Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Vì sao phải ca ngợi cái nghèo?


croire.la-croix.com, Sophie de Villeneuve

Vì sao Giáo hội gắn kết với cái nghèo? Linh mục Nicolas Morin Dòng Phanxicô giải thích thế nào là đức hạnh khó nghèo và mời chúng ta khám phá các kho tàng ẩn giấu của một đời sống theo Chúa Kitô khó nghèo.

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”: câu này trong Phúc Âm Thánh Luca thường khơi lên nhiều lời cảnh báo khác nhau, trong đó có lời: “Cẩn thận với tiền bạc.” Các tín hữu kitô đầu tiên có đời sống phù hợp với các lời này, các thánh lớn sống trong khó nghèo, mọi tu sĩ đều khấn đức khó nghèo. Vì sao Giáo hội cho cái nghèo là quan trọng như thế, trong khi Giáo hội lại đấu tranh chống nạn khó nghèo và thường trong lịch sử, Giáo hội lại không tôn trọng mấy các lời khuyên khó nghèo này của phúc âm? Thánh Phanxicô cho khó nghèo là đức tính vương giả. Vậy khó nghèo muốn nói với chúng ta điều gì? 

Nicolas Morin: Đức khó nghèo nói với chúng ta về Chúa. Chúng ta không chọn nghèo vì theo mệnh lệnh của đạo đức, cũng không chọn vì tình tương trợ với người nghèo. Trước hết chúng ta chọn nghèo vì theo Chúa Kitô nghèo. Thánh Phanxicô đã khám phá Chúa Kitô tự ý nghèo hèn vì chúng ta. Chúa nghèo vì Chúa là một chủ thể trong tương quan. Chúa Cha không giữ gì riêng cho mình, nhưng Ngài ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có và chính trong món quà trao ban sự sống này của Ngài, Ngài đã sinh ra Chúa Con. Và Chúa Con, Chúa Giêsu nhận trọn vẹn từ Chúa Cha. 

Điều đó có nghĩa Thiên Chúa đã tự nghèo đi khi cho Con Một mình cho chúng ta?

Ngài không nghèo đi, Ngài trở nên phong phú hơn. Ngài giàu trong sự nghèo khó của mình: chúng ta càng cho thì chúng ta càng giàu thêm. Đó là thế giới đảo ngược! Theo tôi liên kết khó nghèo với quan hệ là rất quan trọng. Năm 1994, khi tôi vừa khấn trọn ở Dòng Phanxicô, tôi được chỉ định về Bordeaux. Mỗi người đến với chiếc vali của mình ở khu phố rất bình dân, nơi giám mục xin chúng tôi đến sống. Trong vòng một tháng, chúng tôi ở trọ nhà các nữ tu, sau đó chúng tôi thuê một căn hộ. Chúng tôi không có gì, chúng tôi mượn hàng xóm vật dụng hay các thiết bị chúng tôi cần. Cái nghèo mở cánh cửa cho chúng tôi và chúng tôi gặp những người phi thường. Tôi nghĩ đó là lý do để mình sống nghèo.

Như thế trong sự khủng hoảng của chúng ta, chúng ta có thể nói với người khác: “Phúc thay cho khó nghèo?”

Tinh thần khó nghèo trong phúc âm không phải là sự khốn cùng. Người khốn cùng là người không biết làm sao xoay xở trong những ngày cuối tháng, đó là sự khốn cùng không xứng đáng. Dĩ nhiên phải chống sự khốn cùng này. Nghèo khó theo phúc âm là một chuyện khác. Đó là từ bỏ sự tự đủ của chính mình. Người thu ven kho lẫm, có tất cả những gì họ cần, xây dựng tường hào chung quanh nhà và nghĩ như thế là hạnh phúc, nhưng có một ngày họ cảm thấy quá sức cô quạnh. Sự tự đủ cô lập chúng ta. Khó nghèo là cho mình các phương tiện để mở lòng, mở ra với sự quan phòng, với lòng tốt của Chúa, mở ra với người khác.

Trong lịch sử của mình, Giáo hội thiếu tôn trọng đòi hỏi này. Sau khi Thánh Phanxicô qua đời, ngay cả các tu sĩ Dòng Phanxicô cũng phải xếp đặt lại thứ trật của mình!

Đúng, con người là như vậy, cám dỗ nhanh chóng trở lại. Chúng ta cần an toàn. Đó luôn là cuộc thảo luận trong tỉnh dòng chúng tôi: một loại an toàn hợp pháp và cần thiết, chẳng hạn các tu sĩ lớn tuổi. Nhưng đồng thời chúng ta phải dám liều mình sống cho Phúc Âm. Làm thế nào liều mình cho Phúc Âm, mà không bị xa lạ, không tin tưởng vào Chúa, Đấng mỗi ngày cho chúng ta những gì chúng ta cần? 

Đúng là hàng ngày chúng ta nhận những gì chúng ta cần sao?

Tôi tin chắc. Sau khi ở Bordeaux, tôi được chỉ định đến Brive, một nơi tuyệt đẹp nhưng hoang tàn. Chúng tôi có bốn người, chúng tôi không có gì. Phải làm gì bây giờ? Trong thánh lễ đầu tiên của tôi ở đó, tôi trình bày vấn đề. Khi đó chúng tôi nhận ra giáo dân chờ chúng tôi xin họ giúp đỡ. Và tôi phải nói, tôi chưa bao giờ thiếu gì. Từ một năm nay tôi về Paris, mỗi ngày tôi nhận một lời, tôi có một cuộc gặp, một sự kiện giúp tôi đứng vững đến ngày hôm sau. Và đó là những gì tôi sống với kinh nghiệm Kinh Lạy Cha, khi chúng ta đọc: “Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày.”

Chúng ta càng nghèo, hay ít nhất chúng ta cố gắng đừng tích gì thêm, chúng ta càng cảm thấy Chúa ở đó và Ngài cho? Chính vì vậy mà Giáo hội đứng vững trong khó nghèo?

Đúng, bởi vì cái nghèo mở lòng chúng ta ra với người khác và làm cho chúng ta tương trợ với người nghèo. Thánh Phanxicô không đi tìm chỗ đứng trong một công trình xã hội, ngài chỉ muốn là sự hiện diện, một người nghèo giữa các người nghèo. Và đó là cả một thách thức lớn cho chúng ta! Trong một xã hội được tổ chức như xã hội chúng ta, đâu là cách để chúng ta tương trợ với những người nghèo nhất? Chúng ta luôn tái khám phá chiều kích này.

Cha sẽ sống ẩn tu bán thời gian. Một cách cụ thể, điều này sẽ như thế nào?

Hiện nay tôi làm việc nhưng không lãnh lương, như thế tôi sống nhờ anh em và những gì người khác cho tôi. Tôi sống điều này trong đức tin và trong sự tin tưởng vào Chúa. Cái nghèo không phải chỉ vật chất và tôi kể cho bạn nghe một kinh nghiệm cơ bản. Khi tôi ở tập viện, tôi sống Mùa Chay ở Vézelay, suốt ngày thinh lặng, chỉ có một ít giờ chia sẻ Lời Chúa. Tôi sống kinh nghiệm, mỗi ngày qua miệng của các anh em, tôi nhận lời mà tôi cần để sống ngày hôm đó cho đến ngày hôm sau. Cái nghèo, đó là để mình lên đường, không biết cái gì chờ mình nhưng biết Chúa sẽ cho mình những gì mình cần, từng ngày. 

Rốt cùng, cái nghèo có một giá trị thiêng liêng lớn…

Nó cực kỳ tự do, bởi vì mình không có gì để bảo vệ. Thánh Phanxicô nói với các anh em mình: Nếu anh em bắt đầu có nhà, có của cải, anh em phải mua vũ khí để bảo vệ chúng.

Và đó cũng là ràng buộc!

Đó là một chọn lựa. Tôi có tự do không, tôi có bám dính vào mọi thứ, hoặc với sinh hoạt này này có ngăn tôi đến với người khác không? Với ai tôi đang có quan hệ, và đó là tiêu chuẩn. Tôi có đủ tự do để không bon chen không?

Cái nghèo, đó là tự do.

Đúng. Nếu không thì ích gì? Thiên Chúa muốn chúng ta tự do. Tự do, đó là dần dần học để yêu như Ngài yêu. Và ngay khi tôi mạo hiểm để yêu, tình yêu sẽ dẫn tôi đến cái nghèo.

Cha có lời khuyên nào cha muốn gởi đến những ai muốn đi theo con đường của cha?

Thánh Phanxicô luôn xin Chúa: Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì ? Cái nghèo bắt đầu bằng tấm lòng sẵn sàng nội tâm, buông bỏ mọi ước muốn làm chủ đời mình và để Chúa làm chủ, và tin tưởng vào Chúa.

Marta An Nguyễn dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét