Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Đức Thánh Cha Phanxicô: Giáo Hội không phải là quán trọ


Trong Thánh Lễ sáng Thứ Năm mùng 5 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã tập trung nói về sự cần thiết của người tín hữu là phải trau dồi một cảm thức thuộc về Giáo Hội và ở với Giáo Hội

Ngài nói về ba cám dỗ mà những người tự xưng mình là Kitô hữu thường rơi vào: đó là “chủ nghĩa đồng nhất hóa”, “chủ nghĩa đa nguyên” và “khuynh hướng trục lợi cá nhân”.

Diễn giải bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, chương 17 từ câu 20 đến câu 26, nói về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã đề cập đến một số người mang danh Kitô hữu nhưng dường như chỉ đứng “một chân bên trong còn chân kia thì bên ngoài Giáo Hội”, như thể họ đang “bắt cá hai tay”. Những người như vậy sẽ không cảm thấy Giáo Hội là nhà của mình. Ngài nói rằng có một số người “chỉ xem Giáo Hội như quán trọ, chứ không xem Giáo Hội là nhà của mình.”

Đức Thánh Cha đã đề cập đến ba nhóm người. Nhóm đầu tiên là những người xem tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội đều như nhau. Họ là những người ngài gọi là theo “chủ nghĩa đồng nhất hóa”.

“Sự đồng nhất như vậy không phải là một đoàn sủng về hoạt động tự do của Chúa Thánh Thần. Những người này nhầm lẫn giữa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cho sự hiệp nhất Giáo Hội với lý thuyết về sự bình đẳng trong hệ tư tưởng riêng của họ. Chúa Kitô không bao giờ muốn Giáo Hội của Ngài theo kiểu đó – không bao giờ muốn mọi thành phần trong Giáo Hội là một đơn thể thuần nhất - và như thế, thực ra nhóm này không gia nhập Giáo Hội. Họ mang danh là Kitô hữu, là người Công Giáo, nhưng thái độ của họ khiến họ rời khỏi Giáo Hội.

Nhóm Kitô hữu thứ hai, Đức Thánh Cha gọi là những người gia nhập Giáo Hội nhưng còn mang nặng những ý thức hệ riêng mình – những người không đặt tâm trí của mình vào trong tâm trí của Giáo Hội. Đức Thánh Cha gọi họ là “những kẻ theo chủ nghĩa đa nguyên”

“Họ tham gia trong Giáo Hội nhưng với những ý thức hệ riêng. Với ý thức hệ đó, họ bước vào Giáo Hội chỉ có một chân. Còn chân kia ở bên ngoài Giáo Hội. Giáo Hội không phải là nhà của họ hay thuộc về họ. Họ xem Giáo Hội như một gác trọ. Họ không chia sẻ chung cảm thức là mình thuộc về Giáo Hội.

Nhóm thứ ba tự xưng mình là Kitô hữu nhưng không đặt cả tâm hồn, con tim của mình nơi Giáo Hội. Đây là những “kẻ trục lợi”. Họ tìm kiếm lợi lộc nơi Giáo Hội, họ đi nhà thờ vì lợi ích cá nhân, để kiếm chác nơi Giáo Hội.

“Các lái buôn. Chúng ta biết rõ họ! Trong Giáo Hội sơ khai đã xuất hiện những nhân vật như vậy: Sách Công Vụ nhắc đến tên một số người như: Simon hoặc Ananias và Sapphira. Họ lợi dụng Giáo Hội để trục lợi cá nhân. Chúng ta vẫn còn thấy bóng dáng họ đang có mặt ngày nay trong các giáo xứ, giáo phận, trong dòng tu, nơi một số mạnh thường quân– rất nhiều, phải không? Họ khoe khoang là các nhà hảo tâm của Giáo Hội nhưng thật ra họ vào đó để làm ăn. Họ không cảm thấy Giáo Hội như một người mẹ của mình.”

Trong Giáo Hội, “có nhiều ơn sủng của Chúa Thánh Thần, người ta thì đa dạng và ơn sủng Thánh Thần cũng đa dạng.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Chúa bảo chúng ta rằng nếu anh chị em gia nhập Giáo Hội vì lòng mến, để hiến dâng trọn con tim mình, không so đo tính toán trục lợi, anh chị em sẽ nhận ra Giáo Hội không phải là một quán trọ, nhưng là một gia đình để chúng ta sống trong đó.”

Nhận ra điều này không phải dễ, bởi vì “cám dỗ thì nhiều.” Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần, Đấng thành toàn sự hiệp nhất trong Giáo Hội, “hiệp nhất trong sự đa dạng, tự do và quảng đại.” Đó là sứ vụ của Chúa Thánh Thần, là Đấng “tạo ra sự hài hòa trong Giáo Hội – sự hiệp nhất trong Giáo Hội là hiệp nhất trong hài hòa.”

Chúng ta, tất cả đều có những khác biệt. “Chúng ta không giống y chang nhau. Tạ ơn Chúa”. Nếu không, “mọi thứ sẽ như địa ngục”. Tất cả mọi tín hữu được mời gọi trở nên ngoan ngoãn trong Thánh Thần, chính sự ngoan ngoãn này là nhân đức sẽ cứu chúng ta khỏi tình trạng “đồng nhất hóa, bất hòa, hay trục lợi cá nhân trở thành lái buôn trong Giáo Hội. Chính sự ngoan ngoãn này sẽ chuyển hóa Giáo Hội từ một quán trọ thành một ngôi nhà”

“Cầu xin Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng con và xin Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong các cộng đoàn của chúng con: cộng đoàn giáo xứ, giáo phận, cộng đoàn các phong trào trong Giáo Hội.”

“Xin Chúa Thánh Thần hoàn thành sự hài hòa này, như các Giáo Phụ đã từng nói: Chính Thánh Thần là sự hài hòa.”


Đặng Tự Do
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125416.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét