Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên làm phép các ghè nước trong đêm Vọng Phục sinh tại nhà xứ Kon Hring ngày 31-3.
Chú Yao phu A Kiêu rất tự hào được chăm sóc ghè nước Phục sinh được đặt bên cạnh bàn thờ trong nhà chú.
“Ghè nước Phục sinh là hình ảnh Chúa Kitô Phục sinh đang ở giữa chúng tôi”, A Kiêu là người Sê Đăng ở làng Kon Đâu Yốp, trong tỉnh Kon Tum.
Dân làng đã rước ghè nước chừng 20 lít nước Phục Sinh trên đoạn đường năm cây số từ nhà xứ Kon Kring về nhà A Kiều sau lễ Vọng Phục sinh hôm 31-3.
Trong Thánh lễ ngoài trời có 5.000 người tham dự, Cha Phanxicô Xaviê Lê Tiên, chánh xứ Kon Hring, đã nhúng cây nến Phục sinh vào 15 ghè nước khi ngài làm phép nước. Trước Thánh lễ, dân làng đã trang trí các ghè nước bằng hoa và dây sặc sỡ và đặt chúng trên gian cung thánh.
“Chúa Kitô Phục sinh là Nước Hằng sống. Chúng ta rước nước về làng để chúng ta có thể có cuộc sống tốt đẹp hơn như Ngài mong ước”, Cha Tiên nói với cộng đoàn.
Những người dự lễ cầm nến sáng trong tay xếp hàng theo từng làng của mình và đi theo sau nến Phục Sinh và ghè Nước Phục Sinh do các trai làng gánh trên vai.
A Kiêu, 53 tuổi, cho biêt dân làng rước các ghè nước về làng và đặt nơi nhà nguyện. Làng của ông không có nhà nguyện nên người ta đặt ghè nước Phục Sinh tại nhà ông, nơi dân làng hàng ngày đọc kinh và tham dự Thánh lễ hàng tháng do linh mục xứ cử hành.
Giáo xứ 127 năm tuổi có 10.000 người Sê Đăng và 500 người Kinh có 15 ngôi làng. Hầu hết sống bằng nghề trồng lúa, cà phê, cao su và những cây hoa màu khác.
Một số làng có nhà nguyện trong khi những làng khác không có và người dân phải tập trung cầu nguyện tại nhà các gia đình.
Vợ của A Kiêu là Y Thoan cho biết bà con dùng nước thánh trong các nghi thức rửa tội, làm phép nhà mới, huyệt mộ và các nghi lễ khác.
“Chúng tôi quý trọng Nước Phục Sinh giúp nuôi sống linh hồn trong khi nước bình thường dùng cho đời sống thể xác”, chị nói.
Ông A Kiêu cho biết tổ tiên của họ có lễ cúng nước giọt (nguồn nước). Hàng năm trước mùa mưa, dân làng dọn sạch sẽ cỏ rác ứ đọng ở đầu nguồn, phát quang bụi rậm, khơi thông các khe đá, sửa sang lại dòng suối, thay các ống dẫn nước mới. Rồi thầy cúng làm lễ cúng trâu bò cho nguồn nước mới.
Khi các Cố Tây đến truyền giáo ở thế kỷ 19, các ngài khuyên dân không cúng trâu bò tế thần nước nữa. “Các Cố Tây làm phép nguồn nước, rồi đặt cây thánh giá ngay chỗ ống dẫn nước chính của giọt nước, nhắc nhớ Chúa Kitô là Nước Hằng Sống”, ông nói.
Ông A Kiêu, có 10 đứa con, cho biết năm 1972 các cơ sở của giáo xứ kể cả nhà thờ bị hư nát do bom đạn nhưng giáo dân vẫn bảo vệ nguồn nước và thực hành đạo trong nhiều năm dù không có linh mục.
Sau này các linh mục đến phục hồi truyền thống này. Hàng năm các ngài làm phép nguồn nước vào ngày đầu năm dương lịch và đặt thánh giá tại các nguồn nước.
Từ năm 2014 Cha Tiên tổ chức cho giáo dân rước nến Phục Sinh và nước thánh cách trọng thể về các làng.
Ông A Kiêu cho biết truyền thống này nhắc nhở người làng tôn trọng và bảo vệ các nguồn nước cũng như môi trường.
Những năm qua, dân làng đã trồng cây ăn trái trên những vùng đất khô cằn nhằm bảo vệ môi trường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét