Chúng tôi đang ăn tối tại Tòa Giám mục Garissa, một căn nhà đơn giản và sạch sẽ, nơi mà sự tiếp đón cho thấy trái tim lớn lao của đức cha Joe, tên gọi thân mật của đức cha Josep Alessandro. Tôi ngồi đối diện với ngài, bên phải là thầy Joseph và bên trái là Jimmy; bên trái đức cha là Doreen. Chúng tôi gần kết thúc một ngày dài, bắt đầu từ 4 giờ sáng; một ngày mà tôi, Jimmy và Doreen bị hoảng sợ vì tai nạn xảy ra trên đường đi; một ngày đói khát, nóng nực và sợ nhóm Al Shabaab – đảng Trẻ - một nhóm Hồi giáo bảo thủ ở châu Phi…
Tại bàn ăn, chúng tôi nói về tầm quan trọng của sự kiên định của các Kitô hữu trước các thánh thức của chủ nghĩa hồi giáo. Tôi kể lại với đức cha về các kinh nghiệm của tôi khi ở Iraq, ở Gaza và ở Bura Tana. Chủ nghĩa Hồi giáo bạo lực, trước khi nổi giận với các Kitô hữu, họ nổi giận với các dấu hiệu của Kitô giáo; trước tiên là các Thánh giá và các tượng Chúa chịu nạn. Tôi nhớ, vào năm 2014, khi tôi đang ở dải Gaza trong thời gian chiến tranh, các nữ tu của Mẹ Têrêsa Calcutta đã kể với tôi: các chị đặt một tượng Đức Mẹ ở lối ra vào của cơ sở nuôi trẻ em khuyết tật người Hồi giáo và treo một chuỗi Mân côi bằng nhựa ở tay Đức Mẹ. Thế mà, hầu như mỗi tuần, chuỗi Mân côi này lại được nhìn thấy nằm trên nền đất, còn thánh giá thì bị đập bể. Các nữ tu nhanh chóng thay thánh giá khác, nhưng rồi thánh giá cũng bị đập bể nhanh chóng. Cũng ở Gaza, Ramy, một tín hữu Tin lành có tiệm bán các sách Kinh thánh, tiệm của anh đã bị đốt và rồi chính anh cũng bị giết cách dã man. Tại Iraq, tôi nhìn thấy các nhà thờ gần thành phố Mosul bị xâm phạm, các thánh giá lớn bị ném xuống đất và vỡ tan tành…. Năm ngoái, khi viếng thăm điểm truyền giáo Bura Tana, nơi chúng tôi đã xây một nhà thờ nhỏ kính các thánh tử đạo, trên tường ở lối vào điểm truyền giáo có một thánh giá và thánh giá này đã bị nhổ đi…
Đức cha Joe nghe tôi kể với sự chăm chú và im lặng. Rồi ngài nói với tôi: “Cha không cần phải đi thật xa để tìm những dấu chứng của sự phạm thánh. Tôi kể cho cha nghe một câu chuyện nhỏ. Từ Malta người ta tặng cho chúng tôi một tượng Đức Mẹ rất đẹp, trong tay bế Chúa Giêsu Hài đồng. Tượng cao khoảng một mét, được sơn vẽ cẩn thận, nhưng không có giá trị lớn lắm. Tôi nghĩ đến việc đặt tượng bên ngoài trại mồ côi, nơi nhận nuôi phần lớn trẻ em Hồi giáo, bởi vì ở Garissa không có các cơ sở nhận các trẻ mồ côi như chúng tôi làm. Pho tượng nhỏ được đặt ở lối vào của tòa nhà, với Chúa Giêsu đang giang đôi cánh tay với đôi bàn tay bé nhỏ của Người. Một buổi sáng tồi tệ, tôi tìm thấy pho tượng bị xúc phạm: họ đã đập gãy đôi bàn tay nhỏ và để nó ở chân tượng; một bàn tay bị vỡ vụn, bàn tay còn lại còn nguyên. Tôi đã lượm lại bàn tay nhỏ và quyết định mang pho tượng về tòa giám mục này…
Đức cha tiếp tục nói với tôi: “Pho tượng đó đang ở đây! Cha Luigi, tượng đó đang ở góc nhà bên cạnh cha.” Tôi từ từ quay lại và nhìn thấy pho tượng. Một nỗi buồn da diết tràn ngập trái tim tôi. Chúa Giêsu Hài đồng dễ thương không còn đôi bàn tay nữa. Ngài bị tàn phế rồi! Dường như ngài đã bị khuyết tật, giống như một em bé cần được chăm sóc và giúp đỡ. … Tôi đứng lên, đến gần pho tượng nhỏ với lòng kính mến…. Tôi nói với Chúa Giêsu: “Họ đã làm gì Chúa vậy? Chúa Giêsu của con, họ đã chặt đôi tay của Chúa! Chúng con, những kẻ khốn khổ, làm gì đây khi không có bàn tay thương xót của Chúa?”…
Đức cha Joe nói: “Bàn tay đó chúng ta phải gắn vào pho tượng, nhưng mà luôn thiếu bàn tay kia.” Tôi nói: “Nếu mà mọi người để pho tượng nguyên như cũ, con sẽ lấy bàn tay!” Tôi nhận ra mình hơi táo bạo khi yêu cầu như thế, nhưng bàn tay này thật thu hút tôi. Nó là một thách thức tuyệt vời. Một dấu hiệu của sự khinh miệt mà mỗi cuộc bách hại tôn giáo đều có… Việc chặt đứt bàn tay Chúa Giêsu nghĩa là chà đạp phẩm giá của ngài, đối với tôi, nó là một thách thức dữ dội từ pho tượng câm nín: “Cha Luigi, con có muốn là đôi tay của Ta mà bây giờ bị đập vỡ vì sự hận thù của con người không?”
Thách thức này đi vào lòng tôi như một tiếng nói nhỏ, một tiếng thì thào, rồi nổ bùng như tiếng sấm: “Cha Luigi, hôm nay con có muốn là bàn tay của Ta không?” Bàn tay nhỏ bằng thạch cao, không có giá trị gì mấy, đang nằm trong lòng bàn tay tôi, đưa tôi ngược lại thời gian, nhiều năm trước đây, bàn tay tôi được đức giám mục xức dầu và trở nên bàn tay của Chúa Giêsu khi thánh hiến bánh rượu, khi tha thứ tội lỗi. Bàn tay bị vỡ này thúc đẩy tôi ý thức lại hồng ân được đặt trong tay tôi để phục vụ Giáo hội. Tôi đáp lại tiếng sấm vang trong lòng: “Chúa Giêsu! Con cám ơn Chúa đã thánh hiến đôi tay bất xứng của con, con tạ ơn Chúa đã chọn đôi tay con để thay thế đôi tay của Chúa. Chính giây phút này, con nhắc lại lời thưa vâng của con… Con tạ ơn Chúa và thờ lạy Chúa. Xin luôn gìn giữ chức linh mục của con….” (VoltiDiSperanza 7, Joe 35-42)
Hồng Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét