Đức Hồng Y Jean-Louis Pierre Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đã đến thăm thủ đô Riyadh của Arab Saudi hôm thứ Bảy 14 tháng Tư, Saudi Press Agency, cơ quan thông tấn chính thức của nước này đã cho biết như trên.
Ra đón Đức Hồng Y tại sân bay quốc tế Vua Khalid có Hoàng tử Mohammed bin Abdurrahman bin Abdulaziz, Phó Thống đốc Riyadh và Tiến sĩ Mohammed bin Abdul-Kareem Al-Issa, Tổng thư ký Liên đoàn Hồi giáo Thế giới.
Đức Hồng Y Tauran là vị Hồng Y đầu tiên của Vatican được chào đón tại Arab Saudi.
Vatican và Arab Saudi không có quan hệ ngoại giao chính thức nhưng đã có một số cuộc gặp gỡ quan trọng giữa các quan chức của Saudi và Tòa thánh để thảo luận các vấn đề thế giới và đối thoại liên tôn.
Tháng 11 năm 2007, vua Abdullah của Arab Saudi đã là quốc vương đầu tiên của quốc gia này viếng thăm Vatican, chấm dứt mối quan hệ lạnh nhạt giữa các nhà lãnh đạo Saudi Arab và Vatican trong suốt 1400 năm.
Vatican đã nhiều lần đề nghị xây dựng một nhà thờ Công Giáo ở một nơi nào đó tại Arab Saudi, trích dẫn Công ước Najran vào thế kỷ thứ 7 do Muhammad ký kết với các cư dân Kitô giáo trong thế giới Ả-rập.
Ngày nay có một số lượng lớn những lao động nước ngoài là các Kitô hữu, và hàng tuần họ phải vượt biên giới tới một quốc gia lân cận để dự lễ.
Trong bài diễn văn trước ngoại giao đoàn vào tháng Giêng 2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã thẳng thắn yêu cầu Arab Saudi cho phép xây dựng một nhà thờ Công Giáo và đối xử bình đẳng với các Kitô hữu đang lao động tại đây.
Trước Đức Hồng Y Tauran, Đức Hồng Y Bechara Boutros al-Rahi đã là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite đầu tiên đến thăm Saudi Arabia trong chuyến viếng thăm lịch sử hôm 14 tháng 11 năm ngoái, 2017 tại ‘miền đất của tiên tri Môhamét’
Chuyến viếng thăm này là để đáp lại lời mời chính thức từ vua Salman Salman, hoàng thái tử, và nhân vật đứng thứ hai tại Saudi Arabia là Mohammad bin Salman.
Đây là chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tới vương quốc của chủ nghĩa cực đoan Hồi Giáo Wahhabi.
Gần đây, quốc gia này đã đưa ra một loạt các cải cách kinh tế và xã hội, bao gồm việc mở các sân thể thao và cho phụ nữ được lái xe, cũng như những nỗ lực đầu tiên để giải phóng các quan điểm cực đoan Hồi giáo.
Hoàng thái tử là một người đang háo hức thực hiện “Vision 2030”, là một chương trình cải tổ sâu rộng về kinh tế và văn hóa xã hội.
Trong chuyến thăm Riyadh lần này, Đức Hồng Y đã thảo luận với các nhà cầm quyền Saudi Arabia về tương lai của Giêrusalem và hòa bình tại Thánh Địa cũng như trong toàn vùng Trung Đông.
Vào đầu thế kỷ thứ 18, vùng đất ngày nay là Arab Saudi bị chia thành nhiều quốc gia nhỏ do hàng loạt các tiểu vương cai trị. Một trong những tiểu vương này là Mohammed ibn al-Saud. Ông ta cai trị một vùng đất rất nhỏ nhưng lại có một tham vọng rất lớn. Ông đã tiếp xúc với giáo trưởng Hồi Giáo Sunni là Muhammed ibn al-Wahhab, là người có một cách giải thích Hồi Giáo rất cực đoan.
Một liên minh được thành lập. Wahhab đã tạo ra những hào quang Hồi Giáo chung quanh Saud; và sau những cuộc chiến đẫm máu, đầu thập niên 1800, những huyền thoại Hồi Giáo này đã giúp Saud thâu tóm được toàn bộ mảnh đất Arab Saudi như ta thấy ngày nay. Đổi lại, Saud để Wahhab tự do truyền bá thứ Hồi Giáo cực đoan của y và hình thành ra những luật lệ Hồi Giáo rất khắc nghiệt vẫn tồn tại cho đến nay.
Mảnh đất Arab Saudi, nơi các tín hữu Hồi thấm nhuần một thứ Hồi Giáo cực đoan, đã sinh ra hàng loạt những trào lưu khủng bố Hồi Giáo, tiêu biểu là al-Qaeda, hầu áp đặt lên thế giới chủ nghĩa Hồi Giáo Wahhabi và những luật lệ man rợ đi kèm với nó.
Hàng triệu Kitô hữu đang sống tại Arab Saudi. Họ không được quyền thờ phượng công khai, không được có những biểu tượng Kitô Giáo, không được có những tài liệu liên quan đến Kitô Giáo và thường xuyên bị công an tôn giáo bách hại.
Ngày nào dòng họ Saudi còn tiếp tục cai trị quốc gia này, tình trạng trên vẫn không thể được cải thiện.
Đặng Tự Do
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét