Phỏng vấn cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia
Trong các tuần qua tình hình tại Libia lại căng thẳng vì các cuộc đụng độ giữa các lực lượng dân quân khác nhau tranh giành quyền lực và quyền kiểm soát các giếng và nhà máy lọc dầu. Các cuộc giao tranh đã xảy ra nhất là chung quanh thủ đô Tripoli. Tình hình chính trị bất ổn kéo dài từ mấy năm qua khiến cho số phận của người tỵ nạn ngày càng thê thảm hơn. Họ trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn bán người, cũng như của các lạm dụng và bạo lực đủ loại. Trong những ngày vừa qua cha Mussie Zerai, Giám đốc hãng thông tấn Habeshia đã kêu gọi Âu châu và cộng đồng quốc tế can thiệp một cách cụ thể để trợ giúp các anh chị em xấu số này.
Ngày mùng 2-9-2014 các trận giao tranh đã tiếp diễn gần phi trường Benina ở Bengasi khiến cho ít nhất 25 binh sĩ thiệt mạng, 14 người thuộc lực lượng quân đội của tướng Khalipha Haftar, và 11 người là các dân quân của ông Ansar al Sharia. Cuộc chiến đã bắt đầu ngày 30-8-2014 lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia cố đánh chiếm phi trường là một trong các điểm chiến lược chính do các lực lượng đặc biệt trung thành với tướng Khalifa Haftar và Quốc hội kiểm soát. Quân đội chính phủ được các máy bay oanh kích yểm trợ bỏ bom các vị trí của các dân quân thánh chiến, trong khi các toán dân quân này đáp trả bằng trọng pháo và các hỏa tiễn Grad.
Từ ngày mùng 1-9-2014 thủ đô Tripoli hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng dân quân quy tụ thành nhóm ”Tác chiến Alba của Libia” sau hai tháng giao tranh chung quanh phi trường Tripoli với các lực lượng đối nghịch với các lực lượng thuộc nhóm ”Tác chiến Phẩm giá” do nguyên tướng Haftar chỉ huy.
Quốc Hội họp tại Tobruk mạn cực Đông Libia và tân chính phủ do thủ tướng tạm thời Abdullah al Thani có nhiệm vụ thành lập cũng công nhận rằng không kiểm soát được các bộ và các cơ quan chính quyền tại Tripoli nữa. Trong khi ”Hội đồng cách mạng Tripoli” quy tụ các nhóm dân quân khác kiểm soát thủ đô, tái hồi sinh Tổng quốc hội, bãi nhiệm sau cuộc bầu cử hồi tháng 6, và chỉ định ông Omar Hassi làm thủ tướng của mình, nhắm thành lập một quốc gia dân chủ. Nhưng các lực lượng dân quân của ông Ansar al Sharia ở Bengasi tuyên bố họ đã nổi loạn chống Gheddafi để giương cao lá cờ Sharia không phải để cho phép một bạo chúa mới lên cho phép tây phương trở lại nắm quyền bá chủ tại Libia.
Tuy quang cảnh chính trị Libia hỗn loạn như thế, nhưng Đức Cha Giovanni Innocenzo Martinelli Giám Quản quản tông tòa Tripoli cho biết tình hình tương dối yên tĩnh so với các ngày trước. Cho tới nay cộng đoàn kitô đã không gặp khó khăn nào.
Từ vài năm nay Libia là nơi hàng chục ngàn người di cư tới từ nhiều nước Trung Đông, Á châu và Phi châu tìm vượt biển sang Italia, rồi từ đây đi các nước khác. Trong hai tháng qua hải quân Italia đã cứu sống hơn 10.000 người, nhưng cũng đã có mấy trăm người thiệt mạmg vì bị đắm tầu ngoài khơi Tripoli.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn cha Mussie Zerai dành cho phóng viên Cecilia Seppia của đài Vaticăng.
Hỏi: Thưa cha, tình hình của người ty nan bên Libia hiện nay ra sao?
Đáp: Rất tiếc có hàng ngàn người tỵ nạn của vùng Phi châu dưới sa mạc Sahara bị kẹt trong chiến tranh: nam giới thì bị bắt buộc trở thành những người khuân vác súng đạn. Có rất nhiều người bị thương, nhiều người thiệt mạng, còn phụ nữ và trẻ em thì bị chết đói. Tại Tripoli có khoảng 350 người bị nhốt trong một sân đá bóng, ngoài trời, không có mái che chở và từ bốn ngày nay họ không nhận được gì để ăn...
Hỏi: Cha đã nói rằng mỗi ngày hãng thông tấn Habeshia của cha đều nhận được các cú điện thoại của những người tuyệt vọng, lo sợ... Họ kể cho cha nghe những gì vậy?
Đáp: Họ rất là hốt hoảng, nhất là bởi bom đạn rơi hay bắn trên các đường phố. Cũng có những người chết ở trong nhà, vì khi họ ở trong nhà thì bị bom rơi trúng, dân chúng kinh hoàng. Thế rồi còn có nhiều cuộc tấn công từng nhà một: họ bị cướp bóc, bạo hành, và chịu đủ mọi thứ lạm dụng... đó là những điều họ đã kể cho tôi nghe.
Hỏi: Khi gióng lên lời kêu gọi, cha đã dùng một kiểu nói rất mạnh và nói rằng các người tỵ nạn này không là ”con của ai hết”, bởi vì khác với những người tây phương đã được di tản khi chiến tranh tái diễn tại Libia, các anh chị em tỵ nan này không được ai bảo trợ và che chở. Như thế thì phải làm gì bây giờ?
Đáp: Vâng, đúng như thế, tất cả các người tây phương đã được di tản hết, trừ các người ty nạn ra, cộng đồng quốc tế phải có một chương trình di tản để che chở các anh chị em này trong các nước láng giềng. Chẳng hạn, những người ở Tripoli thường hướng về Tunisia, nhưng họ bị chặn lại ở biên giới, họ không thể đi xa hơn.
Hỏi: Liên hiệp Phi châu không có khả năng bảo vệ các anh chị em tỵ nạn này. Thế rồi cũng có một Âu châu kéo dài lê thê vấn đề này: nhiều lần chính quyền Italia đã yêu cầu Liên Hiệp Âu châu can thiệp, vì như chúng ta biết nhiều người tỵ nạn hướng về Italia. Cha nghĩ sao?
Đáp: Liên Hiệp Âu châu phải can thiệp để phòng ngừa tất cả các người bị chết này, trong sa mạc cũng như trên biển Địa Trung Hải. Tất cả mọi người tỵ nạn đều hướng về Âu châu, chứ không phải chỉ hướng về Italia mà thôi. Còn hơn thế nữa, nhiều người còn muốn đi tới các nước Bắc Âu. Điều này có nghĩa là Italia chỉ là cánh cửa của Âu châu thôi, và vì thế vấn đề không phải chỉ là của Italia, mà là của toàn Âu châu. Và lời yêu cầu của Bộ trưởng nội vụ Italia Alfano là điều đúng đắn, để “Biển của chúng ta” được nhẹ bớt và được thu nhận bởi tổ chức Frontex, tức ”Tổ chức điều hành cộng tác quốc tế ở biên giới nước ngoài của các nước thành viên Liên Hiệp Âu châu”. Có đúng thật là tổ chức Frontex đã không được thành lập để tiếp nhận người tỵ nạn, mà là để từ chối họ. Khi được thành lập, tổ chức có mục đích đẩy lui người tỵ nạn và che chở các biên giới của Âu châu. Và dĩ nhiên là ngày nay tổ chức khước từ thay thế chỗ của Italia. Tuy nhiên, chính vì thế mà phải coi lại các luật lệ và cả chương trình đã làm nảy sinh ra tổ chức Frontex, để nó trở thành tổ chức bảo vệ và tiếp nhận người tỵ nan. Nhưng phải có một thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên của toàn cộng đồng Âu châu, theo đó các người tỵ nạn này phải được phân phối trên toàn lãnh thổ Âu châu.
Hỏi: Thưa cha, các người tỵ nạn dồn đống tại Tripoli, Misurata, Sebha khiến cho các nhà thương bị suy sụp, trong nghĩa hệ thống y tế không thể lo lắng cho một số qúa đông người như thế, ngoài ra cũng vì thiếu thuốc men nữa, có đúng thế không?
Đáp: Không có các dụng cụ để can thiệp: không có bác sĩ giải phẫu nào có thể can thiệp, và vì thế họ ở trong tình trạng hoàn toàn bị bỏ rơi. Và trong vài trường hợp, các vết thương rữa thối đến độ phải cưa như trường hợp một thanh niên bị cưa một chân, rồi một thiếu nữ phải năm liệt giường vì bị gẫy lưng: cần phải được giải phẫu gấp nhưng họ không thể làm được, vì không thể di chuyển cô ta tới Tripoli, vì dọc đừơng có các nguy hiểm khắp nơi do các xung đột liên tục xảy ra. Đó là tình trạng mà người tỵ nạn đang phải sống tại Libia.
Vài nhận xét của ông Gabriele Iacovino, đặc trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Trung tâm nghiên cứu tình hình chính trị quốc tế.
Hỏi: Thưa ông trong các ngày vừa qua có các cuộc giao tranh dữ dội tại Bengasi giữa các lực lượng đặc biệt do tướng Khalifa Haftar chỉ huy và dân quân hồi, trong đó có nhóm của ông Ansar al Sharia, đang tìm cách đánh chiếm phi trường. Các giao tranh đã khiến cho ít nhất 13 người chết và 45 người bị thương. Hồi tháng qua các dân quân hồi đã chiếm hầu hết các tiền đồn nằm trong tay tướng Haftar tại Bengasi. Tình hình Libia hiện ra sao thưa ông?
Đáp: Thực ra Libia là một quốc gia chia rẽ và có ba lực lượng lớn đang đánh nhau: thứ nhất là lực lượng dân quân đời hơn, thứ hai là các dân quân hồi và thứ ba là các dân quân có liên hệ với phong trào thánh chiến quốc tế dính líu tới tổ chức Al Qaeda, nhưng trong thực tế nó gần gũi với vài ý thức hệ đang hoạt động cả với Nhà nước hồi ISIL. Các sự kiện xảy ra tại Bengasi chứng minh cho sự chia rẽ này.
Hỏi: Chúng ta cũng hãy nhìn điều đang xảy ra bên Phi châu nói chung - Nigeria, Mali, Bắc Phi, Somalia - theo ông, lục địa Phi châu có phải là nét thứ hai của vấn đề thánh chiến trên thế giới không?
Đáp: Nếu chúng ta muốn hiện nay nó là một đường nét thứ hai, bởi vì Siria và Irak là sân khấu của phong trào thánh chiến toàn cầu. Bất cứ ai muốn đi tham gia thánh chiến thì tới các nước này. Thật sự thì liên tục có các đe dọa thánh chiến và của tổ chức Al Qaeda - Chúng ta đừng quên rằng sự hiện diện của tổ chức Al Qaeda mạnh tại Phi châu - các đe dọa này liên tục, rất hiện diện, không chỉ trên bình diện vùng miền và xã hội, bởi vì các nhóm gắn liền với bối cảnh thánh chiến quốc tế ngày càng gắn bó hơn với khung cảnh xã hội và bộ tộc bên Phi châu.
Hỏi: Nước Libia thật ra đang ở trong tình trạng hỗn loạn: quốc hội đã cho tân thủ tưởng được chỉ định Abdullah al Thani hai tuần để thành lập tân chính phủ. Một chính phủ mới có thể ổn định tình hình tại Libia không thưa ông?
Đáp: Rất tiếc là các tiền đề không phải là các tiền đề tốt nhất, bởi vì cuộc đối thoại giữa các thực tại khác nhau - nghĩa là giữa các lực lựơng hồi và các lực lương đời hơn trong lúc này đây khá bị hạn hẹp. Chính các lực lượng dân quân chiến đấu với nhau hơn là các giới chức chính trị đối thoại với nhau. Do đó các tiền đề cho một tân chính phủ không phải là các tiền đề tốt đẹp nhất. Chắc chắn là cần có một chương trình chính trị và ngoại giao quan trọng, nhưng một mình chính quyền Libia không thôi, mà không có sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong tư cách là người giảng hòa, đối thoại về tình hình và các thực tại bên Libia hiện nay, thì khó mà có thể thành công.
(RG 24-8-2014)
Linh Tiến Khải
Nguồn: http://vi.radiovaticana.va/news/2014/09/15/th%E1%BA%A3m_c%E1%BA%A3nh_c%E1%BB%A7a_c%C3%A1c_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_t%E1%BB%B5_n%E1%BA%A1n_b%C3%AAn_libia/vie-825303
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét