Sáng thứ Hai 13/7/2020, Đức Hồng y Patrick D’Rozario, chủ tịch Hội đồng Giám mục Bangladesh đã loan tin: Đức cha Moses M. Costa, Tổng Giám mục Chittagong đã qua đời tại Bệnh viện Square ở thủ đô Dhaka, nơi ngài đã phải nhập viện một tháng trước vì virus corona.
Trong thông báo, chủ tịch Hội đồng Giám mục giải thích rằng nguyên nhân cái chết là do tai biến mạch máu não, có thể là hậu quả của Covid-19. Hôm 13/6, sau khi nhập viện và xác nhận bị nhiễm virus corona, tình trạng sức khỏe của Đức cha Costa đã khá hơn. Nhưng thời gian sau, mặc dù các xét nghiệm đều âm tính với Covid-19, nhưng tình trạng của ngài ngày càng tồi tệ hơn. Trong mấy ngày gần đây, Đức cha đã được chăm sóc đặc biệt nhưng các bác sĩ không thể cứu được.
Trong Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Costa, Đức cha Paul Ponen Kubi, Giám mục Mymensigh đã nói về Đức cha Costa: “Ngài là một vị mục tử ân cần và chu đáo. Ngài rất quan tâm đến việc chăm sóc các tín hữu, luôn kề cận bên đàn chiên của ngài trong những lúc khó khăn, bị bách hại. Ngài là một người lãnh đạo tinh thần sâu sắc. Đức Tổng Giám mục là một khuôn mặt nổi bật của Giáo hội Công giáo ở Bangladesh và là một nhà lãnh đạo được những người ngoài Kitô giáo đánh giá cao. Sự ra đi của ngài là một điều thương tiếc không những cho toàn Giáo hội Công giáo Bangladesh, mà còn cho các tổ chức xã hội và giáo dục ở Bangladesh”.
Đức cha Costa 70 tuổi. Năm 1981, ngài trở thành linh mục thuộc dòng Thánh Giá. Năm 2011 ngài được tấn phong Giám mục của Chittagong. Năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Tổng giám mục cho Giáo phận Chittagong. Tổng giáo phận Chittagong có khoảng 30 ngàn tín hữu, phân bố tại 11 giáo xứ. Hầu hết người Công giáo thuộc các bộ lạc.
Đức cha Costa từng là tổng thư ký của Hội đồng Giám mục Bangladesh và chịu trách nhiệm về mục vụ giới trẻ. Trong nhiệm vụ phụ trách về giới trẻ, Đức cha Costa dành hết tâm huyết cho người trẻ. Nhiều người trẻ đã tìm được ánh sáng cuộc đời nhờ sự chăm sóc đầy tình người và mục tử của ngài.
Bangladesh là quốc gia Hồi giáo đông dân thứ tư trên thế giới. Khoảng 90% trong số 160 triệu dân là người Hồi giáo, 8% người Ấn giáo. Có khoảng 600 ngàn Kitô hữu, trong số đó 400 ngàn là người Công giáo. (Asia News 13/7/2020)
Ngọc Yến - Vatican News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét