Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

Suy tư dưới chân thập giá

GMVNGHCGTG_Full_473441
Mặc dù chúng ta vẫn nhìn thấy cây thập giá Chúa Giêsu hằng ngày, nhưng hình ảnh cây thập giá có ý nghĩa đặc biệt với chúng ta trong Tuần Thánh. Bởi lẽ trong tuần này, chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, cùng chia sẻ cuộc sống của Chúa Giêsu trong những biến cố quan trọng của cuộc đời Người, nhằm đem lại ơn cứu độ cho trần gian.
Nghi lễ phụng vụ Tuần Thánh giúp chúng ta suy tư cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Là Con Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng đem lại bình an và sự giải thoát. Nhưng, “Người đã đến nhà mình mà người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Bóng tối đã khước từ ánh sáng. Sự gian dối muốn chối bỏ sự thật. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là hậu quả của sự chối từ thảm hại ấy.
Như ngôn sứ Isaia, chúng ta bàng hoàng trước hình hài của một con người bị đánh bầm dập, đến mức “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích”(Is 53,2). Có lẽ nào con người lại độc ác như vậy đối với Con Thiên Chúa, đối với người vô tội? Và, trên đồi Canvê, Con Thiên Chúa đã bị tử hình như một kẻ gian phi. Những đau khổ Người phải chịu từ khi bị kết án tại Công nghị Do Thái cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, chúng ta gọi đó là “Cuộc Thương khó”. Con Thiên Chúa làm người đã kết thúc cuộc đời trần thế trong đau thương, bị các môn đệ bỏ rơi mặc dù Người tha thiết nài nỉ: “Các con không thức được với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,40).
Khi tham dự các lễ nghi của Tuần Thánh, tôi không thờ ơ dửng dưng như một người qua đường ở cửa thành Giêrusalem năm xưa. Tôi cũng không mang tâm trạng hằn học của các thượng tế, kinh sư và người biệt phái. Những người đứng xem Chúa bị hành hình thì rất đông và họ tỏ thái độ thách thức: “Mi là kẻ đã phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,40). Khi cầu nguyện suy tư trước cây thập giá trong Tuần Thánh, tôi được mời gọi nhận ra Đấng bị treo trên cây gỗ đã chết cho tôi sống, đã hứng chịu mọi đau khổ cho tôi hạnh phúc, đã gánh lấy tội lỗi trần gian cho tôi được đến gần Chúa Cha. Đấng chịu treo trên thập giá là Đấng hiền lành và khiêm nhường. Người đã lấy tình yêu đáp lại hận thù. Người đã lấy sự hiền lành bao dung đáp lại bạo lực bất công. Máu của Chúa Giêsu từ đồi Canvê như dòng suối ân sủng tuôn chảy đến mọi nẻo đường của cuộc sống và làm cho trần gian được ơn tha thứ, như dòng nước tuôn chảy cuốn đi mọi thứ rác rưởi, đem lại cho cuộc đời sự trong lành thanh thoát.
Sự thương khó của Chúa Giêsu là một sự kiện lịch sử nhưng không như một câu chuyện đã cũ. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu khổ nạn vẫn dang hiện diện nơi khuôn mặt của anh chị em tôi, những người đang bị đè nén dưới sức nặng của sự nghèo khó, bệnh tật, bất công, đau khổ, bạo lực. Nếu Đức tin vào Chúa mời gọi tôi đừng dửng dưng với Đấng chịu treo trên thập giá, thì cũng Đức tin ấy nhắc bảo tôi phải có trách nhiệm liên đới với anh chị em tôi đang chịu đau khổ, đang vác thập giá và thậm chí đang bị treo trên cây gỗ khổ hình. Có những khi sự đau khổ của anh chị em tôi đến từ sự vô tâm của tôi, tức là chính tôi đã tạo nên những thập giá nặng nề rồi bắt anh chị em tôi vác. Nếu tôi biết nhận ra gương mặt khả ái của Chúa Giêsu nơi anh chị em tôi, thì cuộc đời này sẽ bớt đi biết bao những bất hạnh. Có thể đói nghèo vẫn còn đó, nhưng đó là sự đói nghèo trong thanh bạch và trong niềm vui. Có thể thập giá cuộc đời vẫn còn đó nhưng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn vì có mọi người lân cận vác đỡ cho nhau. Có thể đau khổ vẫn còn đó nhưng được siêu nhiên hóa để bớt đi sự hiu quạnh và tìm ra lối thoát. Vâng, Đức Giêsu vẫn đang chịu cực hình khi xung quanh tôi còn có người đau khổ. Bởi lẽ Người đã tự đồng hóa với những người bé mọn, tù đầy đói khát và không chỗ tựa nương. Sự thương khó là câu chuyện xa xưa mà đang tái diễn trong hiện tại. Bài học của cây thập giá luôn luôn là những bài học mới mẻ, giúp tôi có cái nhìn bao dung quảng đại với anh chị em và sẵn sàng đón nhận họ vì họ cùng với tôi làm thành gia đình của Thiên Chúa. Như thế, khi tôi dửng dưng trước nỗi đau khổ của anh chị em, là tôi dửng dưng với Đấng đã chịu khổ hình và đã chết vì tôi.
“Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Cảm nhận ý nghĩa và giá trị cuộc khổ hình của Chúa Giêsu, tôi có nhiệt thành và thiện chí loan báo cho anh chị em tôi về cái chết mang giá trị cứu độ của Chúa Giêsu không? Tôi có làm chứng về sự sống lại của Chúa qua một cuộc sống đã được thay đổi của tôi không? Tôi có diễn tả Đức Giêsu phục sinh qua chính thái độ sống của tôi đối với anh chị em tôi không? “Loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại”, chính là những nỗ lực của mọi tín hữu khi ý thức mình thuộc về Giáo Hội, là chi thể của thân thể huyền nhiệm Chúa Giêsu và là môn đệ của Người. Hình ảnh Đức Giêsu chịu treo trên thập giá phải đem lại cho tôi sự kiêu hãnh và tự hào thay vì sự xấu hổ và thành kiến. Danh xưng Kitô hữu phải làm cho tôi được vinh dự trước mặt những anh chị em không cùng tôn giáo, thay vì làm cho tôi mặc cảm và nhiều khi không dám nhận mình là người thuộc về Chúa Kitô.
Cây thập giá mà không có Chúa Giêsu treo trên đó thì chỉ là một cây gỗ như bao cây gỗ bình thường khác, dù nó được làm bằng chất liệu quý giá đến đâu đi nữa. Cây gỗ chỉ trở thành bài học yêu thương khi nó giúp người ta liên tưởng tới Đấng chịu khổ hình. Xin đừng quên rằng bên cạnh Chúa Giêsu cũng có hai cây thập giá, trên đó có hai người trộm bị đóng đinh. Một người đã sám hối và nhận ra vương quyền của Đức Giêsu. Một người lại cứng lòng và tuôn ra những lời chửi rủa, nhục mạ người khác. Hình ảnh hai cây thập giá ấy là tượng trưng cho cách đối diện với đau khổ của con người trong cuộc đời hôm nay. Có những người chịu đau khổ trong hằn học, vô tín; nhưng cũng có những người đón nhận và vượt lên đau khổ nhờ Đức tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Dù đón nhận cách nào đi nữa, đau khổ vẫn còn đó, bởi vì những khó khăn phức tạp đã gắn liền với kiếp nhân sinh, bất kể người ta ở bậc vua chúa hay sống đời thường dân. Tuy vậy, người có Đức tin sẽ cảm thấy những khó khăn của cuộc sống bớt nghiệt ngã hơn, vì họ tin rằng Chúa Giêsu đang vác đỡ họ gánh nặng cuộc đời.
“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng!” (Lc 23,43). Ôi thật là ngọt ngào và hạnh phúc khi được nghe lời tuyên bố như vậy. Lời Chúa nói với người trộm sám hối làm cho tôi được ấm lòng, vì nhiều khi tôi bi quan chán nản vì mặc cảm về thân phận tội lỗi của mình. Tôi thấy tội của tôi thật nặng nề, khó có hy vọng được Chúa tha thứ. Người trộm trên cây thập giá là một tội nhân. Anh đã nhận ra sự yếu hèn của mình. Anh cũng nhận ra Đấng chịu đóng đinh bên cạnh mình là Thiên Chúa quyền năng. Anh đã “tranh thủ” một cơ hội tốt, một cơ may trong đời để đạt được Nước Trời. Anh đã được toại nguyện khi nghe lời tuyên bố ngọt ngào của Chúa, như lời vị thẩm phán tuyên bố một bị can vô tội và từ nay được tự do. Lời Chúa nói với người trộm củng cố Đức tin của tôi, vì lời ấy chứng minh cho tôi thấy Đấng bị hành hình như một tên tử tội lại là một vị Vua có quyền cho một công dân được gia nhập vào vương quốc của mình. Ngai tòa của vị Vua ấy là cây thập giá. Vương miện của vị Vua ấy là vòng gai. Vâng, Đức Giêsu là vị Vua hoàn toàn khác biệt các vua chúa trần thế, vì vậy mà vương quốc của Người cũng không được đánh dấu bằng biển rộng sông dài, mà đó là một vương quốc trong lòng con người. Những ai sống nhân ái yêu thương thì thuộc về vương quốc ấy.
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Nơi Đấng chịu treo trên thập giá, ta thấy tấm lòng bao dung vô bờ bến. Người đã  dạy các môn đệ: “Thầy bảo anh em, hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Trên cây thập giá, Người thực hiện điều Người đã giáo huấn người khác. Trong Tân Ước, chúng ta thấy rất nhiều dẫn chứng cho thấy Đức Giêsu là một bậc thầy đã luôn chứng minh những điều giảng dạy bằng chính cuộc sống của mình. Lời cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hình giết chết mình chứng minh lòng bao dung tha thứ của Chúa Giêsu. Lời ấy cũng là một bài học cho tôi, vì trong những tương quan của cuộc sống đời thường, tôi khó lòng tha thứ cho những anh chị em đã xúc phạm đến tôi. Tha thứ đòi hỏi phải can đảm và chấp nhận người ta coi mình là “hèn”, là “nhu nhược”, là “dại dột”. Chúa Giêsu trên thập giá đã vượt lên tất cả để thể hiện tình yêu thương bác ái, qua lời cầu nguyện xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ giết mình.
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Hiểu ý nghĩa và giá trị của cây thập giá, tôi sẽ ý thức khi cầu nguyện và khi làm dấu thánh giá. Khi làm dấu thánh giá, tôi phác họa trên thân thể tôi hình ảnh của cây thập giá để sứ điệp của cây thập giá được khắc sâu trong trái tim và trong cuộc đời tôi.
Đã hai ngàn năm, cây thập giá vẫn sừng sững hiên ngang như biểu tượng của Đức tin Kitô giáo. Đã hai ngàn năm, biết bao người đã đến với cây thập giá của Chúa Giêsu và thấy gánh nặng cuộc đời trở nên nhẹ nhàng hơn. Lạy Đấng chịu đóng đinh trên cây thập giá, xin cho con biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền diệu của cây thập giá để cùng với Người bước đi trong hành trình cuộc đời. Amen.
Hải Phòng, những ngày chuẩn bị bước vào Tuần Thánh 2014.

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://lamhong.org/2014/04/13/suy-tu-duoi-chan-thap-gia/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét