Có người nhận xét rằng: “Chúng ta đang sống trong chiến tranh thế giới thứ 3!” Cuộc chiến này không có súng đạn, không có chanh chấp chủ quyền quốc gia. Đối thủ duy nhất mà nhân loại phải đối đầu là con virus cực nhỏ Covid-19. Tổ chức y tế thế giới (WHO), xác nhận đây là đại dịch, nghĩa là toàn dân, mọi quốc gia phải phòng chống dịch. Lời hiệu triệu toàn dân phòng chống dịch sẽ không thừa trong thời gian này: Nào là ở nhà hạn chế tiếp xúc, nào là vệ sinh rửa tay sạch sẽ, tránh tâm lý hoang mang hoảng loạn. Những tín hữu, cụ thể người Công Giáo còn có một vũ khí hữu hiệu khác để bám vào: cầu nguyện.
Cầu nguyện là trò chuyện, thưa lên Thiên Chúa những tâm tình: ngợi khen, tạ ơn và van xin:
1. Tâm tình ngợi khen
Người Công giáo ngợi khen Thiên Chúa vì muôn ngàn đời Ngài vẫn trọn tình thương. Thiên Chúa không bỏ con người. Ngược lại, lời hứa cứu độ của Thiên Chúa tồn tại muôn năm. Giáo Hội nhận thấy mọi biến cố xảy ra trên mặt đất này đều trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Giáo Hội luôn mời gọi mỗi người chạy đến với Thiên Chúa để nhận ra điều này: Thiên Chúa yêu thương con người, và con người có khả năng đáp lại tình yêu ấy.
Chính tâm tình ngợi khen tán dương là nguồn sức mạnh để con người có thể sống còn trong cuộc chiến này. Thiên Chúa vẫn ở đó, hiện diện với mỗi người chúng ta. Nhất là chúng ta có lý do tán dương Thiên Chúa, giống như Mẹ Maria, chúng ta xin vâng để Chúa cứ làm cho chúng ta như điều Chúa muốn. (Lc 1,38)
2. Tạ ơn
Trong cuộc chiến này, thật khó để diễn tả tâm tình tạ ơn trước hậu quả khủng khiếp mà Covid-19 gây ra. Chắc chắn chúng ta không đơn thuần tạ ơn Chúa vì có con virus này. Chúa không làm ra sự dữ. Ngài cũng không tạo ra con virus quái ác này. Dù sao cuộc chiến với nó đang diễn ra. Chúng ta đang sống chung với dịch bệnh.
Tâm tình tạ ơn mà Giáo Hội mời gọi là trong cuộc chiến, chúng ta còn có Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu là món quà cho nhân loại mà chúng ta cần mang tâm tình biết ơn. Giả sử trong cuộc chiến này: “Nếu không có Chúa, không có tôn giáo, thử hỏi con người biết bám víu vào điều gì, vào ai?”
Tạ ơn vì Thiên Chúa nói một cách chắc chắn là chúng ta có thể an toàn lao vào vòng tay của Cha trên trời, Đấng đã ban sự sống cho chúng ta, và tiếp tục ban nó cho chúng ta mọi lúc. Ngài sẽ kiên quyết nâng đỡ chúng ta; đồng thời, chúng ta sẽ cảm thấy rằng Ngài hoàn toàn tôn trọng sự tự do của chúng ta[1].
3. Van xin
Đây là điều quá cần thiết đến nỗi các nhà thiêng liêng khuyên người cầu nguyện nên có lòng khao khát. Khao khát xin điều mình muốn. Đặc biệt trong đại dịch này, dĩ nhiên ai cũng xin Thiên Chúa cho nó mau chấm dứt. Nếu đọc những bình luận trên Internet, chúng ta có thể thấy hàng tỷ lời van xin như thế. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu van xin Thiên Chúa ra tay quyền lực dẹp tan virus này.
Là người Công Giáo, chúng ta không chỉ cầu nguyện, hoặc van xin một mình. Nếu để ý, chúng ta thấy lời van xin của hàng triệu, hàng tỷ người dâng về Thiên Chúa. Bằng cách nào? Số là các tín hữu đang hưởng ứng tích cực lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: cùng nhau đọc kinh Lạy Cha, cùng nhau chầu Thánh Thể, cùng nhau lần hạt mân côi. Tắt một lời, cùng với vị cha chung, vị đại diện của Chúa ở trần gian, chúng ta xin Thiên Chúa cho dịch Covid-19 mau chấm dứt!
Chúng ta thử tưởng tượng đã có bao ước nguyện dâng về Thiên Chúa vào buổi trưa hôm qua (25-03-2020). Số là như đã hẹn, tất cả các Kitô hữu trên toàn thế giới cùng đọc Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Trong đó có biết bao lời van xin thật đẹp. Chúng ta hướng về Chúa Cha, như những người con đầy lòng tin tưởng. Giây phút đó chúng ta ước mong khẩn cầu lòng thương xót xuống trên toàn nhân loại trong cơn thử thách của đại dịch virus Corona này. Chúng ta cùng cầu nguyện với nhau, những Kitô hữu thuộc mọi Giáo Hội và Cộng đoàn, mọi truyền thống, thuộc mọi lứa tuổi, thuộc mọi ngôn ngữ và quốc gia.[2]
Trên đây chỉ là một ví dụ để chúng ta thấy hằng phút giây, Thiên Chúa đón nhận biết bao lời khẩn nài. Trong niềm tin yêu phó thác, chúng ta biết Thiên Chúa sẽ nhận lời. Bởi, “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49,15).
Trong cuộc chiến này, dẫu có đau đớn nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi! Vì con virus này, dẫu cho mất mát tang thương, nhưng bình an sẽ đến. Đại dịch sẽ chấm dứt, cuộc chiến sẽ vào hồi kết, nếu chúng ta cùng nhau phòng chống dịch và tiếp tục nguyện cầu với Thiên Chúa.
Thay lời kết
Thiên Chúa của chúng ta thì gần gũi. Ngài vẫn đang mời gọi chúng ta hãy gần gũi với nhau, đừng xa cách người khác.[3] Cùng nhau nguyện cầu, trở về và làm hòa với Thiên Chúa. Đừng quên, chúng ta “được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp chúng ta đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho chúng ta.”[4]
Một khi dịch chấm dứt, chúng ta nhìn lại thời gian này quả là một kinh nghiệm đẹp. Không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc gia văn hóa, nhà nhà, người người ước mong, nguyện cầu cho thế giới được an bình, hết đại dịch. Là người Công Giáo, khi đó chúng ta cũng sẽ thấy được sức mạnh của lời cầu nguyện trong thời khắc nguy hiểm này.
Lạy Chúa Giêsu, vì Chúa yêu con người. Lúc này, xin giúp chúng con cố gắng ngừng lại trong giây lát, để chúng con được ở trong vòng tay yêu thương của Ngài, để nguyện cầu với Ngài thật nhiều. Amen
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] Tôn Huấn Đức Kitô sống số 113
[3] X. Bài giảng của ĐTC tại Santa Marta (18.3.2020).
[4] Linh Thao số 23
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét