Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

7 Bí Tích khoả lấp 7 khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn chúng ta

Tìm kiếm khỏa lấp những khát vọng trong đời sống là cái sẽ định hướng cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúng ta đang sống trong thời mà phần lớn người ta cho rằng đời sống thật ngắn ngủi và mỗi người phải lấp đầy những khao khát của mình bằng bất cứ cách nào thấy là cần thiết. Não trạng này dẫn người ta đến khuynh hướng sai lạc trong việc khỏa lấp những ước muốn hiện tại và thay vì lấp đầy những ước muốn ấy, khuynh hướng này lại dẫn người ta đến việc làm tổn hại chính mình. Họ cảm thấy mình lạc lối, trống rỗng, đau khổ, bị bỏ rơi và nhiều cay đắng. Vậy thì nơi nào chúng ta có thể tìm thấy sự lấp đầy đích thực cho tất cả những gì chúng ta khao khát? Chính Chúa Kitô sẽ khỏa lấp tâm hồn chúng ta. Và chúng ta thực sự thấy rằng những khát vọng của mình được viên mãn nơi bảy phép Bí tích Giáo hội đã trao ban cho con cái mình.
Như thế, mời bạn hãy đọc tiếp những điểm dưới đây để thấy cách thức từng Bí tích làm đầy những khát khao sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta.
Khao Khát Được Thuộc Về: Bí Tích Rửa Tội 
Một trong những khao khát phổ biến nhất trên thế gian này đó là ước muốn được thuộc về. Từ thuở nhỏ, chúng ta đã thấy mình có lúc bị đẩy xô, có lúc bị cuốn vờn vào xu hướng luôn đổi thay của đời sống xã hội. Chúng ta có được quý mến không? Chúng ta có được chấp nhận, có được nhiều người ngưỡng mộ không không? Hầu hết mọi người khi đã lớn tuổi sẽ trở nên tự do với chuyện họ là ai và ít quan tâm đến những chuyện chẳng hạn như có được nhiều người ngưỡng mộ hay không. Nhưng dẫu thế, niềm khao khát được thuộc về vẫn còn mãi trong tâm hồn họ. Tại sao vậy? Đâu là mãnh lực của ý muốn được thuộc về mà trong ý muốn ấy mãi tồn tại một thứ khao khát vượt trên cả những khao khát của tuổi trẻ, để được tháp nhập vào nơi nào đó? Sự thực ẩn dưới niềm khao khát này là chúng ta mong muốn thuộc về điều gì đó lớn hơn chúng ta. Khát vọng tìm kiếm thứ gì đó lớn hơn ở đây có thể dẫn mọi người đến những chỗ đầy hiểm nguy, nhưng rốt cuộc, nó lại là một phần trong đời sống nhân loại. Và nó chính là khát vọng được gắn liền với Thiên Chúa và làm bạn đồng hành với dân Ngài. Thiên Chúa đã ban tặng điều gì để khỏa lấp nỗi khát khao được thuộc về của nhân loại? Đó là Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần ngang qua Phép Rửa, để rồi chúng ta hiểu rằng mình thuộc về Thiên Chúa và là thành viên trong gia đình Giáo hội phổ quát của Ngài.
Khao Khát Được Bình An: Bí Tích Hòa Giải
Một ước ao mãnh liệt khác mà chúng ta thấy mình đang kinh nghiệm giữa muôn vàn bấn loạn lạ thường không hồi dứt trong thế giới này và trong đời sống của chúng ta đó là được bình an. Chúng ta bị vây hãm bởi những tiếng ồn, dù là trên màn ảnh nhỏ, dưới những con phố hay đơn giản là ngay trong tâm trí chúng ta. Cho dẫu ồn ào dưới dạng thức nào đi nữa thì chúng ta cũng không thể tránh được. Một mức độ ồn ào khác cứ quấy rầy mỗi người đó là sự ồn ào của những lỗi lầm mình đã phạm. Hầu hết mọi người đều muốn có được một cuộc sống tốt đẹp, nhưng tội lỗi và đau khổ luôn vây hãm tất cả nhân loại, và nó dường như bóp nghẹ cuộc sống của chúng ta. Tội lỗi trong quá khứ ám ảnh chúng ta và lo lắng về tương lai chế nhạo chúng ta. Mong muốn tìm được bình an chưa bao giờ là chuyện đơn giản, và đạt được bình an chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vậy thì làm sao chúng ta đạt được nó? Chúng ta tìm được bình an nhờ Bí tích Hòa giải. Khi chúng ta dọn mình xưng tội, tiếng gào thét của tội lỗi và những lắng lo suy nghĩ có thể tăng lên. Nhưng ngay sau khi đã xưng thú tội lỗi và thấy mình được tha thứ và được nên xứng đáng với Thiên Chúa hơn, những tiếng gáo thét kia sẽ ngay lập tức chấm dứt và chúng ta tìm được bình an. Điều ấy xảy ra đơn giản là vì không có cách nào khác để thực sự tìm thấy bình an hơn là thấy chính mình nên hòa hợp với Thiên Chúa.
 Mong Muốn Được Nuôi Dưỡng: Bí Tích Thánh Thể
Có những khao khát không chỉ là khao khát đơn thuần… đó là những nhu cầu. Nhu cầu được nuôi dưỡng là một ví dụ. Rõ ràng mọi người cần được nuôi dưỡng bằng lương thực và nước uống. Tuy nhiên, nhu cầu được nuôi dưỡng thường bị biến ra sai lạc và trở thành một sự thèm muốn. Trong thế giới của những thỏa mãn nhất thời và ý niệm của lạc thú đang trở thành thứ ngự trị tối cao trong cuộc sống của chúng ta, xung quanh chúng ta là những thực phẩm được làm ra với mục đích duy nhất là đem lại niềm vui thú và hầu như có rất ít hoặc không có khả năng nuôi dưỡng và duy trì sự sống. Thực ra, lương thực không chỉ được làm ra cho mục đích của sự vui thú mà thôi, nhưng đúng hơn, chúng là nỗ lực để khỏa lấp những ao ước cần được lấp đầy trong chúng ta bằng một thứ gì đó thực sự làm chúng ta được thỏa mãn. Nhưng liệu đây có phải là niềm vui mà chúng ta đang thực sự kiếm tìm? Và điều chúng ta tìm kếm là gì ngõ hầu thực sự khỏa lấp ước vọng được nuôi dưỡng trong chúng? Đó là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta cứ bận rộn lấp đầy chính mình với lương thực và lối sống lạc thú, thế nhưng điều chúng ta thực sự cần chính là được Chúa Giêsu khỏa lấp tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa đã và vẫn ban cho chúng ta món quà quí giá lạ thường qua Bí tích Thánh thể và chúng ta thực sự được Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu Kitô lấp đầy. Một khi biết được điều đó, liệu chúng ta có thể nói rằng vẫn còn thứ gì khác trên thế gian này có thể lấp đầy khao khát được nuôi dưỡng của chúng ta?
Mong Muốn Được Hướng Dẫn: Bí Tích Thêm Sức
Ghé thăm bất cứ hiệu sách nào, bạn sẽ tìm thấy ngay bằng chứng của một khát vọng mãnh liệt khác mà con người muốn có được, đó là ước muốn được hướng dẫn. Những thư mục sách tự lực ngập tràn trên các kệ. Thể loại sách này có ý nghĩa hướng dẫn để giúp người đọc tự hoàn thiện mình hoặc giải quyết các vấn đề cá nhân thông qua những điều thú vị được tác giả viết ra. Và nhu cầu được hướng dẫn lớn đến nỗi người ta sẽ mua những cuốn sách này ngay sau khi tìm thấy nơi chúng “một lối đi đúng đắn.” Mọi người tìm đến sách, những tạp chí, những vị phụ huynh, các thầy cô giáo, những nhân viên tư vấn, các nhà huấn luyện kỹ năng sống, các vị thừa tác viên của Giáo hội, những người bạn, Facebook, và thậm chí cả những người chưa quen bết để tìm kiếm sự hướng dẫn. Nhưng đâu là suối nguồn tối hậu của sự hướng dẫn đích thực cho đời sống chúng ta, và làm sao để chúng ta tìm được suối nguồn hướng dẫn ấy? Chính nơi Bí tích Thêm sức. Một lần nữa, sau Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức đánh dấu khoảnh khắc tốt lành chúng ta được tiếp nhận Chúa Thánh Thần vào tâm hồn mình và để Ngài hoạt động, dẫn dắt chúng ta trong đời sống thường nhật của chúng ta. Liệu có ai trên thế gian này hướng dẫn đời sống của chúng ta tốt hơn Thiên Chúa? Câu trả lời thật đơn giản… không ai cả.
Khao Khát Hướng Dẫn: Bí Tích Truyền Chức Thánh
Còn những người viết những cuốn sách tự lực được đề cập ở trên thì sao? Và những người cảm thấy vui thích khi mọi người tìm đến họ để được lời khuyên và được hướng dẫn thì sao? Khao khát được hướng dẫn chắc chắn là một ước muốn mãnh liệt, và khao khát được hướng dẫn người khác cũng mãnh liệt không kém. Mọi người muốn giúp đỡ người khác và họ muốn giúp đời bằng những kiến thức và kinh nghiệm độc đáo của mình. Đó là một ước muốn tuyệt vời. Vậy làm sao người ta có thể thành tựu nơi khát vọng này? Người ta có viết sách hay những tài liệu nhằm hướng dẫn người đọc chăng? Họ có thể chia sẻ những bài viết truyền cảm hứng trên Facebook để khuyến khích bạn bè và gia đình mình? Và họ có cho phép mình mở ra và trung thực với mọi người để người ta có thể học hỏi từ cuộc sống và những trải nghiệm của họ, hoặc nghiên cứu để trở thành những giáo viên, những nhà tham vấn được không? Chắc chắn rồi! Đây là tất cả những cách hiệu quả và tuyệt vời để hoàn thành ước muốn hướng dẫn người khác. Tuy nhiên, đối với những người muốn hướng dẫn người khác đến một cuộc sống với mục đích xa hơn bất kỳ mục đích nào khác trên thế gian này, Thiên Chúa thiết lập Bí tích Truyền chức thánh. Các Giám mục, các Linh mục và Phó tế của Giáo hội Công giáo được lãnh nhận Bí tích Truyền chức thánh và ngang qua việc lãnh nhận Bí tích này, họ buông mình trong tay Thiên Chúa, trở thành khí cụ trong tay Ngài để hướng dẫn và chăn dắt đoàn chiên đến với Chúa và dẫn đưa họ về Thiên Đàng.
Khao Khát Được Mạnh Sức: Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân

Một khát khao rất phổ biến khác, đó là được mạnh sức. Lật các trang tạp chí, lướt qua Facebook hay truyền hình vô tuyến, và thậm chí chỉ cần lái xe ngang qua các phòng tập thể dục địa phương, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều người khao khát có được sức khỏe tốt. Tuy nhiên, không chỉ ở nơi thể lý, nhưng thực ra người ta còn khao khát được mạnh sức trong tâm hồn nữa. Những câu chuyện về những người đang can đảm chiến đấu với bệnh tật, những người lính chiến đấu trong chiến tranh lành lặn trở về, những người phụ nữ được nâng lên thành những vị giám đốc điều hành, những nhà lãnh đạo quốc gia chống lại tất cả những xung đột trong đất nước, và những câu chuyện tương tự khác đã xuất hiện khắp nơi trên các trang mạng xa hội giống như những ngọn lửa lan rộng và được nâng lên như một biểu tượng gợi hứng cho người khác. Những câu chuyện này quả thực có sức gợi hứng và chắc chắn diễn tả sức mạnh nơi điều tốt nhất ẩn chứa trong nó, tuy nhiên, chúng không trả lời cho câu hỏi làm sao để người ta có thể tìm được nguồn sức mạnh ấy. Tất cả chúng ta biết rằng, cho dẫu chưa từng trải nghiệm điều này, nhưng có thể một lúc nào đó trong tương lai khi chúng ta phải đối mặt với một trong những thử thách bất ngờ, và khi ấy, chúng ta hy vọng có thể tỏ lộ sức mạnh của mình cách tuyệt vời như bao người đã thể hiện. Vậy thì niềm khao khát được mạnh sức hướng dẫn chúng ta tới đâu, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn nhất trong đời sống? Nơi Bí tích Sức dầu bệnh nhân.  Bí tích này đem đến cho chúng ta những ơn sủng đặc biệt. Những ơn sủng này làm cho chúng ta thêm mạnh sức và giúp chúng ta ôm ấp Thánh Ý Thiên Chúa cách tròn đầy hơn. Bí tích này cũng cho phép chúng ta vượt thắng những thử thách và khổ đau với niềm cậy trông và ơn sủng Thiên Chúa ban tặng.
Khao Khát Yêu Và Được Yêu: Bí Tích Hôn Phối
Một khát vọng dường như cao nhất trong mọi khao khát trong thế giới hôm nay, đó là khát vọng yêu thương. Yêu và được yêu là một trong những yếu tố trọng yếu ẩn sau từng quyết định của chúng ta. Người ta không ngừng tìm kiếm một tình yêu vững bền, nhưng thật khó để tìm thấy thứ tình yêu như vậy. Niềm khao khát được được khỏa lấp ước muốn yêu thương có thể dẫn người ta rơi vào sự hỗn loạn và phức tạp của những hành vi không lành mạnh. Trong khi có rất nhiều cách khác nhau để diễn tả tình yêu, một hình thức đặc biệt diễn tả tình yêu mà nhiều người thấy mình nơi ấy, đó chính là tình dục. Khao khát yêu thương thật mãnh liệt đến nỗi người ta sẵn sàng trao hiến chính mình trong một cách thức thân mật nhất, đơn giản chỉ để cảm nghiệm mối liên hệ mà họ đang khao khát được cảm nghiệm. Khao khát được yêu thương thật tuyệt vời. Người ta để mình được chiếm hữu trong một cách thức thân mật nhất hầu được khỏa lấp ước vọng yêu thương. Nơi đâu trong cuộc sống nhân loại, tình yêu và tình dục có thể hòa hợp với nhau trong một cách thức làm cho chúng ta cảm thấy được tròn đầy với khát vọng yêu thương? Nơi Bí tích Hôn phối. “Bản thiết kế” của Thiên Chúa cho đời sống hôn nhân là thế. Khi chúng ta uốn đời mình đúng theo “bản thiết kế” này, thì “bản thiết kế” lại ẩn chứa một tiềm năng lấp đầy niềm khát khao vô tận của tình yêu trong một cách thức mà chỉ có một thứ khác mới có thể làm cho nó nên trọn hảo.
Điều Duy Nhất Có Thể Làm Cho Những Khao Khát Của Chúng Ta Nên Trọn Hảo đó Là Chính Chúa Giêsu.
Nhiều người nghĩ khát vọng yêu thương hẳn phải là một thứ khao khát lãng mạn nhưng trong khi một khao khát về một tình yêu lãng mạn quan trọng như thế thì thứ tình yêu được cắm rễ sâu nơi trung tâm sự hiện hữu của chúng ta được nên trọn hảo không chỉ nhờ nơi đời sống hôn nhân. Chúa Giêsu mới là Đấng duy nhất lấp đầy những khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn chúng ta. Lễ hy sinh của Chúa Giêsu trên Thập giá là bằng chứng duy nhất để nhân loại nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho họ. Và khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu vào lòng mình, và để Tình Yêu Ngài ngự trị trong tâm hồn chúng ta, Tình Yêu ấy sẽ biến đổi chúng ta để mỗi người thực sự được gia tăng khả năng yêu mến tha nhân cách vô vị lợi và với lòng quảng đại hy sinh. Bằng việc biết và yêu mến Ngài, chúng ta thấy mình có khả năng lấp đầy nhu cầu yêu thương – nhu cầu bẩm sinh của chúng taTình yêu là trung tâm điểm nơi con người chúng ta và nơi Thiên Chúa, Đấng tạo thành nhân loại. Vì thế,  tình yêu chỉ có thể được hiểu khi nhân loại biết rằng Thiên Chúa ban cho họ những phương tiện mà nhờ đó, họ được khỏa lấp những khao khát yêu thương trong tâm hồn mình.
Tình yêu là thiết yếu, đến nỗi chúng ta có thể nói rằng tất cả những khát vọng trong chúng ta sẽ dẫn chúng ta trở về với khao vọng tối cao – khát vọng yêu thương. Và bởi vì từng Bí tích khỏa lấp từng ước muốn của chúng ta, mỗi Bí tích đơn giản là một phần trong những cách thức Thiên Chúa dùng nhằm giúp chúng ta tìm thấy thứ tình yêu chúng ta ao ước đạt được. Thiên Chúa ban cho nhân loại món quà quí giá là chính Con Một của Ngài, và nơi Người Con, Thiên Chúa biểu lộ hành vi yêu thương vĩ đại nhất Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa cũng thiết lập Giáo hội và ban cho chúng ta những Bí tích để lấp đầy những khát vọng của chúng ta. Đồng thời Ngài cũng làm cho chúng ta tiến gần tới Ngài hơn. Ngài là Thiên Chúa và Ngài là Tình Yêu. Và dĩ nhiên, Ngài đã ban cho chúng ta một Con Đường – ngang qua Hội thánh Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền – để khỏa lấp khao khát của chúng ta là được nên thân mật với Ngài hơn. Cũng qua đó, Thiên Chúa dẫn chúng ta đi qua giữa thế gian trong một cách thức nào đó làm hài lòng Ngài, và như thế Ngài kéo chúng ta đến gần hơn đời sống vĩnh cửu với Ngài trên thiên Thiên Quốc.
Tác giả: Melissa Flen
Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, SJ
Hình ảnh: Sưu tầm trên Internet
Nguồn: https://catholic-link.org/7-desires -hearts-sacraments/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét