“Các hình thể âm nhạc trong giáo đường”. Đây là đề tài được nhạc sĩ (NS) An-tôn Tiến Linh thuyết trình trong Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 42 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức.
Lúc 8g00, thứ Ba, ngày 10/04/2018, tại hội trường B.102, Trung tâm Mục vụ TGP TPHCM: số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM đã diễn ra Hội thảo Thánh Nhạc toàn quốc lần thứ 42 do UBTN, trực thuộc HĐGM Việt Nam tổ chức.
Buổi hội thảo với mục đích Giới thiệu “Các hình thể âm nhạc trong giáo đường” do NS An-tôn Tiến Linh thuyết trình được Lm Phê-rô Phạm Minh Tâm – Trưởng BTN Giáo phận (GP) Long Xuyên khai mạc.
Trong vai trò điều khiển buổi hội thảo, NS Minh Tâm giới thiệu Ban Chủ tọa có sự hiện diện của Đức Giám mục (ĐGM) Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản – Chủ tịch UBTN trực thuộc HĐGMVN, Lm Rô-cô Nguyễn Duy – Thư ký UBTN trực thuộc HĐGMVN – kiêm Trưởng Ban thánh nhạc (BTN) TGP TPHCM và Lm Nhạc sư Kim Long – Nguyên Phó Chủ tịch UBTN. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các Tham dự viên (TDV) là các Ban thường vụ UBTN toàn quốc, Thư ký một số Ủy ban Giám mục liên hệ, các Trưởng BTN 26 giáo phận, quý Lm đặc trách Thánh nhạc của 9 chủng viện, quý vị phụ trách Thánh nhạc các hội dòng, quý Lm cộng tác viên UBTN toàn quốc, các thành viên của Câu lạc bộ sáng tác Thánh ca, các giảng viên Thánh nhạc tại Trung tâm Mục vụ, quý nhạc sĩ, quý ca trưởng và Ban Hợp Xướng Piô X.
Trước đó, Ban tổ chức đã gửi cho mỗi TDV các ấn phẩm Thánh nhạc: Đĩa nhạc TÂM CA THÁNH – Volume 4 của NS Đặng Đình Khoa, Nội san Hương Trầm số 27, Tuyển tập 100 bài NGỢI CA TÌNH YÊU – 50 NĂM TRI ÂN CẢM MẾN do Lm Nhạc sư Kim Long sáng tác và cho xuất bản nhân dịp ghi nhớ 77 tuổi đời (1941-2018); Kỷ niệm 61 năm viết Thánh ca (1957-2018) và mừng KIM KHÁNH LINH MỤC (1968-2018) của ngài và Thiệp mời tham dự Đêm Thánh Ca CẢM MẾN HỒNG ÂN và THÁNH LỄ TẠ ƠN 50 NĂM HỒNG ÂN – KIM KHÁNH LINH MỤC của ngài.
Phần thuyết trình
“Các hình thể âm nhạc trong giáo đường” được NS An-tôn Tiến Linh lần lượt giới thiệu qua tài liệu đối chiếu, Nội san Hương Trầm (NSHT) 27, đặc biệt là sự minh họa sống động cho mỗi hình thể do Ban Hợp Xướng Piô X trình bày.
- Hình thể Đối ca (NSHT 27/ trang 21): Đối ca với thánh vịnh của nó, được dùng lúc nhập lễ, dâng lễ và hiệp lễ. Nguyên tắc căn bản là câu đối ca được sáng tác trong một mô hình hẳn hoi, thường dựa trên mô hình của ca khúc.
- Hình thể Đáp ca (NSHT 27/ trang 21): Được dùng sau bài đọc thứ nhất, cũng như hình thể đối ca, đây cũng là một kiểu hát thánh vịnh. Hai hình thể Đối ca và Đáp ca đều có chung tên gọi là hình thể Tiến cấp; Người lĩnh xướng đứng trên bục đọc sách mà hát câu Thánh vịnh, đó là chỗ đứng lý tưởng và hợp phụng vụ. Hình thể này có câu Đáp và câu Xướng. Câu Đáp đơn giản, dễ hát để cộng đoàn được tham gia dễ dàng; Câu Xướng cũng đơn giản, có vẻ đọc hơn là hát, nên có thể dành cho một xướng viên đảm nhận.
- Hình thể Alleluia (NSHT 27/ trang 22): Đây là bài hát Alleluia để hát trước khi công bố Tin Mừng trong Thánh lễ. Trước đây, bài Alleluia cũng được viết theo thể Đối ca. Tuy nhiên, Vì cộng đoàn phải đứng lên để chờ lắng nghe chủ tế đọc bài Tin Mừng, nên hình thức hát Alleluia hiện nay đã trở nên khá đơn giản: dùng một câu Thánh vịnh hay một đoạn văn Kinh Thánh phù hợp với ý nghĩa Tin Mừng ngày hôm đó. Nghĩa là chỉ xướng hai hoặc ba lần Alleluia rồi hát hay đọc đoạn văn này, rồi xướng Alleluia một lần nữa để kết thúc.
- Hình thể Ca tiếp liên (NSHT 27/ trang 23): Đối ngược với Hình thể Alleluia, hình thể này có cấu trúc rất phức tạp, bản chất của nó là một bài Vịnh ca mà bản văn là thơ do người sáng tác tự làm ra và nội dung nói về ngày lễ hôm đó. Điểm đặc biệt của Hình thể này là cứ hai đoạn thơ thì đổi sang hát theo một cung điệu khác, nên các NS phải mất rất nhiều công sức để viết một bài Ca tiếp liên.
- Nhạc ngữ Bình ca (NSHT 27/ trang 24): Qua nhiều thời đại, nhạc bình ca luôn được ưu tiên trong thánh nhạc phụng vụ. Nhịp điệu của bài Bình ca rất hồn nhiên thoải mái, không bị nhốt cứng trong các ô nhịp, đơn vị nhịp nhỏ nhất là dấu 1/8 và lớn nhất là dấu 1/4. Điểm đặc biệt là bài Bình ca luôn sử dụng tiếng Latinh.
- Nhạc ngữ Choral (NSHT 27/ trang 25): Hầu hết các bài Choral dùng trong các nguyện đường (cappella) thông thường không dùng đàn đệm theo. Vì thế, người ta quen dần với chữ A cappella để gọi cho một bài choral hát không nhạc đệm. Bài choral có đặc tính đại chúng nên dòng ca không cầu kỳ phức táp, không quá cao và không quá thấp. Dòng ca chuyển hành giống bình ca ở quãng lên xuống, nhưng chậm hơn bình ca, đều đều bình thản, không quá hồi hộp, không quá sôi động.
- Thánh nhạc soạn cho Đại Quản cầm (NSHT 27/ trang 26): Trong Hội Thánh Latinh, Đại quản cầm rất được quý chuộng và được coi như nhạc khí cổ truyền mà âm thanh có thể tăng thêm vẻ huy hoàng kỳ diệu cho những lễ nghi của Hội Thánh và có sức mãnh liệt nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa. Đại quản cầm thích hợp khi sử dụng đúng mục đích của nghệ thuật Thánh nhạc: là những tác phẩm biểu diễn phải đích thực là tác phẩm thánh nhạc, được tác giả sáng tác có mục đích sử dụng trong thánh nhạc phụng vụ.
- Hình thể Hymnus – Vịnh ca (NSHT 27/ trang 27): Đây là một bài ca mà bản văn có nội dung ca ngợi chúc tụng. Tuy có cấu trúc là một bài thơ có nhiều đoạn, nhưng tất cả các đoạn thơ được hát theo một cung điệu duy nhất. Đó là mô hình của ca khúc.
- Hình thể Cantata (NSHT 27/ trang 27): Cantata là một tác phẩm nhạc kịch không diễn viên cỡ nhỏ, trong cantata có nhiều hình thức âm nhạc đan xen vào nhau.
- Hình thể Canticum – Ca khúc (NSHT 27/ trang 28): Còn gọi là hình thể Ca khúc, gồm một điệp khúc và nhiều tiểu khúc. Hình thể này rất được phổ biến và ưa chuộng ở các ca đoàn giáo xứ với mục đích nhằm gia tăng lòng đạo đức cho các tín hữu, mà chỉ được sử dụng trong nghi lễ phụng vụ dưới sự canh chừng của vị Bản Quyền địa phương (Huấn thị Âm nhạc trong Phụng vụ, chương III).
- Hình thể Motetum (NSHT 27/ trang 29): Có thể nói một cách khái quát, Motetum là một bài ca nhiều bè và hát đuổi nhau, đuổi nhau vì nhạc đề được thay phiên nhau xuất hiện. Đây là một hình thể âm nhạc hoành tráng. Được sáng tác bằng những kỷ thuật tinh vi, và phải luyện tập một cách công phu mới có thể trình bày được bài ca mang hình thể này.
Phần ý kiến và giải đáp
Lúc 10g30, sau phần giải lao, mọi người tiếp tục với phần Phần ý kiến và giải đáp:
- Ý kiến của NS Đức Hiệt: đề xuất các NS không nên đưa những ảnh hưởng của nhạc đời vào viết Thánh ca. Chính NS phải thấm nhuần tinh thần của âm nhạc Thánh đường truyền thống. – Mở đầu phần trả lời cho đề xuất này, NS Lm Rô-cô Nguyễn Duy đã nói “Càng gần với Bình ca bao nhiêu, thì càng thánh thiện bấy nhiêu”. Đồng thời, ngài giới thiệu với các NS về lớp LẤY KINH NGHIỆM ĐỂ VIẾT THÁNH CA do Lm Nhạc sư Kim Long hướng dẫn. Qua đó, để các NS có thể thấm nhuần tinh thần của âm nhạc Thánh đường như NS Đức Hiệt mong muốn.
- Ý kiến của NS Cao Huy Hoàng: đề xuất các NS làm công tác Thánh nhạc noi gương những bậc cha anh giữ gìn và phát triển truyền thống Bình ca thánh thiện. Từ đây, NS Cao Huy Hoàng nhắn nhủ với các ca trưởng hiện diện tại buổi Hội thảo: các ca trưởng phải làm sao để huấn luyện cho các ca viên cách hát cho có thanh nhạc. Đồng thời, bổn phận của các ca trưởng và những người làm công tác Thánh nhạc phải dẫn cộng đoàn đi vào sự thánh thiện của phụng vụ. Đúc kết, NS Cao Huy Hoàng nhấn mạnh: Ca đoàn phải làm sao để hướng cộng đoàn vào cái hay của sự thánh thiện, không bị ảnh hưởng bởi những dòng nhạc thị trường đời thường.
- Ý kiến của NS Vũ Đình Ân: Bài CHÚA CHĂN NUÔI TÔI (khởi ý từ Thánh vịnh 22) của NS Phanxicô không thể hát thay thế bài Đáp ca trong nghi lễ An táng (như đã thông qua từ các buổi họp trước). Tuy nhiên, hiện nay, các giáo xứ vẫn chưa có sự thay đổi. NS Vũ Đình Ân cũng mong muốn BTN nên có nhiều buổi giới thiệu về các hình thức hát trong Thánh lễ cụ thể. – Đáp lời cho ý kiến của NS Vũ Đình Ân, Lm Rô-cô Nguyễn Duy nói: Mặc dù đã phổ biến việc không sử dụng bài CHÚA CHĂN NUÔI TÔI của NS Phanxicô vào trong phần Đáp ca của nghi lễ An táng, nhưng vẫn chưa áp dụng rộng rãi do những lần Hội thảo hay những buổi gặp gỡ Thánh nhạc, các ca trưởng ấy không hiện diện, nên cứ hát. Trong cùng một giáo xứ: nên thống nhất cách thực hiện, để tránh sự chia rẽ giữa các ca đoàn. Ngài cũng nhấn mạnh: Trong một bài Thánh vịnh, có bao nhiêu câu Xướng thì phải hát cho hết các câu, như vậy mới đủ ý Thánh vịnh Đáp ca của ngày lễ hôm đó. Không tùy nghi bỏ bớt hoặc chọn lựa câu để hát.
- Ý kiến của phó trưởng Ban Hợp Xướng Piô X - ca sĩ Hoàng Kim về Thánh vịnh Đáp ca. - Lm Nguyễn Duy nhấn mạnh: Thánh vịnh Đáp ca phải hát ở giảng đài. Vì đó là Công bố Lời Chúa. Ngài cho biết, hát Thánh vịnh Đáp ca có những khó khăn riêng. Nên Tòa Thánh yêu cầu phải trung thành với bản văn và kỳ vọng vào NS dệt nhạc dựa trên bản văn đã có cố định. Ngài nói thêm: Những bài Thánh vịnh Đáp ca từ trước đến nay đã được Imprimatur, thì chúng ta cứ tạm thời sử dụng cho đến khi có bản duyệt chính thức của Ủy ban Phụng tự trực thuộc HĐGMVN.
Tổng hợp các ý kiến và thắc mắc, Lm Nguyễn Duy nói: Ca trưởng là linh hồn của ca đoàn. Các ca trưởng nên cẩn thận khi chọn các tác phẩm của NS nước ngoài được chuyển ngữ lời Việt, vì có nhiều nhạc phẩm là nhạc Đời chứ không phải nhạc Đạo. Đồng thời, các NS cũng nên để ý xem bản gốc của tài liệu trước khi đặt lời Việt. Ngài cho biết: mỗi ngày, ngài nhận được không dưới bốn email thắc mắc Thánh nhạc. Ngài thấy đó là dấu hiệu đáng mừng, bởi các ca trưởng hiện giờ đã ý thức được việc hát thánh ca trong phụng vụ sao cho đúng ý của Giáo hội, và hát làm sao để đạt được mục đích tôn vinh Chúa. Khi hát, cũng phải có to, có nhỏ, lúc nhanh, lúc chậm. Ngài nói thêm: Làm thế nào để bài hát trở thành bài giảng trong Thánh lễ.
Sau cùng, ĐGM Vinh Sơn trao đổi: Thông thường, ca đoàn hát lễ là có đệm đàn. Hôm nào đó, ca đoàn thử hát không có nhạc cụ đệm theo, để cảm nhận lời hát. Lúc đó, chúng ta có cái nhìn khác. Ngài nói thêm: Cảm nghiệm trong Thánh ca phụng vụ, lời hát và nhạc rất hay, chứ không phải nhạc cụ đệm vào mới thấy hay. Ngài nói thêm “Mục đích của hát phụng vụ là giúp cho cộng đoàn dân Chúa nâng tâm tình cầu nguyện đến chỗ hiệp nhất”. Sự hiện diện của các ca đoàn trong Thánh lễ rất quan trọng. Thế nhưng, khi có những yếu tố khác làm mất đi sự hòa hợp, hiệp nhất trong hội đoàn, thì Đấng Bản Quyền có quyền có những quyết định.
ĐGM Vinh Sơn tiếp: Nhờ có những buổi hội thảo này, chúng ta có sự thống nhất từ trên xuống dưới về cử hành phụng vụ và sử dụng Thánh nhạc trong phụng vụ như thế nào dẫu cho chúng ta chưa phổ biến hết cho tất cả các hội đoàn trong giáo xứ. Ngài mong muốn, khi mỗi chúng ta đã có cuốn HƯỚNG DẪN MỤC VỤ THÁNH NHẠC, chúng ta tiếp tục mở các lớp cho các ca trưởng và những người phụ trách Thánh nhạc. Khi đó, tính thống nhất sẽ tốt hơn.
ĐGM Vinh Sơn thông báo cho các Tham dự viên biết: Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 43 sẽ tổ chức vào thứ Ba, 16/10/2018.
Sau cùng, Lm Đa-minh Trần Công Hiển – Trưởng BTN GP Xuân Lộc giúp cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa qua bài TÁN TỤNG HỒNG ÂN.
Buổi hội thảo kết thúc lúc 11g30, mọi người cùng chia sẻ niềm vui với nhau qua bữa cơm thân mật tại tầng trệt Khu B của Trung tâm Mục vụ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét