WGPSG -- “Một số kiểu âm nhạc Tây phương” là đề tài được nhạc sĩ P. Kim (Phêrô Phaolô Phạm Kim) trình bày trong buổi Hội thảo Thánh nhạc toàn quốc lần thứ 40 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức vào ngày 02.4.2017 tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Sàigòn.
Buổi Hội thảo được Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản -Chủ tịch UBTN- khai mạc lúc 08g15. Đến tham dự có linh mục Rôcô Nguyễn Duy - Thư ký UBTN, linh mục nhạc sư Phêrô Kim Long - nguyên phó Chủ tịch UBTN, cùng trên 100 hội thảo viên gồm các ủy viên thường vụ UBTN, các linh mục trưởng ban Thánh nhạc giáo phận, các linh mục đặc trách Thánh nhạc các Đại chủng viện và dòng tu, các linh mục, tu sĩ, nhạc sĩ, giảng viên thanh nhạc và các ca trưởng.
Ban tổ chức đã gửi đến các tham dự viên: Văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” đã được HĐGM Việt Nam chuẩn y chính thức áp dụng từ ngày 28.4.2017; Nội san Hương Trầm số 25 và một số ấn phẩm thánh nhạc...
Phần Thuyết trình
Khởi đi từ phân tích: Âm nhạc được xem là một “ngôn ngữ chung của nhân loại”, thuyết trình viên cho thấy âm nhạc không ngừng phát triển qua mọi thời đại và được cấu thành bởi 3 yếu tố căn bản là giai điệu (melody), hòa âm (harmony) và tiết tấu (rhythm), nhạc sĩ P. Kim đã dẫn hội thảo viên đến với đề tài “Một số kiểu âm nhạc Tây phương” với những điểm chính:
1/ Các kiểu âm nhạc trong góc nhìn giai điệu (melody)
Về cao độ, trường độ... thang âm là tập hợp chuỗi âm thanh tạo nên một giai điệu âm nhạc và có nhiều cách phân loại khác nhau. Tuy nhiên, nhạc sĩ P. Kim đã trình bày giới hạn trong ba loại chính, đó là các kiểu giai điệu theo các hệ thống âm thể, điệu thức và vô âm thể.
- Các kiểu giai điệu theo âm thể (tonality): Theo nghĩa rộng, âm thể được hiểu là tập hợp những nốt nhạc xoay quanh một nốt chính, được gọi là nốt nhạc trung tâm để hình thành nên một giai điệu. Với sự trình bày khéo léo kết hợp với những bài nhạc minh hoạ, nhạc sĩ P. Kim đã giúp tham dự viên hiểu được âm thể trong phạm vi hệ thống thang âm trưởng - thứ (major - minor scale), thang bán cung (chromatic), thang ngũ âm (pentatonic scale), thang âm blues (blues scale) và thang toàn cung (whole tone scale).
- Các kiểu giai điệu theo hệ thống “điệu thức” (modality): Nhạc sĩ P. Kim từng bước đã hướng dẫn tham dự viên hiểu rõ hơn về các điệu thức gần với điệu thức trưởng (điệu thức Ionian, Mixolydian và Lydian); các điệu thức gần với điệu thức thứ (điệu thức Aeolian, Dorian, Phrygian, Locrian và điệu thức trong âm nhạc đương đại). Nhạc sĩ P. Kim nhận định thêm: “Trong góc nhìn về cảm xúc âm nhạc của một giai điệu, thì chính điệu thức mới tạo tính chất tâm lý của nó. Mỗi điệu thức mang đến những cảm xúc, những trạng thái tâm lý khác nhau, mở ra những con được rộng và dài hơn để nhạc sĩ sáng tác và phát triển âm nhạc.
- Các kiểu giai điệu “vô âm thể” (atonality): Nhạc sĩ P. Kim giải thích: Vô âm thể được hiểu một cách rộng rãi là kiểu nhạc không có âm trung tâm, hay không có âm chủ. Như vậy, trong 12 âm bán cung, mỗi âm đều độc lập. Tuy nhiên, căn bản trong kỹ thuật sáng tác trong hệ thống 12 âm này, trước tiên là tạo nên một chuỗi âm (tone row) theo 4 điều kiện sau:
* Chuỗi âm phải sử dụng đủ 12 âm của thang âm bán cung.
* Không lặp lại bất cứ âm nào trong một chuỗi âm.
* Chuỗi âm này phải được bảo toàn như nguyên gốc (prime), viết tắc là P; khi biến cải thành các dạng thức khác bằng cách đảo lộn quãng (inversion), viết tắt là I; đi giật lùi (retrograde), viết tắt là R; hoặc vừa đi giật lùi vừa đảo quãng (retrograde - inversion), viết tắt là RI. Nghĩa là có 4 dạng thức bao gồm: P - I - R - RI.
* Bốn dạng thức này có thể bắt đầu bất cứ bậc nào của thang âm bán cung.
Tuy nhiên, ngày nay nhiều tác giả cũng phối hợp giữa âm thể và vô âm thể trong tác phẩm của mình.
2/ Các kiểu âm nhạc trong góc nhìn kết cấu âm nhạc (musical texture)
Trong âm nhạc, thuật ngữ “kết cấu âm nhạc” được hiểu là sự kết hợp của ba yếu tố chính gồm giai điệu, tiết tấu và hoà âm của tác phẩm. Nó chính là độ dày hay mỏng của bản nhạc, là số lượng các bè, các nhạc cụ và tầm cữ âm thanh giữa các bè cao nhất và thấp nhất, chính là khoa học cao thấp giữa bè cao nhất và bè thấp nhất. Từ ý nghĩa trên, nhạc sĩ P. Kim đã trình bày nội dung phân biệt kết cấu âm nhạc theo 5 loại căn bản là: Đơn âm (monophonic texture); phối âm (heterophonic texture); song âm (biphonic texture); đa âm (bolyphonic texture) và hoà âm (homophonic texture).
3/ Các kiểu âm nhạc trong góc nhìn tiết tấu và nhịp (rhythm and meter)
Nhạc sĩ P. Kim cho biết, tiết tấu tạo nên hình dáng cho giai điệu và hoà âm. Tiết tấu là hơi thở của giai điệu, là sức sống của hoà âm. Tiết tấu thay đổi theo sự vận động và phát triển của văn, hoá xã hội. Từ đó, nhạc sĩ P. Kim đã trình bày các kiểu tiết tấu âm nhạc qua các thời kỳ văn hoá: Thời kỳ Phục Hưng; thời kỳ Baroque; thời Cổ điển, thời Lãng mạn và thời thế kỷ 20.
Nhạc sĩ P. Kim nhận định thêm: Sau nhiều thế kỷ gò bó trong sự cân bằng đều đặn của các loại nhịp đơn hay kép, các nhạc sĩ bắt đầu tìm lại sự phong phú, đa dạng vốn có của tiết tấu. Có nhiều kiểu tiết tấu mới đã được khám phá như: tiết tấu trong loại nhịp hỗn hợp; sự thay đổi giữa câu, giữa đoạn; tiết tấu phức hợp; tiết tấu âm nhạc phổ thông.
Nhận định chung về thánh ca Việt Nam:
Nhạc sĩ P. Kim nhận định: So với hơn một ngàn năm phát triểm âm nhạc Tây phương, thánh nhạc Việt Nam mới chỉ khởi đầu từ thập niên 1930 và đang trong giai đoạn hình thành và khởi đầu cho phát triển. Vì vậy, do nhu cầu phụng vụ, khả năng ca hát và trình độ thẩm mỹ, nên sự phát triển của thánh nhạc Việt Nam còn nhiều hạn chế:
- Về giai điệu: Những bài thánh ca bình dân mang đậm tính Tây phương được các nhà truyền giáo mang vào Việt Nam từ những ngày đầu, đã ảnh hưởng sâu đậm đến cách hát và các cảm thụ thánh ca Việt Nam. Vì vậy, các tác giả thường xoay quanh “kiểu trưởng/thứ” của âm nhạc Tây phương để sáng tác. Rất ít bài được sáng tác theo các thang âm và điệu thức khác.
- Về kết cấu: Rất ít bài được hoà âm theo các kiểu khác với hoà âm thời cổ điển. Tuy nhiên, trong thực tế, nếu khảo sát kỹ về những kiểu hoà âm từ cổ xưa đến đương đại, chúng ta có rất nhiều công cụ để ứng dụng cho hợp xướng tiếng Việt.
- Về tiết tấu: Về tiết tấu của giai điệu và hoà âm, thánh ca Việt Nam hầu hết còn gò bó trong những nhịp 2, nhịp 3 và nhịp 4 (cả nhịp đơn và nhịp kép) của thời kỳ cổ điển.
Về việc sự dụng nhạc cụ cần phải đáp ứng các điều kiện:
- Phù hợp với bầu khí trang nghiêm của thánh đường.
- Phù hợp với sự thánh thiện của Phụng vụ.
- Phải tạo nên sự sốt sắng cầu nguyện nơi các tín hữu.
Kết luận:
Qua gần 2 tiếng diễn giảng, nhạc sĩ P. Kim kết luận:
- Dựa vào quan điểm Phụng vụ và Thánh nhạc, chúng ta phải sáng tác và trình diễn những bài thánh ca sao cho phù hợp với thời kỳ, với đặc tính và hoàn cảnh của mỗi dân tộc, cũng như phù hợp với nhu cầu của mỗi nghi lễ.
- Về phương diện sáng tác, để có được kiểu nhạc khác biệt phù hợp với các tiêu chuẩn thánh nhạc, người soạn nhạc cần phải sống trong bầu khí suy niệm và cầu nguyện mỗi khi sáng tác.
Giải đáp thắc mắc:
Sau giờ giải lao, lúc 10g15 các tham dự viên đã tham gia đặt câu hỏi và giải đáp thắc mắc. Linh mục Phêrô Kim Long cho biết:
- Trong bình ca, hai nốt Si bình hoặc Si giáng không tạo nên thể ấn định, nên tuỳ nghi sử dụng sao cho phù hợp với tâm tình và lời bài hát.
- Thánh vịnh và đáp ca là bản văn cố định được dùng trong Thánh lễ. Vì thế, khi sáng tác, các nhạc sĩ cần tuân thủ qui định chung theo Luật phụng vụ.
Riêng ý kiến về việc vận dụng và phát triển sâu hơn thang ngũ âm của âm nhạc dân tộc Việt Nam, cha Rocô Nguyễn Duy cho biết: “Trong tương lai sẽ có những buổi hội thảo theo chuyên đề để các nhạc sĩ có điều kiện sáng tác”.
Trước khi Đức cha Vinh Sơn đúc kết, cha Rocô Nguyễn Duy ước mong cha Phêrô Kim Long dành thời gian hướng dẫn các buổi chia sẻ về kinh nghiệm sáng tác thánh ca cho anh chị em nhạc sĩ. Ngoài ra, cha Rocô thông báo, ngày 14.5.2018, mừng Kim Khánh Linh Mục cha Phêrô Kim Long để các tham dự viên chuẩn bị.
Công bố văn kiện “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc”
Trong phần đúc kết, Đức cha Vinh Sơn nhận định: “Nhạc đạo và nhạc ngoài đời có sự khác nhau. Nhạc đời có nhiều cách để phá cách hầu tạo nên sự khác biệt của người sáng tác, còn nhạc đạo đối tượng là cộng đoàn phụng vụ. Vì thế, nếu phá cách không đúng, sẽ làm mất đi yếu tố con người và cầu nguyện. Vì thế, chúng ta cần có những buổi hội thảo chuyên đề sâu hơn nữa trong tương lai”.
Nối tiếp, Đức cha Vinh Sơn công bố văn kiện quan trọng “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc”, sau 4 năm chuẩn bị và 3 năm thử nghiệm, đã được HĐGM Việt Nam chính thức phê chuẩn ngày 28.4.2017.
Sau cùng, cha Rôcô thông báo ngày Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 41 sẽ được tổ chức vào sáng thứ Ba, 17.10.2017 tại Trung tâm Mục vụ TGP Sàigòn với chủ đề “Pop music” (nhạc phổ thông).
Buổi Hội thảo kết thúc lúc 11g15 cùng ngày với bài ca kính Mẹ Fatima.
Bài: Hải Vân & Ảnh: Vĩnh ThânNguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170505/38543
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét