Hình từ Internet
Không biết tự bao giờ, Mẹ Maria gắn bó với đời sống niềm tin của dân tộc tôi – gần gũi và huyền nhiệm. Mẹ đã trở nên người Mẹ Việt Nam, Mẹ vận áo bà ba, đội nón quai thao; Mẹ có trong bài hát và đi vào những câu vè câu thơ tâm tình, Mẹ trở thành hồn thơ của đời sống tâm linh. Mẹ đã trở nên người Mẹ yêu thương và che chở con cái trong mọi biến cố buồn vui trong cuộc sống thường ngày. Mẹ nên như chỗ chúng tôi cậy dựa khi gặp thử thách gian truân. Mẹ trở thành người Mẹ của dân tôi vì đời sống của Mẹ bình dị như cuộc sống của bao người. Mẹ là người môn đệ trung tín và luôn sống kề cận Chúa nên chúng tôi cũng khao khát Mẹ trở nên người đồng hành với đời sống đức tin của con dân Đất Việt.
Mẹ Maria và cảm thức văn hoá dân tộc
Đi vào truyền thống văn hoá Việt Nam theo cách thật tự nhiên và gần gũi, Mẹ Maria trở nên một phần trong cảm thức thiêng liêng hồn dân tộc. Chính đời sống và nhân đức của Mẹ đã trở thành nguồn khởi hứng sâu xa cho những sáng tác phong phú đượm văn hoá Việt. Các thi sĩ thường ví Mẹ với ánh trăng đêm rằm tháng Tám. Sự tròn vẹn và sáng trong của ánh trăng quả là hình ảnh giầu chất thơ để viết lên dòng ngợi khen về cuộc đời Mẹ Maria. Cuộc đời trọn vẹn trong lời thưa xin vâng với Thánh Ý Chúa của Mẹ đã nên áng thơ cung kính ca tụng Đấng Toàn Năng. Đối với những người con đang trên đường lữ hành trần thế, những lời vãn, câu kinh với cung giọng nỉ non đã trở thành lời tâm tình tha thiết đến Mẹ Maria để tâm hồn được ủi an. Trong những làn điệu dân ca, cùng âm hưởng truyền thống, Mẹ trở nên hồn của những bài ca vốn đã đi vào lòng người qua biết bao thế hệ. Hình ảnh Mẹ bồng ẵm Chúa Hài Đồng đã trở nên Việt hơn trong tà áo dài và khăn đóng qua những nét vẽ của người hoạ sĩ. Những sáng tác nghệ thuật này trở nên sự nâng đỡ giúp dân Việt sống với Mẹ và đến với Chúa trong chính nền văn hoá của mình.
Tâm tình của một người mẹ nơi Đức Maria cũng nên nguồn cảm thức thiêng liêng về tình mẫu tử trong lòng con dân đất Việt. Chúng tôi thường mang trong mình hình ảnh người mẹ đượm tâm tình thương yêu và giàu lòng trắc ẩn; người mẹ dịu dàng và nỉ non; người mẹ tinh tế và nhạy bén. Chính cảm thức về lòng từ mẫu của một người mẹ trong truyền thống Việt ấy đã giúp đưa con dân đến gần Mẹ hơn. Muốn nhờ con điều gì, đôi khi tôi rí rách người mẹ. Trong cảm thức đức tin, Mẹ đã gần Chúa; Mẹ đã sống với Chúa; Mẹ trở nên môn đệ trung tín của Chúa. Vì thế, niềm tin tưởng về sự chuyển cầu và nâng đỡ, yêu thương và chở che của Mẹ trở nên một điểm tựa cho niềm hy vọng của dân tôi.
Mẹ Maria gần gũi trong đời sống Đức tin của dân tôi
Đối với người công giáo nói chung, Mẹ Maria có một vị trí quan trọng trong sinh hoạt phụng tự. Nhưng với người Việt, có lẽ Mẹ Maria còn gần gũi với đời sống Đức tin của chúng tôi hơn qua những hình thức đạo đức bình dân thấm đượm lòng hiếu kính. Cùng với Giáo hội phổ quát, chúng tôi dành tháng Năm và tháng Mười biểu tỏ lòng tôn kính Mẹ cách đặc biệt, nhưng mang những nét riêng. Vào những ngày trong tháng Hoa, các buổi dâng hoa với những câu hát và điệu múa tôn vinh Mẹ đã trở nên một nét văn hoá độc đáo trong sinh hoạt phụng vụ của dân tôi. Rồi đến tháng Mười, lòng sùng kính Đức Mẹ còn được thể hiện rõ nét qua việc cầu nguyện lần chuỗi Mân côi. Chúng tôi có những giờ lần chuỗi chung gia đình, cộng đoàn; những ngày đọc kinh liên gia. Ngày không có Thánh lễ, các gia đình cùng nhau quy tụ nơi nhà thờ để đọc kinh và hát kính Mẹ. Theo lời ông bà kể, đã từng có những giai đoạn khó khăn, khi các giáo xứ không có linh mục săn sóc, lời kinh Mân côi đã giúp duy trì đời sống đức tin của cả một cộng đoàn qua nhiều thế hệ.
Niềm tin đơn sơ với lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa cũng trở thành nguồn nuôi dưỡng tâm hồn bao người dân đất Việt chúng tôi trong suốt cuộc đời. Từ tấm bé, chúng tôi được đầm mình truyền thống phụng thờ Thiên Chúa và lòng tôn kính đặc biệt dành cho Đức Maria. Những lời kinh Mân Côi dường như là những bài học vỡ lòng đối với những đứa nhỏ Công giáo chúng tôi. Lời kinh ấy đi với chúng tôi theo năm tháng. Trong tâm thức chúng tôi, Mẹ đã trở thành Đấng bầu cử mạnh mẽ trước mặt Chúa. Rồi khi lớn lên, và cho tới lúc rời xa gia đình, kinh Mân côi trở nên mối dây liên kết thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái.
Đức Maria, Mẹ chở che dân tôi lúc gặp hoạn nạn, truân chuyên
Mẹ Maria cũng là điểm tựa cho đời sống Đức tin của dân tôi trong những thử thách, gian lao. Chúng tôi chạy đến với Mẹ trong những vui buồn của cuộc sống với niềm tin tưởng rằng, Mẹ là Đấng chuyển cầu mạnh mẽ với Con của Mẹ là Đức Giêsu. Lời của Giáo hội ghi rằng, ngay từ thời rất xa xưa, Đức Maria đã được tôn kính dưới tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó” (LG 66). Đây cũng chính là kinh nghiệm của dân tôi khi hướng về Mẹ Maria trong cảnh khó khăn. Có lẽ biến cố lớn lao hơn cả là tại La Vang, khi cuộc bách hại đạo diễn ra khắc nghiệt thời vua Cảnh Thịnh, Mẹ nên chốn tựa nương cho con cái. Mẹ đã hiện đến để an ủi và nâng đỡ để dân tôi không mất niềm tin. Trời Tây có chuyện về một Bà Đẹp hiện ra mang sứ điệp ủi an và dạy dỗ, bên đất Việt có La vang, Mẹ đến mang lại cho dân tôi niềm hy vọng và trung trinh. Giữa cảnh gian truân, thử thách trăm bề và tưởng chừng như không còn biết cậy dựa nơi đâu, Mẹ đến và mang Chúa đến trong hồn những người nao núng. Qua sự nâng đỡ của Mẹ, dân tôi giữ vững một lòng tin sắc son và sống trong niềm phó thác vào Chúa.
Mẹ Maria đã đi vào tâm thức dân tôi trong một cách thế rất Việt như thế! Mẹ đi vào hồn dân tộc. Mẹ gần gũi với nền văn hoá. Cảm thức về người mẹ Việt yêu thương, bao bọc chở che đã thấm đượm vào niềm tin của dân tôi. Mẹ đến với dân tôi trong tình mẫu tử thiêng liêng. Nếu như Mẹ Maria là mẫu mực cho niềm hy vọng, không bao giờ thất vọng (x. Rm 5, 5) thì càng đúng hơn việc Mẹ là Mẹ của dân tôi khi dân Việt vốn là dân tộc gặp nhiều trắc trở và khổ đau. Giữa bao cảnh đổi thay của thời thế xã hội, cùng với những khó khăn và thách đố mới trong việc sống đạo, tôi tin rằng lòng đạo đức bắt rễ sâu trong truyền thống yêu mến Mẹ Maria vẫn sẽ là một nguồn nâng đỡ cho dân Việt sống son sắt niềm tin thờ phượng Thiên Chúa.
Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét