Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2020

Mục vụ cho các đôi vợ chồng mới cưới



Con đường đến với đời sống hôn nhân là con đường của tình yêu, một tình yêu trung kiên cần có sự trung thành của hai người với nhau.

Có một gia đình trẻ kia sinh sống tại một vùng thôn quê miền Bắc. Cả hai bước vào đời sống hôn nhân được khoảng 8 năm. Sau ngày cưới khoảng 5 năm thì hai người quyết định đi xa lập nghiệp với tham vọng làm giàu.

“Nhà mình ăn sang”

Khi tới nơi lập nghiệp ở một thành phố kia, vì điều kiện công việc của hai người khác nhau nên đã không cho phép họ ở chung với nhau một nơi. Điều kiện ấy đã dần dần đẩy đưa họ không có nhiều thời gian dành cho nhau trong lúc xa quê hương, xa một đứa con nhỏ để lại cho hai ông bà nội và ngoại chăm sóc.

Tình cảm của hai vợ chồng dành cho nhau cũng bị nhạt dần theo thời gian và bởi những yếu tố ngoại cảnh tác động từ bên ngoài. Một năm, hai năm, rồi đến ba năm sinh sống như vậy, cuối cùng anh chồng phát hiện ra vợ mình đã không còn trung thành với mình trong lời đoan hứa khi thành hôn nữa. Sau đó anh quyết định “trả thù đời” bằng việc làm tương tự, công khai.

Tin ấy đồn thổi về tới quê, hai gia đình nội và ngoại quyết định tìm hai vợ chồng về để dàn xếp, hàn gắn lại những rạn nứt, lầm lỡ ấy, và tìm cách gợi cho họ nhớ lại tình yêu thuở ban đầu.

Cuối cùng cả hai đã nhận ra những lỗi lầm của nhau và quyết định làm lại từ đầu để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, người dân xóm làng vẫn có những người bàn tán, hay sì sèo về lỗi lầm của hai anh chị này qua những câu nói: “Vợ chồng nhà chúng nó mới lên thành phố mấy năm đã xảy ra chuyện “vợ ăn chả, chồng ăn nem” rồi (nguyên văn thành ngữ “ông ăn chả, bà ăn nem”).

Thế là câu thành ngữ ấy lọt đến tai cả những trẻ nhỏ cùng trang lứa với con của họ. Một ngày kia đứa con của hai anh chị chưa đầy bảy tuổi đi học thì bị chúng bạn tẩy chay mà em không biết lý do tại sao. Rất may chị giáo lý viên phát hiện kịp thời và hỏi cả lớp sao không cho bạn H. chơi với, có một bạn ngần ngại đứng lên trả lời: “Thưa chị, vì chúng em nghe nói nhà bạn ấy ông ăn chả, bà ăn nem ạ!”.

Tội nghiệp bé H. không hiểu được câu ấy muốn ám chỉ điều gì về gia đình mình liền về hỏi cha mẹ. Tại sao các bạn lại nói nhà mình “Ông ăn chả, bà ăn nem” vậy? Không biết trả lời cho câu hỏi của con mình làm sao, ấp úng mãi người cha mới nói: “Thì chúng bạn nói nhà mình ăn sang đấy con”.

Cuối cùng thì câu chuyện cũng đến hồi kết và để lại cho người nghe một vài suy nghĩ về sự trung thành của các đôi vợ chồng trẻ sau những năm đầu của đời sống hôn nhân.

Câu chuyện mục vụ sau ngày cưới

Có thể nói, câu chuyện về gia đình vừa kể trên là một ví dụ cụ thể xảy ra trong xã hội. Nó cũng phản ánh một phần nào về thực trạng những khó khăn mà các đôi vợ chồng trẻ ngày nay đang gặp phải.

Dường như tính bền vững của hôn nhân ngày nay không còn là vấn đề để các đôi vợ chồng trẻ kiến tạo để xây dựng một gia đình hạnh phúc nữa. Họ có thể vì một lý do ngoại cảnh tác động mà sẵn sàng làm ngơ trước lời đoan hứa trong ngày lễ thành hôn để đi tìm “một bữa ăn sang”, như câu trả lời của người cha cho đứa con ngây thơ trong câu chuyện.

Một điều đáng cho người nghe suy nghĩ là ở nước ta sống nặng tình làng xóm và người ta cũng rất sợ dư luận xấu của xã hội đến gia đình. Thế nhưng, câu chuyện về đôi vợ chồng vừa kể trên có thể phản ánh một phần nào về trào lưu thích tìm thú vui về đời sống tính dục ngoài đời sống hôn nhân đang làm xói mòn đi những giá trị đạo đức “nhất phu, nhất phụ” của người Việt Nam.

Cuối cùng thì chính các đôi vợ chồng và con cái của họ cũng đang phải chịu những hậu quả nguy hại của nó, ấy là chưa kể đến những hậu quả xấu mà cả xã hội và Giáo hội đang phải đối diện với một thực trạng đau lòng này.

Vì vậy, đã đến lúc Giáo hội Công giáo địa phương phải bắt tay vào việc ngay để giúp đỡ các đôi vợ chồng trẻ sau khi đã thành hôn có một chương trình học hỏi giáo lý dành riêng cho họ. Cụ thể, ở nơi mỗi giáo xứ, giáo hạt hay giáo phận phải làm thế nào để các đôi vợ chồng sau khi thành hôn có nhiều cơ hội gặp gỡ nhau để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau giải gỡ những khó khăn trong đời sống hôn nhân.

Hơn nữa, các vị chủ chăn ở mỗi giáo xứ cần phải thấy mình có bổn phận nhiều hơn nữa để nhắc nhở cho các đôi vợ chồng nhớ lại tình yêu thuở ban đầu của họ, và gợi cho họ nhớ lại lời cam kết trong ngày lễ thành hôn. Vì qua lời cam kết trong Bí tích Hôn nhân mà các đôi bạn trẻ đã lãnh nhận, họ cần phải thấy đời sống hôn nhân của họ không còn là hai, nhưng trở nên một xương một thịt (Mt 19,6; St 2,24).

Trong lãnh vực mục vụ cho các đôi vợ chồng mới cưới, dẫu biết rằng đây là công việc làm còn khá mới mẻ so với Giáo hội tại Việt Nam, nhưng việc làm này sẽ chẳng là mới mẻ nữa khi nhìn vào thực tế của một xã hội như hiện nay và cũng không còn gì là mới mẻ nữa khi nhìn ra Giáo hội toàn cầu.

Thượng Hội đồng Giám mục về Gia đình của Giáo hội toàn cầu năm 1980 đã bàn về vấn đề mục vụ xem ra mới mẻ này và được quảng diễn rất rõ qua Tông huấn Familiaris Consortio số 69: “Trong cụ thể, ưu tư mục vụ dành cho các gia đình hợp lệ, làm cho mọi cộng đồng Giáo hội địa phương dấn thân giúp đỡ các đôi bạn khám phá sống ơn gọi cũng như sứ mạng của mình. Để gia đình ngày càng trở nên một cộng đồng yêu thương đích thực”.

Vì vậy, với tấm lòng và lương tâm của người mục tử thì cần phải nhắc nhớ cho các gia đình Công giáo tái khám phá ra ơn gọi của mình. Đó là ơn gọi nên thánh được đặt dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần, và được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, bí tích của tình yêu.

Tự bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy. Đây là hệ quả của việc hai người tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hỏi phải dứt khoát, không được tạm bợ. Điều ấy vừa nói đến sự liên kết mật thiết với nhau vừa là sự tự hiến cho nhau cách trọn vẹn, dựa trên những lợi ích của con cái đòi buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn sống trung thành với nhau mãi mãi trong suốt cuộc đời.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (Gs 48,1)

Những lời hứa hôn nhân thánh thiện và chân thật giữa vợ chồng phải được giữ trọn vẹn đến nỗi sự bất trung của một trong hai người sẽ là một tai họa. Sự bất trung rõ ràng nhất, xét dưới nhiều khía cạnh và hình thức xấu nhất là việc ngoại tình, nghĩa là quan hệ tình dục với người khác ngoài hôn nhân. Khám phá ra sự phản bội này, không vì bất cứ lý do nào, hay dù ngay thật đến đâu, nó vẫn phá đổ ý nghĩa của tính độc hữu và lòng tin vốn xây dựng nên tình thân mật của đôi bạn.
John L. Thomas, SJ
(Chuyển ngữ: LM Augustino Nguyễn Văn Dụ, Bước Vào Đời Sống Hôn Nhân, NXB Tôn Giáo)

LM PHÊRÔ NGUYỄN HỮU ĐANG, ICM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét