Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Ba cách thức KHÔNG thể đem con cái bạn quay lại với Giáo Hội

Nguyên bản tiếng Anh
3 WAYS NOT TO LEAD YOUR FALLEN-AWAY CHILD BACK TO THE CHURCH
Brandon Vogt


Ba cách thức KHÔNG thể đem con cái bạn quay lại với Giáo Hội
Bản dịch tiếng Việt của J.B. Đặng Minh An


Nếu con cái của bạn đã trôi dạt, rời xa Giáo Hội, bạn không cô đơn. Giáo Hội Công Giáo đang xuất huyết người trẻ. Một nửa số trẻ người Mỹ lớn lên trong các gia đình Công Giáo (đúng 50%) không còn nhận mình là người Công Giáo nữa. Khoảng tám trong mười người (79%) đánh mất đức tin của họ trước tuổi 23.

Một số thanh thiếu niên trôi dạt khi tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Một số đã bị tổn thương bởi những người trong Giáo Hội. Những người khác trượt vào những lối sống xung đột với giáo huấn của Giáo Hội. Nhiều người vào đại học, kết thân với những người ngoài Kitô giáo hay những giáo sư hoài nghi, và dần dần mất đi niềm tin của mình. Một số bước vào thế giới, bắt đầu xây dựng một gia đình, bị cuốn trôi trong công việc, sở thích, và cuộc sống gia đình, và rồi mất niềm tin trong những tất bật này.

Có rất nhiều câu chuyện nhưng hầu hết đều có chung một hệ quả tương tự: những người trẻ tuổi rời xa khỏi Giáo Hội.

Tất nhiên, tất cả chúng ta đều cố gắng hết sức để lôi kéo họ trở lại. Nhưng sự tuyệt vọng đôi khi có thể dẫn chúng ta đến việc theo đuổi các mục tiêu đúng nhưng bằng các phương pháp sai. Vì vậy, nếu bạn muốn lôi kéo con bạn trở lại, chúng ta hãy nhìn kỹ vào ba chiến lược, mà bạn không nên sử dụng. Mỗi bước đi sai lầm sẽ chỉ tạo ra thêm một bức tường ngăn chặn con bạn trở về với Giáo Hội.

1. Buộc đi lễ.

“Chán quá! Ước gì tôi có thể làm cho nó bắt đầu đi lễ trở lại!” Maria phàn nàn với tôi, buồn phiền vì đứa con ở tuổi dậy thì. “Nó chẳng đoái hoài gì đến những gì tôi làm - cầu xin, nài nỉ, ra lệnh, khóc lóc – cũng chẳng làm sao lay động được nó. Một vài lần tôi đã có thể buộc nó phải đi lễ bằng cách đe dọa không trả tiền điện thoại di động của nó hoặc cắt không cho nó tiền tiêu xài nữa, nhưng nó chỉ đến ngồi trong nhà thờ mặt lạnh như tiền, cáu kỉnh ra vẻ không muốn đến đó.”

Đây là một mẹo rất quan trọng và có lẽ đáng ngạc nhiên: hãy ngừng buộc con em mình tham dự Thánh Lễ.

Điên à? Chắc chắn không điên đâu! Nếu bạn muốn con cái bạn có một tiến bộ lâu dài trong đức tin, hãy nhớ rằng tham dự Thánh Lễ phải là bước cuối cùng của bài toán đố, không phải là bước đầu tiên. Đó phải là điểm đến cuối cùng, là hoa quả và hệ quả của một mối quan hệ cá vị với Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến mối quan hệ này.

Bạn phải đặt để những khối đá xây dựng đầu tiên khác ngõ hầu Thánh Lễ có thể mang lại những ơn ích cho linh hồn con bạn. Một linh mục gần đây nhận xét với tôi rằng: “Nếu ai đó đến dự Thánh Lễ, nhưng không muốn và không chuẩn bị trước, người ấy có nguy cơ lớn là bệnh hoạn về tâm linh. Nếu chương trình nghị sự của chúng ta chỉ đơn giản là làm cho mọi người đi lễ - nếu đó là tất cả những gì chúng ta cố gắng làm, mà không cần bất kỳ bước trung gian nào - thì tôi e rằng chúng ta có thể làm cho dân chúng bị bệnh nặng hơn, từ góc độ tâm linh”.

Ý tưởng đó có vẻ rắc rối đấy, nhưng nó bắt nguồn từ Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Ngài viết: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình. Vì lẽ đó, trong anh em, có nhiều người ốm đau suy nhược, và cũng có lắm người đã chết.”

Thánh Phaolô đã ám chỉ đến những đau khổ thể lý người dân Côrintô đã phải chịu như là hậu quả của việc cử hành thánh lễ mà không có sự tôn kính thích hợp, và đặc biệt là không nhận ra sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Trong thời đại chúng ta, Thiên Chúa không mấy khi trừng phạt một người với bệnh tật hay tử vong chỉ vì ngủ gật trong Thánh Lễ hoặc đón nhận Bí Tích Thánh Thể không xứng đáng. Nhưng nếu chúng ta đến với Thánh Lễ mà không chuẩn bị trước, không tập trung, hoặc không muốn tham gia, thì chúng ta có thể bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng. Thay vì kết hiệp chúng ta với Thiên Chúa, Thánh Lễ có thể tách ly mối quan hệ đó.

Tất nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ không có ý định này. Khi họ buộc con mình đi lễ, họ đang hành động theo ý nghĩ tốt và biết rằng 1) Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Lễ một cách đặc biệt, vì vậy 2) họ phải làm mọi thứ có thể được để con mình có mặt ở đó.

Tư tưởng nhấn mạnh đến việc tham dự thánh lễ đã được thúc đẩy bởi nền văn hóa Tin Lành đang bao quanh chúng ta, trong đó các buổi thờ phượng chung được xem như là một cửa ngõ để tham gia đầy đủ trong đời sống Kitô hữu. Nếu anh chị em Tin Lành của chúng ta muốn đưa một người bạn lạc xa Giáo Hội của họ trở lại, động thái đầu tiên của họ là đưa người ấy đến nhà thờ, mọi chuyện khác tính sau. Một khi người đó đã chịu đến nhà thờ, họ tin là người ấy sẽ tìm thấy sự đón tiếp nồng nhiệt, một thông điệp mạnh mẽ và liên quan tới mình, và một lời mời gọi tham gia vào một nhóm nhỏ. Nói cách khác, nếu con đường trở nên người môn đệ của Chúa là một cái phễu, thì Tin Lành đặt các buổi nhóm trong nhà thờ ở phía trên, ở đầu cái phễu, trong khi những người Công Giáo đặt Thánh Lễ ở phía dưới, ở phần cuối của cái phễu.

Vì vậy, lần sau khi bạn đang muốn quyết liệt bắt con em mình phải tham dự Thánh lễ, cho dù bạn biết trong lòng nó đang muốn kháng cự, thì hãy lùi lại một chút. Đừng bắt buộc nó, và đừng lặp đi lặp rằng bỏ Lễ là một tội trọng – đúng là như thế, nhưng cơ bản là có nói như thế cũng là vô ích ở giai đoạn này. Trước hết, hãy gieo những hạt giống khác.

2. Chỉ trích lối sống của nó.

Abraham Piper, người trôi dạt khỏi Giáo Hội khi còn là một thiếu niên, có lời khuyên tốt cho cha mẹ của những đứa trẻ đã chọn một quyết định đạo đức xấu: đó là “Bất chấp những hành vi của con mình nhằm thể hiện sự bất tín của nó, luôn luôn chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta chú ý đến căn bệnh trong tâm hồn của nó chứ không phải là các triệu chứng bên ngoài”.

Bắt đầu với những mệnh lệnh về đạo đức thường là không lay động được những người trẻ tuổi. Nếu điều đầu tiên con bạn nghe là “đừng làm điều đó” hoặc “thay đổi cuộc sống của mày đi” hay “cắt đứt ngay cái mối quan hệ đó đi cho tao” nó sẽ nhanh chóng đẩy bạn ra ngoài. Bạn có thể sẽ làm mất đi luôn cơ hội để hùng hồn thuyết phục nó trở lại với Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên quan sát cách yên lặng và thụ động khi con bạn đưa ra những quyết định sai lầm. Thay vào đó, nó có nghĩa là phương pháp tiếp cận đầu tiên của bạn nên được đánh dấu bởi sự dịu dàng và kiên nhẫn, chứ không phải là nóng giận chỉ trích nó.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên chỉ trích cách tiếp cận “mệnh lệnh đạo đức” như vậy. Trong cuộc phỏng vấn lớn đầu tiên của mình trong tư cách là giáo hoàng, ngài giải thích tại sao chiến lược tốt nhất là chúng ta nên giới thiệu ai đó về Chúa Giêsu Kitô trước khi nói đến các yêu cầu đạo đức bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ đó. Ngài nói: “Điều quan trọng nhất là việc công bố ngay từ đầu: Chúa Giêsu Kitô đã cứu rỗi bạn.. .. Tuyên bố trong một phong cách truyền giáo phải tập trung vào các yếu tố thiết yếu, về những điều cần thiết: đây cũng là những gì mê hoặc và thu hút hơn, những gì thiêu đốt con tim người ta, như đã xảy ra với các môn đệ trên đường Emmaus. Chúng ta phải tìm kiếm một sự cân bằng mới, nếu không, ngay cả công trình luân lý của Giáo Hội cũng sẽ sụp đổ như ngôi nhà làm bằng giấy, đánh mất sự tươi mới và hương thơm của Tin Mừng. Những đề xuất từ Tin Mừng phải đơn sơ, sâu sắc và rạng rỡ hơn. Chính từ đề xuất như thế, sẽ tuôn trào các hệ quả luân lý. Việc công bố tình yêu cứu độ của Thiên Chúa phải đi trước mệnh lệnh luân lý và tôn giáo. Hôm nay đôi khi dường như thứ tự ngược lại là phổ biến hơn.”

Hầu hết mọi người trẻ ngày nay tin vào một cái gì đó gọi là “moralistic therapeutic deism” (tức là thuyết cho rằng thế giới này có các thần minh nên con người phải ăn ngay ở lành), trong đó tập trung chủ yếu vào những điều được làm và những điều đức tin không cho phép làm (vì thế có hạn từ “moralistic”). Tuy nhiên, là một người cha, người mẹ, mục tiêu của bạn không chỉ đơn giản là cải thiện luân lý hoặc thay đổi hành vi. Mục tiêu của bạn phải là thu hút con em mình vào một mối quan hệ phát triển không ngừng với Chúa Giêsu trong Giáo Hội của Người. Một khi bạn làm điều đó, những thay đổi về đạo đức chắc chắn sẽ đi theo.

Nhưng chúng ta hãy thẳng thắn: điều này không dễ dầu gì. Nó đòi phải cắn lưỡi nhiều lần khi bạn cảm thấy sự thôi thúc phải quở trách con bạn khi biết rằng nó đang lìa xa Chúa. Tuy nhiên, như Bert Ghezzi khẳng định rỏ ràng, “Các vết sẹo sẽ có giá trị của nó!”

(Đôi khi, quở trách đạo đức là cần thiết để một đứa trẻ bắt đầu trở về với Giáo Hội. Những đứa con ngỗ nghịch đôi khi cần một ai đó kéo chúng ra khỏi những hoang mang về đạo đức của chúng và nói thẳng với chúng “Những quyết định này đang hủy hoại cuộc sống của con” hoặc “Con có thể đạt được nhiều hơn nữa nếu con chọn một con đường khác”. Nhưng thường thì sẽ tốt hơn nếu những sửa sai đó không phải là điều đầu tiên chúng nghe thấy và lý tưởng hơn khi nó đến từ một người bạn đáng tin cậy, người cố vấn, hoặc người khác quan trọng đối với nó. Mối quan hệ của bạn với trẻ bướng bỉnh thường là đã quá mong manh và cần được bảo vệ bằng mọi giá. Đừng mạo hiểm bắt đầu với một lời khiển trách dữ dội.)

3. La rầy liên tục

Nhiều bậc cha mẹ la rầy liên tục, thúc bách, và quấy rầy con cái của họ - thậm chí cả khi chúng đã trưởng thành - để buộc chúng đi nhà thờ thường xuyên hơn hoặc để thay đổi lối sống của chúng. Chiến lược này hầu như không bao giờ có tác dụng, và trong thực tế, nó thường có tác dụng ngược lại: nhiều người cố tránh xa Giáo Hội Công Giáo chỉ vì cha mẹ của họ liên tục quấy rầy họ.

Vì vậy, ngay bây giờ bạn hãy cố tránh đưa ra những câu hỏi như “Tại sao con làm như thế với cha mẹ?” Hoặc “Khi nào con hết lười biếng và đi nhà thờ trở lại?” Gần như không thể nào làm cho con cái cảm nhận được hoàn toàn nỗi đau của bạn, không thể nào làm cho chúng biết bạn tuyệt vọng đến mức nào để lôi kéo chúng trở lại với Giáo Hội. Vì vậy, không đáng để lãng phí năng lượng của bạn vào những lời cằn nhằn cố làm cho chúng có cảm giác tội lỗi.

Những tiếng thở dài thườn thượt, những lời than van thụ động dai dẳng kêu trời trách đất còn tệ hơn những lời cằn nhằn trách móc trực tiếp. Sarah, một phụ nữ trẻ đã lâu không đi lễ, nói với tôi: “Tôi không thể chịu đựng được khi mẹ tôi nói chuyện với tôi về nhà thờ nhưng tôi thậm chí còn ghét cay ghét đắng hơn nhiều khi mẹ tôi chỉ la một chút, rồi thở dài, hay chắc lưỡi. Mẹ tôi không ngớt lời khen em tôi đi dự Thánh Lễ và làm cho tôi có cảm giác rằng em tôi mới chính là một người con gái tốt.”

Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, có lẽ là nhà truyền giáo hiệu quả nhất của thế kỷ 20, tổng kết một chiến lược khác tốt hơn. Ngài nói đơn giản như thế này “Giáo Hội đề nghị chứ không áp đặt gì cả.” Những bậc cha mẹ thành công trong việc lôi kéo con cái của họ trở lại với Giáo Hội không cằn nhằn hay ép buộc con cái họ về mặt tôn giáo. Thay vào đó họ mời gọi, nhẹ nhàng và trân trọng, thông qua trò chuyện ấm áp và tình yêu vô điều kiện. Đừng phàn nàn về những khuyết điểm của con quý vị; nhưng mời gọi chúng vươn tới một cái gì đó tốt hơn. Đề xuất, nhưng đừng áp đặt.

J.B. Đặng Minh An dịch
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/183622.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét