Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 11 tháng 6, 2014

Học hỏi Tông huấn Evangelii Gaudium

Tông Huấn Evangelii Gaudium (“Niềm Vui của Tin Mừng) là tông huấn đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được công bố ngày 24 tháng 11 năm 2013. Trong tông huấn này, Đức Thánh Cha trình bày một giai đoạn mới của Hội Thánh trong sứ mạng hàng đầu của mình là Loan Báo Tin Mừng (hay Phúc-Âm-hoá) trong thế giới hôm nay, với những thách thức của xã hội (kinh tế, chính trị, văn hoá...) và cả những vấn đề của chính Giáo Hội (thái độ tự mãn, lười biếng thiêng liêng...). Ngài nói rõ mục đích của ngài là “khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới.” [1]


I.     HƯỚNG DẪN HỌC HỎI

Trước khi đi sâu vào nội dung của tông huấn này, có vài điểm cần lưu ý sau đây:


1.    Loan báo Tin Mừng, Phúc-Âm-hoá, tân Phúc-Âm-hoá là gì?

Đức Thánh Cha viết (số 16):

Tôi rất vui được thực hiện lời yêu cầu của Thượng Hội Đồng để viết tông huấn này. Làm công việc này, tôi đang gặt hái những thành quả phong phú từ các lao nhọc của Thượng Hội Đồng.

Trong tông huấn, Đức Thánh Cha muốn khai triển đề tài loan báo Tin Mừng (hay Phúc-Âm-hoá) trong thế giới hôm nay, là chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục XIII (THĐGM 13), họp tại Vaticanô từ 7 đến 28 tháng 10-2012: “Tân Phúc-Âm-Hoá để thông truyền Đức Tin.”

Tài liệu “Lineamenta”[1] chuẩn bị cho THĐGM 13 cắt nghĩa:

‘Loan báo Tin Mừng’ hay ‘Phúc-Âm-hoá’ chỉ về mọi khía cạnh hoạt động của Hội Thánh. Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (1975) nói rằng Phúc-Âm-hoá bao gồm việc giảng thuyết, huấn giáo, phụng vụ, đời sống bí tích, việc đạo đức bình dân và chứng tá đời sống Kitô giáo.

Về thuật ngữ ‘tân Phúc-Âm-hoá’, cũng tài liệu “Lineamenta” giải thích cặn kẽ như sau:

Tuy được biết đến nhiều và chắc chắn là một trong nhiều kế hoạch của Hội Thánh, ‘tân Phúc-Âm-hoá’ (nova evangelizatio) vẫn còn là một thuật ngữ và khái niệm tương đối mới mẻ trong giới giáo hội học và giới mục vụ (...) Thuật ngữ này được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến tông du của ngài tới Ba Lan (...); nhưng sau đó nó đã được sử dụng lại và mặc lấy một sinh khí mới trong giáo huấn của Đức Thánh Cha cho các Giáo Hội tại Châu Mỹ Latinh. Đức Gioan Phaolô II dùng thuật ngữ này để đánh thức và khơi dậy lại những cố gắng canh tân trong một công cuộc mới về truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại châu lục này. (...) “không phải một cam kết về một cuộc tái Phúc-Âm-hoá, mà là một cuộc Phúc-Âm-hoá mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện của nó.” Cho nên, ‘tân Phúc-Âm-hoá’ không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ hay không đạt mục đích của nó, như thể hoạt động mới này là một sự phê phán mặc nhiên về thất bại của cuộc Phúc-Âm-hoá thứ nhất. Tân Phúc-Âm-hoá cũng không phải là lại tiếp tục cuộc Phúc-Âm-hoá thứ nhất, hay đơn giản là lặp lại quá khứ. Ngược lại, đây là sự dũng cảm mở ra những con đường mới để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay...”[2]

Điểm đáng chú ý là Đức Thánh Cha đã trích dẫn văn kiện của THĐGM 13 tổng cộng 27 lần (các Propositiones).


2.    Chủ đích của Đức Thánh Cha trong Tông Huấn này

Sau khi Tông Huấn được công bố, có khá nhiều phản ứng trái chiều, đồng tình (như Michael Novak[3]), hay chống đối (như Rush Limbaugh[4]), và từ cả các phe cực hữu lẫn cấp tiến tại Hoa Kỳ, hay phe tả (như các báo GuardianReuters của Anh), đặc biệt liên quan tới các quan điểm của Đức Giáo Hoàng về chính trị và kinh tế. Có những người đã hiểu sai và chỉ trích Đức Phanxicô.[5]

Tuy nhiên muốn hiểu đúng tư tưởng của Đức Giáo Hoàng, cần phải đọc Tông Huấn này theo chủ đích của ngài là lãnh vực mục vụ:

Trong Tông Huấn này, tôi chỉ muốn trình bày một cách vắn tắt và từ quan điểm mục vụ, một số nhân tố có thể cản trở hay làm suy yếu động lực canh tân truyền giáo trong Hội Thánh, hoặc là vì chúng đe doạ sự sống và phẩm giá của Dân Thiên Chúa, hay vì chúng tác động tới những người trực tiếp tham gia vào các tổ chức của Hội Thánh và vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh. [51]


3.    Phương pháp học hỏi Tông Huấn này

Có nhiều phương pháp khác nhau  mà mỗi cá nhân, mỗi nhóm hay cộng đoàn có thể chọn để học hỏi tông huấn. Trong tài liệu này, chúng tôi đề nghị một phương pháp tích hợp vừa dựa theo bố cục (thứ tự các chương), vừa dựa theo các chủ đề chính được Đức Thánh Cha trình bày. Nó giúp chúng ta dễ nắm bắt nội dung theo thứ tự các chương, đồng thời làm nổi bật các chủ đề quan trọng hay có ý nghĩa hơn với chúng ta. Về phần này, chúng tôi dựa trên hai bài tổng hợp có uy tín và giá trị về Tông Huấn này.[6]

Sau mỗi chương hay mỗi đề tài, chúng tôi có những câu hỏi gợi ý để giúp đào sâu và ứng dụng trong đời sống cụ thể của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, trong việc canh tân đời sống đức tin và hoạt động truyền giáo của Hội Thánh.


II.   TÓM LƯỢC NỘI DUNG VÀ CÁC CÂU HỎI GỢI Ý

Tông Huấn có 288 câu, gồm Lời Mở Đầu [1-18] và 5 Chương [19-288]. Các đề tài được Đức Giáo Hoàng khai triển chi tiết gồm [xem số 17]:

a)   cuộc cải tổ của Hội Thánh trong việc mở rộng truyền giáo;
b)   các cám dỗ cho những người hoạt động mục vụ;
c)   Hội Thánh, hiểu như là toàn thể Dân Chúa loan báo Tin Mừng;
d)   bài giảng và việc chuẩn bị;
e)   sự bao gồm người nghèo trong xã hội;
f)   hoà bình và đối thoại trong xã hội;
g)   các động cơ thiêng liêng cho việc truyền giáo.
 

A.   LỜI MỞ ĐẦU [1-18]

—   Động lực chủ đạo của tân Phúc-Âm-hoá: Niềm vui của Tin Mừng

Có thể nói ‘niềm vui’ là môtíp, là tư tưởng chủ đạo của toàn thể bản văn tông huấn. Nó là bầu khí tràn ngập tông huấn, từ tựa đề “Niềm Vui Tin Mừng”, rồi đặc biệt những đoạn mở đầu tông huấn, cho tới những dòng cuối của tông huấn, niềm vui được Đức Thánh Cha mô tả hết sức rõ ràng nhưng cũng rất sôi nổi và thi vị. Chỉ cần liệt kê một vài câu của ngài:
NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. (...) được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh. (...) đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này. [1]

Có những Kitô hữu sống đời mình giống như chỉ có mùa Chay mà không có mùa Phục Sinh. (...) Niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta được thương yêu vô bờ. [6]

(....) người loan báo Tin Mừng không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt...” [10]

Và cho đến lời cầu nguyện kết thúc dâng lên Đức Mẹ, Ngôi Sao của cuộc tân Phúc-Âm-hoá:


Xin Ngôi Sao của cuộc tân Phúc-Âm-hoá giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, ... để niềm vui Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới... Lạy Mẹ của Tin Mừng sống động, suối an vui cho những người bé mọn của Chúa, xin cầu cho chúng con. [288]

Không lạ khi từ điển Wikipedia[7] đếm được 109 lần Đức Phanxicô sử dụng từ “niềm vui”.  Chính Đức Phanxicô đã cắt nghĩa mối tương quan mật thiết giữa niềm vui đón nhận tình thương của Chúa và niềm vui loan báo Tin Mừng, tức là hoạt động truyền giáo của Hội Thánh:

Bởi nếu chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác? [8]


Câu hỏi gợi ý:

a)   Chủ đề của Tông Huấn này là gì? Loan báo Tin Mừng, Phúc-Âm-hoá, tân Phúc-Âm-hoá là gì?
b)   “NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu.” Đức Thánh Cha muốn nói gì về “niềm vui của Tin Mừng” này? Niềm vui này bắt nguồn từ đâu?
c)   Tại sao “niềm vui của Tin Mừng” liên hệ mật thiết với truyền giáo?


B.    CHƯƠNG I: SỰ BIẾN ĐỔI TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH [19-49]

Loan báo Tin Mừng hôm nay đòi hỏi “một cuộc canh tân không thể trì hoãn của Hội Thánh” [27].


—   Nhu cầu cải tổ của Hội Thánh để mở rộng truyền giáo

Cuộc canh tân này phải bắt đầu từ bên trong, bằng một sự hoán cải mục vụ. Đức Thánh Cha mời gọi mọi tín hữu “cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi trẻ của Tin Mừng”, bằng việc mở ra “những đại lộ mới”, “những con đường sáng tạo mới” [11]. Phải “ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin Mừng”: “tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc ‘đi ra’ truyền giáo mới này. [20]
Ngài lấy lại lời mời gọi của Đức Phaolô VI:

“Hội Thánh phải nhìn sâu vào chính mình, suy gẫm mầu nhiệm hiện hữu của mình... đối chiếu giữa hình ảnh lý tưởng về Hội Thánh như Đức Kitô mong muốn và yêu thương như là hôn thê thánh thiện và vô tì tích của Ngài (xem Ep 5:27), với hình ảnh thực tế mà Hội Thánh trình bày cho thế giới hôm nay... Hội Thánh tự xét mình bằng cách soi vào mẫu gương của mình là Đức Kitô” (Ecclesiam Suam 9). [26]

Đức Thánh Cha cũng nói:

Có những cơ cấu của Hội Thánh có thể cản trở hoạt động loan báo Tin Mừng, nhưng ngay cả những cơ cấu tốt cũng chỉ hữu ích khi có một sức sống luôn thúc đẩy, nâng đỡ và đánh giá chúng. Không có sức sống mới và một tinh thần Tin Mừng đích thực, không có sự “trung thành với ơn gọi” của Hội Thánh, thì mọi cơ cấu đều trở nên vô hiệu. [26]

Hội Thánh cũng cần có những “cải tổ cơ cấu” để “làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn” [27]:

Tôi hi vọng tất cả các cộng đoàn sẽ dành những cố gắng cần thiết để tiến tới theo con đường của một sự hoán cải mục vụ và truyền giáo, không thể để tình hình tiếp tục như hiện tại. Việc “quản trị thuần tuý” đã trở nên bất cập. Trên khắp thế giới, chúng ta phải “thường xuyên trong trạng thái truyền giáo”. [25]

Đề cập trước tiên tới các giáo xứ, ngài nói

... phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi duyệt lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ đến gần người dân hơn, biến các giáo xứ trở thảnh những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo. [28]

Các cơ chế khác của  Hội Thánh, các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc-Âm-hoá các vùng và các lãnh vực khác nhau. ... Nhưng sẽ rất hữu ích cho các cơ chế này nếu chúng không mất tiếp xúc với thực tế phong phú của giáo xứ tại địa phương và sẵn sàng tham gia vào hoạt động mục vụ toàn thể của Hội Thánh địa phương. [29]

Về các giám mục, ngài nói trước tiên về bổn phận hoán cải của chính giáo hoàng:

Vì tôi được kêu gọi thực hành điều tôi yêu cầu người khác, nên bản thân tôi cũng phải nghĩ về một sự hoán cải của sứ vụ giáo hoàng. Là Giám Mục của Roma, tôi có bổn phận lắng nghe các đề nghị có thể giúp việc thực thi thừa tác vụ giáo hoàng của tôi trung thành hơn với ý nghĩa mà Đức Giêsu Kitô muốn gán cho sứ vụ này và cho các nhu cầu hiện nay của việc loan báo Tin Mừng. Đức Gioan Phaolô II từng xin giúp ngài tìm ra “một cách thực thi quyền tối thượng sao cho nó hoàn toàn không từ bỏ những gì thiết yếu cho sứ mạng, nhưng vẫn cởi mở trước các tình hình mới”. Chúng ta đã không có mấy tiến bộ về phương diện này. Giáo hoàng và các cơ cấu trung ương của Hội Thánh hoàn vũ cũng cần nghe tiếng gọi hoán cải mục vụ. [32]

Ngài cũng muốn các Hội Đồng Giám Mục phải đóng một vai trò quan trọng hơn:

Các hội đồng giám mục ngày nay đang ở trong vị thế “cống hiến một cách hiệu quả cho việc cụ thể hoá tinh thần cộng đoàn” (Lumen Gentium 23). Nhưng ước muốn này chưa được thể hiện đầy đủ, vì chúng ta vẫn chưa phát triển đủ một tư cách pháp lý của các hội đồng giám mục như là những chủ thể có những thuộc tính chuyên biệt” (Gioan Phaolô II, Tự Sắc Apostolos suos). Hình thức quản trị quá tập trung gây phức tạp cho đời sống và hoạt động truyền giáo của Hội Thánh thay vì giúp ích cho nó. [32]


—   Tập trung vào điều cơ bản: tâm điểm của Tin Mừng

Về việc loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha nói cần phải tập trung vào điều cơ bản, tránh kiểu mục vụ “quá bận tâm với việc thông truyền rời rạc thật nhiều giáo thuyết buộc phải theo” [35]:

Trong cái cốt lõi cơ bản này, cái toả sáng chính là vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô đã chết và sống lại từ cõi chết [36].

Thường có sự mất cân đối khi chúng ta “nói về lề luật nhiều hơn là về ân sủng, về Hội Thánh nhiều hơn là về Đức Kitô, về Giáo Hoàng nhiều hơn là về Lời Chúa [37].

Về việc canh tân, ngài nhìn nhận rằng trong Hội Thánh có “một số thói quen không trực tiếp liên quan tới cốt lõi của Tin Mừng, kể cả một số có gốc rễ sâu trong lịch sử” và ngài khẳng định:

“Chúng ta đừng sợ xét lại chúng” [43].


—   Một Hội Thánh mở rộng cửa

Hội Thánh phải trở thành “nhà Cha” luôn luôn mở rộng cửa:

Một  Hội Thánh “đi ra” là một Hội Thánh mở cửa. [46]

 Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng. Cũng có những cửa khác không được đóng. ... Điều này đặc biệt đúng đối với bí tích được gọi là ‘cửa’: Bí tích Rửa Tội. Bí tích Thánh Thể, tuy là sự sung mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối. Các xác tín này có những hệ quả mục vụ mà chúng ta cần phải xem xét một cách thận trọng và mạnh dạn. Chúng ta nhiều khi hành động như là người ban phát ân sủng thay vì là người tạo điều kiện cho ân sủng. Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ. [47]

Rồi ngài lặp lại điều ngài đã nói cho các linh mục và giáo dân ở Buenos Aires:

Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục. Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô. [49]


Câu hỏi gợi ý:

a)   Sự canh tân hay biến đổi truyền giáo của Hội Thánh hệ tại điều gì? ‘Hoán cải mục vụ’ nghĩa là gì? Hội Thánh có sợ cải tổ một số cơ cấu truyền thống không?
b)   Theo Đức Thánh Cha, phải lấy điều gì làm tâm điểm của canh tân truyền giáo?
c)   Đức Thánh Cha nói Hội Thánh phải ‘đi ra’. ‘Đi ra’ theo Đức Thánh Cha nghĩa là gì? Đi ra từ đâu và đi đến đâu?
d)   Đức Thánh Cha nói phải canh tân ở các cấp nào của Hội Thánh? Theo ngài, giáo hoàng có phải canh tân không?


C.    CHƯƠNG II: GIỮA CƠN KHỦNG HOẢNG VỀ DẤN THÂN CỘNG ĐỒNG   [50-109]

Trong chương này, Đức Thánh Cha vạch ra những thách thức của thế giới hôm nay đối với sự dấn thân truyền giáo của Hội Thánh. Đặc biệt ngài chỉ trích hệ thống kinh tế-chính trị hôm nay vì gây ra tình trạng loại trừ và bất bình đẳng. Và ngài cụ thể kêu gọi mọi tín hữu ‘nói không’ với những nguyên nhân sâu xa của tình trạng này.


—   Hệ thống kinh tế-xã hội hiện hành là “bất công tận gốc” [59]

Khi đề cập tới những thách thức của thế giới hôm nay, Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên án hệ thống kinh tế hiện hành dẫn đến tình trạng loại trừ, bất bình đẳng, là hệ thống kinh tế “giết người”, và “bất công tận gốc”:

Cũng như giới răn “Chớ giết người” đặt ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống con người, ngày nay chúng ta cũng phải nói “Không” với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Một nền kinh tế như thế cũng giết chết. Sao có thể khi một người vô gia cư chết vì không được che chở thì không được kể là một tin tức, trong khi thị trường chứng khoán mất hai điểm thì lại là tin tức? Đây là một trường hợp loại trừ. Chúng ta có thể điềm nhiên đứng nhìn khi lương thực bị đổ đi trong khi có những người đang đói? Đây là một trường hợp bất bình đẳng. Ngày nay mọi thứ đều theo luật cạnh tranh và luật sinh tồn của kẻ thích hợp nhất, ở đó những kẻ có quyền lực chèn ép những người yếu. Hậu quả là vô số người bị loại trừ và bị gạt ra bên lề: không việc làm, không phương tiện, không có bất kỳ lối thoát nào. [53]

Nó là “một thứ chuyên chế mới, vô hình”, “đơn phương và tàn nhẫn áp đặt những luật pháp và qui tắc riêng của nó”:

Trong khi thu nhập của một thiểu số tăng theo cấp số nhân, thì hố ngăn cách giữa đa số với một thiểu số được hưởng sự thịnh vượng cũng tăng theo cấp số nhân. Tình trạng chênh lệch này là kết quả của các hệ tư tưởng muốn bảo vệ sự độc lập tuyệt đối của thị trường và đầu cơ tài chánh... Thế là sinh ra một thứ chuyên chế mới, vô hình và thường là hư hư ảo ảo, nó đơn phương và tàn nhẫn áp đặt những luật pháp và qui tắc riêng của nó... Cũng còn phải kể thêm tình trạng tham nhũng và trốn thuế tràn lan vì ích kỷ, nay đã ở cấp độ toàn cầu. Khát vọng quyền lực và của cải là vô giới hạn. Trong hệ thống này, với khuynh hướng dẵm nát bất cứ cái gì cản trở sự gia tăng lợi nhuận, thì những thực tại mong manh... hoàn toàn không có khả năng tự vệ trước những lợi ích của một thị trường được thần thánh hoá và trở thành qui luật duy nhất. [56]

Ngài cũng tố giác tình trạng bách hại tôn giáo và sự lan rộng của chủ nghĩa dửng dưng và chủ nghĩa tương đối: đó là những thách thức cho việc loan báo Tin Mừng:

 Chúng ta cũng loan báo Tin Mừng khi cố gắng đối mặt với các thách thức có thể xuất hiện. Có khi những thách thức này có thể đến dưới dạng những cuộc tấn công thực sự vào tự do tôn giáo hay những cuộc bách đạo mới nhắm vào người Kitô hữu; tại một số nước, tình trạng này đã tới mức báo động của sự căm thù và bạo lực. Tại nhiều nơi, thách thức nổi trội hơn là sự lan rộng của chủ nghĩa dửng dưng và chủ nghĩa tương đối, gắn liền với sự thất vọng và khủng hoảng ý thức hệ xuất hiện như một phản ứng chống lại bất cứ cái gì có vẻ độc tài. Tình trạng này không chỉ làm hại Hội Thánh mà cũng làm hại toàn thể xã hội... [61]


—   Chủ nghĩa cá nhân hậu hiện đại làm suy yếu đời sống gia đình và các mối quan hệ xã hội

Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hoá sâu xa, và mọi cộng đồng và quan hệ xã hội cũng thế. Trong trường hợp gia đình, sự suy yếu các mối quan hệ này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau; gia đình cũng là nơi cha mẹ truyền thụ đức tin cho con cái. Hôn nhân bây giờ có khuynh hướng được coi như một hình thức thoả mãn tình cảm đơn thuần và có thể được xây dựng bằng mọi hình thức hoặc thay đổi tuỳ ý. Nhưng sự đóng góp thiết yếu của hôn nhân cho xã hội vượt lên trên các tình cảm và các nhu cầu của đôi vợ chồng... [66]

Chủ nghĩa cá nhân của thời hậu hiện đại và toàn cầu hoá của chúng ta tạo điều kiện cho một nếp sống làm suy yếu sự phát triển và vững bền của các mối tương quan nhân vị và làm biến dạng các mối dây ràng buộc gia đình. Hoạt động mục vụ cần làm sáng tỏ hơn sự thật rằng mối quan hệ của chúng ta với Chúa Cha đòi hỏi và khuyến khích một sự hiệp thông giúp chữa lành, cổ vũ và tăng cường các mối quan hệ giữa người với người... Ngày nay cũng vậy, nhiều loại hiệp hội khác nhau nhẳm bảo vệ các quyền và theo đuổi các mục tiêu cao quí đang được lập ra. Đây là dấu hiệu cho thấy ước muốn của nhiều người muốn đóng góp cho sự tiến bộ văn hoá và xã hội. [67]


—   Các cám dỗ đối với người hoạt động mục vụ

Đức Thánh Cha bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đang dấn thân hoạt động trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Ngài khẳng định Hội Thánhtrong quá khứ cũng như hôm nay có những đóng góp vô cùng to lớncho thế giới:

Tôi vô cùng biết ơn tất cả những người đang dấn thân hoạt động trong Hội Thánh và cho Hội Thánh. Ở đây (...) tôi muốn suy tư về những thách thức mà tất cả họ phải đối diện trong bối cảnh văn hoá toàn cầu hoá hiện nay. Nhưng một cách công tâm, tôi phải nói trước tiên rằng sự đóng góp của Hội Thánh trong thế giới hôm nay là vô cùng to lớn. Nỗi đau và sự xấu hổ chúng ta cảm thấy vì tội lỗi của một số thành viên của Hội Thánh, và tội lỗi của chính chúng ta, không bao giờ được làm chúng ta quên rằng có vô số người Kitô hữu đang hiến dâng cuộc đời mình trong hi vọng. Họ giúp biết bao nhiêu người được khỏi bệnh hay được chết trong bình an tại các bệnh viện tạm bợ. Họ hiện diện với những người mắc các tật nghiện ngập khác nhau tại những nơi nghèo khổ nhất trên thế giới. Họ hiến mình cho việc giáo dục các trẻ em và thanh niên. Họ chăm sóc những người già không được ai lo cho. (...) Họ dấn thân bằng những cách thức khác nhau để chứng tỏ một tình thương vô biên đối với nhân loại được khơi dậy bởi vị Thiên Chúa làm người. Tôi biết ơn vì gương sáng tôi nhận được từ rất nhiều Kitô hữu khi họ vui vẻ hi sinh cuộc đời và thời giờ của họ. Những chứng tá này an ủi và nâng đỡ tôi trong cố gắng của chính mình để khắc phục tính ích kỷ và để tôi hiến mình trọn vẹn hơn. [76]

Nhưng đồng thời ngài cũng đề cập đến các cám dỗ họ đang phải đối diện: nếp sống tự do và thoải mái cá nhân; đời sống thiêng liêng nghèo nàn và thiếu dấn thân; và cả một thái độ hoài nghi về sứ điệp của Hội Thánh dẫn tới tâm lý mặc cảm tự ti và chủ nghĩa tương đối:

Chúng ta hôm nay đang thấy nơi nhiều người hoạt động mục vụ, gồm cả những người sống đời thánh hiến, nam cũng như nữ, một sự quan tâm quá mức về tự do và sự thoải mái của bản thân họ, khiến họ coi công việc của họ như chỉ là một cái gì phụ thuộc chứ không phải một thành phần thuộc căn tính của họ. Đồng thời, đời sống thiêng liêng trở nên bị đồng hoá với một ít việc thực hành tôn giáo có thể đem lại một sự an ủi nào đó (...). Kết quả là ... tuy họ vẫn cầu nguyện, nhưng có một lối sống rất cá nhân chủ nghĩa, một sự khủng hoảng căn tính và nhiệt tình trở nên nguội lạnh. Ba điều xấu này tác động lẫn nhau. [78]

Có những lúc nền văn hoá truyền thông của chúng ta và một số giới trí thức truyền đi một chủ nghĩa hoài nghi rất mạnh đối với sứ điệp của Hội Thánh... Hậu quả là nhiều nhà hoạt động mục vụ, mặc dù họ cầu nguyện, nhưng ngày càng thêm mặc cảm tự ti dẫn họ tới thái độ tương đối hoá căn tính và các niềm tin Kitô giáo của họ... Rốt cuộc họ cảm thấy không hài lòng với bản thân họ và với công việc họ làm... Tình trạng này cuối cùng bóp nghẹt niềm vui truyền giáo bằng một thứ ám thị rằng họ cứ sống như mọi người và có tất cả những gì người khác có. Như thế hoạt động rao giảng Tin Mừng của họ trở thành bị ép buộc, họ dành rất ít công sức và thời gian cho công việc này. [79]


—   Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục

Đức Thánh Cha cảnh giác về tính thế tục thiêng liêng “núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và yêu Hội Thánh: thực ra là tìm kiếm danh vọng và lợi ích cá nhân thay vì tìm vinh quang Chúa”:

Núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu đối với Hội Thánh, tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thoả mãn của bản thân. (..) Đây là một cách tinh vi để tìm “lợi ích cho riêng mình chứ không phải tìm lợi ích cho Đức Giêsu Kitô” (Pl 2:21). Hành động này có nhiều hình thức tuỳ theo mỗi loại người hay nhóm người mà nó ngấm vào.Vì nó dựa trên những vẻ bề ngoài được trau chuốt cẩn thận, bề ngoài nó không có vẻ gì là tội lỗi; từ ngoài nhìn vào, mọi sự đều nghiêm túc. Nhưng nếu nó ngấm vào Hội Thánh, “nó sẽ vô vàn tai hại hơn bất cứ thái độ thế tục nào chỉ đơn thuần về mặt luân lý”. [93]

Tính thế tục này được biểu hiện dưới hai hình thức [94] và dẫn tới những “thái độ có vẻ đối chọi nhau nhưng tất cả đều mang một thái độ tự phụ muốn ‘giành quyền kiểm soát của Hội Thánh’ [95]:

Một là sự hấp dẫn của thuyết ngộ đạo, một đức tin thuần tuý chủ quan chỉ quan tâm duy nhất tới một kinh nghiệm nào đó hay một tập hợp các ý niệm và các thông tin có mục đích an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc nó giam hãm một cá nhân trong các tư tưởng và tình cảm của mình. Hai là thuyết tân Pêlagiô mang tính tự phụ của những người ỷ vào sức riêng của mình và coi mình hơn những người khác vì biết được một số qui luật hoặc trung thành một cách cố chấp với một kiểu công giáo đặc thù của quá khứ (...) Trong cả hai trường hợp, người ta không thực sự quan tâm tới Đức Kitô hay người khác. Đây là những biểu hiện của một thái độ tự tại lấy con người làm trung tâm. Không thể nghĩ rằng một động lực loan báo Tin Mừng đích thực có thể phát sinh từ những hình thức biến chất này của Kitô giáo. [94]

... Nơi một số người, chúng ta thấy một sự quan tâm phô trương đối với phụng vụ, giáo lý hay uy tín của Hội Thánh, nhưng không hề lo cho Tin Mừng có một tác động thực sự đối với các tín hữu và các nhu cầu cụ thể của thời đại. (...) Nơi những người khác, tính thế tục này ẩn nấp bên dưới vẻ hào nhoáng của lợi lộc xã hội và chính trị, hay dưới sự kiêu căng vì họ có khả năng xử lý các vấn đề thực tế, hay một sự say mê đối với các chương trình tự lực và tự thể hiện mình. Tính thế tục cũng có thể được biểu hiện bằng việc muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân. (...) Không hề có dấu ấn của Đức Kitô nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh; các nhóm ưu tú khép kín được hình thành, và không có cố gắng nào để đi ra bên ngoài tìm kiếm những người còn xa cách hay đám quần chúng bao la đang khát Đức Kitô. Nhiệt huyết Tin Mừng bị thay thế bằng sự hưởng thụ trống rỗng của tính tự mãn và buông thả. [95]

Những người đã từng rơi vào thái độ thế tục này thường nhìn từ trên cao và từ đàng xa, họ phủ nhận những lời tiên tri của các anh chị em của họ, họ coi nhẹ tính khả tín của những ai đặt câu hỏi, họ không ngừng vạch lá tìm sâu và bị ám ảnh bởi những vẻ bề ngoài. Tâm hồn họ chỉ mở ra với chân trời hạn hẹp của tính tự tại và tư lợi của họ, và hậu quả là họ chẳng học được gì từ những tội lỗi của họ hay thực sự muốn đón nhận ơn tha thứ. Đây là một sự sa đoạ nguỵ trang dưới lớp vỏ của một điều thiện. Chúng ta cần tránh nó bằng cách làm cho Hội Thánh luôn luôn ra khỏi chính mình, qui hướng việc truyền giáo của mình vào Đức Kitô, và dấn thân cho người nghèo. Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một Hội Thánh thế tục với những cạm bẫy của hoạt động thiêng liêng và mục vụ bề ngoài! [97]


—   Hội Thánh phải mở rộng hơn cho giáo dân, phụ nữ và giới trẻ

Đức Thánh Cha cảnh giác chúng ta về những tranh chấp dẫn tới tinh thần phe nhóm và loại trừ trong chính nội bộ Hội Thánh, vốn đòi hỏi một sự bao gồm rộng rãi mọi thành phần với tất cả sự đa dạng phong phú của mỗi thành phần:

Biết bao cuộc chiến diễn ra trong nội bộ Dân Chúa và trong các cộng đồng của chúng ta! Trong khu vực sinh sống và nơi làm việc của chúng ta, biết bao cuộc chiến xảy ra do ghen ghét và đố kỵ, ngay cả giữa những người Kitô hữu với nhau! (...) Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. Thay vì thuộc về một Hội Thánh toàn thể trong tất cả sự đa dạng, họ thuộc về nhóm này hay nhóm nọ, nghĩ rằng mình thì khác hay đặc biệt. [87]

Mở rộng sự tham gia của giáo dân:

Giáo dân rõ ràng là thành phần đại đa số của Dân Chúa. Thành phần thiểu số—các thừa tác viên có chức thánh—là để phục vụ giáo dân. Ngày càng có một sự ý thức nhiều hơn về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Hội Thánh. Chúng ta có thể cậy dựa vào nhiều giáo dân, tuy hầu như vẫn chưa đủ, là những người có một ý thức cộng đoàn sâu xa và một sự trung thành lớn lao đối với các công việc bác ái, dạy giáo lý và cổ vũ đức tin. (...) Sự đào luyện giáo dân và việc phúc âm hoá đời sống nghề nghiệp và tri thức là một thách thức mục vụ quan trọng. [102]

Mở rộng sự tham gia của phụ nữ:

Hội Thánh nhìn nhận sự đóng góp không thể thiếu của phụ nữ cho xã hội nhờ sự nhậy cảm, trực giác và các năng khiếu đặc trưng mà họ có, nhiều hơn đàn ông. (...) Tôi vui mừng nhìn nhận rằng các phụ nữ đang chia sẻ trách nhiệm với các linh mục, giúp họ hướng dẫn dân chúng, các gia đình và các nhóm, và có nhiều đóng góp mới cho suy tư thần học. Nhưng chúng ta cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để có sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong Hội Thánh. Bởi vì “tài năng thiên phú của nữ giới là cần thiết trong mọi biểu hiện trong đời sống xã hội, sự hiện diện của phụ nữ cũng phải được bảo đảm tại nơi làm việc” và trong các khung cảnh khác nhau trong đó các quyết định được đề ra, cả trong Hội Thánh và trong các cơ cấu xã hội. [103]

Liên quan tới vai trò của phụ nữ, Đức Thánh Cha cũng đụng đến vấn đề phụ nữ làm linh mục:

Các đòi hỏi rằng các quyền hợp pháp của phụ nữ phải được tôn trọng, dựa trên sự xác tín vững vàng rằng người nam và người nữ bình đẳng với nhau về phẩm giá, đang đặt ra cho Hội Thánh những vấn đề sâu xa và thách thức mà chúng ta không thể coi nhẹ và lẩn tránh. Việc chức linh mục được dành riêng cho nam giới, như một dấu chỉ Đức Kitô là Phu Quân hiến mình trong bí tích Thánh Thể, là vấn đề không thể bàn cãi, nhưng nó có thể tỏ ra gây chia rẽ đặc biệt nếu quyền năng của bí tích bị đồng hoá với quyền năng nói chung. Phải nhớ rằng khi nói về quyền năng bí tích “chúng ta đang ở trong lãnh vực chức năng hoạt động, chứ không phải lãnh vực phẩm giá hay sự thánh thiện” (...) Trong Hội Thánh, các chức vụ “không đặt một số người lên địa vị cao hơn những người khác”. Trên thực tế, Đức Maria là một phụ nữ nhưng quan trọng hơn các giám mục. (...) [104]

Mở rộng sự đóng góp của giới trẻ:

Mặc dù không phải luôn luôn dễ tiếp cận giới trẻ, nhưng chúng ta đã có tiến bộ trong hai lãnh vực: sự ý thức mà toàn thể cộng đồng được kêu gọi loan báo Tin Mừng và giáo dục cho giới trẻ, và nhu cầu cấp bách để giới trẻ thực thi vai trò lãnh đạo nhiều hơn. Chúng ta phải nhìn nhận rằng bất chấp cơn khủng hoảng hiện nay về dấn thân và các mối quan hệ cộng đồng, nhiều người trẻ đang chia sẻ mối quan tâm chung về các vấn đề của thế giới chúng ta và đang thực hiện những hình thức khác nhau trong việc cổ động tích cực và hoạt động tình nguyện. [106]

Vấn đề khan hiếm ơn gọi linh mục và tu sĩ; các nguyên nhân và giải pháp:
Nhiều nơi đang trải qua một tình trạng thiếu ơn gọi linh mục và tu sĩ. Đây thường là do thiếu một nhiệt tình tông đồ có sức lan toả trong các cộng đồng, dẫn đến sự nguội lạnh của niềm phấn khởi và sức hấp dẫn. Ở đâu có sự sống, nhiệt tình và ước muốn đem Đức Kitô đến cho người khác, ở đó sẽ xuất hiện các ơn gọi đích thực. (...) Điều này đặc biệt đúng nếu một cộng đồng sinh động như thế liên lỷ cầu nguyện cho các ơn gọi và can đảm đề nghị cho những người trẻ của mình con đường thánh hiến đặc biệt. Mặt khác, bất chấp tình trạng thiếu ơn gọi, ngày nay chúng ta ngày càng ý thức hơn về nhu cầu có một qui trình tuyển lựa các ứng sinh cho chức linh mục. Các chủng viện không thể tiếp nhận các ứng sinh căn cứ vào bất cứ động cơ nào, đặc biệt nếu các động cơ ấy liên quan tới sự an toàn tình cảm hay sự theo đuổi quyền lực, danh vọng hay của cải. [107]
 

Câu hỏi gợi ý:

a)   Các thách thức cho người dấn thân truyền giáo đến từ đâu? Kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo hay văn hoá?
b)   Theo Đức Thánh Cha, người hoạt động mục vụ truyền giáo nay đang gặp những cám dỗ chính yếu và nguy hiểm nào?
c)   Nền kinh tế thống trị thế giới hiện nay theo Đức Thánh Cha là hệ thống kinh tế nào? Nó có phải là một hệ thống ‘bất công tận gốc’ không? Nó mang lại lợi ích cho người nghèo, hay tạo ra bất công, loại trừ?
d)   Chủ nghĩa cá nhân hậu hiện đại là gì? Nó huỷ hoại các mối quan hệ gia đình và xã hội như thế nào?
e)   Tính thế tục thiêng liêng là gì? Hội Thánh theo thói thế tục là gì?
f)    Đức Thánh Cha muốn Hội Thánh phải mở rộng cửa đặc biệt cho những thành phần nào? Tại sao?
 

D.   CHƯƠNG III: RAO GIẢNG TIN MỪNG [110-175]

—   Hội Thánh có nhiều khuôn mặt

Khi nói về chủ đề văn hoá, Đức Thánh Cha nhắc nhớ rằng “Kitô giáo không chỉ có một cách biểu hiện văn hoá duy nhất” và “Hội Thánh diễn tả tính công giáo đích thực của mình và phô bày ‘vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng của mình’”:

Trong hai thiên niên kỷ đầu này của Kitô giáo, vô số dân tộc đã đón nhận ơn đức tin, phát huy nó trong đời sống hằng ngày của mình và truyền lại cho các thế hệ sau bằng ngôn ngữ của nền văn hoá riêng của họ. [...] Lịch sử Hội Thánh cho thấy rằng Kitô giáo không chỉ có một cách biểu hiện văn hoá duy nhất, nhưng “trong khi hoàn toàn trung thực với mình, vững vàng trung thành với việc rao giảng Tin Mừng và truyền thống của Hội Thánh, Kitô giáo cũng phản ánh những bộ mặt khác nhau của các nền văn hoá và các dân tộc đã tiếp nhận nó và làm cho nó bén rễ”. Trong sự đa dạng của các dân tộc trải nghiệm ân huệ của Thiên Chúa, mỗi dân theo văn hoá riêng của mình, Hội Thánh diễn tả tính công giáo đích thực của mình và phô bày “vẻ đẹp của khuôn mặt đa dạng của mình”. (...) “Mỗi dẫn tộc cống hiến những giá trị và những hình thức tích cực để làm phong phú cách thức mà Tin Mừng được rao giảng, hiểu và sống”. Bằng cách này, Hội Thánh đón nhận những giá trị của các nền văn hoá khác nhau và trở thành sponsa ornata monilibus suis, ‘cô dâu được trang điểm lộng lẫy’ (xem Is 61:10)”. [116]

Khi được hiểu đúng, đa dạng văn hoá không phải là mối đe doạ cho sự hiệp nhất của Hội Thánh. (...) Chúng ta sẽ không công bằng với cái lôgích của nhập thể nếu chúng ta nghĩ về Kitô giáo như là đơn văn hoá và đơn điệu. Tuy đúng là một số nền văn hoá đã được liên kết mật thiết với việc rao giảng Tin Mừng và sự phát triển tư tưởng Kitô giáo, nhưng sứ điệp mặc khải không bị đồng hoá với bất cứ nền văn hoá nào; nội dung của sứ điệp mang tính xuyên văn hoá. Thế nên trong việc loan báo Tin Mừng cho các nền văn hoá mới, hay các nền văn hoá chưa tiếp nhận sứ điệp Kitô giáo, điều cơ bản không phải là áp đặt cùng với Tin Mừng một hình thức văn hoá nhất định, dù nó đẹp hay lâu đời bao nhiêu. (...) [117]

Tông huấn xác nhận tầm quan trọng và sức mạnh truyền giáo của lòng đạo bình dân:

Một khi Tin Mừng đã được hội nhập vào văn hoá của một dân tộc, trong tiến trình thông truyền văn hoá của họ, họ cũng thông truyền đức tin trong những hình thức luôn luôn mới mẻ; vì vậy hiểu truyền giáo như là hội nhập văn hoá là điều quan trọng. (...) Ta có thể nói rằng “một dân tộc không ngừng tự Phúc-Âm-hoá chính mình”. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của lòng đạo bình dân, một cách diễn tả đích thực về hoạt động truyền giáo tự phát của Dân Chúa. Đây là một tiến trình đang phát triển liên tục mà Chúa Thánh Thần là tác nhân chính. [122]

Tại châu lục thân yêu ấy (Châu Mỹ Latinh), nơi nhiều Kitô hữu bộc lộ đức tin qua lòng đạo bình dân, các giám mục cũng gọi nó là “linh đạo bình dân” hay “khoa thần bí của dân chúng”. Nó đúng là “một linh đạo nhập thể trong văn hoá của những người thấp hèn.” (...) Nó là “một cách sống đức tin hợp lệ, một cách cảm nhận mình là thành phần của Hội Thánh và biểu lộ tư cách người truyền giáo.” Chúng ta đừng bóp nghẹt hay tìm cách kiểm soát sức mạnh truyền giáo này! [124]


—   Bài giảng: biết nói những lời làm bừng cháy con tim

Đức Thánh Cha đã trình bày khá tỉ mỉ về bài giảng và dọn bài giảng:

... có quá nhiều mối quan tâm đã được bày tỏ về tác vụ quan trọng này và chúng ta không thể làm ngơ. Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng. Đây là trường hợp đáng buồn. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên.

Bài giảng có tầm quan trọng đặc biệt vì bối cảnh Thánh Thể của nó: nó vượt quá mọi hình thức huấn giáo vì là thời điểm tột đỉnh trong cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với dân Người, và dẫn tới việc hiệp thông bí tích. Bài giảng một lần nữa tiếp nối cuộc đối thoại mà Chúa đã thiết lập với dân Người. Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi. [137]

Đối thoại không chỉ là thông truyền một sự thật, nó phong phú hơn rất nhiều. (...) Một bài giảng mà chỉ nhắm dạy đạo đức hay lý thuyết, hoặc biến thành một bài giảng về chú giải Kinh Thánh, là đi lạc khỏi sự thông truyền đích thực từ trái tim đến trái tim diễn ra trong bài giảng và mang một tính chất gần như bí tích: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Trong bài giảng, chân-thiện-mỹ đi chung với nhau. Thay vì nói về các chân lý trừu tượng và các kiểu lý luận khô khan, bài giảng truyền đạt vẻ đẹp của các hình ảnh đã được Chúa dùng để khuyến khích người ta hành thiện. [142]

Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dọn bài giảng:

Chuẩn bị giảng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi chúng ta phải dành một lượng thời gian dài cho việc học hỏi, cầu nguyện, suy tư và óc sáng tạo mục vụ. (...) Một số mục tử lý luận rằng một sự chuẩn bị như thế là không khả thi vì khối lượng công việc họ phải làm quá nhiều; tuy nhiên, tôi muốn xin rằng mỗi tuần phải dành một phần thời gian cá nhân và cộng đoàn đủ cho công việc này, dù có phải bớt xén thời gian của các công việc quan trọng khác. (...) Một người giảng thuyết không chuẩn bị thì không “có thần khí”; họ là người bất lương và vô trách nhiệm đối với các ân huệ họ đã nhận. [145]


—   Vai trò cơ bản của “lời rao giảng ban đầu” (kerygma)

Lời rao giảng ban đầu hay “kerygma” có một vai trò cơ bản trong huấn giáo:

Chúng ta không được nghĩ rằng trong huấn giáo, lời rao giảng đầu tiên (kerygma) nhường chỗ cho một sự đào luyện được cho là “vững chắc” hơn. Không có gì vững chắc, sâu xa, bảo đảm và khôn ngoan hơn lời rao giảng cơ bản này. (...) Vị trí trung tâm của kerygma đòi phải nhấn mạnh những yếu tố cần nhất hôm nay: nó phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa, là cái đi trước mọi bổn phận luân lý hay tôn giáo của chúng ta; nó không được áp đặt sự thật nhưng kêu gọi tự do; nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống và một sự cân bằng hài hoà (...) Tất cả điều này đòi hỏi người giảng thuyết phải có một số thái độ nuôi dưỡng sự mở lòng ra cho sứ điệp: dễ đến gần, sẵn sàng đối thoại, kiên nhẫn, nồng ấm, niềm nở, tóm lại là thái độ không phê phán. [165]
Đức Thánh Cha nhấn mạnh “nghệ thuật đồng hành” với các cá nhân:

(..) Trong thế giới chúng ta, các mục tử có chức thánh và các nhà hoạt động mục vụ khác có thể hiện thực hoá hương thơm sự gần gũi và cái nhìn thân mật của Đức Kitô. Hội Thánh sẽ phải dẫn đưa mọi người—linh mục, tu sĩ, và giáo dân—vào trong “nghệ thuật đồng hành” này, nó dạy chúng ta biết cởi dép khi đứng trên nền đất thánh thiêng của người khác (xem Xh 3:5). Bước chân đồng hành này phải có nhịp đều và vững vàng, phản ánh thái độ gần gũi và cái nhìn cảm thông của chúng ta, giúp chữa lành và khích lệ sự tăng trưởng trong đời sống Kitô giáo. [169]
 

Câu hỏi gợi ý:

a)   Đức Thánh Cha nói “Hội Thánh có nhiều khuôn mặt” nghĩa là gì. Nó liên quan thế nào với việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh?
b)   Tại sao Đức Thánh Cha đề cập rất tỉ mỉ về bài giảng?
c)   Tại sao Đức Thánh Cha nói “... các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng”? Có thừa tác viên nào thích giảng không? Tại sao? Có giáo dân nào sợ nghe giảng không? Tại sao?
d)   ‘Lời rao giảng ban đầu (kerygma) nghĩa là gì? Giáo lý có hoàn toàn khác với lời rao giảng ban đầu không?Việc dạy giáo lý và các giảng viên giáo lý của chúng ta hiện nay như thế nào?
e)   Đức Thánh Cha nói về ‘nghệ thuật đồng hành’. Đồng hành bao gồm những thái độ chính nào?


E.    CHƯƠNG IV: CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG  [176-258]

—   Một Hội Thánh nghèo cho người nghèo

Đức Thánh Cha nhắc lại “mối tương quan mật thiết giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người”:

(..) Chính mầu nhiệm Ba Ngôi nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta đã được dựng nên theo hình ảnh sự hiệp thông thần linh này, vì vậy chúng ta không thể hoàn thành bản thân hay được cứu độ mà chỉ dựa vào cố gắng của riêng mình. Từ tâm điểm của Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người, sự thăng tiến này bắt buộc phải được biểu hiện và phát triển trong mọi hoạt động loan báo Tin Mừng. Chấp nhận lời rao giảng cơ bản này—lời rao giảng mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và đáp lại tình yêu ấy bằng chính tình yêu là quà tặng của Người—sẽ tạo ra trong đời sống và hành động của chúng ta một lời đáp trước tiên và cơ bản: ước muốn, tìm kiếm, và bảo vệ lợi ích của người khác. [178]

Vì vậy Hội Thánh phải dấn thân trong các vấn đề xã hội, đặc biệt phải biết nghe tiếng kêu của người nghèo:

Do đó, không ai có thể đòi tôn giáo phải bó gọn vào trong nội cung của đời sống cá nhân, không có ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội và quốc gia, không quan tâm gì tới sự lành mạnh của các cơ chế dân sự, không có quyền đóng góp ý kiến về các vấn đề ảnh hưởng tới xã hội. (...) Nếu quả thực “việc điều hoà trật tự công bằng của xã hội và nhà nước là một trách nhiệm chính trị”, thi Hội Thánh “không thể đứng bên lề cuộc đấu tranh cho công lý”. Mọi Kitô hữu, bao gồm cả các mục tử của họ, được kêu gọi bày tỏ quan tâm đối với việc xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn... [183]

Mỗi cá nhân và mỗi cộng đồng Kitô hữu được kêu gọi trở thành một dụng cụ của Thiên Chúa cho việc giải phóng và thăng tiến người nghèo, và giúp họ là thành viên đầy đủ của xã hội. Việc này đòi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đến cứu giúp họ. (...) Nếu chúng ta, những người được Chúa dùng để lắng nghe người nghèo, mà bịt tai trước tiếng kêu xin này, chúng ta chống lại ý muốn và kế hoạch của Người... [187]

Chọn lựa người nghèo của Hội Thánh là một phạm trù thần học trước khi là một phạm trù văn hoá, xã hội, chính trị hay triết học:

Đối với Hội Thánh, lựa chọn người nghèo là một phạm trù chủ yếu thần học hơn là một phạm trù xã hội học, chính trị hay triết học. Thiên Chúa tỏ “lòng thương xót của Người trước tiên” cho những người nghèo. Sự ưu ái này của Thiên Chúa có những hệ quả cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, vì chúng ta được kêu gọi để có “tâm tình như Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2:5). Được gợi hứng bởi điều này, Hội Thánh đã có sự chọn lựa vì người nghèo, được hiểu như là một “hình thức đặc biệt của vị trí hàng đầu trong việc thực thi bác ái Kitô giáo mà toàn thể truyền thống của Hội Thánh luôn làm chứng.” (...) Đây là lý do tại sao tôi muốn một Hội Thánh nghèo và cho người nghèo. Họ có nhiều điều để dạy chúng ta. Không những họ tham dự vào cảm thức đức tin (sensus fidei), nhưng giữa những khó khăn của mình, họ nhận biết Đức Kitô chịu đau khổ. Chúng ta cần phải để mình được phúc âm hoá bởi họ... [198]

Đức Thánh Cha khẳng định rằng “sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu chăm sóc thiêng liêng”:

Vì Tông Huấn này nói với các thành viên Hội Thánh Công Giáo, tôi muốn nói với lòng đau buồn rằng sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu chăm sóc thiêng liêng. Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ. [200]

Và ngài nhấn mạnh tính cấp bách của việc giải quyết các nguyên nhân của nghèo khó:

Nhu cầu giải quyết các nguyên nhân của nghèo khó không thể bị trì hoãn, không chỉ vì lý do thực dụng là sự cấp bách của nó đối với trật tự tốt đẹp của xã hội, mà còn vì xã hội cần được chữa khỏi căn bệnh đang làm nó suy yếu và thất bại và chỉ có thể dẫn tới những khủng hoảng mới. (...) Chừng nào mà các vấn đề của người nghèo không được giải quyết triệt để bằng cách ... tấn công vào các nguyên nhân của cơ cấu bất bình đẳng, thì không một giải pháp nào có thể được tìm thấy cho các vấn đề của thế giới, hay cho bất cứ vấn đề nào trong lãnh vực này. Bất bình đẳng là cội rễ của mọi tệ nạn xã hội. [202]


—   Nhìn nhận nhân phẩm của các thai nhi: phá thai không phải là ‘tiến bộ’

Đức Thánh Cha mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ các thai nhi, “những đứa trẻ vô phương tự vệ và vô tội nhất trong chúng ta”, và nói rằng “không thể nào mong đợi Hội Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề phá thai”:

Trong số những thành phần dễ tổn thương mà Hội Thánh muốn chăm sóc bằng tình thương và quan tâm đặc biệt là những thai nhi, những đứa trẻ vô phương tự vệ và vô tội nhất trong chúng ta. Ngày nay người ta đang cố phủ nhận nhân phẩm của các thai nhi và làm bất cứ điều gì họ thích về chúng, cướp mất mạng sống của chúng và ra các đạo luật chống lại bất cứ ai cản đường họ. (...) Nhưng việc bảo vệ sự sống chưa được sinh ra này liên hệ mật thiết với việc bảo vệ tất cả các quyền khác của con người. Nó bao hàm niềm tin rằng một con người luôn luôn là thánh thiêng và bất khả xâm phạm, trong mọi hoàn cảnh và mọi giai đoạn phát triển của nó. Con người tự nó là mục đích chứ không bao giờ là phương tiện để giải quyết các vấn đề khác. ... [213]

Chính vì điều này bao hàm sự nhất quán nội tại của sứ điệp của chúng ta về giá trị của nhân vị, không thể nào mong đợi Hội Thánh thay đổi lập trường của mình về vấn đề này. (...) Tìm cách giải quyết các vấn đề bằng việc loại trừ sự sống con người thì không phải là “tiến bộ”. Mặt khác, cũng đúng là chúng ta đã làm quá ít để hỗ trợ thoả đáng các phụ nữ trong các tình huống rất khó khăn, khi mà việc phá thai được xem là giải pháp nhanh cho mối lo lắng sâu xa của họ, đặc biệt khi sự sống đang phát triển bên trong họ là kết quả của hành vi cưỡng hiếp hay một hoàn cảnh nghèo khó tột cùng. Ai có thể điềm nhiên trước những tình huống đau đớn này? [214]


—   Hội Thánh cần gióng lên tiếng nói ngôn sứ cho vấn đề hoà bình

Hoà bình thật phải là sự tôn trọng phẩm giá con người và công lý:

Hoà bình trong xã hội không thể được hiểu như là sự bình định hay vắng bóng bạo lực do sự thống trị của một bộ phận xã hội trên các bộ phận khác. Hoà bình thật cũng không phải là cái cớ để biện minh cho một cơ cấu xã hội làm cho người nghèo phải câm miệng hay chịu cam phận, để cho những kẻ giàu có hơn có thể ung dung hưởng thụ nếp sống của họ đang khi những người khác phải cố sống được thế nào hay thế ấy. Những đòi hỏi về sự phân phối của cải, sự quan tâm tới người nghèo và các quyền con người không thể được dập tắt bằng cái vỏ bọc tạo ra một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một thứ hoà bình tạm bợ cho một thiểu số mãn nguyện. Phẩm giá con người và công ích giữ vị trí cao hơn sự tiện nghi của những người không chấp nhận từ bỏ những đặc quyền của mình. Khi những giá trị này bị đe doạ, cần phải gióng lên một tiếng nói tiên tri.


—   Hội Thánh trong hành trình đối thoại

Loan báo Tin Mừng cũng bao gồm một hành trình đối thoại, cách riêng trong ba lãnh vực chính: chính trị, văn hoá-xã hội, tôn giáo:

Loan báo Tin Mừng cũng bao gồm con đường đối thoại. Đối với Hội Thánh hôm nay, nổi bật lên ba lãnh vực đối thoại mà Hội Thánh phải có mặt trong đó để cổ vũ sự phát triển đầy đủ con người và để mưu cầu công ích: đối thoại với nhà nước, đối thoại với xã hội—bao gồm đối thoại với các nền văn hoá và khoa học—và đối thoại với các tín đồ khác không thuộc Hội Thánh Công Giáo. Trong mỗi lãnh vực, “Hội Thánh nói từ ánh sáng của đức tin”, cống hiến kinh nghiệm hai ngàn năm của mình và luôn lưu ý tới đời sống và những đau khổ của con người. Ánh sáng này vượt tầm lý trí con người, nhưng nó cũng có thể có ý nghĩa và làm phong phú cho những ai không phải là tín hữu và nó kích thích lý trí mở rộng nhãn giới của nó. [238]

Sự đối thoại giúp cho các bên làm giàu lẫn cho nhau [240-257]

Đức Thánh Cha kết thúc Chương IV này bằng lời mời gọi “mọi Kitô hữu làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng bằng lời nói, thái độ và hành động”:

Xuất phát từ một số vấn đề xã hội có tầm quan trọng cho tương lai của loài người, tôi đã thử trình bày rõ một lần nữa chiều kích xã hội tất yếu của sứ điệp Tin Mừng và khích lệ mọi Kitô hữu chứng minh cho điều này bằng lời nói, thái độ và hành động của họ. [258]
 

Câu hỏi gợi ý:


a)   ‘Một Hội Thánh nghèo cho người nghèo’ nghĩa là gì? Chọn lựa dấn thân cho người nghèo bao gồm những hành động nào? Tình trạng hoạt động bác ái xã hội của Hội Thánh Công Giáo Việt Nam hiện nay thế nào? Có những ưu điểm gì? Những khó khăn gì? Có là chứng tá về sự nghèo khó của Tin Mừng không?
b)   Đức Thánh Cha nói chọn lựa vì người nghèo là một phạm trù thần học nghĩa là gì?
c)   Tại sao Đức Thánh Cha nói sự thiếu chăm sóc thiêng liêng là “sự kỳ thị (hay phân biệt) tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu?
d)   Tại sao Hội Thánh có nghĩa vụ phải lên tiếng bảo vệ các thai nhi? Hội Thánh có thể nào thay đổi lập trường của  mình về vấn đề phá thai không?
e)   Hội Thánh có quyền và nghĩa vụ lên tiếng trong vấn đề hoà bình thế giới không? Khi nào thì Hội Thánh buộc phải “gióng lên tiếng nói ngôn sứ” của mình?
f)    Ba lãnh vực chính trong hành trình đối thoại của Hội Thánh mà Đức Thánh Cha nói tới là ba lãnh vực nào?


F.    CHƯƠNG V: NHỮNG NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN   [259-288]

Chương cuối cùng của tông huấn nói về “những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần”, những người “cầu nguyện và làm việc” với ý thức rằng “truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người”. Tông huấn nhấn mạnh nhu cầu cầu nguyện và chứng tá đời sống của người loan báo Tin Mừng.


—   Những người loan báo Tin Mừng “đầy Thánh Thần”

Những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần là những người dũng cảm mở lòng mình ra cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. (...) Chúa Thánh Thần cũng ban cho họ ơn can đảm để công bố sự mới mẻ của Tin Mừng một cách dạn dĩ (parrhesía) mọi thời và mọi nơi, cả khi gặp chống đối. Chúng ta hãy chạy đến với Người hôm nay, vững vàng trong kinh nguyện, vì không cầu nguyện thì mọi hoạt động của chúng ta có nguy cơ vô hiệu quả và sứ điệp của chúng ta trở thành trống rỗng. Đức Giêsu muốn những người loan báo Tin Mừng không chỉ rao giảng bằng lời nói, nhưng trên hết bằng một đời sống được biến đổi bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. [259]

Những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần là những người cầu nguyện và làm việc. (...) Nếu không có những thời khắc lâu để thờ phượng, gặp gỡ Lời Chúa trong kinh nguyện, hay đối thoại chân thành với Chúa, công việc của chúng ta dễ dàng trở thành vô nghĩa; chúng ta mất năng lượng do sự chán ngán và những khó khăn, và nhiệt huyết của chúng ta tắt dần. (...) Dù vậy, “chúng ta phải bác bỏ cái cám dỗ cung cấp một thứ linh đạo tư riêng và cá nhân, vì (...) Luôn luôn có nguy cơ là một số thời khắc cầu nguyện có thể trở thành cái cớ để từ chối hiến thân truyền giáo; một lối sống tư riêng có thể khiến người Kitô hữu tìm trú ẩn nơi một số hình thức linh đạo sai lạc. [262]

Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta nhận ra rằng chúng ta là một dân tộc: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là dân của Thiên Chúa” (1 P 2:10). Là những người loan báo Tin Mừng cho các linh hồn, chúng ta cần phát triển hương vị thiêng liêng của việc sống chan hoà với dân và khám phá ra rằng điều này tự nó là một nguồn vui tuyệt vời. Truyền giáo vừa là một niềm say mê Đức Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người. Đứng trước Đức Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thấy được chiều sâu tình yêu của Ngài, tình yêu nâng chúng ta lên và kiện cường chúng ta, nhưng đồng thời, trừ khi chúng ta mù,  chúng ta cũng bắt đầu nhận ra rằng cái nhìn cháy bỏng yêu thương của Đức Giêsu mở ra ôm ấp toàn thể dân của Ngài. Chúng ta một lần nữa nhận ra rằng Ngài muốn dùng chúng ta để đến gần với dân yêu dấu của Ngài hơn. Ngài chọn chúng ta từ giữa dân của Ngài và sai chúng ta đến với dân của Ngài; nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta không thể hiểu được căn tính thâm sâu của mình. [268]

Đức Thánh Cha cũng khích lệ người loan báo Tin Mừng đừng bao giờ chán nản trước những khó khăn hay thất bại, vì “không một hành vi yêu mến nào của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với người khác có thể bị mất đi”.

Vì không luôn luôn nhìn thấy các hạt giống này lớn lên, chúng ta cần có một sự chắc chắn nội tâm, một niềm xác tín rằng Thiên Chúa có khả năng hành động trong mọi tình huống, ngay cả giữa những cái bề ngoài có vẻ là thất bại (...) Chúng ta có thể chắc chắn rằng không một hành vi yêu thương hay quan tâm nào của chúng ta đối với người khác lại có thể bị mất đi. Không một hành vi yêu mến nào của chúng ta đối với Thiên Chúa sẽ bị mất đi, không một cố gắng quảng đại nào là vô nghĩa, không một sự chịu đựng đau đớn nào bị phí phạm. (...) Chúng ta hãy học để biết nghỉ ngơi trong vòng tay âu yếm của Cha giữa các hoạt động quảng đại và sáng tạo của mình. Chúng ta hãy tiếp tục tiến tới; chúng ta hãy dâng cho Người mọi sự, để Người làm cho các cố gắng của chúng ta sinh hoa kết quả đúng thời đúng lúc. [279]

Cuối cùng, Đức Thánh Cha kết thúc tông huấn bằng một lời nguyện cầu lên Đức Maria, là Mẹ và Ngôi Sao của cuộc tân Phúc-Âm-hoá, xin Người cho chúng ta nhiệt huyết, lòng can đảm và sự sáng tạo truyền giáo để đem Tin Mừng của sự sống đến với mọi người [288]:

Công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh có một phong cách “Maria”. Mỗi khi nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình thương và sự dịu dàng. Nơi Mẹ ta thấy rằng lòng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của kẻ những kẻ yếu đuối, nhưng của những người mạnh... (...)


Nay xin Mẹ nguyện giúp cầu thay 
cho chúng con đầy nhiệt huyết mới 
bắt nguồn từ sự phục sinh của Chúa, 
để chúng con đem đến mọi người 
Tin Mừng của sự sống chiến thắng tử thần. 
Xin cho chúng con lòng can đảm thánh thiện 
biết tìm ra những lối đi mới 
đem quà tặng của cái đẹp không phai 
đến được với mọi người.  

 

Câu hỏi gợi ý:


a)   Những nét đặc trưng của ‘người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần’ là gì?
b)   Khi gặp khó khăn, thất bại hay không thấy kết quả trong công việc tông đồ, Đức Thánh Cha khuyên người loan báo Tin Mừng phải nhớ tới điều gì?
c)   Đức Mẹ là ‘Ngôi Sao của cuộc tân Phúc-Âm-hoá’ nghĩa là gì?
 
 


MỤC LỤC

Tài liệu học hỏi Tông Huấn Evangelii Gaudium


I.           HƯỚNG DẪN HỌC HỎI  

1.       Loan báo Tin Mừng, Phúc-Âm-hoá, tân Phúc-Âm-hoá là gì?  1
2.       Chủ đích của Đức Thánh Cha trong Tông Huấn này  2
3.       Phương pháp học hỏi Tông Huấn này  2

II.         TÓM LƯỢC NỘI DUNG VÀ CÁC CÂU HỎI GỢI Ý   

A.         LỜI MỞ ĐẦU [1-18] 
—     Động lực chủ đạo của tân Phúc-Âm-hoá: Niềm vui 3
        CÂU HỎI GỢI Ý   4

B.          CHƯƠNG I: SỰ BIẾN ĐỔI TRUYỀN GIÁO CỦA HỘI THÁNH [19-49] 
—     Nhu cầu cải tổ của Hội Thánh để mở rộng truyền giáo  4
—     Tập trung vào điều cơ bản: tâm điểm của Tin Mừng  5
—     Một Hội Thánh mở rộng cửa  6
        CÂU HỎI GỢI Ý   6

C.          CHƯƠNG II: KHỦNG HOẢNG VỀ DẤN THÂN CỘNG ĐỒNG   [50-109] 
—     Hệ thống kinh tế-xã hội hiện hành là “bất công tận gốc” [59] 7
—     Chủ nghĩa cá nhân hậu hiện đại làm suy yếu đời sống gia đình 7
—     Các cám dỗ đối với người hoạt động mục vụ  8
—     Xin Chúa cứu chúng ta khỏi một HộiThánh thế tục  9
—     Hội Thánh phải mở rộng hơn cho giáo dân, phụ nữ và giới trẻ  10
        CÂU HỎI GỢI Ý: 11

D.         CHƯƠNG III: RAO GIẢNG TIN MỪNG [110-175]
—     Hội Thánh có nhiều khuôn mặt 12
—     Bài giảng: biết nói những lời làm bừng cháy con tim   13
—     Vai trò cơ bản của “lời rao giảng ban đầu” (kerygma) 13
        CÂU HỎI GỢI Ý   14

E.          CHƯƠNG IV: CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA LOAN BÁO TIN MỪNG  [176-258] 
—     Một Hội Thánh nghèo cho người nghèo  14
—     Nhìn nhận nhân phẩm của các thai nhi: phá thai không phải là ‘tiến bộ’ 16
—     Hội Thánh cần gióng lên tiếng nói ngôn sứ cho vấn đề hoà bình  16
—     Hội Thánh trong hành trình đối thoại 16
        CÂU HỎI GỢI Ý   17

F.          CHƯƠNG V: NHỮNG NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ĐẦY THÁNH THẦN   [259-288] 
—     Những người loan báo Tin Mừng “đầy Thánh Thần”  17
        CÂU HỎI GỢI Ý   19
 

[1]“Lineamenta”: Đề Cương cho Đại Hội Thường Kỳ Lần Thứ XIII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Vatican, 2-2-2011. Lời tựa.
[2]Ibid.
[4]Xem bình luận của Paolo Mastrolilli, “Rush Limbaugh lashes out at Francis: The ‘Evangelii Gaudium’ is hypocritical and ‘pure Marxism’”, trên Vatican Insider, 22-12-2013.
[6]a) dựa theo thứ tự các chương: Xem bài tổng hợp của Sergio Centofanti, “Sintesi ampia dell'Evangelii Gaudium” tại sito Radio Vaticana, notizia del 2013-11-26; b) dựa theo chủ đề: Xem bài của John Thavis, “Pope Francis' document delivers wake-up call on evangelization”, tại http://www.johnthavis.com/pope-francis-document-delivers-wake-up-call-on-evangelization
[7]In the 47,560 word document, Francis uses the word "love" 154 times, "joy" 109 times, "the poor" 91 times, "peace" 58 times, "justice" 37 times, and "common good" 15 times. Xem Wikipedia (tiếng Anh): http://en.wikipedia.org/wiki/Evangelii_Gaudium (16-1-2014).

BTTVHQN
Nguồn: http://gpquinhon.org/qn/news/giao-hoi-toan-cau/Hoc-hoi-Tong-huan-Evangelii-Gaudium-1953/#.U5aL9nJ_thQ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét