầm trầm trọng và tiếc thay vẫn còn trong Giáo hội bây giờ. Không có lòng thương xót nếu không có công chính,” ngài nói thêm.
Ngày thứ ba 1 tháng 3, Đức Tổng Giám mục phụ tá Quốc vụ khanh Giovanni Angelo Becciu phát biểu trên báo Corriere della Sera, ngài giải thích sự quản lý yếu kém các việc này của địa phận Boston cho đến năm 2002, bây giờ không còn nữa. “Phản ứng đầu tiên thay vì nhìn sự khủng khiếp của sự việc vừa xảy ra, thì lại tìm cách “cứu” thể chế khỏi bị tai tiếng. Khi một linh mục phải lòng một phụ nữ thì chuyển họ từ giáo xứ này đến giáo xứ khác. Nhưng đây là chuyện đồi bại, phải đuổi các linh mục này đi!”, Đức Tổng Giám mục nhấn mạnh, tiếc rằng đây là một chuyện mù quáng. Từ những chuyện này, “chúng ta học được bài học”, giám mục Becciu nhận định. “Tôi không tin trên thế giới này có một thể chế xã hội hay chính trị như thể chế Giáo hội, đã dấn thân khắp nơi để làm một cuộc tẩy rửa lớn và áp dụng tất cả mọi phương pháp để phòng ngừa các trường hợp lạm dụng khác”.
Các thôi thúc mới từ đỉnh cao của Giáo hội xuống đến các hội đồng giám mục quốc gia
Trả lời Đài Phát Thanh Vatican tiếng Ý, linh mục Dòng Tên Hans Zollner, thành viên của Ủy ban Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên và là Chủ tịch Trung tâm bảo vệ trẻ vị thành niên của Giáo hoàng Học viện Gregoria đã nhắc lại, Đức Hồng y Ratzinger khi còn là Bộ trưởng bộ Tín Lý, sau này là Giáo hoàng “đã làm một bước lớn để cho Giáo hội trở thành một thể chế minh bạch và dấn thân trong cuộc chiến đấu chống các lạm dụng. Sau đó Đức Phanxicô tiếp tục con đường của vị tiền nhiệm mình, củng cố về mặt pháp lý của Giáo hội, ngài thành lập Ủy ban Giáo hoàng bảo vệ trẻ vị thành niên”. Một tiến trình cho thấy “Giáo hội Công giáo, trong địa vị lãnh đạo của mình, đã đánh giá được sự trầm trọng của tình huống và muốn, và phải tiếp tục chiến đấu cho công chính và sẽ không còn nạn nhân nào của các vụ lạm dùng này.”
Một vài hội đồng giám mục quốc gia cũng đã phản ứng. Tháng vừa qua, trong một bản thông báo công bố nhân phim Spotlight trình chiếu, Hội đồng Giám mục Nam Phi đã khen ngợi vai trò của các ký giả và các nạn nhân để lột mặt nạ nạn ấu dâm trong Giáo hội. Các Giám mục Nam Phi cũng lập một Hội đồng các chuyên gia để đưa ra các tiêu chuẩn chặt chẽ bảo đảm việc tố cáo được xử lý một cách có trách nhiệm, minh bạch và trong sự tôn trọng luật dân sự. Hội đồng khuyến cáo các giáo sĩ có trách nhiệm phải cân nhắc kỹ lưỡng ơn gọi chức thánh và phải rất cảnh giác.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch
Nguồn: http://phanxico.vn/2016/03/02/phim-spotlight-lam-rat-nhieu-nguoi-cong-giao-giao-dong/
***
Xem phim: Bấm chuột vào hình bên dưới đây để xem phim (có phụ đề tiếng Việt)
Nguồn: http://cuucshuehn.net/index.php?language=vi&nv=news&op=Nghe-thuat/Xem-phim-Spotlight-Ba-ly-do-de-ban-phai-di-xem-phim-Spotlight-8072
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét