Nhiều người Công giáo khi muốn đọc sách đạo khá lúng túng, không biết mua ở đâu, ngay cả ở những vùng có đông đồng bào Công giáo.
Còn nhiều ưu tư về sách đạo
81 giáo xứ - 5 địa điểm bán sách
Nhiều khu vực tập trung giáo dân nhưng nhà sách Công giáo cũng rất hiếm hoặc phân bố không đều. Vùng Biên Hòa, Hố Nai có 81 giáo xứ, 4 giáo họ và hơn 350.000 giáo dân thuộc các giáo hạt Biên Hòa, Tân Mai, Hố Nai, Hòa Thanh, Phú Thịnh. Thế nhưng cả khu vực chỉ có 5 địa điểm bán sách Công giáo và chủ yếu tập trung trên đoạn đường dài chừng 10 cây số, từ nhà thờ Bắc Hải đến nhà thờ Thanh Hóa.
Việc mở nhà sách kèm theo bán áo lễ, chuỗi Mân Côi hay các vật phẩm dùng trong phụng vụ là một hướng đi thường được lựa chọn bởi số lượng người mua quan tâm đến các vật phẩm tôn giáo nhiều hơn hẳn. Vì vậy, dù được gọi là nhà sách Công giáo nhưng người tìm đến lại bị choáng ngợp bởi sự dàn trải la liệt của các loại ảnh, tượng… mà ít chú ý đến những kệ sách nằm lặng lẽ. Nơi bán đã hiếm hoi, không gian hiện diện lại khiêm tốn nên khả năng thu hút của sách Công giáo bị giảm đi là điều dễ hiểu. Tại hầu hết các cửa hàng nói trên, phần dành cho các ấn phẩm nhà đạo hết sức nhỏ hẹp, chỉ chừng 1/3, thậm chí chỉ gói gọn trên một hoặc hai chiếc kệ, tủ nhỏ nên càng khó gây ấn tượng với người mua. “Chúng tôi vẫn cố gắng giới thiệu các đầu sách cho mọi người với mong muốn giáo dân sẽ yêu thích việc đọc sách đạo hơn nhưng lượng khách hàng mua sách nhiều năm qua vẫn không nhiều”, chị Trinh - nhân viên cửa hàng ảnh tượng Bêtania (Gx Bắc Hải) nói. Khả năng tiêu thụ hạn chế của sách đạo là một trong những yếu tố khiến cho những địa điểm kinh doanh mặt hàng này khó mở rộng quy mô hay phát triển rộng khắp.
Một trong số những nhà sách Công giáo hiếm hoi ở vùng Biên Hòa, Hố Nai
Trong nhận thức của nhiều Kitô hữu, ngoài sách giáo lý, truyện các thánh thì những thể loại sách đạo khác, đặc biệt là sách suy niệm dường như được mặc định dành cho linh mục, tu sĩ; có lẽ vì thế mà họ không mấy hứng thú với việc đọc cũng như tìm mua. Chị Nguyễn Hoàng Mai Trinh (Gx Bùi Chu) chia sẻ: “Ngoài sách giáo lý thì mình không đọc loại sách Công giáo nào khác vì không có thói quen và sợ không hiểu được nội dung chuyển tải”.
Ký gởi trong nhà sách thông thường
Do ít nơi phân phối, khả năng độc giả tiếp cận sách đạo bị hạn chế. Các tín hữu, nhất là giới trẻ, không hiểu biết nhiều về sách Công giáo. Xoay quanh vấn đề này, chị Hoàng Lưu Tú Nga, đại diện công ty Bayard Việt Nam - đơn vị phát hành nhiều tập sách Sống Lời Chúa, sách thần học, khơi dậy đức tin cho thiếu nhi - cho rằng: “Giáo dân nước mình còn ít quan tâm việc đọc sách nên cần phải xây dựng thói quen cho họ trước. Vì vậy, vào năm 2015 chúng tôi có liên kết với một vài nơi thực hiện phát sách miễn phí cho các bạn trẻ nhằm mục đích trên nhưng sau đó hoạt động này đã bị ngưng lại”.
Theo chị Nga, công ty đang thực hiện ký gởi sách tại các nhà sách thông thường và nhận thấy rằng sức mua tại nơi đây thường khá khả quan. Những cơ sở này có hệ thống bày bán chuyên nghiệp và lượng tín hữu đến mua sắm thường cao hơn hẳn. Đối với những ai đang loay hoay tìm đường đi cho sách Công giáo, cách làm của Bayard có thể là một gợi ý để việc đưa sách đến người đọc được thuận tiện.
Hành trình hình thành văn hóa đọc sách Công giáo trong cộng đồng Kitô hữu tại nước ta vẫn còn dừng ở những bước đầu, đòi hỏi sự chung tay của nhiều thành phần trong Giáo hội. Mong rằng trong tương lai, mạng lưới cung cấp sách Công giáo sẽ ngày càng phổ biến để mọi người có thêm cơ hội tiếp xúc với sách, hầu làm phong phú đời sống tâm linh.
TRÚC YÊN
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét