Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

Huyền nhiệm Giáng Sinh


Lễ Giáng Sinh luôn mang bầu khí hân hoan tưng bừng. Người tin Chúa thì đi dự thánh lễ để mừng ngày Chúa giáng trần và cầu xin ơn phúc; người lương dân lại đổ ra đường để tham dự một ngày hội vui. Cách nay hơn hai ngàn năm, Con Thiên Chúa đã sinh hạ tại hang đá Belem. Là Thiên Chúa vô thủy vô chung, Người đã đi vào lịch sử nhân loại. Người có một quê hương là đất nước Do Thái, có một gia đình ở Nagiarét. Giáng sinh là một huyền nhiệm. Đây là huyền nhiệm của tình yêu và của lòng thương xót. Người tín hữu thấy nơi lễ Giáng sinh sứ điệp hòa bình, yêu thương; người lương dân lại cảm nhận một khung cảnh thư thái, an bình.

Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm Ngôi Lời nhập thể. 

Trước hang đá Giáng sinh, ta thường thấy dòng chữ: Ngôi Lời đã làm người. Dòng chữ này đơn sơ ngắn gọn nhưng diễn tả một sự kiện vĩ đại Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, đó là sai Con của Ngài xuống trần gian. Thánh Gioan nói với chúng ta: Ngôi Lời có từ ban đầu. Ngôi Lời là Con Thiên Chúa và Ngôi Lời là chính Thiên Chúa (x. Ga, 1,1). Vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha đã sai Con của Ngài xuống trần gian và Ngôi Lời đã làm người, có tên gọi là Giêsu. Chúa Giêsu nhập thể không giống như các câu chuyện cổ tích nói về các vị thần đầu thai làm người. Các Kitô hữu khẳng định: Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật. Điều đó có nghĩa, Thiên Chúa cao cả đã trở nên người phàm. Cùng với các nhà thần học, chúng ta tuyên xưng: Chúa Giêsu đồng bản thể với Đức Chúa Cha (Kinh Tin kính). Hài nhi nơi máng cỏ chính là Thiên Chúa làm người. Chúa Giêsu đã đến trần gian để đem cho con người sự ủi an và niềm hy vọng. Người khẳng định, những người nghèo khó, bị bỏ rơi và bị gạt ra bên lề cuộc sống là những người được Chúa yêu thương đặc biệt. Họ không bị Thiên Chúa lãng quên. Hơn nữa, Con Thiên Chúa còn đồng hóa với họ, để rồi ai xúc phạm họ là xúc phạm đến Chúa; ai giúp đỡ họ là giúp đỡ Chúa.

Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của tình yêu. 

Thánh Gioan đã khẳng định với chúng ta: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin vào Người, thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa yêu thương con người và Ngài đã thực hiện những điều lạ lùng kỳ diệu, đem cho con người hạnh phúc. Hài Nhi nơi máng cỏ Belem là bằng chứng hùng hồn cho tình yêu của Thiên Chúa. Nhập thể là sáng kiến của tình yêu. Nhập thể cũng là điều diễn tả tình yêu ở mức hoàn hảo nhất. Ở đời, dù quý mến nhau thế nào, người ta cũng chỉ tặng cho nhau những quà tặng vật chất. Thiên Chúa ban cho con người chính Con Một của Ngài. Việc trao ban này là đỉnh cao của tình yêu. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu khẳng định Thiên Chúa yêu thương con người. Chúa Giêsu đã khởi đầu cuộc đời dương thế tại máng cỏ, trong cảnh cơ hàn, và kết thúc cuộc đời trên thập giá, trong cô đơn thê thảm. Người gánh trên vai tội lỗi của muôn dân để cho con người được hạnh phúc và bình an. Qua sự khó nghèo và nhất là qua cái chết trên thập giá, Người dạy chúng ta hãy sống vì người khác, hãy hy sinh cho tha nhân. Sự hy sinh ấy, dù nhỏ bé đơn sơ, cũng không rơi vào quên lãng và sẽ được đáp đền.

Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của ơn cứu độ. 

Trong lịch sử, có biết bao vĩ nhân đã sinh ra rồi cũng đã chết đi. Có thể họ để lại cho nhân loại những di sản tinh thần quý giá, những triết lý sống, những tác phẩm nghệ thuật hay văn chương. Đức Giêsu không giống như những vĩ nhân của lịch sử. Người là Đấng Cứu độ trần gian. Người đến trần gian để giải phóng con người khỏi tội lỗi. Ơn cứu độ là sự phục hồi phẩm giá con người, giúp họ thoát khỏi tội lỗi, được ơn thần linh hóa, để rồi, ngay khi sống ở đời này, họ được bình an hạnh phúc, và sau khi chết, họ được hưởng vinh quang bất diệt với Thiên Chúa. Vì Đức Giêsu là Đấng Cứu nhân độ thế, cho nên ngày giáng sinh của Người mới là một biến cố quan trọng đối với nhân loại, nhất là đối với những ai tin vào Người. Giáo huấn của Người vẫn còn giá trị và ý nghĩa đối với nhân loại mọi nơi mọi thời. Chính Người đã sống và thực hiện những điều Người giảng dạy. Người đã hy sinh mạng sống để chứng minh một tình yêu hy sinh đến cùng, và Người mời gọi mọi người hãy noi gương Người để sống vì tha nhân, luôn quan tâm đến lợi ích của người khác.

Lễ Giáng sinh là huyền nhiệm của ánh sáng. 

Ngày 25-12 xưa kia vốn là ngày lễ kính thần mặt trời, đã trở nên ngày sinh nhật của Chúa Giêsu, Đấng là Mặt Trời Công Chính. Chúa Giêsu hạ sinh như ánh sáng bừng lên trong đêm tối, dẫn lối soi đường cho những người sống trong lầm lạc. Người là “Ánh sáng bởi Ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”. Ánh sáng có tên là Giêsu vừa đưa con người thoát khỏi tối tăm, vừa dẫn đưa họ tới bến bờ của hạnh phúc. Ánh sáng ấy giúp khai quang những nơi ẩn khuất trong lòng con người, giúp họ sống theo sự thật. Ánh sáng này còn đẩy lui quyền lực của ma quỷ, là “cha sự dối trá”, xây dựng một vương quốc an bình. Những người tin Chúa được gọi là “con cái sự sáng”. Chúa Giêsu kêu mời họ trở nên ánh sáng cho đời, tức là tiếp nhận ánh sáng của Người, để rồi đến lượt mình tỏa sáng trong môi trường sống.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. 

Đó là lời hát của các thiên thần tại cánh đồng quê Belem vào đêm Chúa sinh hạ. Đó cũng là lời cầu chúc từ trời gửi đến cho nhân loại. Vinh danh Thiên Chúa và bình an cho nhân loại, đó cũng là lý tưởng mà chúng ta đang đạt tới. Hãy đến suy tư cầu nguyện bên hang đá máng cỏ, để thấy Chúa yêu thương chúng ta dường nào. Hãy đón nhận Chúa vào cuộc đời chúng ta, để Người soi sáng những góc khuất của tâm hồn, làm bừng lên ánh sáng của tình yêu thương và lòng nhân hậu. Như thế, ngày lễ Giáng sinh sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực cho cuộc sống chúng ta.  

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: http://conggiao.info/huyen-nhiem-giang-sinh-d-39566

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét