Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Nên thánh đối với Thiếu nhi và Giáo lý viên

NÊN THÁNH ĐỐI VỚI THIẾU NHI VÀ GIÁO LÝ VIÊN
(CHỦ ĐỀ THÁNG 7/2020)
+ TGM Giuse Vũ Văn Thiên
“Uốn cây từ thuở còn non,Dạy con từ thuở con còn thơ ngây”
Câu ca dao trên cho thấy, từ rất sớm, các bậc Tiền nhân của chúng ta đã coi trọng việc giáo dục trẻ thơ. Bởi lẽ tâm hồn các em như tờ giấy trắng, khi viết điều gì thì khó mà xóa nhòa. Chúa Giêsu cũng quan tâm đến trẻ nhỏ và dành cho các em tình thương mến đặc biệt. Cả ba tác giả Tin Mừng nhất lãm đều thuật lại, khi thấy có người ngăn cản trẻ em đến với Chúa, thì Người nói: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 18,14). Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, luôn quan tâm đến Thiếu nhi và Giới trẻ, vì các em là tương lai của Giáo Hội và của xã hội. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, đó là khẩu hiệu chúng ta thường thấy, như một khẳng định: muốn thế giới tương lai tốt, thì phải chăm lo giáo dục Thiếu nhi từ bây giờ.
Trong chương trình mục vụ của Tổng Giáo phận Hà Nội, tháng Bảy năm nay được chọn để cầu nguyện cho các em Thiếu nhi và Giáo lý viên nên thánh. Giáo lý viên là những người thực thi sứ mệnh của Bí tích Thanh tẩy, nhất là chức năng ngôn sứ. Họ là những cộng sự viên của các Cha xứ, đang đóng góp phần mình để xây dựng các cộng đoàn Giáo Hội địa phương.
Ý tưởng nên thánh thường được hiểu dành cho người đã trưởng thành. Tuy vậy, là người Kitô hữu, bất luận ở bậc sống và lứa tuổi nào, chúng ta đều được mời gọi nên hoàn thiện. Nên thánh cho Thiếu nhi và Giáo lý viên chính là tạo nền tảng quan trọng cho đời sống Kitô hữu trong tương lai và góp phần hình thành nhân cách nơi các em, với hy vọng các em sẽ trở thành những công dân tốt và tín hữu tốt.
Những gì được đề cập dưới đây mang đề tài “Nên thánh đối với Thiếu nhi và Giáo lý viên”, trong thực tế, lại cần được sự quan tâm của các bậc Phụ huynh và những người tham gia công việc giáo dục như các Cha xứ, các Tu sĩ, các Hội đồng mục vụ giáo xứ. Bài viết nhằm mục đích nêu ra một thực trạng hiện nay và ước mong sự quan tâm cộng tác của mọi thành phần Dân Chúa.
Phần một: Thiếu nhi nên thánh
I- Thực trạng đáng lo ngại hiện nay
Những thông tin xã hội cho chúng ta thấy có ba thực trạng đáng lo ngại đối với trẻ em:
1- Bạo lực học đường
Bạo lực hiện nay không chỉ ngoài phố chợ, nhưng đã lan vào học đường. Bạo lực giữa học sinh với nhau, bạo lực giữa học sinh với Thầy cô giáo. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt chúng ta không còn được tôn trọng. Một số nhà chuyên môn đã nêu những lý do gây nên tình trạng bạo lực học đường, nhất là ở đô thị như sau:
Thứ nhất, về chương trình giáo dục, các em phải học quá nặng về lý thuyết. Phải học nhiều khiến các em không có thời gian để giải trí, gây stress nên phải tìm các hình thức để giải tỏa áp lực như: đua xe, chích ma túy, hoặc đi lắc…
Thứ hai, quá trình đô thị hóa làm cho diện tích đất ngày càng bị thu hẹp. Trước đây, các em dễ dàng tìm được không gian để đá bóng, đá cầu nhưng nay muốn có chỗ chơi thể thao cũng thật là khó.
Thứ ba, sự xâm nhập của văn hóa nước ngoài, nhất là phim ảnh bạo lực lan tràn. Những anh hùng trên phim ảnh hay cách giải quyết vấn đề bằng bạo lực, khiến các em cũng thích làm theo.
2- Thiếu quan tâm của Phụ huynh
Cuộc sống công nghiệp làm cho người lớn bị lôi cuốn vào vòng xoay, không còn thời gian để chăm lo con cái. Nhiều bậc Phụ huynh phó mặc con cái mình cho nhà trường và giáo xứ. Sự thiếu hiểu biết về tâm sinh lý cũng như về trách nhiệm làm cha làm mẹ cũng tạo một lỗ hổng lớn trong việc giáo dục con cái. Một số gia đình kinh doanh buôn bán, có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng thiếu tổ ấm yêu thương, ít khi dùng bữa cùng nhau và ít khi có buổi sum họp gia đình. Các em lớn lên giữa những người thân mà luôn cảm thấy cô đơn, không được quan tâm và thấu hiểu. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng trẻ em bị trầm cảm hay những chứng bệnh về tâm lý, để lại hậu quả rất nghiêm trọng sau này.
3- Ảnh hưởng tiêu cực của thế giới kỹ thuật số
Không ai phủ nhận những ích lợi của công nghệ thông tin hiện đại. Chúng ta có cơ may sống trong một thế giới mà các phương tiện điện tử phát triển nhanh chóng và phổ cập đến cả những vùng nông thôn nghèo. Tuy vậy, tình trạng Thiếu nhi sử dụng điện thoại và internet quá sớm và không được kiểm soát sẽ gây nên những hệ lụy khôn lường. Hậu quả là nhiều em sống khép kín, trầm cảm, sống trong thế giới ảo, bắt chước những nhân vật của trò chơi điện tử. Gần đây, một em học sinh lớp sáu đã bắt cóc một bé trai 5 tuổi giam giữ nơi một căn nhà hoang để “giải cứu” theo kiểu các trò chơi điện tử. Em bé đã chết một cách oan uổng. Còn biết bao hậu quả tai hại khác có nguồn gốc do mê trò chơi điện tử mà ra như: bỏ học, trốn nhà đi bụi đời, tự tử, trộm cắp, gian dối... Có những em nghiện trò chơi điện tử, ngồi trong quán từ ngày này qua ngày khác, đến mức phải đi cấp cứu vì suy thần kinh.
Để các em có một hình thức giải trí lành mạnh, cần có sự kiểm soát hướng dẫn của các bậc Phụ huynh. Cha mẹ cũng cần tạo sự hài hòa giữa việc học ở nhà trường với giải trí ở gia đình, tạo trạng thái quân bình cho sự phát triển thể lý và tâm lý của các em.
II- Nên thánh đối với Thiếu nhi
Như đã nói trên đây, giúp cho Thiếu nhi được nên thánh chính là tạo cho các em một nền tảng của đời sống Kitô hữu. Vì vậy, những gì được viết dưới đây nhằm tới các bậc Phụ huynh và các nhà giáo dục đức tin.
1- Cầu nguyện tại gia đình
Giáo Hội miền Bắc có truyền thống lâu đời cầu nguyện trong gia đình. Đương nhiên việc cầu nguyện tại gia không thể thay thế việc tham dự các buổi cử hành phụng vụ của Giáo xứ. Mỗi tuần một đôi lần, nếu cha mẹ con cái hợp nhau cầu nguyện chừng 15 phút, sẽ tạo một thói quen tốt đẹp nơi các em. Nhờ thói quen cầu nguyện, nếu sau này các em có rời gia đình để đi học, đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi làm xa nhà, các em vẫn có thể duy trì cầu nguyện. Cầu nguyện tại tư gia cũng góp phần sưởi ấm tình cảm gia đình, hàn gắn những rạn nứt bất hòa. Hơn nữa, chúng ta tin rằng khi gia đình cầu nguyện thì Chúa sẽ chúc phúc và gìn giữ gia đình hạnh phúc và bình an.
2- Tham gia các sinh hoạt giáo xứ, nhất là Thiếu nhi Thánh Thể
Thiếu nhi Thánh Thể là một phong trào tông đồ giáo dân mang tính quốc tế. Bốn tôn chỉ của Thiếu nhi Thánh Thể là: Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh và làm Tông đồ. Nếu thường xuyên tham dự những sinh hoạt chung, các em sẽ được dạy Giáo lý, đào tạo những giá trị nhân bản và ý thức đối với môi trường. Chắc chắn các em sẽ ngoan ngoãn và vâng lời cha mẹ hơn, khi các em nghiêm túc và chuyên chăm tham gia các lớp đào tạo trong chương trình huấn luyện của Ban đặc trách Thiếu nhi Thánh Thể.
3- Một nền giáo dục lành mạnh
Thiếu nhi công giáo cũng là người công dân tương lai của xã hội Việt Nam. Vì vậy, các em cần được hưởng một nền giáo dục lành mạnh. Cần lên án những vụ việc “phản giáo dục” tồn tại ngay trong ngành giáo dục như sửa điểm thi, bệnh thành tích, thi đua, hối lộ đút lót để thi đỗ. Một khi ngành giáo dục mà gian dối thì sẽ tạo ra những con người gian dối cho tương lai.
Để có một nền giáo dục lành mạnh, cần có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Chúng ta cần dạy cho các em cách làm người, biết kiềm chế cảm xúc bột phát nhất thời. Phải tạo ra môi trường học đường thân thiện, hòa đồng, từ đó giúp các em sống và học tốt hơn. Nhà trường đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục và định hướng cho các em. Tuy nhiên, không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà trường vì sẽ rất khó để nhà trường và giáo viên chủ nhiệm kiểm soát hết được tất cả các em học sinh. Chính các bậc Phụ huynh phải là người đi tiên phong trong việc thay đổi cách giáo dục con cái.
Phần Hai: Giáo lý viên nên thánh
I- Ơn gọi và sứ mạng của Giáo lý viên
1- Giáo lý viên là ai?
Giáo lý viên là người tín hữu, được Giáo Hội trao cho sứ mệnh giúp mọi người nhận biết yêu mến và đi theo Chúa Kitô. Trong việc dạy giáo lý, chỉ một mình Chúa Kitô là người giảng dạy. Những người khác có làm việc giảng dạy cũng chỉ là những phát ngôn viên của Người, để Người dùng miệng họ mà giảng dạy. Mối bận tâm thường xuyên của người Giáo lý viên phải là thông truyền giáo lý và đời sống của Đức Kitô, qua việc giảng dạy và thái độ của mình (x. DGL 6).
2- Giáo Hội mong muốn Giáo lý viên là người như thế nào?
Dựa trên hướng dẫn của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm, ta có thể khẳng định:
- Giáo lý viên là người yêu mến và gắn bó với Đức Kitô đến độ muốn nói cho người khác biết và yêu mến Chúa Kitô.
- Giáo lý viên là người đón nhận Lời Chúa, vì không biết Lời Chúa thì không thể biết Đức Kitô.
- Giáo lý viên là người yêu mến Giáo Hội.
- Giáo lý viên là người sống vì mọi người.
- Giáo lý viên là người có tinh thần của Đức Maria, người đón nhận và trao ban Lời Chúa.
3- Giáo Hội coi trọng vai trò của các Giáo lý viên
Đức Hồng Y Jozep Tomko, nguyên Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, đã nói “Các Giáo lý viên luôn đóng góp phần quan trọng trong công cuộc truyền bá Tin Mừng của Giáo Hội. Ngày nay họ vẫn được xem là những người truyền bá Tin Mừng không thể thay thế như Thông Điệp Redemptoris Missio đã quả quyết. Chính Đức Thánh Cha đã xác định vai trò đặc biệt của Giáo lý viên như sau: trong các cuộc thăm viếng mục vụ, tôi nhận thấy các Giáo lý viên, nhất là trong các xứ truyền giáo, góp phần đặc biệt và hết sức cần thiết cho việc loan truyền đức tin và mở mang Giáo Hội”.
Cũng trong Thông Điệp Redemptoris Missio, Đức Gioan Phaolô II đã mô tả lực lượng Giáo lý viên như “những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp, những người loan báo Tin Mừng không thể thiếu, những người tiêu biểu cho sức mạnh cơ bản của các cộng đoàn tín hữu, đặc biệt trong các giáo hội trẻ”.
II- Nên thánh đối với Giáo lý viên
Công việc được uỷ thác cho Giáo lý viên bên ngoài có vẻ bình thường, nhưng thực ra là một hoạt động căn bản, thiết yếu để xây dựng và mở rộng nước Thiên Chúa. Giáo lý viên phải tin vào sứ mệnh của mình. Đây là sứ mệnh có tính chất siêu nhiên. Vì vậy, Giáo lý viên cần phải cố gắng để nên thánh. Sự thánh thiện của Giáo lý viên là điều kiện quyết định cho những kết quả của sứ mệnh này.
1- Đời sống nội tâm
Việc dạy Giáo lý không giống như một việc làm ở công ty hay ở văn phòng. Đây là một sứ mệnh siêu nhiên. Siêu nhiên tự nguồn gốc: là chính sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Giêsu, Chúa Giêsu lại trao cho Giáo Hội, và Giáo Hội đã ủy thác lại cho Giáo lý viên qua Giám mục và Cha xứ. Chính vì thế, Giáo lý viên phải có đời sống cầu nguyện và kết hợp thâm sâu với Chúa Giêsu Thánh Thể, để nhờ đó, khi mình dạy Giáo lý là chính Chúa Giêsu hiện diện trong người đang dạy. Nhờ đời sống nội tâm sâu xa, Chúa Thánh Thần cũng tác động tích cực, giúp Giáo lý viên được ơn soi sáng và mở lòng những người đón nhận, để họ hiểu các mầu nhiệm sâu xa huyền nhiệm.
2- Năng học hỏi
“Người ta không thể cho người khác điều mình không có”. Muốn cho công việc giảng dạy mang lại hiệu quả, Giáo lý viên phải lo trau dồi kiến thức để có thể trình bày cho người khác và có thể trả lời những vấn nạn được đặt ra. Bởi lẽ Giáo lý không chỉ dừng lại ở những kiến thức khô khan, nhưng được áp dụng trong cuộc sống thực tế của chúng ta, đồng thời đưa ra những chỉ dẫn cụ thể cho cách ứng xử hằng ngày. Giáo lý viên cũng cần am hiểu những kiến thức xã hội, trưởng thành và trải nghiệm cuộc sống thực tế để có được một sư phạm tốt, đa dạng phong phú trong mọi lãnh vực.
Học hỏi để trau dồi kiến thức Giáo lý, Giáo lý viên cũng cần tìm hiểu để có được phương pháp sư phạm phù hợp. Việc nghiên cứu tâm lý trẻ em, những nhu cầu của các em như được lắng nghe, được quan tâm nâng đỡ cũng là điều cần thiết giúp Giáo lý viên chu toàn tốt công việc được trao.
3- Cuộc sống gương mẫu
Không thể dạy Giáo lý cho người khác khi mình có đời sống đi ngược lại những gì trình bày. Một cuộc sống trái với lời mình rao giảng sẽ là phản giáo dục. Thánh thiện đối với Giáo lý viên cũng là sự thánh thiện đối với mọi tín hữu. Đó là một lương tâm ngay thẳng, một cuộc sống trung thực công bằng tôn trọng danh dự và của cải của người khác.
Ơn gọi Giáo lý viên không những bắt nguồn từ bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, mà còn do lời mời gọi đặc biệt của Chúa Thánh Thần, hay một đặc sủng được Giáo Hội nhìn nhận và được Giám mục minh nhiên ủy nhiệm. Trong thực tế, ơn gọi Giáo lý viên vừa có tính chuyên biệt vì dành riêng cho Huấn Giáo, vừa có tính tổng quát vì tham gia vào các tác vụ tông đồ để gieo trồng và phát triển Giáo Hội. Bởi vậy Giáo lý viên không đơn thuần chỉ là người giúp đỡ vị Linh mục, nhưng thực sự là chứng nhân của Đức Kitô trong cộng đoàn của mình.
Kết luận: Ngày 11-6-2020, tức là lễ kính Mình và Máu Chúa Giêsu, Văn phòng Tòa Thánh thông báo: Thánh lễ phong Chân phước cho Carlo Acutis sẽ được cử hành vào ngày 10-10-2020, do Đức Hồng y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong thánh chủ sự. Carlo Acutis là người Italia, qua đời lúc 15 tuổi (1991-2006). Anh là một giáo lý viên, đồng thời cũng là một thần đồng về công nghệ vi tính và là một “lập trình viên”. Anh có lòng yêu mến Thánh Thể và Đức Trinh nữ Maria cách đặc biệt. Anh đã lập một Website riêng để chia sẻ về những phép lạ Thánh Thể trong lịch sử. Trước khi qua đời vài ngày, Anh đã nói: “Tôi muốn dâng những đau khổ lên Chúa để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và cho Giáo Hội”. Anh đã trút hơi thở cuối cùng ngày 12-10-2006. Đức Thánh Cha đã nói đến Carlo Acutis trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, như một tấm gương cho Thiếu nhi và Giáo lý viên noi theo. Ngài viết: “Carlo đã không bị sập bẫy (của phương tiện truyền thông, quảng cáo và mạng xã hội). Anh thấy rằng nhiều bạn trẻ, mặc dù tỏ ra mình khác với người khác, thực sự cuối cùng rồi cũng giống nhau; khi chạy theo những gì mà những kẻ có thế lực áp đặt cho họ qua những cơ chế của chủ nghĩa tiêu thụ và giải trí. Thế nên họ không phát huy được những ơn huệ mà Chúa đã ban; không cống hiến cho thế giới những tài năng rất riêng tư và độc đáo mà Thiên Chúa ban tặng cho mỗi người. Thế là, Carlo nói: “Ai cũng được sinh ra như là bản gốc, nhưng nhiều người lại chết đi như những bản sao”, Đừng để điều này xảy ra với các con”. (Tông huấn Đức Kitô đang sống, số 106).
Qua việc trích dẫn Carlo Acutis, Đức Thánh Cha khẳng định với chúng ta: giữa cuộc sống hiện đại nhiều cạm bẫy hôm nay, nên thánh là điều có thể thực hiện được, kể các em Thiếu nhi và các bạn trẻ, nếu chúng ta thiện chí cộng tác với ơn Chúa, và luôn gắn bó hiệp thông với Ngài. Đây cũng là điều nguyện ước của hết thảy chúng ta.
Hà Nội, tháng 6-2020
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét