Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 28 tháng 6, 2017

CHÚC MỪNG LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ - Bổn mạng Linh mục Chánh xứ và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ CẦU LỚN


KÍNH MỪNG LỄ BỔN MẠNG
CHA PHAOLÔ NGUYỄN PHONG PHÚ
CHÁNH XỨ CẦU LỚN
HỘI ĐỒNG MỤC VỤ GIÁO XỨ

***


Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô tông đồ không phải là ngày tử vì đạo của các ngài, nhưng có lẽ là ngày di chuyển hài cốt của hai vị vào hang toại đạo, gần nhà thờ Thánh Sebastianô ngày nay. Người ta cử hành thánh lễ này lần đầu tiên trong lịch của thành phố Rôma vào năm 354.

Thánh Phêrô

Thánh Phêrô lúc đầu có tên là Simon, là người anh em của thánh Anrê. Ngài xuất thân từ Betsaida miền Galilê, làm nghề đánh cá và đã có gia đình. Trong một lần đánh cá ở trên biển, Chúa Giêsu đã gọi ông đi theo Ngài và đặt cho ông tên mới là Kêpha ( Phêrô), theo nghĩa Do Thái thì Phêrô có nghĩa là Đá.Tên mới này nói lên sứ vụ trong tương lai của ông (x. Mt 16.13-20). Thánh Phêrô là người đứng đầu trong danh sách Mười Hai Tông Đồ của Chúa Giêsu.

Thánh Phêrô là một trong ba môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Thánh nhân được Chúa cho tham dự vào hầu hết những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa. Tên của ngài luôn luôn đứng đầu trong các vị tông đồ. Khi nói về Thánh Phêrô, người ta không thể không nhắc đến việc ngài đã chối Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chính qua biến cố này mà ngài đã trở nên một tông đồ vững mạnh để dẫn dắt Giáo hội sơ khai.

Nói về thánh Phêrô chúng ta phải nói về lòng quảng đại của ngài, đó là vừa khi được Chúa gọi, thì Phêrô đã nhanh nhẹn từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Bên cạnh lòng quảng đại, chúng ta còn thấy ở nơi ngài một đức tin chân thành. Cũng vậy, trên con đường theo Chúa, Thánh Phêrô còn có một đức tính hiếm hoi mà những người khác ít ai có được, đó là lòng gắn bó keo sơn với Chúa. Sau Phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu có giảng một bài giảng về Bánh Hằng Sống. Bài giảng đó đã đánh dấu một khúc ngoặt mới trong cuộc đời công khai của Chúa. "Lạy thầy, bỏ thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Nhưng đức tính mà nhiều người cảm phục nhất trong cuộc đời của thánh nhân, đó là lòng khiêm nhường. Kinh Thánh cho ta thấy sự khiêm nhường rất cụ thể như sau: khi Chúa cho các ông bắt được một mẻ cá lạ. Trong khi các môn đệ khác chỉ có thái độ cầm chừng thì Phêrô đã đến quì trước mặt Chúa và thưa với Người: "Lạy Thầy, xin tránh xa con ra vì con là một người tội lỗi". Thánh nhân ý thức được cái thân phận yếu đuối của mình trước sự hiện diện của Chúa. Cũng vậy, khi Chúa Giêsu quở mắng ngài một cách thật nặng lời là Satan hãy lui lai đằng sau Thầy, thì ngài cũng không thể hiện một phản ứng mạnh nào.

Sau khi Chúa Giêsu về trời, Thánh Phêrô lãnh đạo cộng đoàn tại Giêrusalem. Ngài đón nhận những người ngoại giáo đầu tiên gia nhập vào Hội Thánh ( Cv 10,11). Ngài đã dừng chân tại Rôma và được phúc tử đạo dưới thời hoàng đế Nêrô khoảng năm 64-67.

Thánh Phaolô

Bốn sách Phúc Âm không nói một câu nào về Thánh Phaolô và chúng ta chỉ được biết về thánh nhân sau khi Chúa Giêsu đã về trời. Thánh nhân không thuộc nhóm mười hai tông đồ. Ngài là một tông đồ sinh sau đẻ muộn nhưng là một tông đồ đặc biệt. Thánh nhân xuất hiện không như một người về phe với Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu, và còn tệ hơn là như một kẻ thù. Chúng ta còn nhớ thật rõ câu chuyện thánh nhân tình nguyện đi Đamas để lùng bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu. Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những Kitô hữu này mà Chúa đã chinh phục thánh nhân. Cuộc chinh phục rất đột xuất làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Thế nhưng đó lại là công việc của Chúa.

Chúa chọn Thánh Phaolô để sai ngài đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Chính vì thế ngài cũng được gọi là Tông đồ dân ngoại. Hành trình đem Tin Mừng đến cho muôn dân của ngài là một hành trình trải dài qua nhiều nơi khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy được hành trình truyền giáo của thánh nhân qua sách Công vụ tông đồ và qua các thư của ngài gửi đến các giáo đoàn mà ngài đã thiết lập. Để có thể hiểu cuộc đời theo Chúa của thánh nhân một cách rõ nét hơn, chúng ta hãy đọc lại Sách Công vụ Tông đồ và nhất là những bức thư nổi tiếng mà thánh nhân còn để lại.Thánh Phaolô được phúc tử vì đạo vào năm 67.

Noi gương hai thánh tông đồ để lại, chúng ta hãy luôn gắn kết cuộc đời mình với Đức Kitô để kín múc nơi Ngài nguồn sức mạnh của tình yêu, trao ban và chia sẻ cho mọi người. Đồng thời chúng ta cũng hãy biết sống chứng nhân Tin Mừng và loan báo Tin Mừng cho mọi người trong một đời sống vui tươi, bình an và hạnh phúc khi được làm con cái Chúa.

Phêrô Dương Hải Văn SDB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét