Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2017

Năm Mục vụ Gia đình 2017- Gặp gỡ VI: CHÚNG TA SẼ NÊN MỘT XƯƠNG MỘT THỊT

Năm Mục vụ Gia đình 2017:
 Chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống Hôn nhân
Gặp gỡ VI: CHÚNG TA SẼ NÊN MỘT XƯƠNG MỘT THỊT
Mục đích:
Cùng nhau suy nghĩ về chuyện kết hôn, đó là sự kiện ta phải xây dựng dần dà theo thời gian đồng thời học nhìn hôn phối như là một bước khởi đầu của kế hoạch sống. Chúng ta thấy nhiệm vụ luân lý này được thiết lập dựa trên nền tảng của chọn lựa hôn nhân là một chọn lựa trọn vẹn, bất khả phân ly và duy nhất của và đôi bạn thiết yếu phải tin tưởng dự phóng này.

Cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa:

Lời dẫn:
Ơn ta nhận được trong bí tích hôn phối đòi hỏi phải được sống và làm cho mới mỗi ngày: đó là lời hứa đôi tân hôn trao cho nhau khi tuyên bố ưng thuận kết hôn.
Nhiệm vụ luân lý của anh chị sẽ được thực hiện trong một hành trình dài để dần dần trở nên “một xương một thịt” trong khi biết tôn trọng sự khác biệt nhau, để cùng nhau xây dựng một cuộc sống chung nuôi dưỡng bởi một tình yêu trọn vẹn, trung tín, bất khả phân ly và phong nhiêu (sẵn sàng đón nhận và nuôi dạy con cái).
Trong cuộc hành trình này anh chị không đơn độc: trong cuộc sống và trong nhà của anh chị sẽ có Thánh Thần Chúa hiện diện và hoạt động.
Lời Chúa: trong Tin Mừng theo thánh Marcô
“Đức Giêsu bỏ nơi đó, đi tới miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan. Đông đảo dân chúng lại tuôn đến với Người. Và như thường lệ, Người lại dạy dỗ họ. Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ trả lời: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giêsu nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10,1-12).
Linh mục: Trong khi cùng nhau cầu nguyện bằng thánh vịnh 127, chúng ta hãy bày tỏ niềm xác tín rằng sự bình an của Chúa sẽ cư ngụ trong gia đình trung tín với Người, vì Người làm cho gia đình tràn ngập hạnh phúc. Mời các anh chị chia làm hai bè, luân phiên xướng đáp.
Những người nữ: Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may.
Những người nam: Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn.
Những người nữ: Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người. Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc! Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh,
Những người nam: được sống lâu bên đàn con cháu. Nguyện chúc Israel vui hưởng thái bình!
Tất cả: Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa,
Tự muôn đời và chính hiện nay, luôn mãi đến thiên thu vạn đại. Amen.

Câu hỏi giúp suy tư:

– Luật luân lý là gì? Hạn chế các ước muốn và khát khao của con người, cá nhân cũng như đôi bạn, có chính đáng không?
– Anh chị hiểu như thế nào khẳng định sau đây: “Hôn phối không phải là điểm đến nhưng là điểm khởi đầu”? Tại sao, và theo nghĩa nào, với những chọn lựa nào?
– Diễn ngữ tin mừng liên hệ tới hôn nhân sau đây có ý nghĩa gì: “Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt”?

Suy tư:

Đề tài của lần gặp gỡ này là thái độ và hành vi luân lý Kitô giáo của đôi bạn.
Hôn nhân không chỉ gói trọn trong một nghi lễ cử hành, nhưng là một “bậc sống”, tức là một tình trạng của cuộc sống, được trải dài trong thời gian và đòi hỏi phải được làm mới lại mỗi ngày trong khi đối mặt với một chuỗi những điều cụ thể phải quyết định. Nói đến “thái độ và hành vi luân lý” khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy không ít bối rối hay khó khăn. Quả thật, một cách tự nhiên, người ta thường nhìn vấn đề này như một tổng thể các luật lệ và quy tắc được áp đặt bởi lề luật từ bên ngoài: luật lệ và quy tắc được cảm nhận như một gánh nặng phải mang, như một sự giới hạn tự do riêng của mỗi người. Trong bối cảnh văn hóa thời đại hôm nay với đặc trưng chủ nghĩa tương đối về đạo đức khá phổ biến, cảm thức ấy còn thấy rõ ràng hơn.
Ý nghĩa của luân lý Kitô giáo
Không nên lẫn lộn tính luân lý với chủ nghĩa duy luân lý hay chủ nghĩa duy pháp lý (hiểu như là chỉ giữ luật bề ngoài, hay thái độ sống nệ luật). Phải nhìn luân lý như là một dấn thân của tự do và lương tâm của ta tìm kiếm và thực thi sự thiện đích thật, khi ta nhận ra chính chân lý. Lề luật và các quy tắc, theo nghĩa này, là để diễn giải như một ơn huệ của Thiên Chúa nhằm giúp chúng ta nắm bắt được sự thật về mình dễ dàng hơn, để làm sao cho chúng ta trong tự do có thể gắn kết được với Ngài. Điều này đúng cho cá nhân và cũng đúng cho đời hôn nhân. Đặc tính nền tảng của luân lý Kitô giáo là: trong luân lý ấy ơn Chúa đi trước đòi hỏi sống theo lề luật và quy tắc, và ơn này, khi khơi dậy trong ta sự đáp trả và chất vấn tự do của mình, trở thành tiếng kêu gọi ta đảm nhận một lối sống nào đó. Qua khế ước hôn phối, tức là bằng tình yêu phu thê, người kết hôn tham dự vào chính tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội thánh Người: đó là ơn ban của Thần Khí làm cho hai vợ chồng có khả năng sống theo những tính năng của chính tình yêu này. Từ ơn huệ này phát sinh ra bổn phận phải sống theo sự thật của tình yêu vợ chồng và phù hợp với căn tính của người đã kết hôn: người được kêu gọi thể hiện trong lịch sử mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội thánh. Sống cuộc hôn nhân của mình, bởi thế, không hệ tại nơi việc thích nghi theo một lề luật bên ngoài, cho bằng là thực hiện những gì là chính hôn nhân.
“Tuy nhiên sẽ không tốt nếu chúng ta lẫn lộn các bình diện khác nhau: không được đặt lên hai con người đầy giới hạn cái gánh nặng to lớn của việc phải thể hiện lại cách hoàn hảo mối kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, vì hôn nhân – xét như một dấu chỉ – là “một tiến trình năng động dần dần tiến tới hội nhập ngày một hơn các ơn huệ của Thiên Chúa” (FC 9). (Amoris laetitia 122).
Thái độ hành động luân lý của các đôi vợ chồng
Hôn nhân, trong khi kết hợp vợ chồng nên một, đòi hỏi hai người mỗi ngày không ngừng trở nên “một xương một thịt”. Nói cách khác, điều quan trọng là vợ chồng sống đời hôn nhân của mình làm sao để thực hiện tốt các đặc tính của tình yêu phu thê, một tình yêu hoàn toàn nhân bản và trọn vẹn và nhìn nhận tình yêu phu thê “là một tình yêu trọn vẹn gồm tóm mọi nhân tố thuộc ngôi vị - cả về thể xác và bản năng, sức mạnh của cảm xúc và tình yêu, khát vọng của tâm linh và ý chí -; tình yêu ấy nhằm đến một sự hợp nhất sâu xa giữa các ngôi vị, một sự hợp nhất ngoài sự kết hợp nên một trong thân xác, còn nên một trong tâm hồn và trong linh hồn” (Familiaris consortio, 13). Được kêu gọi nên một không hề có nghĩa là loại trừ những khác biệt, nhưng đúng hơn là nhìn nhận, tôn trọng, thăng tiến và quý trọng tính cá biệt của nhau, đem hòa nhập nó vào mạch chảy của tình yêu và hiệp thông sâu xa. Những tính chất không thể chối bỏ của hôn nhân dựa trên nền tảng sự hiệp nhất vợ chồng, khi ấy, là trung thành (với kế hoạch yêu thương tự hiến), bất khả phân ly (ly dị là một sự xúc phạm nghiêm trọng đến phẩm giá của hôn nhân, đến ơn ta lãnh nhận), phong nhiêu (mở ra với sự sống), khiết tịnh vợ chồng (tình yêu không so đo tính toán ích kỷ).
“Sau tình yêu kết hợp chúng ta với Thiên Chúa, tình yêu phu phụ là “tình bạn cao cả nhất”.[1] Đó là một sự kết hợp bao hàm mọi đặc tính của một tình bạn tốt đẹp: quan tâm tới thiện ích của người kia, tính hỗ tương, sự thân mật, sự dịu dàng, tính ổn định và sự tương đồng bằng hữu cần được thiết lập từ một đời sống chung. Nhưng hôn nhân còn thêm vào đó tính đơn nhất bất khả phân ly được diễn tả trong dự phóng ổn định cùng chia sẻ và xây dựng toàn bộ cuộc sống. Chúng ta hãy chân thành và nhìn nhận những dấu chỉ của thực tại: Ai đã yêu nhau thì không dự định duy trì mối quan hệ đó của mình chỉ trong một thời hạn, ai sống mãnh liệt niềm vui của kết hôn thì không nghĩ tới một kết hợp tạm thời; những người đồng hành cuộc cử hành mối kết hợp tràn ngập tình yêu dù có mong manh này, cũng hy vọng nó sẽ đứng vững qua thử thách của thời gian; con cái không chỉ muốn cha mẹ chúng yêu nhau, mà còn trung thành và mãi mãi gắn bó với nhau» (Amoris laetitia 123).
Những nồng nàn và chông chênh
Thuở ban đầu hôn nhân thường rất giàu các nguồn lực và vì thế đây là thời gian cần được quý trọng. Những nồng nhiệt thuở ban đầu cuộc sống lứa đôi, niềm vui nhìn thấy người này được tạo dựng để cho người kia, sự thanh bình của một đời sống vợ chồng thân mật và quân bình, niềm vui trong việc thực hiện những dự phóng và ước mơ được ấp ủ từ lâu, mở ra với những viễn ảnh mới cho sự tăng trưởng đức tin… Nhưng cũng không thiếu những khó khăn tương ứng. Sự hòa hợp với nhau đòi hỏi cả một quá trình dài lâu, khám phá cũng có phần bất ngờ những mặt tiêu cực hoặc “vấn đề” của nhau, không thể chịu đựng nhau, cám dỗ khép kín mình trong cõi riêng tư… Những khó khăn ấy có thể phát sinh từ chỗ người này hay người kia không có khả năng hòa hợp các khác biệt, hoặc nổi lên thường xuyên những ghen tương lạnh nồng, để rồi bắt đầu hay giận hờn, im lặng, nghi ngờ rồi một ngày bùng nổ tranh luận, cải vã. Trong bối cảnh đó, các anh chị cần học biết sống “có đôi”và “thành đôi”, mọi sự cần được quyết định chung bởi cả hai người hay có tham khảo sự đồng thuận của người kia.
“Đức Chúa là chứng nhân giữa ngươi và người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi thanh xuân. […] Ngươi đừng phản bội người đàn bà ngươi đã cưới trong tuổi xuân xanh. Quả thật Ta ghét việc rẫy vợ” (Ml 2,14-16).
Những ân cần và thái độ sống cần vun xới
Một tình yêu đem đến ích lợi khi biến hoá với những nét sau đây mà thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Côlossê (3,12t.) đã gợi ra: dịu hiền, có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa (không xét đoán gay gắt), nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, sẵn sàng tha thứ cho nhau. Để được như thế, ta phải quay về với nguồn dinh dưỡng: lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện trong gia đình. Hai vợ chồng cần có nói chuyện, đối thoại với nhau, đối diện cùng bàn bạc với nhau về các chương trình sống của mình và những chọn lựa họ dự định làm, tìm chia sẻ tâm sự trên mỗi biến cố cuộc sống, giúp đỡ nhau cả về cầu nguyện và tăng trưởng đức tin. Đôi bạn sẽ cần sống những thời gian bình yên và dành riêng cho nhau, cũng như để học biết ý nghĩa và kinh nghiệm sâu sắc của sự thân mật trong tình dục vợ chồng, theo lôgich của sự trao hiến toàn thân không dè sẻn và chống lại mọi hình thức chiếm hữu ích kỷ biến người kia thành một thứ đồ vật cho ta hưởng dùng. Đôi bạn cũng nên vun trồng một mối quan hệ ân cần tiếp nhận và trao hiến ưu tiên dùng các phương thế điều hòa sinh sản tự nhiên, vốn là những kỹ thuật hợp pháp và đáng tin cậy nhưng nhất là, chúng có thể khơi dậy và phát triển một tương quan thanh bình và hòa điệu trong yêu thương và phục vụ sự sống.
Hành trình tiệm tiến
“Tình yêu mà không tăng trưởng là một tình yêu đang lâm nguy. Và chúng ta chỉ có thể lớn lên khi chúng ta đáp lại ân sủng của Thiên Chúa xuyên qua các hành động yêu thương không ngừng, những hành động từ ái trở nên ngày càng thường xuyên hơn, nồng nhiệt, quảng đại, dịu dàng và vui tươi hơn. Người chồng và người vợ “kinh nghiệm ý nghĩa về sự hợp nhất của mình và theo đuổi nó ngày một trọn vẹn hơn”(Gaudium et spes 48). Ơn ban của tình yêu Thiên Chúa tuôn tràn trên đôi bạn cũng là một lời mời gọi không ngừng phát triển quà tặng của ân sủng này” (Amoris laetitia 134).
Cần nhìn tất cả mọi sự ấy như một hành trình tiệm tiến đôi bạn phải đi qua cách kiên trì và quyết liệt, không như những kẻ ráng giữ mình trung tín cho bằng là, họ không ngừng trở nên trung tín mỗi ngày một hơn. Vượt trên những xung lực thuộc bản năng và tình cảm tự nhiên, đôi bạn cần sống mối quan hệ với trách nhiệm, trung thành với những bổn phận của mình, và tinh thần hy sinh. Cuộc sống sẽ không thiếu những lúc căng thẳng, nhưng luôn có thể vượt qua được. Cần vun xới sự đối thoại giữa hai vợ chồng và đưa vào gia đình tinh thần các mối phúc thật: khiêm nhu, hiền lành, biết thương cảm, thái độ công bằng đối với những khác biệt của nhau, ước muốn hòa bình. Trên hành trình này có Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động, Ngài được ban cho trong ngày ta thành hôn và lại được thông ban mỗi ngày, Ngài giúp ta sống trong sự thật tình yêu phu thê bởi Ngài cho sinh hạ và lớn lên trong các vợ chồng chính Chúa Giêsu.

Thảo luận theo nhóm:

– Phản ứng tức thời của chúng ta như thế nào trước điều được nghe?
– Đâu là những trở ngại chính yếu anh chị có thể dự kiến trước liên quan đến chuyện “họ không còn là hai nhưng trở nên một xương một thịt”?
– Tại sao cầu nguyện là rất quan trọng trong hành trình tăng trưởng này?
– Dành chỗ cho sự đối thoại vợ chồng và trao đổi với nhau trong cuộc sống hằng ngày của hôn nhân và gia đình, có nghĩa là gì?
– Có cần đến sự giúp đỡ hay không trong những trường hợp đôi bạn có khó khăn về quan hệ (đối thoại hay tương giao về mặt tình cảm, tình dục)? Sẽ nhờ ai giúp đỡ?

––––––––––––––––––––––
[1] TÔMA AQUINÔ, Summa contra Gentiles, III, 123; Cf. ARISTOTELE, Etica Nic., 8, 12 (ed. Bywater, Oxford 1984, 174).
Văn phòng HĐGMVN
Nguồn: http://ubmvgiadinh.org/article/nam-muc-vu-gia-dinh-2017-gap-go-vi-chung-ta-se-nen-mot-xuong-mot-thit

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét