Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Ba, 2 tháng 5, 2017

Facebook, bóng tối và ánh sáng

WGPSG/NSTM -- Vào Ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 47 (năm 2013), ĐTC Bênêđictô XVI đã gửi đi một sứ điệp mang tựa đề: “Mạng xã hội, cửa vào Sự thật và Đức tin, những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng.” ĐTC muốn mọi người ghi nhận khả năng hết sức lớn lao của mạng xã hội, và người ta cần dùng nó như cánh cửa để đi vào mà tìm kiếm Sự thật và Đức tin, cũng như tận dụng nó như những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng.
Nếu người ta không sử dụng nó với những mục đích tốt lành như thế, mạng xã hội - thay vì mang lại ích lợi cho con người - sẽ lại trở thành cơ nguy rất lớn cho họ. Ta có thể thấy rõ những nguy cơ này nơi những con người nghiện một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay là facebook.
Hà Anh, tác giả của bài viết “Nghiện facebook – căn bệnh không của riêng ai” đã kể lại một trường hợp tiêu biểu có thực như sau:
“Boconganh là nick được nhiều người biết đến trên facebook. Bất cứ status nào của boconganh đều được các friend like, comments sôi nổi. Cô nàng gần như không còn có thói quen gặp gỡ bạn bè ngoài đời, kể cả những người bạn chơi với nhau trước đây.
Đến một ngày, boconganh bệnh phải nhập viện. Cô vẫn cập nhật tình hình lên facebook và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những comments thăm hỏi. Tuyệt nhiên trong số gần 5000 friend đó, không ai có ý tưởng sẽ đến thăm cô, sẽ nắm lấy bàn tay gầy rộc đi của cô, hay bón cho cô từng muỗng cháo.
Boconganh đắng lòng nhận ra những mối quan hệ bao lâu nay của mình chỉ là ảo. Cô xót xa post thêm một status: “Nếu mình chết đi, bạn bè vẫn ngồi ôm khư khư cái máy tính, hay điện thoại để cập nhật trạng thái. Có đứa còn phải vất vả đi chụp lại những comment tình cảm để chứng minh tình bạn gắn bó lâu năm với dân cư facebook.
Rồi thì những kỷ niệm lớn nhỏ, vui buồn đều lần lượt được liệt kê ra, lôi lên. Họ không rời được cái máy vì còn phải “canh” xem những ai like, rồi trả lời comments. Bận tối mắt tối mũi, thời gian đâu nữa mà đến thắp nhang cho mình. Hoặc có những đứa tranh thủ đến thắp nhang cho mình, vẫn lén trang điểm một chút cho ăn ảnh để nhờ đứa bạn chụp giúp tấm hình. Vài phút sau là “quăng” lên facebook. Lại tất tả về, ngồi vô máy tính comments, like…”.
Dòng status của boconganh làm không khí facebook nặng nề thê thảm. Nghĩ mà vừa thương lại vừa trách boconganh bởi cô đã tự làm khó bản thân mình, làm khó friend trên facebook. Hơn ai hết, cô phải biết những mối quan hệ đó chưa đủ gần gũi để có thể chạm vào tay nhau ở ngoài đời. Còn những mối quan hệ bạn bè trước đây đã bị cô lãng quên đến mức nhạt nhòa đi.
Và một điều quan trọng hơn cả mà cô không biết hay cố tình không biết, tín đồ facebook không có thói quen thể hiện sự quan tâm, yêu thương ở bên ngoài.”
Những bài viết về lợi ích cũng như nguy hại của facebook đầy dẫy trên báo chí cũng như internet. Ví dụ, trong bài Nghị luận xã hội facebook, tác giả Phnglan nhận định “Ta có thể tìm thấy gần như mọi lĩnh vực của đời sống trong FB. Ngoài vai trò là một trang mạng mang tính giải trí hấp dẫn, nơi giao lưu, chia sẻ của bạn bè, người thân, FB còn là một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải những thông điệp, thông tin đến hàng triệu người trên khắp hành tinh. Nó gần giống như một cuốn nhật kí sinh động ghi lại những cảm xúc, ấn tượng, tình cảm, sẻ chia trong cuộc đời thường nhật…” Tuy nhiên: “Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, In-tơ-net nói chung, FB nói riêng, hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại… Đặc biệt, với nhiều hấp dẫn và tiện ích như vậy, FB dễ gây nghiện với giới trẻ.”
Từ những nhận định này, Phnglan hô hào: “Hãy tập trung cao độ vào học tập, hãy cháy lên để mà toả sáng. Và hãy nhớ, đừng mê FB mà quên đọc sách, đừng mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, đừng “phây” đến phờ phạc, phí phạm đời mình vào những điều vô nghĩa.”
Trên facebook, nhiều người đã vô tình biến mình thành kẻ khủng bố người khác và khủng bố chính mình, khi giải bày những tâm sự u tối, thể hiện những bất bình, đưa lên những tấm hình bất ngờ “chộp” được, để rồi sau đó đã phải ân hận cách muộn màng rằng: vì sao mình lại quá thiếu suy nghĩ khi đưa lên những tâm sự, những tấm hình tai hại như thế cho muôn vàn người xem!
Một trường hợp đặc biệt mới xẩy ra: Có trang facebook đã mạo danh thành viên tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để đe doạ, kích động khủng bố. Cả 3 người thực hiện trang này được xác định đều là học sinh và ở độ tuổi 13, 14 (Tuổi Trẻ ngày 2-12-2015).
Khi đọc tin này, tác giả Sơn Nữ Duyên Sa đã viết trên blog của mình:
“Khi đọc đến đây, tôi cảm thấy lo ngại nhiều cho các em. Các em còn quá nhỏ để hiểu ra việc các em làm nguy hại đến bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội như thế nào. Chuyện dại dột của các em thì mọi người đã biết rồi, không cần bàn đến. Đọc các bình luận dưới bản tin thì thấy hầu hết đều lên án 3 em này. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng cần nhìn lại việc quản lý của cha mẹ và những người có trách nhiệm trên các em. Không thể cấm các em xử dụng mạng xã hội, nhất là Facebook vì đó là môi trường để các em tiếp cận với thế giới, học hỏi, giao lưu. Điều cần làm đó là hướng dẫn, kiểm tra và đồng hành với các em để giúp các em biết chọn lựa tốt xấu, đúng sai, cái gì nên bỏ qua, điều gì nên like, hình ảnh nào nên đưa lên, hình ảnh nào không nên đăng.
Làm công tác truyền thông trong Giáo phận, tôi đã được học, được thực tập và sau đó, hướng dẫn các học viên cách dùng mạng xã hội để loan báo Tin Mừng. Và khi phụ trách giáo lý tại giáo xứ Giuse Thợ, tôi cũng đề nghị các em huynh trưởng TNTT tạo tài khoản Facebook để mỗi ngày đưa lên một câu Lời Chúa và chia sẻ một ít tư tưởng liên quan giữa cuộc sống và Lời Chúa, đưa những hình ảnh thật đẹp về các hoạt động của xứ đoàn cho thế giới mạng nhận ra gương mặt Chúa Giêsu đang đồng hành với các em. Các em đã làm việc này rất tốt và khá đều đặn.
Trên Facebook, tôi kết bạn với các em từ lớp Rước Lễ đến lớp Sống Đạo và cả các Huynh trưởng TNTT để quan tâm và hướng dẫn các em hoạt động tốt trên thế giới ảo (ảo, nhưng lại rất thật, rất sống động…). Tôi chia sẻ, bình luận và nhắc nhở các em. Tôi cảm thấy mình cũng phần nào thành công trong việc này khi thấy các em xóa dần những câu nói "bẩn", những hình ảnh không đẹp, giúp các em ý thức hơn để tránh "nghiện Facebook" mà bỏ học, sống khép kín, thụ động trong gia đình, trường học…
Ngày lễ Thánh Phanxicô Xaviê, tôi suy nghĩ đến Lời Chúa: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo. Ai tin và chịu phép Rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt".  Hôm nay lệnh truyền đó đã được Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Giáo Hội: “Hãy đi ra khỏi chính mình” để thực hiện việc loan báo Tin Mừng cho thế giới... Các bạn trẻ thân mến, các con đừng nên sợ hãi trong việc đi ra khỏi chính con người của các con để thực hiện cuộc lên đường! Tin Mừng chính là Lời giải phóng, sẽ biến đổi và làm cho đời sống của các con trở nên tốt đẹp hơn!”
Tôi ra khỏi chính mình hằng ngày khi tôi ra khỏi cái ươn lười thụ động của mình để hăng hái chu toàn trách nhiệm được giao, đồng thời tránh gây ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình, cộng đoàn và những người khác. Tôi ra khỏi chính mình khi tôi biết tha thứ, yêu thương cảm thông với người đau yếu về tinh thần cũng như thể xác. Tôi ra khỏi chính mình khi tôi biết dùng mạng xã hội để chia sẻ Lời Chúa, và gửi những lời yêu thương đến mọi người ở thế giới mạng như lời mời gọi của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông xã hội lần thứ 47: “Mạng xã hội, cửa vào Sự thật và Đức tin, những không gian mới cho việc loan báo Tin Mừng.”
Các Khoá Mục vụ Truyền Thông Tổng Quan (MVTTTQ) rất quan tâm giúp các học viên sống linh đạo truyền thông và trở thành những người loan báo Tin Mừng thời hiện đại nhờ mạng xã hội. Đây là một trong những câu hỏi quan trọng được đặt ra cho họ: 
“Trong thời đại bùng nổ truyền thông hiện đại, có vô số những việc cần làm khi muốn dấn thân truyền thông. Nhưng công việc truyền thông Tin Mừng nào có thể được coi là chính yếu và tương đối dễ làm, dễ sinh nhiều hoa trái nhất trong thời đại này?”
Câu trả lời được gợi ý như sau:
“Một trong những công việc truyền thông Tin Mừng có thể được coi là chính yếu và tương đối dễ làm, dễ sinh nhiều hoa trái nhất trong thời đại này chính là đọc Lời Chúa mỗi ngày và đưa Lời Chúa lên Mạng xã hội (Nhật tác). Đây là công việc truyền thông đơn giản nhất có thể làm được mỗi ngày, nhưng cũng là công việc cốt yếu có khả năng Phúc âm hóa bản thân và loan báo Tin Mừng khá hữu hiệu trong xã hội hiện đại. “
Các học viên của các khoá MVTTTQ được hướng dẫn để thực hiện Nhật tác (đưa Lời Chúa lên mạng xã hội) trước hết trên blog của mình:
-       Khởi sự, họ chép đoạn Tin Mừng của Phụng vụ ngày hôm đó vào trang blog của mình.
-       Bên trên đoạn Tin Mừng này, họ đưa vào một câu chuyện hay một sự kiện nóng bỏng liên quan đến bài Tin Mừng để làm cho bài chia sẻ Tin Mừng trở nên hấp dẫn và thiết thực. Muốn tìm được câu chuyện thích hợp, họ chỉ cần tìm một “từ khoá” (key word) của bài Tin Mừng trong ngày, rồi đưa “từ khoá” này vào ô tìm kiến của Google để có thể tìm thấy ngay một câu chuyện hoặc một sự kiện liên quan đến “từ khoá” ấy.
-       Bên dưới câu chuyện, họ viết một câu dẫn ý từ câu chuyện đến đoạn Tin Mừng, kèm theo một lời cầu nguyện.
-       Họ tiếp tục tìm trên Google một hình ảnh liên quan đến “từ khoá” và đưa hình ảnh này lên trên cùng của bài suy niệm.
-       Sau hết, họ chọn cho bài suy niệm này một tựa đề có sức lôi cuốn người xem.
Khi đã quen, 5 giai đoạn trên đây sẽ được thực hiện rất nhanh chóng. Tuy nhiên nếu trong người mệt nhọc, chỉ cần làm một hay hai giai đoạn cũng được. Lúc nào khoẻ và rảnh rỗi hơn, sẽ làm bổ túc thêm. Điều quan trọng là cần làm đều đặn.
Sau khi làm xong một bài suy niệm đơn giản và rất nhanh gọn như thế, các học viên chỉ cần click vào những biểu tượng facebook, twitter… bên dưới bài blog, là nội dung của bài blog này sẽ nhảy ngay vào facebook, twitter… để chia sẻ Tin Mừng với bao nhiêu người đang hội ngộ với nhau trên thế giới mạng internet.
Đây là việc làm thật thú vị và mang lại nhiều ích lợi, nên đã có những thành viên truyền thông thực hiện rất đều đặn; có những người không bỏ làm ngày nào (ví dụ blog Hướng Về Trời). Bài hát “Truyền Thông Trong Đêm” diễn tả niềm hăng say làm Nhật Tác của họ:
ĐK: Ánh sáng soi dẫn cuộc đời là Lời của Ngài mà con vẫn  suy gẫm đêm đêm, để cứ đêm xuống con đưa vào mạng xã hội: Lời Ngài, dù một câu cũng vừa.
1.    Vừa lòng con yêu Chúa, vừa lòng Chúa thương con, vừa lòng đây: bao anh em đang trên mạng thao thức. (ĐK)
2.    Vừa để tim con thấm Lời của Chúa trong con, để đời con luôn hân hoan đi theo Lời của Chúa. (ĐK)
3.    Vừa để con chia sẻ cùng bạn hữu năm châu, thường gặp nhau trên không gian thế giới phẳng internet. (ĐK)
4.    Vừa để con né tránh hình ảnh xấu vô luân từng làm hư bao con tim khi thăm mạng internet. (ĐK)
5.    Vừa để con yêu mến, tìm gặp gỡ tha nhân ở gần con, chung quanh con, trong gia đình, trong cuộc sống. (ĐK)
Việc truyền thông Tin Mừng trên mạng xã hội trong đêm (hoặc mỗi sáng sớm) và đọc Lời Chúa mỗi tối sẽ giúp cho Lời Chúa đi vào giấc ngủ an bình. Từ đó, Lời Chúa sẽ xuất hiện trong trí của họ ngay khi thức dậy vào sáng sớm hôm sau. Họ sẽ cảm thấy chính Chúa dịu dàng đánh thức họ dậy, nói lời yêu thương với họ để họ thưởng thức tình yêu của Ngài ngay từ đầu ngày. Họ sẽ cùng với Ngài truyền thông tình thương và niềm vui của Chúa trong suốt một một ngày mới…
Nếu thực hiện đều đặn ‘nhật tác’, sau một hoặc hai năm, các thành viên truyền thông có thể tổng hợp và biên tập các ‘nhật tác’ của mình để in ra thành một cuốn sách suy niệm Lời Chúa hằng ngày rất sống động.
Và như thế, mạng xã hội bao gồm facebook cũng sẽ gắn liền với Văn hóa Đọc trong nỗ lực loan báo Tin Mừng trong thời hiện đại. 
Linh Hữu
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170502/38497

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét