ĐTC gặp gỡ các tham dự viên Diễn đàn Giới trẻ Thế giới (ANSA)
Sau Thượng HĐGM về Người trẻ hồi tháng 10 năm ngoái và sức lan toả của ĐHGT Thế giới hồi tháng 1 vừa qua tại Panama, cùng với Tông huấn Christus Vivit về người trẻ, đúc kết thượng HĐGM, được công bố hồi đầu tháng 4, như là một luồng gió mới trong Giáo hội, đặc biệt là đối với giới trẻ, nay Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã tổ chức một Diễn đàn Giới trẻ Quốc tế từ ngày 18 đến 22 tháng 6 tại Roma. Đại diện đoàn Việt Nam có bạn Lưu Văn Tính, đến từ Sài Gòn. Chúng tôi xin gởi đến quý vị một cuộc phỏng vấn ngắn với bạn Tính trong những ngày đang diễn ra Diễn đàn.
1. Bạn có thể giới thiệu đôi chút về mình?
Dạ con xin chào cha và chào quý vị nghe đài gần xa.
Con đang phục vụ một số công tác tại giới trẻ giáo hạt Tân Sơn Nhì và vào những thời điểm và sự kiện cần thiết con cũng tham gia công tác hỗ trợ một số công việc về giới trẻ tại giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Vừa qua con cùng với một số bạn trẻ khác có tham gia công tác biên dịch và phát hành tông Huấn Christus Vivit nên lần này còn sang đây để lắng nghe diễn đàn nói với tôi muốn này
2. Trong những ngày tham dự này, Tính cảm nhận bầu khí như thế nào?
Dạ thưa cha và quý vị nghe đài, cảm nhận rõ ràng và ấn tượng nhất về Diễn đàn Giới trẻ Quốc tế do Thánh bộ Giáo dân Gia đình và Sự sống tổ chức lần này đó là bầu khí hiệp nhất trong Chúa Giêsu Kitô là Đấng đang sống. Có khoảng gần 400 bạn trẻ đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, một số tổ chức truyền giáo và các dự thính viên từ các cuộc họp tiền Hội đồng. Nhiều ngôn ngữ, rất nhiều nền văn hóa và bản sắc khác nhau nhưng khi họp nhau lại tất cả giống như chung một mái nhà. Mọi người đều cởi mở thân thiện không phân biệt sắc tộc vùng miền, nhất là trong các Thánh lễ và giờ Chầu Thánh Thể thì sự hiệp nhất trong Chúa Kitô lại càng rõ ràng hơn nữa. Tiếp đến là sự sôi nổi và nhiệt tình, tất cả người trẻ hiện diện đều rất thao thức với đời sống Giáo hội tại địa phương mình.
3. Nội dung chương trình của Diễn Đàn bao gồm những gì? Đối với Tính, điều gì hay nhất trong những ngày vừa qua?
Thưa cha và quý thính giả, nội dung chương trình hội thảo xoay quanh tông Huấn Christus Vivit và Thượng Hội đồng về Giới trẻ với 3 chủ đề lớn trong 3 ngày. Thứ nhất là ảnh hưởng của Tông huấn nói riêng và Thượng Hội đồng nói chung lên Giáo hội địa phương nhất là về mục vụ giới trẻ. Thứ hai là người trẻ tìm thấy nguồn cảm hứng gì ở Tông huấn để qua đó sẵn sàng tham gia tích cực vào đời sống xã hội và phục vụ tha nhân. Và cuối cùng là hướng đi hoặc cách thức nào để người trẻ và Giáo hội có thể đồng hành với nhau trên hành trình Đức tin và truyền giáo của mình như hai môn đệ Emmau đã đồng hành ngày xưa, hay theo cách gọi trong Tông huấn là “hành trình Thượng Hội đồng”.
Điểm thú vị nhất của Diễn đàn lần này đó là người trẻ với đầy đủ tính chất của họ, năng động, sôi nổi, sáng tạo sẵn sàng đưa ra thử thách và sẵn sàng hành động và rất là vui nhộn. Mọi người từ nhiều quốc gia liên tục đưa ra ý kiến và ý tưởng của mình về Tông huấn, về xã hội và về những vấn đề mà trẻ đang gặp phải, về giải pháp…
4. Về tông huấn Christus Vivit, Tính thấy điều nào trong tông huấn đụng chạm đến mình, Tính cảm nhận thế nào?
Thưa cha và quý vị, mọi người tham gia Diễn đàn đều được khuyến khích là cần phải đọc kỹ tông Huấn Christus Vivit và lắng nghe ý kiến từ các bạn trẻ địa phương mà mình đại diện. Tông huấn Christus Vivit là một tài liệu tuyệt vời dành cho người trẻ với rất nhiều chỉ dẫn phong phú và thiết thực, nhiều lời khuyên khôn ngoan và sâu sắc, không chỉ riêng cho người trẻ mà còn cho Giáo hội và những người đang cai quản Giáo hội. Có thể nói vui rằng với Tông huấn này Đức Thánh Cha đã trở thành vệ sĩ cho người trẻ, một sự đảm bảo cho người trẻ có thể tự do hành động và tham gia vào đời sống Giáo hội.
Rất nhiều quốc gia phản ánh về tình trạng: người trẻ muốn hoạt động nhưng nhiều nhà thờ, Giáo phận không tạo điều kiện cho họ, không khuyến khích họ. Và thường đặt ra quá nhiều rào cản, nhiều đòi hỏi ràng buộc, khiến cho người trẻ vốn đã lạnh nhạt với đời sống đức tin lại càng thêm xa lánh nhà thờ. Tình trạng trên rất phổ biến ở hầu hết các quốc gia và ở Việt Nam con nghĩ cũng không ngoại lệ. Trong tông huấn, Đức Thánh Cha thúc giục mọi Đấng bậc bản quyền phải dừng ngay tình trạng ấy lại, phải đặt người trẻ vào trung tâm. Bởi vì người trẻ như Đức Thánh Cha nhấn mạnh, không chỉ là tương lai của Giáo hội nhưng là chính hiện tại. Người trẻ không phải là một phần của xã hội nhưng là chính Giáo hội. Với thông điệp mạnh mẽ người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa phát đi từ Thượng hội đồng và trong Tông huấn, dường như mọi thứ đã bắt đầu thay đổi và con kỳ vọng trong tương lai, mọi thứ sẽ tốt hơn.
5. Tông huấn Christus Vivit như là đường hướng của Giáo hội cho người trẻ, vậy làm sao có thể phổ biến/cập nhật tông huấn này cho giới trẻ? Hay làm sao để giới trẻ hứng thú tiếp cận tông huấn này? Như là người trẻ, Tính có sáng kiến gì?
Thưa cha và quý vị, tất nhiên nội dung Tông huấn rất hay và sâu sắc như đã nói ở trên, nhưng không dễ để chúng ta giới thiệu nó đến với tất cả mọi người trẻ. Và giới thiệu được rồi cũng không dễ khiến họ mở ra đọc. Vì thực tế người trẻ không có thích sách có nội dung mang tính trang trọng, chính thức như vậy. Hiện tại như con thấy thì chúng ta chưa có kênh quảng bá chính thức cho Tông huấn hoặc những loại tài liệu tương tự như vậy. Và dường như nhiều nơi cũng không quan tâm lắm tới việc này. Rất nhiều bạn trẻ Công giáo còn chưa bao giờ nghe nói tới Tông huấn.
Việc quảng bá có thể nói chỉ dừng lại ở một số nơi có nhiệt tâm, một số ban ngành có trách nhiệm như là các trung tâm mục vụ giới trẻ, các nhóm bạn trẻ quan tâm tới đời sống Giáo hội và các cá nhân trăn trở với người trẻ.
“ để chính người trẻ cộng tác, sáng tạo ra những cách làm mới.... chính người trẻ là tác nhân của mục vụ giới trẻ. ”
Theo con thì đối với Tông huấn hay một số tài liệu quan trọng khác thì chúng ta nên có một chiến dịch quảng bá và giới thiệu đồng bộ tại tất cả mọi nhà thờ, các kênh truyền thông chính thức của Giáo hội và có thể để chính người trẻ cộng tác, sáng tạo ra những cách làm mới, như trong Tông huấn có nói rằng: chính người trẻ là tác nhân của mục vụ giới trẻ.
6. Trở lại với Diễn đàn Giới trẻ, Tính học được gì trong những ngày qua?
Thưa cha và quý vị nghe đài, hiện Diễn đàn đã bước vào ngày cuối. Có nhiều bài học và kinh nghiệm đã được đúc kết từ các phần diễn thuyết của các diễn giả, là những người am hiểu về giới trẻ. Và từ những ý kiến đóng góp của đông đảo tham dự viên. Nổi bật nhất có thể rút ra bài học đó là người trẻ cần phải hành động thay vì than phiền, cần tìm ra giải pháp thay vì cứ mãi nêu ra những vấn đề vốn vẫn luôn tồn tại. Tất nhiên để có thể hành động thì cần phải có đường lối, có tổ chức, có mục tiêu để hành động ấy không đơn lẻ không yếu ớt nhưng sẽ tạo ra một sự thay đổi khác biệt nào đó. Tóm lại là, theo con, người trẻ hãy là giải pháp chứ đừng là vấn đề.
7. Bình thường thì có chiều "Giáo hội nói với người trẻ", nhưng ít có chiều ngược lại. Bây giờ, như là một người trẻ, Tính muốn nói gì với Giáo hội?
Thưa cha, về vấn đề này thì cũng như rất nhiều tham dự viên đã nêu ý kiến. Chung quy lại thì mọi người đều tìm thấy những ý tưởng chung khi bàn tới việc người trẻ phải nói gì với Giáo hội.
Theo con thì có 3 điểm lớn như thế này. Một là Giáo hội hãy trở nên trẻ trung như chúa Giêsu là Đấng luôn luôn trẻ trung để biết được người trẻ đang nghĩ gì, đang làm gì và đang cần gì. Giáo hội cần là người bạn tri kỷ với người trẻ để đồng hành với họ trước khi là một người thầy dạy dỗ họ. Hai là cần phải xây dựng những chính sách và chương trình cụ thể để củng cố và đồng bộ công tác mục vụ giới trẻ vốn đang rất rời rạc, không đồng đều, theo như con thấy. Và thiếu tính nhất quán từ cấp độ cả nước xuống tới giáo phận rồi giáo hạt, giáo xứ. Và cuối cùng như Đức Thánh Cha nói, hãy cho người trẻ không gian tự do, đừng đặt ra quá nhiều rào cản, đừng cấm đoán quá nhiều thứ, đừng khiến họ cảm thấy xa lánh hoặc xa lạ với Giáo hội.
Thực hiện: Văn Yên, SJ - Vatican
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét