Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
Có lẽ nghi lễ phụng vụ trong Giáo Hội thường bị phàn nàn nhiều nhất là không gây cảm hứng và chán ngắt. Thường các chủ tế, linh mục là người duy nhất bị xem là có tội, là người bị chỉ trích nặng nề. Họ bị cho là tê cứng, nhạt nhẽo, không truyền cảm, buồn tẻ, giảng nghèo nàn và hoàn toàn chán ngắt.
Là linh mục, thỉnh thoảng tôi cũng nghe lời chỉ trích này. Tôi không phủ nhận sự thật. Chỉ có trời biết, đa số các nghi lễ của chúng ta buồn tẻ, không gây cảm hứng và chán ngắt. Không ngạc nhiên khi mọi người xem các nghi lễ phụng vụ ở nhà thờ như một bổn phận chứ không phải một đặc ân.
Nhưng lỗi, nếu có, không phải duy nhất do linh mục. Đúng, linh mục chẳng có lỗi gì ngoài mong chờ không thực tế của người tham dự.
Liệu các nghi lễ này luôn luôn phải hứng thú, sống động, say mê sao? Có phải chủ tế là người duy nhất, thậm chí là người đầu tiên chịu trách nhiệm cho việc cử hành sao cho hứng thú và say mê chăng?
Thật khó để có câu trả lời rõ ràng cho những câu hỏi này. Trước hết, không phải tất cả nghi lễ đều có thể, hay nên, sống động, say mê, cao cả. Nghi lễ phụng vụ tùy theo tâm lý. Nó tuôn chảy theo nhịp tâm lý của người tham dự. Cũng vậy, cầu nguyện đúng, theo định nghĩa cổ điển là “nâng lòng trí lên với Chúa.”
Nếu đúng như vậy, thì vấn đề bỗng trở thành phức tạp. Tinh thần chúng ta có lúc lên lúc xuống. Chúng ta có ngày, có mùa hăng hái, sống động, hân hoan. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy thích ca hát nhảy múa. Thỉnh thoảng có bước chân mùa xuân trong điệu nhảy chúng ta.
Nhưng chúng ta cũng có những mùa khác, những mùa lạnh lẽo, buồn tẻ, mệt mỏi, đau đớn, bệnh tật, chán nản. Chúng ta nặng nề nhấc từng bước chân. Nếu cầu nguyện là nâng lòng trí lên với Chúa thì rõ ràng trong những lúc này chúng ta nên nâng lên cái gì đó hơn là bài ca và điệu nhảy.
Chúng ta cử hành nghi lễ để đón nhận Lời Chúa và được nhiệm thể Chúa nuôi dưỡng, cả trong mầu nhiệm nhập thể nơi cộng đoàn và trong bí tích Thánh Thể.
Tuy nhiên chúng ta cũng mang đến một điều gì đó. Vai trò của vị chủ tế không phải là đọc lên những gì sẽ được dâng lên Thiên Chúa. Vai trò của ông là gom lại và dâng lên Chúa, như hương trầm bay lên Thiên Chúa.
Không nhất thiết vị chủ tế tốt phải là người cử hành thánh lễ sinh động, nhiệt thành hay người giảng hay. Đôi khi chính những cố gắng để thực hiện lại có tác dụng không tốt cho người tham dự.
Nó có thể là thiếu tôn trọng, chưa kể đó là sự hiểu biết thứ yếu và hời hợt, những gì phải được nghe là niềm vui cứu chuộc thì lại đối diện với một người đang quá mệt mỏi, căng thẳng, tổn thương về mặt cảm xúc và chán nản, đương sự không cử hành một cách đúng đắn vì không đáp ứng được bằng tấm lòng nhiệt tình mãnh liệt.
Vị chủ tế tốt nhất là người hoạt động như màn hình ra-đa, người dâng lên không chỉ bánh và rượu, mà còn tất cả những gì mọi người mang đến – cả những mệt nhọc, đau đớn, tổn thương, ưu tư về mặt cảm xúc và tính dục, và nỗi buồn chán của họ.
Cuối cùng vị chủ tế bị giới hạn, đôi khi cũng khá nặng với những gì người tham dự mang đến.
Vị chủ tế cử hành cho ai? Người hạnh phúc? Người mệt mỏi? Người linh động? Người căng thẳng? Người chán nản? Người đau yếu? Người thao thức? Người giữ đạo tốt? Người có ưu tư về mặt cảm xúc? Người có lòng trí đang nâng lên với Chúa?
Tôi cho là, vị chủ tế phải dâng lên tất cả. Vị chủ tế phải dâng lên tất cả chứ không phải lựa một cái gì đó để dâng.
Khi tham dự một nghi lễ, chúng ta muốn được nghe: “Con làm sao thì cứ đến như thế! Con cầu nguyện theo kiểu của con! Con nói một cái gì từ lòng con! Con nâng lòng trí con lên, chứ không phải lòng trí của người khác. Hãy dâng lên tất cả, niềm vui, nỗi thất vọng, sự tổn thương, mệt mỏi, chán nản của mình.”
Có câu chuyện kể về người nông dân Do Thái, vì bất cẩn, đã không về nhà kịp lúc mặt trời lặn vào ngày Sa-bát, nên buộc phải ở lại ngoài đồng cho đến hôm sau mới được về nhà.
Hôm sau, trên đường về nhà anh gặp một vị giáo sĩ và anh bị khiển trách về tội bất cẩn. Cuối cùng vị giáo sĩ hỏi: “Anh làm gì cả ngày ngoài đồng? Anh có cầu nguyện không?”
Anh nông dân trả lời: “Thưa thầy, con là người kém cỏi. Con không biết cầu nguyện sao cho đúng. Con chỉ đơn giản đọc các chữ từ A đến Z, rồi để tùy Chúa ráp lại theo chữ của Chúa.”
Khi chúng ta đến dâng lễ, chúng ta mang theo bảng mẫu tự đời sống chúng ta. Nếu lòng trí chúng ta ấm áp, yêu thương, nhiệt tình, vui tươi thì đó là các mẫu tự chúng ta mang đến.
Nếu lòng trí chúng ta mệt nhọc, thất vọng, buồn tẻ, đau đớn và chán nản, thì đó cũng là các mẫu tự của chúng ta. Hãy mang đến. Hãy dùng chúng. Hãy cử hành nghi lễ cho chúng. Hãy dâng chúng lên. Để Thiên Chúa chuyển chúng thành Lời!
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm: Trong vòng tay Thiên Chúa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét