Theo tin Irish Times, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Giáo Chủ Toàn Ái Nhĩ Lan, trong một nghi thức cầu nguyện, đã chính thức khai mạc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế giới kéo dài trong 6 ngày mà đỉnh cao sẽ là Lễ Hội Gia Đình và Thánh Lễ Kết Thúc, cả hai biến cố này đều sẽ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô chủ tọa.
Đức Tổng Giám Mục Martin cũng đã thay thế Đức Hồng Y Donald Wuerl trong bài diễn văn chủ chốt vào lúc 2 giờ 30 ngày 21 tháng Tám với chủ đề “Phúc Lợi Gia Đình Có Tính Quyết Định Đối Với Tương Lai Thế Giới”.
Trong buổi cầu nguyện khai mạc, Đức Tổng Giám Mục Martin đã chào mừng các gia đình “trong nhiều biểu thức đa dạng khác nhau”. Ngài nói: “Có một số người nhìn cuộc gặp gỡ như một thứ mít tinh ý thức hệ nhằm cử hành một loại gia đình hình như chưa bao giờ hiện hữu”. Nhưng theo ngài, thực ra, biến cố này sâu sắc hơn nhiều.
Ngài nói: “Gia đình không phải là một quan niệm ý thức hệ xa vời nhưng là nơi người ta học tập, thực hành và truyền bá lòng cảm thương, lòng nhân ái, đức hiền hậu, lòng kiên nhẫn và sự tha thứ”.
Hàng trăm người đã chen chúc nhau tại Hội Trường của Royal Dublin Society để tham dự buổi cầu nguyện khai mạc. Nhân dịp này, Đức Tổng Giám Mục Martin đã suy niệm về bản chất gia đình và các gia đình đã thay đổi ra sao trong các năm qua, với nhiều cơ may và thách đố khác nhau trong thế giới hiện đại.
Sức mạnh của tình yêu
Ngài nói đến tầm quan trọng của sức mạnh tình yêu trong việc khôi phục Giáo Hội và xã hội. “Chúng ta cam kết giúp người trẻ hiểu tình yêu thực sự có nghĩa gì. Và chúng ta cầu nguyện cho những ai chưa bao giờ cảm nghiệm được một tình yêu như thế hay cho những người mà một tình yêu như thế đã bị cướp mất qua lạm dụng hoặc bỏ bê”.
Bên ngoài hội trường, các nhà tổ chức đang hoàn tất công việc chuẩn bị cho các biến cố của những ngày kế tiếp. Các gian hàng đang được dựng lên trong khi công chúng và các giáo sĩ đi lại tấp nập. Các căn lều dựng dọc theo các lộ trình với nhiều bảng hiệu hướng dẫn tới nơi cầu nguyện hoặc làng thiếu niên hoàn cầu.
Quần chúng tuôn đến ngày khai mạc mang nhiều sắc thái thuộc đủ quốc tịch và khuôn dung: các giáo sĩ và các chi thể cao niên của giáo hội sánh vai cùng các gia đình trẻ bận bịu với con thơ, xe đẩy.
Bridin Gilroy quê ở Dublin cho hay “thật kỳ diệu được thấy kiểu phát biểu đức tin này; được thấy mọi người thuộc mọi nơi tới đây”.
Giống nhiều người khác, cô tin vụ tai tiếng đang tiếp diễn đã phủ một bóng mờ lên diễn biến của đại hội nhưng cô không ngại đề cập đến nó. Cô bảo: “Nhất là tuần này với các biến cố không may được công bố ở Hoa Kỳ, một điều khủng khiếp”.
Frank McKevitt quê ở Cork cũng phấn khích bởi khối người tới tham dự. Anh nói: “Tôi nghĩ Ái Nhĩ Lan là trung tâm của thế giới Công Giáo, hóa ra chúng ta chỉ là một hạt cát nhỏ”.
Dù có “trận núi lở” của truyền thông tiêu cực trong những ngày gần đây, anh vẫn tin rằng Đức Giáo Hoàng đang làm hết sức để giải quyết các tranh cãi đang vây khốn Giáo Hội của ngài. Anh bảo: “Ngài sẽ bổ nhiệm những người cùng chí hướng và sẽ thực hiện các tiến bộ từ từ. Nếu ngài ở đó thêm 5 năm nữa, tôi nghĩ chúng ta sẽ có một giáo hội khác hẳn”.
Isaac Withers, một người trẻ Công Giáo sẽ nói chuyện tại một biến cố về các vấn đề gây ảnh hưởng tới thế hệ đi nhà thờ của anh, nhìn nhận hiện đang có thách thức trong việc lôi cuốn người trẻ.
“Vấn đề khá lớn. Tôi nghĩ khi bạn nhìn vào con số thống kê ở Hoa Kỳ, khá nhiều người đang bỏ và đã bỏ ở đại học, thường là vì họ bất đồng với điều gì đó hay họ không được thỏa mãn về tâm linh. Và [những điều này] không phải là những điều Giáo Hội không thể nói tới”.
Maria O’Sullivan, một sinh viên 20 tuổi quê ở Dublin, thì cho rằng đây là cơ hội “để gặp gỡ những người vẫn còn chia sẻ cùng một đức tin như mình”, và được thấy “phẩm chất tốt trong giáo hội, vì hiện đang có quá nhiều tính tiêu cực ở khắp nơi”.
Cô nói “Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ tới và điều này thật tuyệt... đôi khi phải can đảm lắm mới có thể nói bạn là một người trẻ mà vẫn đi tham dự Thánh Lễ”.
Cô O’Sullivan cho hay: người cùng tuổi cô thường ngỡ ngàng khi cô cho họ hay cô là một người Công Giao giữ đạo. “Tôi là loại người khá kín đáo ở đại học và trường học, đại loại; khá nhiều người thích nói đến phía xấu xa của Giáo Hội, cũng tốt thôi, điều này có thể hiểu được”.
Cô nói thêm: “Bạn dè dặt kín đáo trong việc cho biết bạn là người Công Giáo, vì hiện có quan điểm coi bạn là già nua, chỉ biết tuân theo ý muốn của cha mẹ, và suy nghĩ lạc hậu”.
Cầu nguyện cho có thời tiết tốt
Nữ Tu Lucyna Wisniowska, một thành viên của tu hội nữ tu truyền giáo Thánh Peter Claver, nguyên quán Ba Lan nhưng đã sống ở Terenure, Dublin, 9 năm nay.
Bà cho biết bà mong được tham dự Cuộc Gặp Gỡ: “Chúng tôi chuẩn bị bằng tuần chín ngày cầu nguyện cho có thời tiết tốt”.
Các lời cầu nguyện trên quả đã ngăn được cơn mưa, điều mà Nữ Tu cho là tốt vì “có khá nhiều người từ ngoài Ái Nhĩ Lan tới đây, nên họ phải trải nghiệm thời tiết Ái Nhĩ Lan”.
Thực vậy một phần khá lớn công chúng từ ngoại quốc tới, trong đó, có cặp vợ chồng trẻ từ Lithuania, là Jurate và Benediktas Rimeika. Họ bay tới Dublin hôm Chúa Nhật và sẽ ở lại cho tới thứ Sáu.
Benediktas nói “chúng tôi tới đây lúc 10 giờ sáng và đang ngó quanh xem điều gì đang diễn ra”.
Jurate thì cho hay: quả là “một bầu khí rất tốt”.
Noreen Lynch, đang làm việc tại Dublin, cho hay: “tôi sẽ tham gia làm thiện nguyện viên vào cuối tuần, nên hôm nay tôi tới đây để làm quen”.
Người Công Giáo Ái Nhĩ Lan tham dự Cuộc Gặp Gỡ “rất ý thức” việc phải tôn trọng những người coi biến cố này và cả chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô như một trải nghiệm đầy khó nhá.
“Tôi xin nói tôi là một người Công Giáo giữ đạo, điều này quan trọng đối với tôi. Tôi không muốn nói tôi nghĩ định chế, hệ thống hiện tuyệt diệu. Tôi sẵn sàng đứg chung với những người như Marie Collins và Mary McAleese, tức những người muốn nói rằng ‘chúng ta tốt hơn điều này’”.
Nguyên Giám Mục Limerick, Đức Cha Donal Murray, tham dự ngày khai mạc đại hội, cho hay có “tiếng vo vo lớn” ở Royal Dublin Society. Ngài từ chức năm 2009 sau khi bị chỉ trích vì cách xử lý các lời tố cáo lạm dụng tình dục trong Phúc Trình Murphy.
Ngài nói: “Thật tuyệt khi được nhìn thấy chiều kích thế giới, chúng ta vốn bị dính cứng vào khu rừng riêng của mình như thể các nan đề của mình là duy nhất”.
Vũ Văn An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét