WGPSG -- “Tôi có khả năng nhìn thế giới theo một cách khác, trong khi tình yêu của tôi đối với mọi người thì không thay đổi”, đó là quan điểm của trẻ tự kỷ - đã được Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vân nêu lên trong buổi Hội thảo "Đồng hành cùng Tự Kỷ" khai mạc vào lúc 7g30 thứ Bảy ngày 02.4.2016 tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM.
Buổi hội thảo do Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM, kết hợp với trường Chuyên biệt Gia Định, cùng với hai nhà Tài trợ Achan Japan và Quỹ Từ thiện Regina đồng tổ chức.
Văn nghệ khai mạc
Màn "Trống Banh" - do học sinh và giáo viên Trường Chuyên biệt Gia Định biểu diễn - đã mang đến bầu khí sinh động, tạo nên sự ngạc nhiên thích thú cho mọi người. Nối tiếp, Câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương góp mặt với bài hòa tấu Hồn Quê của nhạc sĩ Thanh Sơn. Câu lạc bộ này đã tặng cho các em bộ Nhạc cụ Gõ và tập dợt trước với các em. Đặc sắc nhất là màn múa "Cánh Bướm Mùa Xuân" thật điêu luyện của nghệ sĩ Khánh Vân, khiến cả hội trường không ngừng vang lên những tràng pháo tay cổ vũ.
Tuyên bố lý do
Thay mặt Ban Tổ chức, bà Võ Thị Khoái - Hiệu trưởng trường Chuyên biệt Gia Định - bày tỏ niềm vui và vinh dự được chào đón quý Đại biểu. Bà phát biểu: “Tự Kỷ hiện đang là sự quan tâm hàng đầu cho những nhà nghiên cứu và những công trình nghiên cứu, vì hiện tại vẫn chưa khám phá ra nguồn gốc, nguyên nhân gây ra Hội chứng Tự Kỷ! Ban Tổ chức ước ao trao đổi thêm những kiến thức giúp trẻ tự kỷ phát triển, giúp mọi người thấy được giá trị con người tự kỷ, và thông cảm những nỗi vất vả của những vị có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tự kỷ”.
Giới thiệu thành phần tham dự
Đến tham dự buổi Hội thảo, có linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Trung tâm Mục vụ TGP SG; linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ - Phụ trách Mục Vụ di dân của giáo phận, Giảng viên Lớp giáo lý đặc biệt; Ông Kinichi Nuka - Giám đốc Achan Japan, Nhà tài trợ cho Hội thảo; cùng thành viên của Achan Japan, Ông Norio Ueda.
Về phía các chuyên gia giáo dục, các báo cáo viên có: Ông Tsutomu Kasahara - Giám đốc Trung tâm HOTPLAT thành phố Obihiro, Hokkaido - cùng học sinh của ông - Ryo Honma; Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh - Nguyên trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1; Bà Debbie Amazi - Thạc sĩ Âm Ngữ trị liệu Minnesota, Hoa Kỳ; Thạc Sĩ Y khoa Huỳnh Tấn Mẫm - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Chuyên biệt Khai Trí; Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vân - Phó trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM. Ngoài ra, còn rất nhiều chuyên gia, các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hòa nhập trong và ngoài TP, quý cộng đoàn nữ tu, quý thầy Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, quý giáo lý viên và sinh viên.
Nhân dịp này, ông Kinichi Nuka giới thiệu đôi nét về Achan Japan về hoạt động tài trợ tại Việt Nam bắt đầu từ những Thuyền cấp thuốc tại Cần Giờ, Trẻ em Đường phố Thảo Điền và cơ duyên đến với trường chuyên biệt Gia Định. Hiện nay, ông vẫn tiếp tục gửi các sinh viên tình nguyện Nhật đến giúp các trẻ tự kỷ.
Tuyên bố khai mạc
Trong phần khai mạc, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền bày tỏ niềm vui mừng và chào đón các trẻ em cùng quý phụ huynh, quý bác sĩ, quý nhà tài trợ đã quan tâm và dấn thân “đồng hành cùng Tự Kỷ”. Ngài phát biểu: “Theo Hiến chế Mục vụ Vui Mừng và Hy Vọng thì: Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, tất cả đều gây âm vang trong lòng các môn đệ Chúa Kitô”. Ngài ước mong không chỉ chia vui sẻ nỗi buồn với các cháu, nhưng còn mang đến niềm hy vọng, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các cháu và gia đình. Ngài chúc Hội thảo thành công.
Mục vụ cho người tự kỷ
Lm. Giuse Đào Nguyên Vũ bày tỏ Giáo hội luôn quan tâm đặc biệt đối với các em. “Mục vụ cho người tự kỷ” khác với phạm vi chuyên môn là chăm sóc trọn vẹn toàn diện, giúp các em sống niềm tin khi khỏe mạnh cũng như khi đau yếu khó khăn. Giáo hội mở ra chân trời hy vọng không chỉ bằng lý thuyết mà bằng dân thân phục vụ. Ngài khen ngợi các vị đã can đảm mở con tim và đôi mắt để khám phá nét đẹp đặc biệt nơi các em tự kỷ. Với các vị không Công giáo, ngài bày tỏ việc Chăm sóc mục vụ là để chia sẻ sứ điệp yêu thương với tất cả mọi người. Trong tương lai, ngài sẽ tổ chức những buổi Hội ngộ Đức Tin, tạo điều kiện và phương tiện cho các em vui chơi ngoài sân và chia sẻ tình thương. Ngài mong rằng: Mọi người, khi đến đây, sẽ cảm nhận Hội Thánh Công giáo là con đường mà mọi người cùng đi với nhau bằng trái tim yêu thương.
Báo cáo đề tài chuyên môn
Đội Phục vụ Đặc biệt Regina Coffee là cơ hội chứng tỏ giá trị của các trẻ tự kỷ. Bà Võ Thị Khoái giới thiệu “Đội Phục vụ Đặc biệt Regina Coffee” chào đời vào tháng 04.2015, nhờ tấm lòng ưu ái đặc biệt của Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ đầu Tư Công ty Vinamit - một doanh nhân thành đạt của Việt Nam.
Để chuẩn bị cho các em vào đời, nhà trường tập trung giúp các em các lĩnh vực: Kỹ năng sống tự lập, Tự phục vụ, Kỹ năng giao tiếp, Tương tác xã hội, những kỹ năng và tác phong liên quan đến làm việc. Kết quả: các em có thể hoàn thành tốt công việc được giao và được hưởng lương xứng đáng.
Đặc tính của Tự Kỷ. Bs. Phạm Ngọc Thanh cho biết, Tự Kỷ là một rối loạn phát triển thần kinh đã có từ trong lòng mẹ hoặc rất sớm trước 3 tuổi. Không có xét nghiệm cận lâm sàng giúp chẩn đoán. Người phát hiện đầu tiên là các phụ huynh, nhưng phụ huynh có thể không quan tâm hoặc phủ nhận sự thật đau buồn này.
Những dấu hiệu Tự Kỷ là Khiếm khuyết trong lĩnh vực giao tiếp và tương tác xã hội, trong tình cảm, trong hành vi giao tiếp, trong việc tạo quan hệ và duy trì quan hệ phù hợp. Bệnh lý đi kèm: Chậm phát triển trí tuệ, tâm thần, Chậm phát triển ngôn ngữ, Động kinh, Tăng động kém tập trung, Lo âu, Trầm cảm. Để giúp các em, mọi người nên chú tâm vào những điểm mạnh của các em, kiên nhẫn giúp các em tương tác xã hội, tìm ra nguyên nhân làm các em không hợp tác, nổi giận; nhất là, xin hãy yêu thương các em vô điều kiện.
Dẫn chứng cho những bước thành công trong công tác, Ông Tsutomu Kasahara - Giám đốc Trung tâm HOTPLAT thành phố Obihiro - Hokkaido cùng học sinh của ông - Ryo Honma giới thiệu đề tài: “Nghiên cứu bản thân của người khuyết tật phát triển”. Một ví dụ: cậu Ryo Honma, khi nhìn lại chính mình, phân tích tình cảm của người cha đối với mình không phải là hành vi áp bức mà chỉ vì muốn tốt cho bản thân mình, cậu đã thoát khỏi cơn bùng phát tự kỷ cho rằng "Tôi là người vô dụng".
Bà Debbie Amazi trình bày: Các chiến lược chủ yếu khi dạy ngôn ngữ cho trẻ tự kỷ là phải nhận ra điều gì trẻ em thích và không thích, để đáp ứng các nhu cầu về cảm giác của trẻ em. Việc đàm thoại khi giao tiếp hay hơn là chỉ có từ vựng. Đừng quên đọc sách, nói chuyện, hát và chơi với con của mình mỗi ngày để có thể cải thiện ngôn ngữ và phát triển nhận thức. Và cuối cùng, một công tác quan trọng là phát triển kỹ năng tương tác xã hội cho trẻ tự kỷ. Thạc sĩ Nguyễn Thị Tường Vân đã làm cho các nhà giáo dục phải nhìn lại chính mình. Thông thường người lớn áp đặt ra lệnh bắt trẻ phải làm theo và bỏ lơ bước đầu quan trọng này. Không có sự tương tác với bé thì mọi cố gắng sẽ vô dụng. Kỹ thuật dạy tương tác là theo sự dẫn dắt của bé, tạo ra một cơ hội cho bé tham gia và giao tiếp. Đợi bé giao tiếp, phản hồi lại hành vi của bé. Trong thời gian ngắn, thạc sĩ đã trình bày những điểm quan trọng trong kỹ thuật can thiệp giúp bé phát triển giao tiếp xã hội. Mục tiêu của kỹ thuật dạy tương tác: Giữ bé tham gia, chơi vui vẻ và giúp bé tương tác với bạn. Điều chỉnh sự tương tác để giữ bé tham gia và học cùng với mình. Đừng quên quan điểm của trẻ tự kỷ: “Tôi có khả năng để nhìn thế giới theo một cách khác trong khi tình yêu của tôi đối với mọi người thì không thay đổi”. “Xin hãy yêu thương, hiểu và sống hết mình với các em”.
Giao lưu
Bài nói chuyện của học sinh Phạm Lê Mỹ Ngọc và của bà Dương Thị Thu Tâm - phụ huynh em Huỳnh Dương Lý - đã chứng minh trẻ tự kỷ có nhiều tài năng đặc biệt. Nếu chịu khó tìm hiểu và tạo điều kiện, trẻ sẽ phát huy khả năng này. Bà đã nêu gương sống kiên cường và tin rằng con bà vẫn có thể sống có ích cho gia đình và xã hội. Hiện nay, “Lý hết quậy phá, có biệt tài xếp hình, có khả năng âm nhạc và có thể phụ mẹ làm việc nhà tưới cây, làm bếp…”
Kết thúc
Thay mặt cha Giám đốc Trung tâm Mục vụ, cha Giuse Đào Nguyên Vũ cám ơn các em vì chính các em đã tạo ra buổi gặp gỡ này, các em đã nêu gương “sống như những người tử tế” và sống với hết con tim mình. Trong Thông điệp nhân Ngày Tự Kỷ Thế giới, 2 tháng 4 năm 2016, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nhận xét: “Hiện nay ở nhiều nước chưa hiểu rõ trẻ tự kỷ vì thiếu hiểu biết; và một bộ phận lớn trong xã hội xa lánh những người mắc chứng Tự Kỷ. Đây là một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng và là một sự lãng phí tiềm năng con người (It is not well understood in many countries, and too many societies shun people with autism. Autism is a lifelong condition that affects millions of people worldwide.This is a violation of human rights and a waste of human potential)”.
“Trong nỗ lực xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp, ước mong mọi người hãy có đôi mắt yêu thương nhìn thế giới, nhìn mọi người và nhìn lại chính mình, để khám phá những nét đẹp, để yêu thương và phát huy”.
Bà Võ Thi Khoái cảm ơn tất cả quý vị hiện diện và những ân nhân xa gần đã giúp tổ chức buổi hội thảo thành công; cảm ơn Ban Âm thanh ánh sáng, quý thầy Đại Chủng viện; đặc biệt, cảm ơn cha Trưởng ban Truyền Thông đã cho trực tuyến chương trình này.
Mọi người không quên chụp chung những bức hình ghi lại những giây phút đáng trân trọng này.
Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160405/34439
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét