Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Các suy tư sau lễ phong thánh


Linh mục Robert Barron hiện là Giám Đốc Chủng Viện Mundelein của TGP Chicago, đồng thời là sáng lập viên của sáng kiến trực tuyến Thừa Tác Vụ Lời Chúa Rực Lửa. Nhân dịp tới Rôma dự lễ phong thánh cho hai Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, cha đã dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn. 

Trả lời nhận xét của Zenit rằng không phải mọi vị giáo hoàng đều là thánh, Cha cho hay: và không phải mọi vị thánh đều là giáo hoàng. Muốn là thánh, người ta phải có nhân đức anh hùng. Các vị vừa được phong thánh là những nhân vật nổi tiếng thế giới, nhưng nếu đó là điều kiện để được phong thánh, thì Bông Hoa Nhỏ của chúng ta là Têrêxa đệ Lidiơ làm sao là thánh được. 

Điển hình nhân đức anh hùng

Đó là điều quan trọng cần suy niệm. Điều làm các vị nên thánh là các vị có nhân đức anh hùng. Ta hãy xem các nhân đức cột trụ là công bình, khôn ngoan, tiết độ và can đảm. Các nhân đức đối thần là tin, cậy và mến. Giáo Hội nói rằng các vị này điển hình hóa các nhân đức này một cách anh hùng. 

Một vài thí dụ: Đức Gioan XXIII chẳng hạn đã cứu tới 25,000 người Do Thái trong thời Quốc Xã, một việc làm hết sức nguy hiểm cho mạng sống của ngài. Công bình và can đảm đều đã được biểu lộ hết sức tươi đẹp ở đây. 

Đức Gioan Phaolô II thì dấn thân cho công lý: ngài là một trong những phát ngôn viên vĩ đại của thế kỷ 20. Ngài biểu tỏ một lòng can đảm phi thường: lúc còn là một thiếu niên đương đầu với cuộc chiếm đóng của Quốc Xã, rồi linh mục trẻ, phải giáp mặt với người cộng sản, lúc làm giáo hoàng trở về Ba Lan để nói lên sự thật giữa cảnh áp chế tột cùng. 

Đối với Đức Gioan XXIII, đức cậy hay niềm hy vọng cũng rất quan trọng. Cha Barron nghĩ rằng triệu tập Công Đồng là một hành vi vĩ đại của đức cậy. Ngài vốn là một sử gia về Giáo Hội, nghĩa là ngài hiểu rất rõ phía đen tối của lịch sử này, nhưng ngài cũng biết rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội. Ngài bảo: Vatican II phải là “một lễ Hiện Xuống mới”. Cha cho rằng kêu cầu Chúa Thánh Thần trong một niềm tín thác vĩ đại như thế vào năm 1962 hẳn phải là dấu chỉ của một đức cậy sâu sắc. 

Rồi Đức Gioan Phaolô II với đức mến. Cha Barron cho rằng cả hàng nghìn năm sau người ta vẫn kể cho nhau nghe truyện ngài tha thứ cho kẻ mưu toan sát hại ngài. Liệu còn có thể có một hành vi yêu thương nào lớn hơn thế? Bạn dám vươn tay ra tha thứ cho kẻ toan mưu sát mình. Xem thế, đủ biết hai vị giáo hoàng này quả là điển hình của các nhân đức anh hùng vừa kể. 

Tại sao các vị được phong thánh cùng một lúc

Cha Barron cho rằng sự kiện hai vị giáo hoàng cùng được phong thánh một dịp là điều có ý nghĩa. Theo ngài, tất cả là vì Vatican II. Đức Giaon XXIII triệu tập Vatican II. Nó là biến cố vĩ đại của thế kỷ 20 đối với Giáo Hội Công Giáo. Đức Gioan Phaolô II có mặt tại đó lúc còn là một giám mục trẻ tuổi, sau đó thăng tổng giám mục. Ngài giúp soạn thảo một số văn kiện. Lúc làm giáo hoàng, ngài đã đem lại cho nó một lối giải thích dứt khoát. Cha không biết rõ tâm tư của Đức Phanxicô, nhưng cha nghĩ rằng ngài coi hai vị giáo hoàng này như những nhân vật vĩ đại của Công Đồng. 

Sâu xa hơn việc nổi tiếng

Trong số hàng trăm nghìn khách hành hương tuốn đến Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô để tham dự lễ phong thánh, không ít người coi các vị giáo hoàng được phong thánh, nhất là Đức Gioan Phaolô II, như những người nổi tiếng. Nhưng cha Barron cho rằng các khách hành hương không chỉ coi các vị giáo hoàng như những người nổi tiếng, mà họ còn khám phá nơi các ngài một điều gì đó sâu xa hơn. 

Đã đành Đức Gioan Phaolô II là người rất nổi tiếng. Đức Gioan XXIII, lúc sinh thời, cũng hết sức nổi tiếng. Việc nổi tiếng này đâu có gì xấu. Các ngài được nhiều người biết tiếng. Các ngài đầy lôi cuốn, nhất là Đức Gioan Phaolô II. Ngài vốn là một kịch sĩ. Ngài biết cách vận động quần chúng. 

Nhưng thực ra, quần chúng đáp ứng một điều gì còn sâu xa hơn thế. Sự thánh thiện là điều rất cần trong thế giới hiện nay. Thế giới này đang đen tối nhiều cách, trong khi các thánh là những tia sáng rực rỡ. Thiển nghĩ, người ta bị lôi cuốn bởi thứ ánh sáng này. 

Chỉ cần nhìn vào các bức hình của các ngài ta sẽ thấy có hào quang. Hào quang là ánh sáng, là đèn hiệu là dấu chỉ. Các ngài là ánh sáng giữa bóng tối. Đó là điều làm người ta cảm kích. 

Không phải là người hoàn hảo

Giáo Hội phong thánh cho Đức Gioan Phaolô II dù ngài có mắc một số lầm lẫn trong việc xử lý các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ em. Về việc này, cha Barron cho rằng: phong thánh cho một người không có nghĩa mọi phán đoán đặc thù của người này đều được coi là đúng đắn cả. Ai cũng nhận có một chút bóng tối trong triều giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, hay đúng hơn, có một số nố ngài không chịu hành động (inaction), liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, rõ ràng nhất là vụ Cha Maciel. Nhiều nố khác, ngài hành động chậm chạp. Có thể coi đây là khía cạnh tiêu cực.

Tuy nhiên, khi nói một ai là thánh thì điều này không có nghĩa mọi động thái của họ đều đúng cả, họ không mắc lầm lẫn nào hay mọi phán đoán dựa vào sự khôn ngoan của họ đều chính xác cả. Đúng hơn, phải nhìn vào khuôn mẫu tổng quát của nhân đức anh hùng. Đó là điều quan trọng, bởi nếu không thế, thì ngoài Đức Mẹ ra, có ai mà là thánh được, vì nào có vị thánh nào lại không mắc lầm lỗi hay có một chút bóng tối trong thành tích của mình. 

Còn về Đức Gioan XXIII, trong những năm sau Vatican II, người ta thấy nhiều phát triển rực rỡ nhưng đâu có thiếu những mơ hồ, hỗn độn. Cha Barron nghĩ rằng điều này đúng cho mọi công đồng. Nhất là những công đồng vĩ đại như Vatican II. Vĩ đại về số giám mục tham dự, vĩ đại cả về kích thước các văn kiện. Ta hãy so sánh Vaticn II với Trent hay Vatican I hoặc Canxêđoan hay Nixêa. Tài liệu sâu rộng hơn nhiều. Rồi, trong khi thi hành, lại có cuộc cách mạng văn hóa, một điều gây ảnh hưởng không nhỏ trong phương cách tiếp nhận nó. Cha Barron cho rằng cần đến cả một triều giáo hoàng lâu dài của Đức Gioan Phaolô II và 8 năm triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI ta mới đạt tới điểm thực sự hiểu được một cách chắc chắn Vatican II muốn nói gì. 

Đọc theo lối hữu khuynh hay tả khuynh, bạn sẽ làm méo mó Vatican II. Vatican II “tả khuynh” tiếp theo một lối thi hành còn cấp tiến hơn nữa, rồi sau đó bị phản công bởi phe bảo thủ, chỉ là một cách đọc hời hợt. Cần một thời gian dài mới lượng giá và giải thích được đúng dắn các văn kiện của Vatican II. Đó là thời điểm hiện nay của ta. 

Lôi cuốn ơn gọi

Sau Vatican II, có một sự xuống dốc ơn gọi trông thấy. Nhưng nay, đang có sự gia tăng đáng kể. Về phương diện này, Cha Barron không qui kết sự xuống dốc ơn gọi cho Vatican II. Bởi trong các văn kiện của nó, Vatican không hề nói điều gì có thể tạo ra sự xuống dốc ấy. Sự xuống dốc ấy là do cuộc cách mạng văn hóa lúc ấy. 

Nhưng rồi bạn thấy Đức Gioan Phaolô II, nhân vật lịch sử này đã bắt đầu lôi cuốn giới trẻ trở lại một cách ồ ạt. Ngày Giới Trẻ Thế Giới gây tác động mạnh mẽ lên ơn gọi khắp thế giới. Cha cho rằng gương anh hùng của ngài đã làm ơn gọi sống lại. Cho tới nay, nhiều người trong các chủng viện vẫn tự nhận mình là người của Gioan Phaolô II, dù khá nhiều người trong số này còn rất trẻ lúc ngài qua đời. Chính viễn kiến của ngài, chính việc ngài giải thích đúng đắn Vatican II, chính chủ trương đầy đặc sủng của ngài về phúc âm hóa, đã thực sự lôi kéo sự chú ý của người trẻ. Đó là nguyên cớ của việc gia tăng ơn gọi. 

Thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng

Nhân dịp này, cha Barron cũng cho rằng chúng ta đang sống trong thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng. Thời này bắt đầu với Đức Piô IX, người đã được phong chân phúc, rồi Đức Lêô XIII, một nhân vật hết sức quan trọng. Sau ngài là Đức Piô X, một vị thánh. Đức Bênêđíctô XV cũng là một giáo hoàng xuất sắc. Hai Đức Piô XI và XII nổi bật về phương diện thiêng liêng. Rồi Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đức Phaolô VI với nhiều sức mạnh thiêng liêng, và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Rồi Đức Bênêđíctô XVI, người có thể đặt ngang tầm với các giáo phụ.

Từ thế kỷ thứ nhất của Kitô Giáo tới nay, mới lại có thời tập trung nhiều vị giáo hoàng khôn ngoan, thánh thiện như hiện nay. Bởi thế, dù vẫn có những điều đen tối trong sinh hoạt Giáo Hội, ta nên mừng vui khôn tả trong thời hoàng kim của ngôi vị giáo hoàng này. 

Hãnh diện làm người Công Giáo 

Tham dự lễ phong thánh vừa qua có phái đoàn Hoa Kỳ do Tổng Thống Barack Obama chỉ định, đặt dưới hướng dẫn của Dân Biểu John Podesta, vốn là Cố Vấn của Tổng Thống. Trong phái đoàn này có Dân biểu Xavier Becera, chủ tịch Hội Đồng Dân Biểu Dân Chủ. 

Trước lễ phong thánh, hai dân biểu Podesta và Becera có tổ chức họp báo tại Rôma. Podesta cho rằng hai Đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II “đại diện cho các thành phần nòng cốt của đức tin Công Giáo: can đảm, quan tâm, lo lắng cho người bị bỏ quên”. Becera mô tả lễ phong thánh là “ngày vĩ đại để làm người Công Giáo”. 

Nhân dịp này, Becera có dành cho Zenit một cuộc phỏng vấn trong đó ông nói tới tác dụng bản thân đối với đời ông của các Đức Gioan XXIII, Gioan Phaolô II và cả của Đức Phanxicô nữa. Cha mẹ Becera vốn là di dân từ Mễ Tây Cơ. 

Becera cảm phục Đức Gioan XXIII về việc ngài “mở cửa Nhà Chúa” cho mọi người. Đối với Đức Gioan Phaolô II, ông cảm phục tinh thần tranh đấu không ngoan nhượng cho tự do của ngài. Về Đức Phanxicô, ông ca ngợi ngài vì đã đem hy vọng lại cho người di dân. 

Ông tin rằng nếu Đức Phanxicô nhận nói chuyện với cả hai viện quốc hội Hoa Kỳ, ngài sẽ gây tác động lớn lao cho nhân dân nước này. Bất kể ngài nói gì, lời ngài cũng có sức biến đổi. Quốc hội và nhân dân Hoa kỳ chắc chắn sẽ đưa ra các biện pháp để giải quyết nhiều vấn đề vốn được ngài đề cập một cách mạnh mẽ xưa nay. 

Thêm hai lý do nữa để hân hoan

John Thavis, một bỉnh bút gia Công Giáo, cho rằng ông có nói chuyện với một ít người trong số một triệu người tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vào ngày phng thánh, tất cả đều cho hay: hai vị giáo hoàng, hai vị thánh, hai lý do nữa để hân hoan. 

Ông cho rằng nói gì thì nói, việc phong thánh cùng một lúc cho hai vị giáo hoàng là một động thái hợp nhất của Đức Phanxicô nhằm bắc cầu giữa mọi thành phần trong Giáo Hội, nhất là giữa những người cứ nhất định cho rằng Đức Gioan XXIII là “cấp tiến” và Đức Gioan Phaolô II là “bảo thủ”. 

Tuy nhiên, đối với phần đông, ý nghĩ có khác. Rosemary Febregas, một người Công Giáo từ San Francisco, chẳng hạn, cho rằng: “cả hai vị giáo hoàng đều là những người tốt lành, thánh thiện. Đức Gioan XXIII có viễn kiến. Đức Gioan Phao II là người hành động. Nhưng cả hai vị đều có chung một ý hướng là đem Giáo Hội lại gần người ta”. 

Một người Ý, khi được hỏi về sự khác nhau giữa hai vị giáo hoàng, đã thưa: “Khác nhau ư? Tôi không rõ. Điều quan trọng là cả hai vị đều thiêng liêng và yêu mến người nghèo”. 

Bài giảng của Đức Phanxicô phản ảnh lời những người trên. Đức Phanxicô không đi vào nền chính trị của Tòa Thánh hay các lý do ngoằn ngoèo mà một số người vốn gán cho việc phong thánh kép lần này. Thay vào đó, ngài cho rằng Đức Gioan XXIII và Đức Gioan Phaolô II biểu lộ một chứng tá chung đối với niềm hy vọng và nỗi vui Kitô Giáo. 

Đức Phanxicô nói rằng cả hai vị thánh mới đều đã “thấy Chúa Giêsu trong mọi con người đau khổ và đang đấu tranh”. Cả hai vị đều là người can đảm “làm chứng cho thế giới và Giáo Hội thấy sự tốt lành và nhân hậu của Thiên Chúa”. 

Ngài cũng tin rằng Vatican II đã nối kết hai vị với nhau. Qua Công Đồng, hai vị đã góp tay đổi mới và cập nhật hóa Giáo Hội để Giáo Hội tương ứng mật thiết hơn với các “đặc điểm trong sáng” của mình, như một “cộng đồng biết sống tâm điểm của Tin Mừng, của tình yêu và lòng nhân từ, trong đơn sơ và tình huynh đệ”. 

Đức Phanxicô không đề cập tới việc giải thích Vatican II, nhưng chú trọng tới cuộc sống của hai vị giáo hoàng, coi chúng như các biến cố thống nhất hóa. Yếu tố hợp nhất này càng nổi bật hơn nữa với sự hiện diện của Đức Bênêđíctô XVI trong lễ phong thánh, một sự hiện diện do chính sáng kiến của Đức Phanxicô mà có.


Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/124751.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét