Cách đây 15 năm, ngày 4 Tháng 5 năm 2000, tôi đã tổ chức Mừng Ngân Khánh Linh mục của mình. Và ngày 04-5-2015 vừa qua, tôi đã cùng với một linh mục bạn mừng chung, ông linh mục bạn thì mừng Ngân Khánh Linh mục, còn tôi thì mừng 40 năm Linh mục. Trong những dịp nầy, để chuẩn bị cho Ngày Lễ Kỷ Niệm, tôi đã dành ra một năm trước đó, để suy tư và nhìn lại con đường mình đã đi qua, để so sánh con người và cuộc đời linh mục của mình bây giờ và trước đó 25 năm, và 40 năm . Đó là những điều mà hôm nay tôi muốn chia sẻ với các anh em linh mục của mình, đặc biệt với hai Cha Giuse NGUYỄN VIỆT HUY, và Giuse NGUYỄN VĂN LỪNG, nhân dịp Lễ Ngân Khánh Linh mục của các ngài.
I- VỀ NHỮNG CÁI NHÌN :
Ngày vừa mới được thụ phong linh mục, đôi con mắt vẫn còn trong và sáng, người ta thường cho rằng cần phải có cái nhìn minh bạch, rạch ròi : trắng là trắng và đen là đen, tốt là tốt và xấu là xấu, đúng là đúng và sai là sai, thật là thật và giả là giả, địch là địch và ta là ta, hay là hay và dở là dở, nguyên tắc là nguyên tắc ! Ranh giới giữa hai bên có vẻ như khá rõ ràng, minh bạch, không thể nào chung đụng hay dung nạp nhau được ! Người ta có khuynh hướng coi trọng nguyên tắc, luật lệ và sự thật hơn cả tình yêu thương và lòng bác ái, vì thế, đôi khi có những cung cách giải quyết hết sức nghiệt ngã, xúc phạm đến giáo dân và tha nhân cách nghiêm trọng !
Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những đụng độ, những va chạm, những mất mát và nhất là với những thất bại trong công tác mục vụ, đôi con mắt có lẽ cũng đã bắt đầu mờ đục, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người ta mới khám phá ra rằng ranh giới giữa chúng không hẳn bao giờ cũng thế ! Hay, nói theo ngôn ngữ của Hermann HESSE, trong tác phẩm “Câu chuyện của dòng sông”, “ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau chỉ như một sợi tơ mành” ! Từ đó, có thể người ta sẽ tỏ ra bao dung hơn, dễ dàng tha thứ hơn, dễ dàng khiêm tốn hơn, trước Thiên Chúa và tha nhân; từ đó người ta cũng có thể nhận ra rằng điều tối thiết trong cuộc sống không hẳn là nguyên tắc, luật lệ hay sự thật mà là tình yêu, và lòng bác ái ! Nhưng, cũng có thể vì thế người ra sẽ dần mất đi cảm thức tội lỗi, dần có khuynh hướng tương đối hóa tất cả mọi sự, mọi vấn đề !
II- VỀ NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN :
Ngày vừa mới được thụ phong linh mục, với tâm hồn phơi phới rộng mở, ngây thơ, người ta cứ nghĩ mình có thể vòng tay bao trùm và yêu thương cả thế giới loài người, tất cả mọi người ai cũng có thể là bạn ! Người ta hăm hở mở rộng trái tim của mình ra với tất cả mọi người ! Người ta muốn giao du với tất cả mọi người, mọi thành phần xã hội, mọi giới ! Cách ngây thơ, có vẻ như người ta cứ tưởng ai cũng như mình ! Có vẻ như người ta có thể tâm sự, trang trải lòng mình với tất cả mọi người !
Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những đụng chạm âm ỉ hay có khi nẫy lửa, với những hiểu lầm và ngộ nhận, với những phản bội của những người vốn thân thiết với mình, của giáo dân, của các đồng nghiệp, thậm chí cũng có khi cả của chính bề trên của mình, trái tim người ta xem ra như teo tóp lại, và lúc bấy giờ người ta mới nhận ra rằng hình như thế giới bao quanh mình đang ngày càng thu hẹp lại, nhỏ bé hơn nhiều so với điều mình hằng nghĩ tưởng ! Bạn bè ngày càng ít đi, kẻ thì “về chầu Chúa”, người thì bận rộn với những lo toan của mình ! Giới trẻ thì tìm cách xa lánh ! Con cháu vì không còn nhờ vả được gì, nên cũng từ từ xa lánh, lãng quên ! Thế giới dần dần co cụm lại chỉ còn quanh quẩn với một số ít người ! Điều đó có thể giúp người ta nhận ra được những giới hạn của mình, của kiếp người, kể cả sự bất lực của mình để từ đó càng đặt niềm tin cậy phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi ! Nhưng cũng có thể tình trạng đó sẽ đẩy người ta vào thế giới khép kín chỉ với một vài “đối tượng” nào đó thôi và nếu đó là bóng dáng của những bà Evà, thì tình hình sẽ lại càng hết sức phức tạp ! Hoặc người ta cứ mãi sống trong tâm trạng thường xuyên bất mãn với tất cả mọi người, thậm chí kể cả với chính bản thân mình !
III- VỀ NHỮNG KHẢ NĂNG CỦA MÌNH :
Ngày mới được thụ phong linh mục, người ta tin rằng tự mình mình có thể “đội đá vá trời”, làm được tất cả mọi thứ, không cần ai ! Và rồi người ta hăng say ra đi, hồn tràn ngập hân hoan và niềm hy vọng, miệng hát ca ! Người ta hùng hục làm việc, bất kể ngày đêm, bất kể những can ngăn góp ý của những người từng trải, kinh nghiệm và khôn ngoan !
Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và công tác mục vụ, với vô vàn vô số những điều lực bất tòng tâm, lúc bấy giờ, hoặc có thể người ta khám phá ra sự yếu đuối, mỏng dòn của con người, dù đó là linh mục, để nhận ra rằng mình chẳng là gì cả, và tất cả chỉ là những hồng ân của Chúa ban cho, từ đó, người ta sẽ có thể khiêm tốn hơn, và dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người hơn ! Nhưng, cũng có thể vì thế, người ta sẽ đâm ra thất vọng, chán nản, đối với bản thân mình, đối với tha nhân và có lẽ kể cả đối với Thiên Chúa và Giáo Hội; và đây sẽ là một tình trạng hết sức nguy hiểm, có thể tạo cơ hội dẫn người ta đến cuộc sống buông xuôi, phóng túng, bất kể dư luận !
IV- VỀ SỨ MẠNG ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI LINH MỤC :
Ngày mới được thụ phong linh mục, với ngọn cờ lý tưởng trong tay, người ta hăng hái lên đường như một dũng tướng, với biết bao mộng ước và với niềm hy vọng thầm kín cứu độ cả và thế giới !
Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những mất mát, với những kinh nghiệm về những mẻ lưới thâu đêm chẳng thu hoạch được gì, với những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và trong công tác mục vụ, cả một đời linh mục chẳng biết có cứu độ được ai không, nhưng bản thân mình thì nhiều lần có nguy cơ “mất mạng”. Người ta đã bỏ ra biết bao công sức, vất vả, nhưng con người và thế giới có vẻ chẳng có gì tiến bộ hơn. Đứng trước cái mênh mông của Thế giới, người ta mới nhận ra được mình nhỏ bé và bất lực làm sao ! Lúc bấy giờ, hoặc có thể từ đó người ta mới nghiệm ra rằng vai trò và sứ mạng đích thực của người linh mục không phải là cứu độ thế giới, bởi vì đó là vai trò và sứ mạng duy nhất và phổ quát của Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đấng đã thực hiện một lần trong lịch sử là đủ (xem Dt 7, 26-28), - mà sứ mạng hàng đầu và chủ yếu của người linh mục là loan báo Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô và làm chứng về Ngài cho muôn dân : vai trò của người linh mục là gieo hạt giống, còn việc hạt giống đó có mọc lên không, lúc nào, nơi nào, và như thế nào đó là việc của Chúa (xem Dụ ngôn nơi Mc 4, 26-29)! Nhờ xác tín như vậy, người ta sẽ có thể khiêm tốn hơn trước mặt Chúa và tha nhân ! Nhưng, cũng có thể vì thế mà người ta sẽ lâm vào tình trạng thất vọng ê chề, hết còn muốn tin tưởng vào ai và vào cái gì, cứ để mặc đời mình như “bèo dạt mây trôi”, như con thuyền không lái, sống không mục đích, không lý tưởng !
V- VỀ CĂN TÍNH CAO CẢ CỦA CON NGƯỜI LINH MỤC :
Ngày mới được thụ phong linh mục, người ta ngây ngất ngắm nhìn mình và được giáo dân ngắm nhìn qua những bản thánh ca ca tụng chức linh mục mà phần lớn là của những tác giả chưa kinh qua năm tháng nào của cuộc đời linh mục ! Trong khi để có thể là Thiên Chúa thật của con người, Đức Giêsu-Kitô đã phải làm thật là con người trước đã, thì đối với một số người có vẻ như người ta vẫn cứ nghĩ rằng mình có thể làm một một linh mục thật mà không cần phải thật là con người trước đã ! Với tâm trạng đó, trong khi căn tính linh mục là điều mà người ta đang là và sẽ là hơn là điều mà người ta đã là, người ta dễ dàng có những cung cách hành xử, những lời ăn tiếng nói, hoặc những phản ứng trịch thượng, thiếu khiêm tốn với giáo dân và những người mà người ta tiếp cận, thậm chí có khi cả với những anh em linh mục đáng tuổi cha chú của mình !
Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, mình mẩy đầy thương tích, có khi là những vết thương trí mạng, hậu quả của những cuộc chiến đấu gian khổ bảo vệ đức khó nghèo, đức tuân phục và nhất là đức độc thân khiết tịnh, cùng với những lần sa ngã, những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và trong công tác mục vụ, với những đụng chạm có khi nẫy lửa với bề trên, với anh em linh mục và với giáo dân, với những mặt tiêu cực của Giáo Hội, với những hiểu lầm ngộ nhận từ nhiều phía, người ta có thể có hai phản ứng : a) hoặc từ đó, người ta có thể hiểu ra rằng sự cao cả của con người linh mục không phải đến từ mình hay từ Giáo Hội, mà là một ân huệ tình yêu hoàn toàn nhưng của Thiên Chúa đối với mình, dù mình hoàn toàn chẳng có công trạng gì hết cả, và ân huệ nầy được chuẩn bị từ vĩnh hằng trong Đức Kitô, Con và Ngôi Lời nơi Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi (người ta được gọi và được chọn từ khi người ta chưa được sinh ra làm người !), điều đó sẽ giúp cho người linh mục suốt đời sống trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa và tất cả mọi người; b) hoặc cũng có thể từ đó, người ta đâm ra nghi ngờ về chính căn tính linh mục của mình ! Và một khi người ta đã đánh mất căn tính linh mục của mình, người ta rất dễ dàng trở thành ác quỉ trong tương quan với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với mọi người !
Để kết thúc bài chia sẻ nầy, tôi xin mạo muội gửi đến quí bạn Bài thơ mà tôi đã viết cách đây 15 năm khi tôi mừng Ngân Khánh Linh mục của mình, mang tên “Người chiến binh khờ” :
NGƯỜI CHIẾN BINH KHỜ
Chúa ôi ! Trong cuộc đời linh mục
Có nhiều lúc, con thấy nản lòng !
Ngày lại ngày là khoảng trống không
Con vất vả thâu đêm : vô ích !
Mẻ lưới cất lên, toàn trầm tích
Vỏ sò, vỏ hến và san hô…
Bao nhọc nhằn đêm trắng hư vô !
Bao gắng sức, chỉ toàn thất bại !
Con gieo lúa, mọc lên cỏ dại !
Con trồng hoa, cỏ cú mọc lên !
Con yêu thương, người lại ghét ghen !
Con hòa giải, người gây chia rẽ !
Với biết bao mỹ từ đẹp đẽ
Con đã dùng rao báo Tin Mừng
Nhưng, con người vẫn cứ dững dưng…
Giữa cuộc sống xô bồ hưởng thụ,
Con như chiến binh khờ bám trụ,
Dẫu quân thù đã ở bên trong !
Suốt cuộc đời, như kẻ hát rong
Miệng hát ca, bên trong nguội lạnh !
Con đã tham gia bao trận đánh,
Người trở về được thưởng chiến công,
Như dã tràng xe cát Biển Đông,
Con trở về, hai bàn tay trắng !
Thế mà Chúa mãi hoài im lặng !
Cứ như là chẳng có chuyện chi !
Bỗng, con nghe tiếng Chúa thầm thì :
“Ừ ! Đời ngươi quả nhiều thua thiệt !
Duy có một điều ngươi không biết :
Đó là ngươi vẫn mãi yêu Ta.
Ngươi đâu hay, đó mới thật là
Chiến công Ta vẫn hằng mong mỏi…”
Vâng, nói cho cùng, TÌNH YÊU mới chính là chìa khóa để có thể hiểu được cách chính xác nhất căn tính của con người linh mục. Được yêu thương hơn những người khác, vì thế, linh mục phải là con người yêu thương Đức Giêsu-Kitô, Hội Thánh, Thân Mình của Ngài và tha nhân hơn những người khác (xem Ga 21, 15-18). Yêu thương như Đức Giêsu-Kitô yêu thương (xem Ga 13, 34; 15, 12). Vâng, là linh mục, đơn giản chỉ thế thôi !
LỜI KINH CỦA MỘT LINH MỤC DỰA TRÊN TÁM MỐI PHÚC THẬT
1- Một cuộc sống “khó nghèo” : Lạy Chúa Giêsu, xưa, Chúa đã có những mối quan hệ thân tình với cả những người giàu cũng như người nghèo, nhưng, trong những cung cách hành xử, trong những phán đoán của mình, Chúa vẫn luôn là con người hoàn toàn tự do, không nô lệ ai và điều gì cả, xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ loại trừ ai, người giàu có cũng như kẻ nghèo hèn, và cũng đừng bao giờ lệ thuộc vào ai cả, bởi vì kẻ nghèo cũng như người giàu đều cần ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô…
2- Một con người hiền lành : Lạy Chúa Giêsu, xưa, đôi khi Chúa có la mắng, nặng lời với ai đó, thì đối tượng hầu hết là những kẻ giàu sang, có quyền thế và những hạng trí thức ngoan cố, lươn lẹo, còn đối với những người bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật hầu như Chúa luôn tìm cách an ủi, vỗ về, khuyến khích, chứ không bao giờ la mắng họ; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con biết có những lời ăn tiếng nói, những cung cách ứng xử hiền lành đối với tất cả những người nghèo khổ bất hạnh, kể cả anh chị em lương dân, khi họ cần và đến với chúng con để được giúp đỡ…
3- Biết lo nỗi lo của Giáo Hội và của tha nhân : Lạy Chúa Giêsu, xưa, suốt cả cuộc đời của mình Chúa luôn canh cánh lo toan cho những công việc của Chúa Cha, và của nhân loại; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con đừng bao giờ nhìn, đánh giá các con người, các biến cố, các sự việc của Giáo Hội và của thế giới qua đôi con mắt trần tục, hạn hẹp, vụ lợi và vị kỷ của chúng con, mà qua đôi con mắt của Chúa và lăng kích chiều kích phổ quát của Hội Thánh Kitô…
4- Một cuộc đời có lý tưởng, có định hướng và có hoài bảo cao cả : Lạy Chúa Giêsu, xưa, trong suốt cuộc đời trần thế của mình không một giây phút nào Chúa lơ là đối với lý tưởng đời mình là “làm sao cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và đó chính là điều làm nên căn tính (hay là chính danh, hay là sự công chính) là Con của Chúa; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con đừng chỉ quanh quẩn với những giá trị chóng qua của thế gian nầy (như sắm xe đời mới, IPhone mới, IPad mới, đồng hồ mới, quần áo mới, nhà cao cửa rộng, những chai rượu đắt tiền, ăn uống, nhậu nhẹt say sưa…), mà biết hướng về những vấn đề cao cả hơn như Chúa đã sống, vốn là những điều làm nên căn tính linh mục đích thực của Chúa và của anh em chúng con…
5- Một con người giàu lòng thương xót : Lạy Chúa Giêsu, xưa, Chúa luôn yêu thương và giàu lòng thương xót đối với tất cả mọi người, không phân biệt, nghèo cũng như giàu, giáo cũng như lương; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con phản ảnh được cách trung thực lòng thương xót của Chúa nơi những lời ăn tiếng nói, nơi những hành vi, cử chỉ, nơi những cung cách ứng xử đối với bất cứ những ai đến với chúng con hay mà chúng con có dịp tiếp xúc, bởi vì chỉ có tình yêu mà biểu hiện tuyệt vời nhất là lòng thương xót mới có sức cảm hóa được lòng người…
6- Một con người trong sáng như pha lê trước Nhan Thánh Chúa và trước mặt mọi người : Lạy Chúa Giêsu, xưa, trong suốt hiện sinh cuộc sống trần thế của mình, Chúa hằng luôn trang trải lòng mình trước Tôn Nhan Cha của mình, cũng như trước mặt con người; nay, xin cho anh em linh mục chúng con cũng có cuộc đời trong sáng như pha lê trong tương quan với Chúa, với Giáo Hội và với tất cả mọi người, để nhờ đó có thể phản ảnh được chính Chúa, và khi nhìn vào và qua anh em linh mục chúng con, mọi người có thể nhận ra được phần nào dung mạo tình yêu của Chúa…
7- Một con người tác tạo hòa bình và hiệp nhất : Lạy Chúa Giêsu, xưa, để tác tạo hòa bình và hiệp nhất, Chúa đã sống cách tốt đẹp những mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh Kitô, với mọi người, với thiên nhiên vạn vật và với chính bản thân mình; nay, xin Chúa ban cho anh em linh mục chúng con biết sống tốt những mối tương quan “Thiên-Địa-Nhân hòa” nầy, vì đó là nguồn cội của mọi thứ hòa bình và hiệp nhất đích thực…
8- Một người tôi trung của Thập Giá : Lạy Chúa Giêsu, xưa, dù có khi cũng ngại ngùng, sợ hãi, và muốn trốn tránh, tháo lui, dù có lần cũng bị cám dỗ chạy theo con đường tìm kiếm vinh quang dễ dãi và chóng qua của thế gian, nhưng Chúa vẫn luôn trung thành với Con đường Thập giá mà Chúa Cha đã an bài cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con mãi mãi trung thành với con đường thập giá mà mình đã lựa chọn, bằng cách ngày lại ngày, dù thuận hay nghịch, vui hay buồn, vác lấy những thánh giá của cuộc sống hằng ngày, vì đó chính là con đường mang lại vinh quang và hạnh phúc đích thực… AMEN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét