Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Đức Thánh Cha nói về trẻ chưa sinh và người cao niên



Hôm nay, 11 tháng Tư, 2014, nói chuyện với phong trào phò sự sống, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại tình yêu của Giáo Hội đối với sự sống con người, nhấn mạnh rằng cần phải bảo vệ sự sống ấy nhất là ở hai giai đoạn chủ yếu là bắt đầu (trẻ chưa sinh) và kết thúc (người cao niên). Sau đây là nguyên văn lời ngài:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin ngỏ lời chào mừng thân ái tới từng anh chị em. Tôi chào mừng Ngài Carlo Casisni và cám ơn ngài về những lời tốt đẹp ngỏ với tôi, nhưng trên hết tôi ngỏ lời cám ơn ngài về tất cả mọi công trình ngài đã thực hiện trong nhiều năm qua trong Phong Trào Phò Sự Sống. Tôi hy vọng rằng khi Chúa gọi ngài, thì chính các trẻ em sẽ ra mở cửa đón ngài vào trên ấy! Tôi xin chào mừng các vị chủ tịch các trung tâm trợ giúp sự sống và những ai có trách nhiệm đối với các dịch vụ khác nhau, đặc biệt là “Dự Án Gemma”, một dự án trong 20 năm qua, dưới một hình thức liên đới đặc biệt cụ thể, đã làm cho việc hạ sinh nhiều trẻ nhỏ trở thành khả thể mà nếu không có nó, thì các em đã không được chào đời. Xin cám ơn anh chị em vì các chứng từ anh em đưa ra để cổ vũ và bênh vực sự sống từ lúc tượng thai!

Tất cả chúng ta đã biết, sự sống con người là thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Mọi dân quyền đều hệ ở việc thừa nhận quyền thứ nhất và quyền căn bản là quyền sống, một quyền không phụ thuộc bất cứ điều kiện nào, dù là phẩm chất hay kinh tế, càng không phải là ý thức hệ. 

“Điều răn ‘chớ giết người’ đặt ra một giới hạn rõ ràng nhằm bảo vệ giá trị sự sống con người thế nào, thì ngày nay, ta cũng phải nói ‘chớ giết người’ như thế đối với một nền kinh tế loại trừ và bất bình đẳng. Nền kinh tế như thế là nền kinh tế giết chóc… Những con người nhân bản bị coi như hàng hóa tiêu thụ, để dùng rồi vứt bỏ. Chúng ta đã dựng nên một nền văn hóa ‘vứt bỏ’; nền văn hóa này đang lan tràn (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, 53). Và thế là người ta vứt bỏ cả sự sống. 

Một trong các nguy cơ trầm trọng nhất thời nay là việc ly dị giữa kinh tế và luân lý, giữa các khả thể do thị trường cung cấp với mọi mới mẻ kỹ thuật của nó và các qui luật sơ đẳng của bản tính con người, bị lãng quên hơn bao giờ hết. Do đó, ta cần phải xác định sự chống đối mạnh mẽ đối với mọi mưu toan trực tiếp chống lại sự sống, nhất là sự sống vô tội và yếu ớt, và trẻ chưa sinh còn trong bụng mẹ là người vô tội hơn cả. Chúng ta nhớ lại lời của Công Đồng Vatican II: “Do đó, từ giây phút được tượng thai, sự sống phải được bảo vệ với một sự săn sóc lớn nhất vì phá thai và sát nhi là những tội ác không thể nào tả xiết” (Hiến Chuế Vui Mừng và Hy Vọng, 51). Tôi còn nhớ, lâu lắm rồi, tôi có một cuộc hội bàn với các bác sĩ. Sau cuộc hội bàn ấy, tôi đã đến chào thăm họ, việc này xẩy ra lâu lắm rồi. Tôi ngỏ lời chào họ, chuyện trò với họ, và một bác sĩ mời tôi ra một chỗ. Ông có một gói đồ và ông nói với tôi: “Thưa cha, con muốn để lại chiếc gói này cho cha. Đây là những dụng cụ con từng dùng để phá thai. Con đã tìm thấy Chúa, con đã ăn năn, và hiện nay con tranh đấu cho sự sống”. Ông trao cho tôi tất cả những dụng cụ ấy. Anh chị em hãy cầu nguyện cho người đàn ông tốt lành này!

Chứng tá phúc âm này luôn cần được nêu ra cho bất cứ ai là Kitô hữu: để bảo vệ sự sống một cách can đảm và đầy yêu thương trong mọi giai đoạn của nó. Tôi khuyến khích anh chị em luôn luôn làm như thế với một phong thái gần gũi, cận kề: để mọi phụ nữ cảm thấy mình được coi như một con người, được lắng nghe, được tiếp nhận và được hỗ trợ. 

Chúng ta đã nói về trẻ em: các em đông biết bao! Nhưng tôi cũng muốn nói về các ông bà, một thành phần khác của sự sống! vì ta cũng phải săn sóc các ông bà nữa, bởi các trẻ em và các ông bà đều là niềm hy vọng của một dân tộc. Các trẻ em, các người trẻ (là hy vọng) vì các em đem họ tiến lên, các em sẽ đem các dân tộc tiến lên phía trước; còn các ông bà (là hy vọng) vì các ngài có sự khôn ngoan của lịch sử, các ngài là ký ức của một dân tộc. Để bảo vệ sự sống giữa thời buổi trẻ em và các bậc ông bà rơi vào nền văn hóa vứt bỏ này và bị coi như đồ vật để phế thải. Không! Trẻ em và các ông bà là hy vọng của một dân tộc!

Anh chị em thân mến, ký ức về người mẹ lập tức xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Chúng ta hãy hướng về Mẹ chúng ta; xin ngài che chở tất cả chúng ta. Kính mừng Maria…

Hai phép lạ bảo vệ sự sống và gia đình

Trong khi ấy, trước lễ phong hiển thánh cho Đức Gioan Phaolô II, cha Slawomir Oder, thỉnh nguyện viên án phong thánh cho ngài, lên tiếng nhấn mạnh tới sự quan tâm đặc biệt của ngài đối với sự sống và gia đình.

Cha cho hay: Đức Gioan Phaolô II muốn được tưởng niệm vì các chủ đề gần gũi với cuộc sống hàng ngày của người ta. Cha nói: “Suốt nhiều năm dài trong triều giáo hoàng của ngài, ngài đã đề cập tới nhiều chủ đề, nhiều vấn đề. Tuy nhiên, chính ngài nói rằng nếu có lúc nào Giáo Hội tưởng nhớ tới ngài, thì ngài thích được tưởng nhớ như vị Giáo Hoàng của sự sống và của gia đình”. 

Thực vậy, hai phép lạ dọn đường cho việc phong chân phước và phong hiển thánh cho ngài đều liên quan tới sự sống và gia đình. 

Về án phong chân phước, một nữ tu người Pháp là Dì Marie Simon-Pierre, vốn làm việc tại một trung tâm sinh nở, đã nhờ lời cầu bầu của Đức Gioan Phaolô II mà khỏi bệnh Parkinson. 

Còn về án phong hiển thánh, phép lạ được gán cho ngài là việc chữa lành bà Floribeth Mora, người vốn cầu nguyện để chồng bà, con cái và các cháu không mất vợ, mẹ và bà. 

Ngoài ra, cha Oder còn cho hay: đa số thư từ mà cha nhận được đều cám ơn Đức Gioan Phaolô II vì nhờ lời cầu bầu của ngài mà các cặp vợ chồng đã làm hòa trở lại, sinh con sinh cái. Cha bảo: “Sau tang lễ của Đức Gioan Phaolô II, nhiều gia đình được ơn sinh con cái. Họ bèn lấy tên ngài đặt tên cho đứa trẻ như Charles, Carolina, Gioan hay Giaon Phaolô, rất nhiều trường hợp như thế. 

Cha nhớ trường hợp một cặp vợ chồng Đức viết thư nói về hồng ân của họ. Họ bị khủng hoảng gia đình nhưng sau đó vượt qua được cơn khủng hoảng này nhờ nghe bài giáo lý của Đức Gioan Phaolô II về gia đình. Nhất là loạt bài giáo lý của ngài tựa là “Chúa dựng nên họ có nam có nữ” về thần học thân xác. 

Nhân dịp lễ phong hiển thánh sắp tới, cha Oder phân phối hàng ngàn tấm hình của Đức Gioan Phaolô II. Một số tấm hình này có chứa mảnh vải nhỏ từ chiếc áo chùng của ngài, để số đông người có thể có được một chút gì đó của vị giáo hoàng mà họ biết nhiều hơn cả trong suốt đời họ.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/122483.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét