Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Khủng hoảng về ơn gọi - Ơn gọi cho khủng hoảng

vocation.JPG
Những thập niên gần đây, các thống kê cho thấy con số người đi tu sút giảm nhiều nơi, đặc biệt ở các lục địa có điều kiện hơn về mặt kinh tế và kĩ thuật. Tại Châu Âu chẳng hạn, nhiều cơ sở nhà dòng ngày xưa chật không có chỗ nhận thêm người vào tu thì nay phòng trống rất nhiều. Hội Thánh băn khoăn, thao thức về tình trạng “khủng hoảng ơn gọi” này và nỗ lực nhiều cách để khơi dậy ý thức về việc cổ võ ơn gọi đi tu.
Tuy vậy, theo quan sát của người viết, trong gia đình Hội Thánh nói riêng và trong gia đình nhân loại nói chung, có một loại khủng hoảng ơn gọi khác trầm trọng, bấp bách hơn nhiều lần so với khủng hoảng ơn gọi tu trì. Đó là: khủng hoảng ơn gọi gia đình.
Làm sao có thể nói như thế được trong khi số người đi tu ít hơn nhiều lần so với số người lập gia đình?
Câu trả lời không phức tạp: Số người đi tu so với số người lập gia đình là rất ít, đúng! Nhưng trong con số rất lớn người lập gia đình ấy, có bao nhiêu phần trăm những gia đình thực sự hạnh phúc? Ngày hôm nay, tình trạng đổ vỡ của các gia đình, kể cả gia đình Kitô giáo, là rất nhiều. Ngày càng ít đi những cặp vợ chồng sống đến đầu bạc răng long với nhau. Việc “trăm năm hạnh phúc” xem ra là một thực tại khá mong manh.
Khủng hoảng gia đình được gọi là trầm trọng và cấp bách vì nó là một nguyên nhân chính dẫn đến các vấn nạn xã hội. Chỉ cần xét hoàn cảnh của những người phạm pháp trên các mặt báo thì sẽ thấy rõ đa số trường hợp xuất thân từ các gia đình có vấn đề. Ai có kinh nghiệm mục vụ cũng có thể thấy rõ điều này. Khủng hoảng gia đình còn kéo theo việc giảm sút ơn gọi đi tu. Tắt một lời, phần lớn các khủng hoảng xã hội, Giáo Hội ngày nay bắt nguồn từ khủng hoảng gia đình.
Gốc rễ lớn nhất của tình trạng khủng hoảng và đổ vỡ gia đình hiện nay là gì?
Bệnh tật? Không phải, vì bệnh tật thường làm cho người ta biết quan tâm đến nhau và lớn lên hơn trong tương quan.
Nghèo khổ? Không phải, vì cảnh nghèo nhiều khi làm cho các thành viên gắn bó với nhau hơn, cùng nhau san sẻ trách nhiệm.
Giàu có? Không phải, vì giàu có là một điều kiện tốt để sống sung túc, xứng với phẩm giá con người.
Các lý do chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục khác xem ra cũng không phải là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng các gia đình đổ vỡ tràn lan.
Ta có thể gọi tình trạng đổ vỡ gia đình là một căn bệnh xã hội nghiêm trọng. Một căn bệnh chỉ khỏi khi được chữa trị tận gốc. Nếu chỉ tác động phần ngọn thôi thì cho dù làm bao nhiêu cũng không đạt hiệu quả thực sự. Câu hỏi được lặp lại: Đâu là gốc rễ của tình trạng này?
Cái gốc sâu xa của những đổ vỡ gia đình ngày hôm nay, theo người viết, là sự thiếu ý thức về Chúa trong tương quan gia đình. Muốn cứu các gia đình khỏi khủng hoảng, cần phải tập trung chữa cái gốc này. Nhưng làm thế nào đây?
Nhiều vị chủ chăn trong Hội Thánh nhiều năm nay cống hiến tâm huyết tìm cách giúp phục hồi, chữa lành các gia đình qua việc kêu gọi, cảnh báo, giảng dạy, tư vấn, tạo công ăn việc làm,…Nhưng xem ra những nỗ lực tốt lành ấy vẫn chỉ là tác động trên phần ngọn. Tình trạng gia đình ngay trong Hội Thánh vẫn xuống dốc. Số các gia đình đổ vỡ vẫn tăng. Vậy đâu là cách tốt?
Ta hãy nhìn ngắm chính Thiên Chúa để học hỏi. Tác giả thư gửi các tín hữu Do Thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1:1-2)
Như vậy, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách khác nhau trong dòng lịch sử để chuyển tải thông điệp tình yêu của mình cho nhân loại. Nhưng cuối cùng Thiên Chúa đã chọn “phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”, nghĩa là Người chọn con đường Nhập Thể như là cách thức tốt nhất để đến với nhân loại, để họ có thể tin sứ điệp của Người. Thiên Chúa biết rằng con người bằng xương bằng thịt sẽ dễ dàng hiểu và đón nhận hơn khi tiếp xúc với một ai đó giống như họ, gần gũi họ, đồng cảnh ngộ với họ. Vì thế, Thiên Chúa đã trở nên một người phàm giống như họ, nói tiếng nói của họ, ăn thức ăn của họ, sống hoàn cảnh của họ, cùng thăng trầm, đau khổ với họ, cùng chết với họ.
Giải pháp hiệu quả cho các vấn nạn gia đình hôm nay xem ra cũng cần đi theo một con đường mang tính nhập thể. Nếu khủng hoảng là gia đình thì chìa khóa giải gỡ cũng cần phải đến từ gia đình. Một cách cụ thể, nhiều gia đình ở trong nguy cơ đổ bể vì sự thiếu ý thức về Chúa đang rất cần thấy những gia đình hòa hợp vì biết làm sáng danh Chúa. Các gia đình khủng hoảng tương quan vì thiếu sự thánh thiện đang rất cần chứng kiến những gia đình êm ấm vì có sự thánh thiện. Nhiều gia đình đang mất hạnh phúc vì ít nhớ đến Chúa rất cần thấy những gia đình đang sáng lên trong hạnh phúc vì biết đặt Chúa ở trung tâm cuộc sống của mình. Khi một gia đình chủ tâm lấy hạnh phúc hôn nhân làm sứ mạng để làm chứng cho Chúa và để nêu gương sáng cho các gia đình khác, gia đình ấy sẽ tự nhiên có nhiều sức mạnh hơn là các gia đình không ý thức đủ điều này. Tắt một lời, lời nói chỉ lung lay, gương bày mới lôi kéo. Chính các gia đình hạnh phúc vì biết sống với Chúa và cho Chúa sẽ cứu các gia đình khủng hoảng. Họ là các nhà truyền giáo trọng yếu trong thời đại hôm nay.
Phân tích như trên mới chỉ là phần nguyên lý, phần quan trọng hơn là câu hỏi: Ai sẽ yêu mến Chúa và các gia đình khủng hoảng đủ để tạo lập những gia đình hạnh phúc luôn đặt Chúa ở giữa trong mọi sự? Gia đình nào sẽ làm chứng cho các gia đình khác thấy rõ sự thật là: Khi sống với Chúa nhiều, hạnh phúc là điều chắc chắn, nguy cơ đổ vỡ sẽ bị đẩy lui? Gia đình nào sẽ can đảm quảng đại đảm nhận ơn gọi nhập thể hệ trọng này đây?
Cầu nguyện và mong thay!
Giuse Việt, O. Carm.
Nguồn: http://www.dongcatminh.org/content/khung-ho-ng-ve-n-g-i-n-g-i-cho-khung-ho-ng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét