Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

Tài Liệu Làm Việc và Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng



Bản Tường Trình Sau Cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015, được các nghị phụ chấp thuận chiều thứ Bẩy 24 tháng Mười, 2015, là một cải thiện đồ xộ và đầy khích lệ so với Tài Liệu Làm Việc vốn được dùng làm cơ sở cho các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng. Sự khác nhau rất lớn giữa hai bản văn đã minh tả con đường Thượng Hội Đồng theo trong ba tuần lễ vừa qua quả là hữu hiệu.


Các điểm khác nhau đáng kể và các cải thiện đáng lưu ý

Trĩu nặng bởi xã hội học, mà lại là thứ xã hội học chẳng hay ho bao nhiêu, Tài Liệu Làm Việc, ở một số không ít điểm, khó được nhận diện như một tài liệu của Giáo Hội. Bản Tường Trình Sau Cùng rõ ràng là một bản văn của Giáo Hội, một sản phẩm của việc Giáo Hội suy gẫm về Lời Thiên Chúa, hiểu như lăng kính qua đó, Giáo Hội giải thích trải nghiệm hiện thời của mình.

Tài Liệu Làm Việc làm biếng “ăn” Thánh Kinh. Bản Tường Trình Sau Cùng rất phong phú về Thánh Kinh, thậm chí còn hùng biện nữa, rất xứng hợp là một cuộc hội họp Thượng Hội Đồng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc Công Đồng Vatican II và Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Thiên Chúa, Dei Verbum.

Có lúc, Tài Liệu Làm Việc xem ra gần như bối rối đối với tín lý lâu đời của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, về các điều kiện cần thiết để rước lễ cách xứng đáng, và về các nhân đức trong sạch và trung thành. Bản Tường Trình Sau Cùng tái khẳng định các tín lý của Giáo Hội về hôn nhân, rước lễ, và khả thể sống một cách hợp nhân đức trong thế giới hậu hiện đại. Và nó làm thế không hề cãi bướng, ngay cả lúc nó kêu gọi Giáo Hội phải công bố hữu hiệu hơn các chân lý nó mang theo như là di sản tiếp nhận được từ chính Chúa Giêsu, và phải chăm sóc mục vụ sốt sắng hơn đối với những người đang sống trong các hoàn cảnh hôn nhân và gia đình khó khăn.

Tài Liệu Làm Việc gần như im lặng về hồng phúc con cái. Bản Tường Trình Sau Cùng mô tả con cái như là một trong các hồng phúc lớn lao nhất, ca ngợi các gia đình lớn, thận trọng coi nặng các trẻ em có nhu cầu đặc biệt, và đề cao các chứng tá của các cặp vợ chồng hạnh phúc, đông con và của con cái họ trong vai trò tác nhân của phúc âm hóa.

Tài Liệu Làm Việc biến lương tâm và vai trò của nó trong đời sống luân lý thành một món thịt băm. Bản Tường Trình Sau Cùng thực hiện một việc tốt hơn nhiều là giải thích cái hiểu của Giáo Hội về lương tâm và mối liên hệ của nó với sự thật, bác bỏ ý niệm coi lương tâm như một thứ khả năng thả nổi của ý chí hành xử tương đương như quân bài “Tự Do Ra Khỏi Nhà Tù”.

Tài Liệu Làm Việc đầy những hàm hồ về thực hành mục vụ và mối liên hệ của nó với tín lý. Bản Tường Trình Sau Cùng, dù không hẳn là không có một số hàm hồ, nhưng nói rõ rằng việc chăm sóc mục vụ phải bắt đầu từ đáy cam kết lên tới giáo huấn lâu đời của Giáo Hội, và thực sự không hề có những điều như “Đạo Công Giáo theo giải pháp địa phương” cả trong các giải pháp vùng/quốc gia đối với các thách đố lẫn các giải pháp của từng giáo xứ. Giáo Hội vẫn mãi là Giáo Hội duy nhất.

Tài Liệu Làm Việc cũng gần như hàm hồ trong việc mô tả “gia đình”. Bản Tường Trình Sau Cùng nhấn mạnh rằng không hề có loại suy thích đáng nào giữa cái hiểu Công Giáo về “hôn nhân” và “gia đình” và các sắp xếp xã hội khác, bất kể tư cách luật pháp của chúng.

Trong Tài Liệu Làm Việc, lòng thương xót và sự thật dường như đôi khi căng thẳng với nhau. Bản Tường Trình Sau Cùng thì được khai triển về thần học nhiều hơn khi liên kết lòng thương xót và sự thật trong Thiên Chúa, nên chúng không thể tách biệt nhau trong tín lý và thực hành của Giáo Hội.

Tài Liệu Làm Việc kém cả về phương diện văn chương, đọc khó hiểu. Bản Tường Trình Sau Cùng khá hùng biện ở một số điểm, làm đời sống người đọc thêm phong phú, dù họ không đồng ý với một số cách phát biểu nào đó.

Tóm lại, Bản Tường Trình Sau Cùng, dù có một số khuyết điểm, đã đi rất xa, vượt quá Tài Liệu Làm Việc rất xa, thực hiện được điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nhiều nghị phụ Thượng Hội Đồng muốn Thượng Hội Đồng thực hiện: đề cao và cử hành viễn kiến Công Giáo về hôn nhân và gia đình làm câu trả lời đầy soi sáng cho cuộc khủng hoảng của những định chế này trong thế kỷ 21.

Những đoạn liên quan tới các người ly dị tái hôn và đồng tính

Trên đây là phân tích của George Weigel. Đối với ký giả Rocco Palmo, Thượng Hội Đồng đã kết thúc với việc thông qua trọn vẹn, từng đoạn, Bản Tường Trình Sau Cùng gồm 94 điều. Nhưng với số 177 phiếu cần để đạt đa số tuyệt đối cho từng đoạn, điều đáng lưu ý là ba đoạn sít sao đạt đa số tuyệt đối ấy chính là ba đoạn nói về những người ly dị tái hôn, nhất là việc cho phép họ lãnh các bí tích, và những người đồng tính luyến ái.

Trong số ba đoạn trên, đoạn 85, tức đoạn nói tới việc “biện phân mục vụ… có tính đến lương tâm đã được đào tạo của người ta”, chỉ đạt được 178 phiếu thuận, hơn đa số tuyệt đối có 1 phiếu, với 80 phiếu chống. Đoạn sau, tức đoạn nói tới việc bàn hỏi với một linh mục “ở tòa trong” để tìm ra “một phán đoán đúng đối với việc điều gì ngăn trở người ly dị tái hôn không được tham dự đầy đủ vào đời sống Giáo Hội” thì đạt được số phiếu 190 thuận / 64 chống.

Còn đoạn về người đồng tính luyến ái thì nói đến việc phải “đặc biệt chú ý tới việc đồng hành với các gia đình có người có khuynh hướng đồng tính” và nhân danh Giáo Hội, tái khẳng định rằng “mọi người, bất luận xu hướng tính dục, phải được tôn trọng vì phẩm giá của họ và được chào đón với lòng kính trọng”, trong khi vẫn duy trì ngôn ngữ năm 2003 của Bộ Tín Lý là ngôn ngữ dạy rằng “không hề có bất cứ nền tảng nào để bao gồm hay thiết lập một giá trị tương đương” giữa các cuộc kết hợp đồng tính và “phương án của Thiên Chúa về gia đình”. Đoạn này được thông qua với số phiếu 221 thuận / 37 chống.

Cũng nên biết Bản Tường Trình Sau Cùng đã được ủy ban soạn thảo gồm 10 vị giáo phẩm với những quan điểm dị biệt nhất trí thông qua một cách “không dè dặt” trước khi được đưa ra phiên khoáng đại của Thượng Hội Đồng.

Một điều cũng đáng lưu ý: Đức Giáo Hoàng Phanxicô chưa cho biết ý định của ngài đối với Bản Tường Trình Sau Cùng nay đã trở thành Bản Tường Trình của Thượng Hội Đồng. Nhưng trong bài diễn văn cuối cùng của ngài tại Phòng Hội của định chế này, ngài có kín đáo lồng vào một ghi chú thật dài (ghi chú số 8) cho biết quan điểm của ngài về chữ “Gia Đình”. Dùng các vần đầu (acrostic) của chữ tiếng Ý FAMIGLIA (gia đình), ngài viết:

“ Nhìn những vần đầu của chữ FAMIGLIA, ta có thể tóm lược được sứ mệnh của Giáo Hội như là bổn phận phải: Đào tạo (Forming) các thế hệ mới để họ cảm nghiệm được tình yêu một cách nghiêm túc, không phải như một tìm kiếm khoái lạc có tính cá nhân chủ nghĩa để rồi vứt bỏ đi, nhưng để một lần nữa tin vào tình yêu chân thực, sinh hoa trái và lâu bền như phương cách duy nhất thoát ra khỏi mình và cởi mở đón chào người khác, để lại sau lưng sự cô đơn, sống theo Thánh Ý Thiên Chúa, tìm được thành toàn, hiểu ra rằng hôn nhân là 'một cảm nghiệm mặc khải tình yêu Thiên Chúa, bảo vệ tính thánh thiêng của sự sống, của mọi sự sống, bảo vệ tính duy nhất và tính bất khả tiêu của sợi dây hôn phối như là dấu chỉ ơn thánh Chúa và khả năng con người có thể yêu thương nghiêm túc' (Bài giảng Thánh Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng, 4 tháng Mười, 2015: L’Osservatore Romano, 5-6 tháng Mười 2015, tr. 7) và, hơn nữa, thăng tiến việc chuẩn bị hôn nhân như là phương thế cung cấp một cái hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa Kitô Giáo của bí tích hôn phối; Tiếp cận (Approaching) người khác, vì một Giáo Hội tự khép kín vào mình là một Giáo Hội chết, một Giáo Hội không để tường hào của mình lại phía sau để đi tìm, để ôm ấp và dẫn người khác tới với Chúa Kitô là một Giáo Hội phản bội chính sứ mệnh và ơn gọi của mình; Biểu lộ (Manifesting) và đem lòng thương xót của Thiên Chúa tới các gia đình đang cần tới; tới những người bị bỏ rơi, tới người già cả bị làm ngơ, tới các trẻ em đau khổ vì cha mẹ chia ly, tới các gia đình nghèo đang chật vật để sinh tồn, tới những người có tội đang gõ cửa nhà ta và những người thật xa mà tới, tới những người có khả năng cách khác (khuyết tật), tới tất cả những người đang mang thương tích trong linh hồn và ngoài thể xác, và tới những cặp vợ chồng đang tan nát vì sầu khổ, bệnh hoạn, chết chóc hay bách hại; Soi sáng (Illuminating) các lương tâm thường bị tấn công bởi những lực lượng có hại và tinh tế dám mưu toan thay thế Thiên Chúa Hóa Công, những lực lượng nhất thiết phải bị lột mặt nạ và chống cự trong khi vẫn tôn trọng phẩm giá mỗi người; Thu lượm (Gaining) và khiêm cung xây dựng lại lòng tin tưởng vào Giáo Hội, một lòng tin tưởng bị làm yếu đi rất nhiều vì tác phong và tội lỗi của con cái Giáo Hội, đáng buồn thay, tính phản chứng tá của các tai tiếng do một số giáo sĩ phạm trong Giáo Hội đã phá hoại tính khả tín và làm lu mờ vẻ sáng lạn trong các sứ điệp cứu rỗi của Giáo Hội; Lao công (Labouring) cách nhiệt tình để nâng đỡ và khích lệ nhiều gia đình mạnh mẽ và trung thành dù giữa các lao đao hàng ngày vẫn tiếp tục làm chứng lớn lao cho lòng trung thành đối với giáo huấn của Giáo Hội và các giới răn của Thiên Chúa; Sáng chế (Inventing) ra các chương trình đổi mới để chăm sóc gia đình đặt căn bản trên Tin Mừng và tôn trọng các dị biệt văn hóa, một chăm sóc mục vụ có khả năng thông truyền Tin Mừng một cách lôi cuốn và tích cực, giúp loại bỏ khỏi tâm hồn giới trẻ sự sợ hãi không dám thực hiện các cam kết dứt khoát, một chăm sóc mục vụ biết lưu ý cách đặc biệt tới trẻ em đang là nạn nhân thực sự của các gia đình đổ vỡ, một chăm sóc mục vụ biết canh tân và cung cấp được một sự chuẩn bị thích đáng để lãnh nhận bí tích hôn phối, hơn là có quá nhiều chương trình mà xem ra chỉ có hình thức hơn là huấn luyện để người ta cam kết suốt đời; Nhắm (Aiming) việc yêu thương vô điều kiện mọi gia đình, nhất là các gia đình đang trải nghiệm khó khăn, vì không gia đình nào nên cảm thấy mình cô đơn hay bị loại ra ngoài vòng tay yêu thương của Giáo Hội, và tai tiếng đích thực chính là nỗi sợ đối với tình yêu và không dám biểu lộ tình yêu ấy một cách cụ thể".

Các giám mục Đức và ba đoạn nói về ly dị tái hôn

Nói gì thì nói, điều rõ ràng là: không như Thượng Hội Đồng năm 2014, tất cả các điều khoản của bản dự thảo Tường Trình Sau Cùng do Ủy Ban Soạn Thảo của Thượng Hội Đồng năm 2015 đã được đa số tuyệt đối thông qua trọn vẹn.

Tuy nhiên, các điều nói về người ly dị tái hôn trong Bản Tường Trình Sau Cùng vẫn tiếp tục được bàn tán, ít nhất cho tới lúc nó được lồng vào hay bị loại bỏ dứt khoát hoặc được sửa đổi đáng kể bởi tông huấn hậu Thượng Hội Đồng của Đức Phanxicô trong Năm Thương Xót.

Thực vậy, theo George Weigel, chỉ trong vòng 90 phút sau khi Kinh Te Deum được hát lên trong ngày cuối cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015, tranh cãi đã vỡ ra liên quan tới ý nghĩa của ba đoạn 84-86, ba đoạn có số phiếu chống cao nhất: 187/72, 178/80, 190/64, tuy không đủ 1/3 tổng số phiếu bầu để loại chúng ra khỏi Bản Tường Trình Sau Cùng.

Sau khi ba đoạn này được các nghị phụ Thượng Hội Đồng xem xét lần đầu tiên vào đêm thứ Năm, hàng tá tu chính đã được đề nghị. Nhiều tu chính đề nghị loại bỏ một, hai hay cả ba đoạn này vì bị coi là hàm hồ. Khoảng 20 gợi ý tương tự cũng đã được đưa ra tại phiên khoáng đại sáng thứ Sáu. Tất cả các đề nghị này đều không được ủy ban soạn thảo chấp thuận, nhưng ủy ban có lồng vào một chi tiết chủ yếu mà chúng tôi sẽ nhắc ở dưới đây.

Sau đây là bản dịch ba đoạn này, dựa vào bản tiếng Anh của George Weigel, nói là căn cứ vào bản gốc tiếng Ý của Phòng Báo Chí Tòa Thánh:

84. Những người đã rửa tội ly dị và tái hôn dân sự nên được hội nhập nhiều hơn vào các cộng đồng Kitô Giáo theo nhiều cách khác nhau bao nhiêu có thể, tránh mọi dịp gây gương xấu. Luận lý học của việc hội nhập này là chìa khóa cho việc đồng hành mục vụ với họ, không những để họ thấy họ vẫn thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, mà còn để họ có được một cảm nghiệm hân hoan và sinh hoa trái trong Nhiệm Thể ấy. Họ là người đã rửa tội, họ là anh chị em, các ơn phúc và đặc sủng của Chúa Thánh Thần tuôn vào trong họ vì lợi ích của mọi người. Sự tham dự của họ có thể được phát biểu trong nhiều việc phục vụ khác nhau trong Giáo Hội: nên Giáo Hội phải biện phân xem các hình thức nào trong số các hình thức loại trừ đang được áp dụng trong sinh hoạt phụng vụ, mục vụ, giáo dục và định chế có thể được bỏ qua. Không những họ không nên tự coi mình như bị tuyệt thông, mà họ còn cần được sống và lớn mạnh như các chi thể sống động của Giáo Hội, cảm nghiệm Giáo Hội như mẹ hiền cũng đang đồng hành với họ, săn sóc họ một cách âu yếm, và khích lệ họ trên đường đời và đường Tin Mừng.

Việc hội nhập này cũng cần thiết đối với việc săn sóc và giáo dục con cái họ, vốn là quan tâm quan trọng nhất. Đối với cộng đồng Kitô Giáo, săn sóc những người này không làm suy yếu đức tin của Giáo Hội và chứng tá của Giáo Hội đối với tính bất khả tiêu của hôn nhân; đúng hơn, trong việc săn sóc này, Giáo Hội nói lên tình bác ái của mình cách thích đáng.

85. Thánh Gioan Phaolô II đã cho ta một tiêu chuẩn toàn bộ sẽ vẫn là căn bản cho việc đánh giá các hoàn cảnh này: “Các mục tử phải biết rằng, vì lợi ích của sự thật, các ngài buộc phải thi hành việc biện phân các hoàn cảnh một cách thận trọng. Thực vậy, có sự khác nhau giữa những người thành thực cố gắng muốn cứu cuộc hôn nhân thứ nhất của họ và bị bỏ rơi một cách bất công, và những người, qua lỗi lầm nặng nề của mình, đã hủy diệt một cuộc hôn nhân thành sự theo giáo luật. Sau cùng, có những người bước vào cuộc kết hợp thứ hai vì lợi ích dưỡng dục con cái, và những người, về phương diện chủ quan, đôi khi chắc chắn trong lương tâm rằng cuộc hôn nhân trước và đã bị huỷ diệt một cách vô phương cứu chữa chưa bao giờ thành sự cả” [Familiaris Consortio 84]. Bởi thế, bổn phận của các linh mục là đồng hành với những người liên hệ trên con đường biện phân phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội và sự hướng dẫn của vị giám mục. Trong diễn trình này, điều hữu ích là thi hành việc xét lương tâm trong những thời khắc suy gẫm và thống hối. Người ly dị và tái hôn phải tự hỏi mình xem mình đã cư xử ra sao với con cái khi cuộc khủng hoảng bắt đầu xẩy ra với cuộc hôn nhân đầu; họ có thực hiện các cố gắng hòa giải hay không; tình huống người bạn đời bị bỏ rơi ra sao; các hậu quả của mối liên hệ mới như thế nào đối với những người khác trong gia đình và đối với cộng đồng tín hữu; và mẫu gương nào đã được dành cho các người trẻ đang chuẩn bị hôn nhân. Một suy gẫm thành thực có thể tăng cường niềm tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một lòng thương xót không bị từ khước cho bất cứ ai.

Ngoài ra, điều không thể chối cãi được là: trong một số hoàn cảnh, “Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ” [Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, số 1735] do nhiều điều kiện khác nhau. Thành thử, phán kết về một hoàn cảnh khách quan không nhất thiết dẫn tới một phán kết để “qui lỗi chủ quan” [Ủy Ban Giáo Hoàng về Các Bản Văn Luật Pháp, Tuyên Bố ngày 24 tháng Sáu, năm 2000, số 2a].

Trong một số hoàn cảnh, người ta rất khó có thể hành động khác đi. Cho nên, dù vẫn duy trì qui luật tổng quát, nhưng cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm đối với một hành động hay một quyết đình nào đó không như nhau trong mọi trường hợp. Dù vẫn phải lưu ý tới việc đào tạo lương tâm thích đáng nơi người ta, nhưng việc đồng hành mục vụ phải dự liệu các hoàn cảnh này. Hậu quả của các hành vi không nhất thiết phải như nhau trong mọi trường hợp.

86. Diễn trình đồng hành và biện phân sẽ hướng dẫn các tín hữu này tới việc xét lương tâm đối với hoàn cảnh của họ trước mặt Thiên Chúa. Đàm đạo với một linh mục ở tòa trong sẽ góp phần vào việc đào tạo một phán đoán đúng về điều hiện đang ngăn cản khả thể được sống trọn vẹn hơn trong Giáo Hội và về các biện pháp có thể gây thuận lợi và phát huy việc phát triển này. Xét vì không hề có sự tiệm tiến trong lề luật [Familiaris Consortio số 34], việc biện phân này không thể nào không xét tới các đòi hỏi của Tin Mừng về chân lý và bác ái được Giáo Hội đề nghị. Để việc này có thể diễn ra, các điều kiện cần thiết về khiêm nhường, thận trọng, và kính yêu Giáo Hội và giáo huấn Giáo Hội phải được bảo đảm, trong việc thành thực tìm kiếm thánh ý Chúa và trong ước nguyện đạt tới một đáp trả hoàn thiện hơn đối với thánh ý này.

Một số nhận xét về ba đoạn nói về ly dị tái hôn

1. Khả thể rước lễ của những người ly dị và tái hôn dân sự không được nhắc tới trong ba đoạn trên cũng như trong toàn bộ Bản Tường Trình Sau Cùng.

2. Câu được in ngả và đậm trong đoạn 85 trên đây đã được lồng vào dự thảo soạn lại của Bản Tường Trình Sau Cùng sau khi đoạn này bị các nghị phụ chỉ trích, để xác nhận rằng giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, và sự xứng đáng để được rước lễ, vẫn phải là nền tảng để từ đó việc đồng hành mục vụ và biện phân có thể diễn tiến. Cấu trúc của toàn câu này minh xác và nên minh xác rằng việc hướng dẫn mục vụ của vị giám mục (và nói rộng ra, việc làm của các linh mục) có trách nhiệm phải lưu ý tới giáo huấn nền tảng và lâu đời này.

3. Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong Familiaris Consortio số 84 là tiêu chuẩn có hiệu lực và toàn diện trong các hoàn cảnh cảnh mục vụ khó khăn và tế nhị này. Trong các sửa đổi (modi) đệ nạp sáng thứ Sáu, có đề nghị cho rằng trọn số 84 của Familiaris Consortio được trích dẫn đầy đủ trong Bản Tường Trình Sau Cùng; mọi hàm hồ đáng lẽ đã không còn nếu các sửa đổi này được chấp thuận. Nhưng nếu Familiaris Consortio số 84 quả thực là “tiêu chuẩn toàn diện” cho việc biện phân mục vụ và thiêng liêng trong các tình huống này, thì tính toàn diện này chắc chắn phải phải bao gồm cả mấy câu sau, vốn được viết liền ngay sau những câu được trích dẫn ở số 85 trên đây: “Tuy nhiên, Giáo Hội tái xác nhận thực hành của mình, một thực hành đặt căn bản trên Thánh Kinh, là không cho phép những người ly dị và tái hôn rước lễ. Họ không thể được phép như thế do sự kiện trạng thái và điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự kết hợp tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội vốn được biểu hiện và được thể hiện bởi Phép Thánh Thể. Ngoài ra, còn một lý do mục vụ đặc biệt khác nữa: nếu những người này được phép rước lễ, các tín hữu sẽ bị dẫn vào sai lầm và lẫn lộn đối với giáo huấn của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân”.

4. Trong ba doạn trên và trong cả toàn bộ Bản Tường Trình Sau Cùng, không thấy gợi ý nào về việc “tín lý” có thể tách biệt khỏi “thực hành” trong vấn đề xứng đáng được rước lễ của những người ly dị và tái hôn dân sự.

5. Đề Xuất Kasper không xuất hiện trong ba đoạn trên hay trong Bản Tường Trình Sau Cùng vì các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã dứt khoát bác bỏ nó.

6. Bản Tường Trình Sau Cùng không ủng hộ “giải pháp Công Giáo Địa Phương” tức việc tản quyền trong các vấn đề này cho các hội đồng giám mục miền hay quốc gia hay cho các giám mục hoặc mục tử địa phương.

7. Bản Tường Trình Sau Cùng minh xác rằng “lương tâm”, hiểu cách đúng đắn, là một lương tâm được đào tạo đứng đắn, nghĩa là đào tạo trong và bởi sự thật; điều này có nghĩa: “lương tâm” không phải chỉ nói lên ý chí của một người. Lời tuyên bố về lương tâm tại các số 84-86 cần được đọc dưới sự soi sáng của điều vừa nói.

Tuy không như một số giới truyền thông cho rằng ba đoạn trên đã ngầm thừa nhận đề xuất của Đức Hồng Y Kasper, nhưng ít nhất ba đoạn đó nghiêng về phía quan điểm của các vị giám mục nói tiếng Đức.

Thực vậy, đọc kỹ bản tường trình phần thứ ba của họ (xem http://www.vietcatholic.net/News/Html/147851.htm), ta thấy cung giọng của nó gần như hoàn toàn được phản ảnh trong ba đoạn trên, kể cả cung cách trích dẫn, mà nhiều người cho là mập mờ, số 84 Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Familiaris consortio của Đức Gioan Phaolô II. Các luận điểm bênh vực giải pháp, cũng bị nhiều người cho là không rõ ràng, của cả hai bản đều có những điểm tương tự như nhau. Tinh thần hòa giải, thỏa hiệp để đạt đồng thuận hay nhất trí quả đã bàng bạc trong cả hai bản văn, ít nhất trong các đoạn nói về người ly dị và tái hôn dân sự.

Theo George Weigel, ngôn ngữ trong ba đoạn trên đôi lúc mập mờ, nhất là đối với những người cố ý muốn có sự mập mờ. Nhưng cứ luận lý học mà xét, thì đã trích Familiaris Consortio 84, người ta buộc phải chấp nhận trọn nội dung của nó. Và nếu như thế, thì ba đoạn trên không hẳn không tương hợp với tín lý cổ điển và kỷ luật bí tích hiện hành của Giáo Hội; thậm chí nó còn tăng cường tín lý và kỷ luật này khi thẳng thừng quả quyết rằng giáo huấn của Giáo Hội là nền tảng để từ đó việc đồng hành mục vụ chân thực có thể diễn ra.

Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/147876.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét