Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 19 tháng 3, 2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Hướng dẫn mục vụ mùa dịch Covid-19 ngày 19.03.2020

TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu - Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.8) 3930 3828
Email: tgmsaigon@gmail.com


Kính gửi toàn thể cộng đồng Dân Chúa Tổng giáo phận,
đặc biệt quí Cha chánh xứ

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta đang trải qua một giai đoạn thật khó khăn. Đại dịch covid-19 vẫn tiếp tục lan tràn khắp nơi trên thế giới. Tôi và Đức Cha Luy kính thăm và cầu chúc quí cha cùng tất cả anh chị em luôn bình an giữa những ngày tháng thử thách về mọi phương diện.

Ngoài những hướng dẫn cụ thể của chính quyền cũng như của ngành y tế, chúng tôi luôn cập nhật tin tức trong cũng như ngoài nước, trong các giáo phận tại Việt Nam cũng như tại các cộng đoàn Giáo hội khắp nơi để gửi đến quí cha và cộng đoàn Dân Chúa những chỉ dẫn thích hợp trong sinh hoạt mục vụ. Giống như các thầy thuốc, cái khó của chúng ta là làm sao để đưa ra những giải pháp đúng mức và phù hợp với thực tế tại địa phương, không thiếu mà cũng không thừa. Một đàng chúng ta phải bảo vệ sức khỏe và mạng sống thể xác của bản thân cũng như của cộng đồng, nhưng đàng khác cũng cần cân nhắc để đừng làm phương hại đời sống đức tin.

Trong thời gian qua, có một số thắc mắc thực tế do quí cha và anh chị em giáo dân nêu ra, nên hôm nay tôi xin gửi đến anh chị em một ít hướng dẫn (nhiều điều đã nói trong các thông báo trước), nhất là trong bối cảnh những tuần cao điểm của Mùa Chay và Phục Sinh. Nguyên tắc của chúng ta là chỉ làm những gì cần thiết, còn việc nào không nhất thiết phải làm ngay thì dời lại vào một thời điểm khác.

Xin toàn thể cộng đồng Dân Chúa tuân thủ các hướng dẫn dưới đây một cách rất nghiêm túc. Chúng ta cần chứng tỏ tinh thần trách nhiệm cao để cùng với cộng đồng xã hội phòng chống sự lây lan của nạn dịch.

1. Những điều tổng quát

   + Tạm ngưng tất cả các sinh hoạt như các lớp giáo lý, các lễ mừng, hành hương, dâng hoa…

   + Tất cả mọi người phải đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, đặc biệt trong các buổi đọc kinh và cử hành phụng vụ. Ca đoàn và các thừa tác viên phục vụ các công việc trong thánh lễ cũng buộc đeo khẩu trang.
 
   + Ca đoàn giảm bớt số ca viên và các buổi tập, chỉ cần đọc hay hát lại bài quen thuộc.

   + Giữ khoảng cách an toàn giữa người này và người kia.

   + Đặt các bình rửa tay cuối nhà thờ, thường xuyên phun thuốc sát trùng trong nhà thờ.

   + Không dùng nước thánh tại cửa nhà thờ để làm dấu Thánh giá như thói quen.

2. Tĩnh tâm Mùa Chay

   + Năm nay các giáo xứ sẽ không tổ chức tĩnh tâm Mùa Chay, hoặc chỉ tổ chức tĩnh tâm cho nhóm nhỏ dưới 300 người.

   + Để bù lại phần nào các cuộc tĩnh tâm theo thông lệ, quí cha có thể khai triển các bài đọc Lời Chúa ngày Chúa nhật để giúp cộng đoàn thống hối và canh tân đời sống.

3. Giải tội

a. Giải tội tập thể

Theo giáo luật điều 961 và theo Tự sắc Misericordia Dei của Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II, ngày 7-4-2002, về “Một vài phương diện của việc cử hành bí tích Sám hối”, thì trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta vào thời điểm này, chưa đủ điều kiện để cử hành giải tội tập thể. Xin các cha vẫn giải tội cá nhân theo phương thức thông thường.

b. Giải tội cá nhân

   + Tòa giải tội phải có màn che. Linh mục và tất cả các hối nhân phải đeo khẩu trang. Các giáo xứ chuẩn bị sẵn khẩu trang cho những người không đem theo.

   + Để giảm bớt số đông người xưng tội, các cha có thể nói cách tế nhị và khéo léo để những ai thật sự cần thì mới đi xưng tội. Không được nói: chỉ người có tội trọng thì mới xưng tội.

   + Cụ thể: các thiếu nhi, người già, người đang rước lễ, vì bác ái, sẽ không xưng tội trong dịp này, để nhường cho những người cần hơn.

   + Các cha mời thêm các linh mục từ nơi khác đến giúp, như vẫn quen làm.

4. Thánh lễ

Trong tình hình hiện nay, chưa cần phải ngưng thánh lễ ngày Chúa nhật. Đối với Hội Thánh, cử hành mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại chính là nguồn mạch bình an, phúc lành và ơn cứu độ cho thế giới. Vấn đề thiết yếu là làm thế nào để tránh sự lây lan.

a. Trong thời gian dịch bệnh đang lan rộng, để giảm bớt số lượng người tham dự trong một thánh lễ, tránh sự va chạm tiếp xúc, tôi cho phép mỗi cha ngày Chúa nhật có thể dâng tối đa bốn thánh lễ nếu thực sự có nhu cầu.

Các giáo xứ có thể cử hành thêm các thánh lễ chiều Thứ Bảy và ngày Chúa nhật.

b. Những người dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi, và những ai đang có các loại bệnh nặng nhẹ khác nhau: được miễn chuẩn tham dự thánh lễ Chúa nhật và không được đến nơi tập trung đông người.

Dù không tham dự thánh lễ, nhưng các tín hữu vẫn có bổn phận cầu nguyện tại nhà, bằng cách suy gẫm và cầu nguyện với Lời Chúa theo ngày, hoặc lần hạt Mân Côi, rước lễ thiêng liêng (tức là khao khát được kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong đức tin và lòng mến, dù không được rước lễ thực sự).

Mỗi ngày đều có thánh lễ trực tuyến được phát trên trang mạng của Tổng giáo phận. Người ở nhà có thể theo dõi vào lúc thuận tiện, chứ không nhất thiết phải là trực tiếp (livestream), để hiệp thông với phụng vụ của Hội Thánh. Hiệp thông với thánh lễ trực tuyến không thay thế việc thực sự tham dự thánh lễ, nhưng có thể giúp nuôi dưỡng đức tin nếu biết hiệp thông với tâm hồn cầu nguyện và thái độ nghiêm túc, chứ không giống như xem một bản tin.

c. Trong thánh lễ, xin lưu ý những điểm sau đây:
  
   + Như đã nói, tất cả mọi người buộc phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.

   + Chủ tế vì đứng xa cộng đoàn, nên không nhất thiết phải đeo khẩu trang ; nhưng lúc trao Mình Thánh Chúa thì phải đeo vì có khoảng cách gần.

   + Trước khi trao Mình Thánh Chúa, tất cả các thừa tác viên phải sát trùng bàn tay.

   + Chỉ trao Mình Thánh Chúa trên tay mà thôi.

   + Khi trao Mình Thánh, thừa tác viên không nói “Mình Thánh Chúa Kitô” ; và người nhận lãnh không thưa “Amen”, chỉ kính cẩn đón nhận.

   + Trong lúc cho rước lễ, các linh mục không đặt tay chúc lành cho trẻ em như quen làm.

   + Trong thánh lễ đồng tế, chủ tế và tất cả các linh mục đồng tế chỉ chấm Máu Thánh mà thôi, không uống. Vị cuối cùng sẽ uống hết Máu Thánh rồi tráng chén.

5. Tuần Thánh

Tuần Thánh là thời gian cử hành các mầu nhiệm quan trọng nhất của Kitô giáo. Tham dự các nghi thức Tuần Thánh là điều rất đáng khuyến khích. Trong thực tế, hầu như tất cả mọi giáo dân Việt Nam đều tham dự các nghi thức này.

a. Giảm bớt tập trung

Trong bối cảnh của nạn dịch, các giáo xứ có thể tìm một phương thức phù hợp để không tập trung đông người.

   + Phụng vụ trong ngày Thứ Năm, Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh có thể được cử hành hai lần, như một số giáo xứ đã làm, hoặc cử hành ngoài trời để có không gian rộng hơn.

   + Thứ Năm và Thứ Sáu Tuần Thánh không phải là lễ buộc, nên những người dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi, và những ai đang có các loại bệnh nặng nhẹ khác nhau, sẽ ở nhà và hiệp thông cầu nguyện.

b. Thứ Năm Tuần Thánh

Lễ Truyền Dầu sẽ được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa vào lúc 8g30.

Thành phần tham dự: các linh mục của tổng giáo phận, Bề trên các dòng, các linh mục dòng đang làm việc mục vụ. Các cha già yếu hoặc đang có bệnh sẽ không tham dự.

Các tu sĩ và giáo dân: xin ở nhà và hiệp thông qua truyền hình trực tuyến.

   + Trong Thánh lễ Tiệc ly ban chiều, sẽ không cử hành nghi thức Rửa chân để tránh sự tiếp xúc gần gũi.

   + Các giáo xứ vẫn chia phiên chầu tới nửa đêm, vì thường mỗi phiên chỉ có số lượng ít.

c. Thứ Sáu Tuần Thánh

   + Trong nghi thức Suy tôn Thánh giá, khi chủ sự xướng “Đây là cây Thánh giá…”, toàn thể cộng đoàn đứng tại chỗ và bái quì (ba lần), không tiến lên hôn kính Thánh giá như quen làm.

   + Đàng Thánh giá trọng thể và Ngắm 15 sự Thương khó: có thể thực hiện, nếu là cộng đoàn ít người. Nếu là cộng đoàn đông thì nên hủy bỏ.

6. Xức dầu bệnh nhân

Xức dầu bệnh nhân luôn phải là việc ưu tiên trong thừa tác vụ linh mục. Quí cha có nghĩa vụ đi xức dầu thánh và mang Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, ngay cả trong những lúc dịch bệnh hay những thời khắc nguy hiểm, để đem đến cho họ sự sống thiêng liêng và niềm hy vọng vào giây phút quan trọng nhất của cuộc đời. Nếu từ chối, chúng ta phải tự hỏi mình làm linh mục để làm gì. Chúng ta hãy nhìn vào gương các bác sĩ y tá hy sinh quên mình để cứu chữa bệnh nhân, hay nhiều anh em linh mục trên khắp thế giới đã hiên ngang đi vào tâm dịch để nâng đỡ tinh thần của giáo dân cũng như lương dân. Dĩ nhiên quí cha cần có sự thận trọng, mang khẩu trang và găng tay, cẩn thận khi tiếp xúc, hoặc nếu đang bệnh thì nhờ một cha khác giúp. Nếu phải hy sinh mạng sống vì thừa tác vụ thánh, thì đó là một hiến tế thánh thiêng cao đẹp của đời linh mục.

7. Cách ly

Khi chính quyền cách ly một khu vực, tất cả mọi người phải tuyệt đối chấp hành. Quí cha và anh chị em giáo dân nơi đó không được tập trung để cử hành hay tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ của mình hoặc tại bất cứ nơi nào khác. Các cha vẫn có thể dâng lễ một mình.

8. Chiều kích thiêng liêng

Tôi muốn nhân dịp này gợi lên một ít tâm tình đạo đức thiêng liêng để quí cha suy gẫm và chia sẻ lại cho giáo dân.

Nạn dịch tự nó là một sự xấu không ai muốn có. Tuy nhiên, là môn đệ Đức Kitô, chúng ta có thể nghe được tiếng Chúa và học được nhiều điều từ biến cố đau buồn này. Có thể kể ra một ít bài học dễ nhận ra:

   + Chúng ta nhận ra rằng rốt cuộc con người chỉ là thụ tạo yếu đuối mỏng manh, hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa là Chủ tể muôn loài. Virus corona dạy con người khiêm tốn hơn, biết sám hối và định hướng lại cuộc đời để hướng tới Thiên Chúa và vĩnh cửu.

   + Thay vì cuộc sống xô bồ, vội vã hối hả và bị cuốn hút vào công việc và tiền bạc, con người biết sống chậm lại và cân nhắc đâu là điều thiết yếu và cái gì là phù du.

   + Trước nguy cơ của đại dịch, có người tham lam ích kỷ, lợi dụng tình huống khó khăn của người khác để kinh doanh trục lợi, nhưng rất nhiều người đã biết liên đới, chia sẻ và giúp đỡ nhau.

   + Chúng ta khâm phục và cám ơn sự quảng đại và can đảm của các bác sĩ, nhân viên y tế, những thiện nguyện viên, những người hy sinh sự an toàn của bản thân và gia đình để dám liều mạng cứu giúp bệnh nhân.
   
   + Hàng quán vắng người, các điểm vui chơi giải trí đóng cửa, ngoài đường bớt xe cộ, người ta ở trong nhà nhiều hơn, nhờ đó có thể học thinh lặng và thấy được giá trị của đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian để sống cho những người thân yêu trong gia đình, hoặc đọc sách hay sống gần thiên nhiên nhiều hơn.

   + Một virus nhỏ bé lại có khả năng đảo lộn cuộc sống của cả thế giới. Còn biết bao sức mạnh khác của muôn loài trong hoàn vũ. Đã có nhiều lúc thiên nhiên “nổi loạn” với con người. Chúng ta được dạy cần phải tôn trọng thiên nhiên theo ý định của Thiên Chúa sáng tạo, và sử dụng vạn vật với lương tâm đạo đức và tinh thần trách nhiệm.

   + Người Kitô hữu tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, và đây là điều chúng ta phải cống hiến cho thế giới. Vào thời điểm này, nhân loại vẫn hoàn toàn bất lực. Có cảm nhận về sự bất lực của mình, chúng ta mới nhận ra quyền năng của Thiên Chúa, và ý thức hơn rằng cầu nguyện chính là sứ mệnh cao cả của Hội Thánh. Chúng ta hãy phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Xin Chúa ban ơn cho các nhà khoa học sớm tìm ra phương thuốc chữa trị và phòng ngừa. Nguyện xin Đức Mẹ là Mẹ từ ái của toàn thể nhân loại thương chữa lành thế giới. Xin thánh Giuse là Đấng bảo vệ Hội Thánh gìn giữ Dân Chúa được bình an.

   + Lời cầu nguyện của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa nhậm lời. Tuy nhiên, Chúa không muốn đáp ứng lời cầu nguyện ngay lập tức như khi chúng ta trả tiền để mua một món hàng. Khi đứa con không vâng lời cha mẹ, nghịch ngợm đến nỗi bị thương chảy máu, nhiều lúc cha mẹ để đứa bé khóc lóc kêu la thật lâu, không phải vì không thương con, nhưng vì muốn đứa con thấm thía sự đau đớn để từ nay ngoan hơn. Nhiều lúc ta phải chịu nhiều đau khổ để thấm thía một bài học trong đời. Cũng vậy Chúa muốn chúng ta kiên trì cầu nguyện, khao khát mong mỏi, vì cần có thời gian để chúng ta có thể thấm thía các bài học Chúa muốn dạy. Virus nhỏ bé dường như vô hình lại có sức thay đổi lối sống con người. Nếu chúng ta biết mở mắt và lắng nghe, mùa tai họa lại thành mùa ân phúc.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống đức tin trong giai đoạn khó khăn này. Kính chúc quí cha và cộng đoàn Dân Chúa bình an và được nhiều phúc lành thiêng liêng trong những ngày đại lễ sắp tới. Xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho tôi.

Lễ Thánh Giuse ngày 19 tháng 3 năm 2020

(đã ký và đóng dấu)
+ Giuse Nguyễn Năng
Tổng Giám mục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét