Tự do chứ không bị ép buộc
Trong lễ cưới, trước khi nói lên lời ưng thuận, đôi bạn sắp kết hôn được linh mục hỏi công khai trước mặt những người chứng và cộng đồng về sự tự do, tự nguyện kết hôn. “Anh T… và chị T…, anh chị đến đây để kết hôn với nhau, anh chị có bị ép buộc không?”, và “Anh chị có hoàn toàn tự ý và tự do không?”, “Khi chọn đời sống hôn nhân, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không?”, “Anh chị có sẵn sàng yêu thương và đón nhận con cái Chúa sẽ ban, và giáo dục chúng theo luật Đức Kitô và Hội Thánh không?”. Cô dâu và chú rễ trả lời đơn sơ nhưng rất ý nghĩa: “thưa có”. Và như thế, họ đã xác nhận ưng thuận và sẵn sàng kết hôn với nhau. Công đồng Vatican II xác định hôn nhân như là một “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu, được Đấng Tạo Hóa thiết lập và ban những qui luật riêng” (GS 48).
Tự bản chất của hôn phối mối dây liên kết giữa vợ-chồng phải là một cuộc chung sống trọn đời. Bởi thế, không thể bước vào hôn nhân mà không có sự chuẩn bị hay chỉ thuần dựa trên tình cảm. Kết hôn với một người vì chính người ấy, cùng với lời hứa giữ lòng chung thủy, yêu thương, tôn trọng, và kính trọng, phải là hành động xuất phát từ một quyết định chín chắn chung của cả hai người.
Đôi bạn kết hôn phải biết những gì họ đang làm
Tuy nhiên, lời xác nhận “thưa có” ưng thuận ấy của đôi bạn phải thật sự tự do, được nói ra tự trong đáy lòng mình và hoàn toàn ý thức ý nghĩa của quyết định của họ. Người ta không thể bị ép buộc yêu. Tình yêu có tính chất không-thụ-nhận (non-receptivity) từ một áp lực bên ngoài nào, vì điều đó mâu thuẫn với yếu tính của hôn nhân.
Ngày nay người ta có nhiều tự do hơn xưa. Tự do đối với áp lực xã hội, tự do đối với những gì xã hội chỉ dẫn hay mong đợi, tự do đối với những luật lệ nghiêm ngặt về lối sống, đạo đức xã hội. Danh sách những khả năng chọn lựa dường như dài vô tạn, một đứa trẻ hay một bạn trẻ đã đối diện trước những tùy chọn khả thể ấy ngay từ đầu đời chúng. Điều đó càng làm cho người ta thấy khó khăn hơn khi phải quyết định. Nếu mọi sự xem ra được phép, và có giá trị như nhau, thì một câu hỏi nảy sinh: mọi sự có thật sự tốt hay không và nó có thể giúp tôi có một cuộc sống tốt đẹp hay không? Quyết định một phong cách hay một lối sống cần phải được cân nhắc, suy nghĩ chín chắn, vì nó quyết định cả một số phận.
Bởi thế, quyết định kết hôn không thể căn cứ trên những lí do được xem xét hời hợt, chẳng hạn như vì ta muốn thoát li cha mẹ hay gia đình gốc, hoặc muốn thoát khỏi một tình cảnh khó khăn bất tiện như để giải quyết một ân tình, hay một món nợ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh ý nghĩa của hành vi nhân linh tự do trong đó “hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau” (GS 48). Tự do vừa là tự do ‘đối với’ (ai/cái gì) và tự do ‘cho’ (điều gì). Tự do giúp chúng ta có thể chọn hôn nhân vì hôn nhân – về phương diện nhân bản thuần túy và theo nghĩa của một bí tích.
Hoàn cảnh có thể làm cho tự do này bị hạn chế hoặc giảm thiểu đến mức hầu như không còn. Một người quyết định kết hôn trong khi đang đau đớn vì một người thân yêu qua đời, hoặc khi chưa từng trải qua những hệ lụy của một biến cố bi thương trong cuộc đời, có thể sẽ quyết định theo những áp lực nặng cảm tính, thiếu tự do. Tương tự, một người đưa ra quyết định trong tình trạng nghiện ngập nặng như thế nào đó cũng có thể thiếu tự do. Ngày nay chúng ta thấy tình trạng rất phổ biến là người ta lệ thuộc nhiều vào các mạng thông tin xã hội toàn cầu. Điều đó không chỉ giới hạn tự do con người nhưng còn cản trở tương giao liên vị giống như người ta nghiện thuốc hay nghiện rượu vậy.
Một đôi bạn quyết định kết hôn trong tình trạng sợ hãi hoặc phải chịu những áp lực cưỡng bức bên ngoài cũng không có đủ tự do. Áp lực phải có con như từ phía xã hội xưa, ngày nay, ít nhiều không còn nữa. Nhưng những hình thức có tính ép buộc khác và nỗi sợ hãi nào đó vẫn thường có, đôi khi xuất phát chỉ từ một phía trong hai người. Không thể có quyết định thật sự tự do nơi nào, chẳng hạn như, khi có một người cứ đe dọa sẽ tự vẫn nếu hôn nhân bị từ chối, hoặc ở đâu một người tạo áp lực về tài chánh hoặc gây lo lắng sợ hãi cho người kia.
Đôi bạn phối ngẫu phải thật sự tự do và trưởng thành
Ngay từ đầu Giáo hội đã nhấn mạnh và giữ vững nguyên tắc hôn nhân phải dựa trên sự tự do lựa chọn của hai người. Quyết định kết hôn không phụ thuộc vào cha mẹ hay gia đình. Chính đôi bạn tự do chọn nhau và chọn kết hôn, nói lên lời ưng thuận lấy nhau làm vợ làm chồng. Họ cảm thấy mình thật sự tự do và học biết tự do khi tự đứng trên đôi chân của mình, tự mang lấy trách nhiệm, và từ đó mở ra một viễn cảnh hoàn toàn mới mẻ.
Khi hai người ước muốn dâng hiến cho nhau và dấn thân vào cuộc sống hôn nhân bí tích, họ đang tiến hành một bước hết sức quan trọng trong đó có điều cốt yếu là họ phải thật sự tự do, nhưng đồng thời cũng hàm nghĩa họ phải trưởng thành về mặt nhân bản, tâm lí và tâm linh. Đôi bạn trưởng thành nhân bản khi họ có được những phẩm chất chắc chắn về tính cách có thể giúp ích cho cuộc sống chung. Họ cần có những giá trị cơ bản và các đức tính cần thiết làm kim chỉ nam cho cách ăn nết ở của mình, như: khôn ngoan, công bình, dũng cảm, và tiết độ. Ngoài ra, họ cần có nhân đức luân lí Kitô giáo như tuân giữ Mười Giới Răn và các nhân đức đối thần Tin – Cậy – Mến. Trong xã hội hôm nay, nói đến “nhân đức” có thể là điều kì dị, thế nhưng sự thật là, đôi bạn mà không trưởng thành về mặt nhân đức thì không thể có cuộc sống chung được. Thực hành sự tự do đòi hỏi cá nhân phải có những thái độ căn bản thích hợp và sống các đức tính, và giá trị nền tảng ấy; chúng cần được lớn lên trong đời sống và là điều kiện cần cho cách ăn ở của người ta. Chính trên nền tảng ấy trước hết mà các quyết định chọn lựa có tính trách nhiệm.
Đừng lẫn lộn trưởng thành với sự hoàn hảo
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý đừng lẫn lộn sự trưởng thành với sự hoàn hảo. Điều quan trọng hơn là đôi bạn sở hữu các điều kiện tiên quyết thiết yếu để có một cuộc sống hôn nhân thành công. Một người trưởng thành như thế không bị mắc phải những rối loạn hay bệnh hoạn tâm lí khiến người ta không thể đảm nhận được một cuộc sống chung thân mật suốt đời của hôn nhân. Một trường hợp thiếu trưởng thành tương tự: khi một trong hai người phối ngẫu bị lệ thuộc vào một chứng tật nào đó khiến giới hạn không những sự tự do của người ấy mà còn ảnh hưởng trên khả năng trung tín của họ với lời thề hứa hôn phối. Đó là trường hợp một người nghiện, hoặc một người quá gắn bó với cha mẹ ruột mình, trường hợp này không phải là hiếm.
Một điều nữa, rất nhiều người ngày nay lầm tưởng: họ nghĩ rằng hai người cần sống chung, sống thử với nhau một thời gian trước khi đưa ra quyết định kết hôn, để họ “chín chắn” hơn và để trắc nghiệm xem họ có ‘hợp’ với nhau không. Thực ra, trong những trường hợp đó họ ‘trượt dài’ chứ không hề có được những suy nghĩ trưởng thành để kết hôn, vì họ không có được trạng thái an tâm và hạnh phúc của hai người, vốn trong yêu thương tin tưởng nhau hoàn toàn, đã cam kết dấn thân dứt khoát thuộc về nhau mãi mãi. Tình trạng độc thân và thong dong vì chưa có ràng buộc với nhau ngay trước cuộc sống chung hôn nhân là điều kiện cần thiết để có một quyết định kết hôn thật sự tự do, ý thức, và có trách nhiệm.
Câu hỏi suy tư hay để thảo luận
1. Giao ước hôn nhân có ý nghĩa gì đối với bạn?
2. Đâu là những lí do tôi phải đưa ra để kết hôn hay nhận lời cầu hôn?
3. Tôi tự do tới mức nào trong quyết định kết hôn này?
4. Tôi nghĩ gì về bản thân mình? Tôi đã thực sự “trưởng thành” chưa?
5. Bạn quan tâm đến những giá trị nào, nhân đức nào khi dấn thân chung sống với một người?
6. Bạn đã thực sự có suy nghĩ nghiêm túc và quyết định kết hôn, hay đó chỉ là kết quả của một hứng khởi nhất thời?
Văn phòng HĐGMVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét