Manila, Philippines: Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu kết thúc chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn.
Như đã thông báo trước, sáng ngày 30.06.2018, Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu từ Philippines đã có buổi họp mặt để cử hành việc kết thúc chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn (SW), vốn chính thức hoạt động từ năm 1969 với nhiều ngôn ngữ thuộc nhiều quốc gia tại Á Châu.
Bên cạnh sự hiện diện của Ban Quản Trị, các thành viên của các ngôn ngữ, các bạn hữu xa gần của Đài, vào khoảng 200 người, buổi gặp gỡ còn có sự hiện của một số giám mục trong Hội Đồng Quản Trị của Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC-OSC). Đứng đầu là Đức cha Roberto Mallari, D.D., Giám mục Giáo phận San Jose, Nueva Ecija-Philippines, Chủ tịch FABC-OSC và các thành viên: Đức cha Raymond Wickramasinghe, Giám mục Giáo phận Galle-Srilanka, Đức cha Joseph Luechai Thatwisai, Giám mục Giáo phận Udon Thani-Thái Lan; và linh mục Raymond Ambroise, người Ấn Độ, Thư ký FABC-OSC. Về phía Giáo hội tại Philippines, có Đức cha Mylo Hubert C. Vergara, D.D., Giám mục Giáo phận Pasig-Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Philippines; Đức cha Antonio R. Tobias, D.D., Giám mục Giáo phận Novaliches-Philippines. Chủ đề của ngày họp mặt là: “2018-Radio Veritas Asia: The Old Through The New Media” (tạm dịch là: Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu-2018: từ Truyền thông Cũ sang Truyền thông Mới).
Ngày họp mặt được bắt đầu bằng thánh lễ tạ ơn do Đức cha Mallari chủ tế. Đồng tế với Đức cha Mallari là các Giám mục nói trên cùng khoảng 20 linh mục thuộc các ngôn ngữ của Đài.
Trong lời mở đầu thánh lễ, Đức cha Chủ tịch FABC-OSC mời gọi cộng đoàn hiện diện cùng tạ ơn Thiên Chúa trong ngày đầy ý nghĩa này của Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu, đó là: kết thúc chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn và bắt đầu chương trình trực tuyến toàn diện; đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Đài trên hành trình mới trong sứ mạng loan báo Tin mừng bằng phương tiện truyền thông hiện đại.
Đức cha Mallari, Chủ tịch FABC-OSC
Trong bài giảng thánh lễ, cha Raymond Ambroise, Thư ký FABC-OSC, đã bồi hồi mô tả lại hành trình hình thành nên Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu, từ những ý tưởng và những buổi họp đầu tiên vào năm 1958 thuộc thế kỷ XX. Vị Thư ký FABC-OSC tin rằng Chúa Thánh Thần đã soi sáng và hướng dẫn các giám mục Á châu trong việc hình thành và đồng hành với Đài cho đến ngày hôm nay. Cha Raymond cũng không quên nhắc lại những hỗ trợ về mọi mặt cho Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu, ngay từ những ngày đầu tại các tỉnh Malolos, Palauig và thành phố Quezon, nhất là về kinh phí và kỹ thuật, của các tổ chức và cá nhân, cách riêng Hội Đồng Giám Mục Đức quốc. Cha Raymond còn khẳng định: “Cử hành ngày họp mặt hôm nay không có nghĩa là chúng ta sẽ dừng, sẽ không hoạt động nữa, nhưng là tiến bước trên một hành trình mới, tiếp cận và gặp gỡ với nhiều thành phần hơn để loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô bằng các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại”. Cuối bài giảng, hướng đến dịp kỷ niệm 50 Năm Thành lập Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu vào năm 2019 (1969-2019), cha Thư ký FABC-OSC cầu chúc Đài luôn thăng tiến trong ơn Chúa, nhất là không ngừng nỗ lực làm cho những giấc mơ của những vị sáng lập cách nay 49 năm, trở thành hiện thực, đó là trở nên “tiếng nói của Kitô hữu tại lục địa Á châu: vượt qua những ranh giới để chia sẻ Chúa Kitô”, không chỉ cho các tín hữu Á châu địa phương, mà còn mở ra với các khán thính giả Á Châu toàn cầu nữa.
Cha Raymond Ambroise, Thư ký FABC-OSC
Vào buổi đầu giờ chiều, mọi người tham dự cùng lắng nghe bài thuyết trình chủ đề của Đức cha Mylo Hubert C. Vergara, Chủ tịch Ủy Ban Truyền Thông Xã Hội thuộc Hội Đồng Giám Mục Philippines (CBCP-OSC). Trong bài thuyết trình, Đức cha Mylo đã đi từ những văn kiện truyền giáo của Giáo hội nơi Công Đồng Vatican II, nhất các vị Giáo hoàng nói về truyền giáo và các cách thức truyền thông Tin mừng của Giáo hội qua các triều đại Giáo hoàng, như Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô. Từ những văn kiện vừa nói, cộng với những thống kê mới nhất về xu hướng sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại của con người trong thế kỷ XXI, Đức cha Chủ tịch CBCP-OSC đã cho thấy những thách đố mà các nhà truyền thông Công giáo cần lưu tâm và thực hiện trên hành trình loan báo Niềm vui của Tin mừng qua các phương tiện truyền thông hiện đại. Cách riêng, Đức cha Mylo nhấn mạnh đến nội dung, cái “chất” của sứ điệp mà nhà truyền thông phải loan báo đến các khán thính giả trong thế giới đa chiều, đa phương tiện như hiện nay.
Đức cha Mylo Hubert C. Vergara, Chủ tịch CBCP-OSC
Sau hết, Đức cha Mylo cầu chúc cho mỗi nhà truyền thông của Đài Chân Lý Á Châu, thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau, luôn biết dựa vào sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để có thể làm cho Lời Chúa được vang xa hơn nữa.
Ngày gặp gỡ được tiếp tục với những lời phát biểu chúc mừng từ các giám mục hiện diện, xen kẽ với các tiết mục trình diễn mang tính văn hóa từ các ngôn ngữ của Đài.
Cuối ngày gặp gỡ là nghi thức đầy biểu tượng và xúc động đối với các thành phần tham dự, nhất là các nhân viên của Đài: nghi thức đóng lại chương trình phát thanh qua làn sóng ngắn và mở ra chương trình phát thanh trực tuyến.
Biểu tượng của nghi thức ngưng phát thanh qua làn sóng ngắn (SW)
Các Giám mục và Linh mục trong Thánh lễ Tạ ơn
Như vậy, sau 49 năm phát thanh qua làn sóng ngắn, kể từ mùng 01.07.2018 các ngôn ngữ của Đài Phát Thanh Chân Lý Á Châu từ Philippines, trong đó có chương trình tiếng Việt, sẽ không còn phát thanh các chương trình của mình qua Radio với làn sóng ngắn nữa, mà sẽ phát thanh trực tuyến (online). Các tiết mục của chương trình tiếng Việt vẫn không thay đổi. Quý khán thính giả có thể nghe các chương trình tiếng Việt từ trang web của Đài (http:vietnamese.rveritas-asia.org) hoặc từ ứng dụng dành cho iOS và Android qua các thiết bị có kết nối internet, như máy vi tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ngoài ra, quý khán thính giả cũng có thể đón xem và nghe một số tiết mục của Ban Việt ngữ trên mạng xã hội Facebook và YouTube.
Lm. Gioan Baotixita Trần Thanh Thế, O.P.
RVA- Ban Việt Ngữ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét