LTS- « LINH ĐẠO HÔN PHỐI THEO THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II » là tác phẩm thứ 32 mà Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris vừa soạn để « Kỷ niệm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được tuyên phong Hiển Thánh, 27.04.2014 » và để « Kỷ niệm 20 năm sinh hoạt của Ban Mục Vụ Gia Đình, 1995-2015 ». Chúng tôi xin được hân hạnh giới thiệu tác phẩm này với quí độc giả.
Xin Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban phúc lành cho những người góp phần thực hiện tác phẩm này, cũng như cho quí độc giả thân thương. Tất cả để vinh danh Thiên Chúa và thánh hóa các gia đình.
Bài được phổ biến :
1. LỜI MỞ, ngày 17.04.2014
2. Thần học Thân xác và Linh đạo Hôn phối của Lm Mai Đức Vinh, ngày 24.04.2014
3. Hôn nhân trong ánh sáng Hôn lễ của Đức Kytô và Giáo Hội, của Lm Mai Đức Vinh, ngày 01.05.2014
4. Duyên lành và thánh thiện của cặp vợ chồng của Ptvv Phạm Bá Nha, ngày 08.05.2014.
5. Để Hôn nhân trở nên một ơn gọi của C. Micheline Kim Chi, ngày 15.05.2014.
6. Hạnh phúc hôn nhân của AC Phạm Hòa Hiệp, ngày 22.05.2014
7. Làm sao để vợ chồng sống hạnh phúc của ÔB Phan Hữu Lộc, ngày 05.06.2014
8. Trưởng thành của tình yêu của AC Nguyễn Long Hằng, ngày 12.06.2014
9. Hôm nay, ngày 19.06.2014, xin giới thiệu bài 9 «Niềm vui trao ban » của AC Đoàn Quốc Khánh
NIỀM VUI TRAO BAN
"Quả là một sự kết hợp kỳ diệu, khi họ TRỞ NÊN MỘT,
và do sự kết hợp đó nẩy sinh TÌNH CHA và TÌNH MẸ,
vậy là họ đã trở về nguyên ủy của SỰ SỐNG" .
1. VAI TRÒ CỦA THÂN XÁC TRONG CUỘC SỐNG LỨA ĐÔI.
Thế giới ngày nay đứng trước hai khuynh hướng có vẻ nghịch thường: một đàng là hiện tượng tôi luyện thân xác bằng mọi phương tiện, nhất là trong các ngành nghệ thuật, thời trang… cốt sao đạt được một thân hình tuyệt hảo. Khuynh hướng thứ hai coi như một hệ quả của phái khắc khổ, chê bai và coi thường những giá trị của hình hài con người.
Phải quan niệm là thân xác của mỗi người chúng ta, cùng với tinh thần, góp phần vào sự triển nở của nhân vị, phát huy nhân cách và mở rộng tương quan với người phối ngẫu và với xã hội bao quanh. Bởi mỗi người chúng ta có một thân thể, như chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã quả quyết: "THÂN THỂ CHÚNG TA LÀ CHÍNH CHÚNG TA" (notre corps, c’est nous!). Và nhờ đó, chúng ta nhận chân ra nét đẹp, nét phong phú của tình yêu đôi lứa: họ sẽ không còn nhìn nhau qua tấm gương nữa, mà nhìn nhau thực sự qua ánh mắt, qua dòng sống, qua chiều kích hiện sinh: đây mới thực là phương cách thể hiện tình yêu của Thiên Chúa.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tạo dựng Con Người. Ish và Isha, một người nam và một người nữ, và Ngài coi đó như một tuyệt phẩm của công cuộc tạo dựng. Sự kết hợp của họ trong hôn nhân đã mạc khải ra những gì Thiên Chúa mong đợi nơi con người: tình dục đôi lứa sẽ rộng mở trong một chiều kích hướng thượng, thăng hoa về hướng tinh thần. Thân xác, như đền thờ của Thánh Linh, sẽ tỏ bày ra những biểu hiện vô hình, linh thiêng và thần thánh.
Vậy niềm vui yêu thương phát xuất từ đâu? Câu trả lời chắc hẳn phải tìm từ khởi thủy của nhân loại, điều mà Thánh Giáo Hoàng đã gọi là TIỀN SỬ THẦN HỌC CỦA CON NGƯỜI như sách Sáng thế đã vạch rõ: con người, đứng trước Thiên Chúa và chính mình, đã thấy mình khác hẳn với mọi loài vật trên trời và dưới thế. Nhưng đây cũng là một hoài vọng của thân phận con người, vì từ căn bản, nó vẫn cô đơn. Chính Đức Chúa cũng phán: "Con người ở một mình không tốt…" (St 2,18). Tuy con người ý thức được sự ưu việt của mình, theo nghĩa không một sinh vật nào có thể sánh được với họ, vì xét theo chiều hướng tích cực, họ có khả năng cai quản mọi loài – nhưng họ vẫn không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng (ST 2,20). Adam (có nghĩa là con người) vẫn hoài vọng trao ban cho một sinh vật tương tự về nhân tính một sinh vật có thể đón nhận sự trao ban của chính ông. Ông vẫn sống trong nỗi cô đơn, nhưng đồng thời vẫn ý thức mình là một nhân vị, khác hẳn với bao sinh vật khác.
Theo đức Gioan Phaolô II, không một sinh vật nào có thể cung hiến cho con người những điều kiện căn bản, theo đó có thể có hồng ân trao phó, tín thác cho con người. Trong nỗi cô đơn có thật đó, Công Đồng Vatican II đã có một định nghĩa tuyệt hảo về con người: "Chỉ có con người, một thụ tạo duy nhất trên trần đời, là Thiên Chúa muốn cho họ một hồng ân chân thành nhất của chính mình" (GS,24).
Chúng ta hiểu niềm vui, sự hân hoan xâm chiếm tâm hồn con người Adam, khi Evà xuất hiện, ông kêu lên: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (St 2,23).
Đây không phải chỉ là sự chiêm ngưỡng thân hình kiều diễm của Evà, nhưng còn là một niềm vui khôn tả của một nhân vật, được thể hiện như một nhân vị, khi trao ban chính mình cho người phối ngẫu. Một "cái tôi thứ hai" một sự hiệp thông nhân vị: là lời ca tụng tình yêu, là một bài hát yêu thương của nhân loại, là một bản thánh kinh của sách Diễm Tình Ca.
2. NIỀM VUI HIỆP THÔNG.
Nỗi hân hoan trao phó chính bản thân mình đã trở thành sự thông hiệp hỗ tương, như sách Diễm Tình Ca diễn tả. Đây là một sự hiệp thông của một người đàn ông và một người đàn bà trong tình yêu đôi lứa, tình yêu dâng hiến trao ban. Đức Gioan Phaolô II, trong buổi triều yết ngày 6/6/1984, đã nói: "Chân lý về tình yêu, như Diễm Tình Ca diễn tả, không thể tách rời khỏi ngôn ngữ của thân xác" Tất cả sách này đều quy chiếu về niềm vui trao ban: "Những ngôn từ của con người không hẳn chỉ là nét thơ phú cho người tình, vẻ đẹp của người tình trổi vượt hơn mọi cảm quan, vì còn là một hồng ân và trao hiến của con người".
Suy niệm về sách Diễm Tình Ca sẽ là một ân sủng cho đôi lứa. Và nếu các nam nữ tu sĩ suy niệm về bản văn này, họ sẽ bắt gặp mối tương quan của con người với Thiên Chúa theo kiểu nói của thánh Bernarđô, hay là mối lương duyên huyền nhiệm (theo thánh Gioan Thánh Giá). Những người phối ngẫu sẽ cảm nghiệm bản văn này và ý thức được cánh cửa rộng mở trong niềm hiệp thông thể xác một cách nguyên tuyền, trước khi bị tội tổ tông làm lu mờ những liên hệ hỗ tương, trước khi con tim trinh trắng chưa bị nhục dục làm ô uế.
Dĩ nhiên, tình trạng nguyên tuyền này đã bị tội tổ tông làm hư hoại. Nhưng con tim thanh khiết có thể được cứu vãn khi đón nhận Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô, tìm lại niềm vui nguyên thủy của sự thông hiệp. Bản văn của sách Diễm Tình Ca sẽ minh chứng cho chúng ta sự rạng rỡ của thân xác trong đời sống đôi lứa, một thứ tình dục trọn hảo, theo nghĩa biết tôn trọng và lượng giá ơn gọi của thân xác, của ngôn ngữ thân xác. Thánh Giáo Hoàng đã có lý khi đề ra ba buổi triều yết về những hệ luận luân lý của nền thần học về thân xác, niềm vui sâu xa khi đón nhận người phối ngẫu với tư cách của một nhân vị, và khi đón nhận những đòi hỏi luân lý của đời sống đôi lứa.
Khát vọng do tình yêu đòi hỏi, khi đặt căn bản trên ngôn ngữ của thân xác, sẽ là một tìm hiểu về vẻ đẹp nguyên tuyền, về nét đẹp của linh hồn và thân xác.
3. NIỀM VUI VẪN TỒN TẠI.
Điều gì vẫn tồn tại cho dù những vi phạm của tội tổ tông? Chắc hẳn đó là tiếng than của bà Evà, sau những lời chúc dữ như hệ lụy của tội nguyên tổ: "Adam ăn ở với Evà, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Cain. Bà nói: nhờ Đức Chúa, tôi đã được một người" (St 4,1). Theo đức Gioan Phaolô II, đây là tiếng reo vui của người mẹ chúng sinh, người mẹ của muôn loài, niềm vui trước sự cao vời của việc sinh con.
Đây là niềm hân hoan của bất kỳ bà mẹ nào trước phép lạ của đời sống, và cũng là niềm vui của những người cha đồng tham dự vào, vào nguồn suối của sự sống nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa là nguồn sống. Điều này lý trí cũng có thể chân nhận ra, bằng chứng là triết gia Aristote, vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, khi nói về Nguyên Ủy đệ nhất (Causa causarum) là Thiên Chúa: "Nguyên Ủy này là một sự sống hoàn hảo nhất, đã ban cho chúng ta sự sống, trong một khoảnh khắc này" (Siêu hình học, cuốn 12, chương 7). Vậy nếu Thiên Chúa là Sự Sống, thì người nam và người nữ, cả hai là hình ảnh của Ngài qua sự thông hiệp, thì họ cũng là hình ảnh của sự sống này. Hơn nữa, Thiên Chúa khi thông truyền Sự Sống qua mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, thì con người cũng được cộng hưởng ân sủng đó: "Một người con sinh ra, do sự kết hợp của lứa đôi, thì người con này sẽ là một hình ảnh và sẽ rất giống Ngài" (GS 9).
Người con sinh ra, là một hoa trái, đồng thời cũng là chứng nhân của sự thông hiệp, cho dù sự thông hiệp này bị sứt mẻ, bị biến thái. Người con vẫn là dấu hiệu bền vững của sự thông hiệp đầu tiên. Vì vậy, người con phải củng cố sự thông hiệp của cha mẹ, và phải cứu vãn sự thông hiệp này. Khi một cuộc hôn nhân rạn nứt, vì không còn tình yêu, thì bậc cha mẹ phải vững tâm trong đời sống chung, vì con cái. Con cái là biểu hiệu của sự hiệp thông, là ấn tích không thể xóa nhòa. Là minh chứng của niềm vui trao ban, là pháo đài sau cùng cho dù tình yêu đã cạn tuyệt. Biết bao các bậc phụ huynh, qua ánh mắt của các con mình, đã tìm được lý do và nghị lực, để sống mãi bên nhau? Con cái sẽ là những người con cứu vãn tình yêu, là lòng thương xót tối hậu cho tình yêu có thể tàn úa.
Chính vì vậy, đức Gioan Phaolô II đã tranh đấu liên lỉ chống lại nền văn minh của sự chết, đang làm băng hoại những xã hội phát triển, tới độ Ngài dám chống lại những âm mưu, những toa rập chống lại sự sống (thông điệp Tin Mừng của Sự Sống, số 17). Vì từ khước con cái cũng là chống lại Thiên Chúa, tác giả của mọi sự sống. Khi đứa trẻ trở thành một gánh nặng, bị giảm trừ thành một giá phải trả, thì khi đó, cha mẹ đã đánh mất ý nghĩa của sự hiệp thông và căn cớ của niềm vui này. Bởi lẽ, niềm vui yêu thương cũng là niềm vui trao ban, và không có trao ban nào lớn hơn là trao ban sự sống. Quảng đại đón nhận sự sống trong các gia đình sẽ là niềm hy vọng của nhân loại, hướng về nguồn mạch của mọi hiệp thông và an vui. Gia đình, trong niềm hy vọng đó, sẽ là sự hiệp thông căn bản của đôi phu phụ, tiếp nối nơi đời con cháu. Khi đó, chúng ta hiểu sự quả quyết của Thánh Giáo Hoàng – Tương lai của nhân loại khởi đầu từ gia đình – và đây không phải là một công thức xuông, nhưng là tiếng kêu của niềm hy vọng.
Tháng 12.1996 Ban Giám Đốc chấp nhận cho Ban Mục Vụ Hôn Nhân Gia Đình tổ chức Khánh Nhật kỷ niệm hôn nhân cho các phụ huynh đã trải qua 10, 15, 20, 25, 30, 40, 50, 60 năm hôn phối vào ngày lễ Thánh Gia hàng năm.
AC. Đoàn Quốc Khánh
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/125624.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét