Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Bảy, 10 tháng 10, 2015

Năm Thánh Lòng Thương Xót – Những thông tin cần biết


WHĐ (09.10.2015) – Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội Công giáo sẽ khai mạc vào ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Trong Thư mục vụ gửi Công đồng Dân Chúa ngày 17/9/2015, sau Hội nghị thường niên kỳ II/2015 họp tại Toà Giám mục Xuân Lộc, các giám mục Việt Nam nhắc lại rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót này trùng với “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội” của Giáo hội tại Việt Nam (2016) và kêu gọi các tín hữu sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao hoà, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.
Để giúp chuẩn bị bước vào Năm Thánh Lòng Thương xót –còn đúng hai tháng nữa sẽ khai mạc– Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã biên soạn “Những thông tin cần biết” sau đây.
***
Ngày 1-7-2015, Đức hồng y Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc-Âm-hóa, đã gửi đến các Giáo hội địa phương tập sách hướng dẫn việc cử hành Năm Thánh. Chúng tôi xin lược tóm những thông tin cần biết để các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tham khảo.
Tông sắc Dung mạo lòng thương xót (Misericordiae Vultus)
Ngày 13-3-2015, nhân kỷ niệm hai năm được bầu làm Đấng kế vị Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã loan báo Năm Thánh ngoại thường. Ngày 11-4-2015, ngài ban hành tông sắc Dung mạo lòng thương xót, công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đến ngày 20-11-2016, lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ. Tông sắc thực sự là một tổng hợp thần học về lòng thương xót, đồng thời trình bày hướng đi của Năm Thánh. Lòng thương xót không phải là một từ ngữ trừu tượng, nhưng là từ ngữ diễn tả dung nhan Thiên Chúa cũng như đời sống và hành động của Chúa Giêsu, đồng thời là phương cách thể hiện tính khả tín của Giáo Hội.
Về việc tổ chức Năm Thánh, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng Năm Thánh cần được cử hành trước hết trong từng giáo phận như cơ hội thuận lợi để canh tân đời sống mục vụ. Phải quan tâm đặc biệt đến chiều kích thiêng liêng của Năm Thánh, cũng như sự nhất quán giữa việc loan báo Tin Mừng và đời sống của những người mang danh Kitô hữu.
Cửa Thương Xót
Trong Năm Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu mỗi giáo phận mở Cửa Thương Xót, giúp các tín hữu cảm nghiệm được lòng thương xót của Cha trên trời. Ngài viết: “Vào Chúa nhật III Mùa Vọng, tôi tuyên bố rằng trong mọi Giáo hội địa phương, tại Nhà thờ chính tòa – nhà thờ mẹ của các tín hữu trong miền đó – hoặc, thay vào đó là nhà thờ đồng-chính-tòa hay một nhà thờ khác có ý nghĩa đặc biệt, Cửa Thương Xót sẽ được mở trong suốt Năm Thánh. Theo sự khôn ngoan của đấng bản quyền, cũng có thể mở một cửa như thế tại đền thánh nào có đông khách hành hương lui tới” (Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, số 3).
Về nghi thức mở và đóng Cửa Thương Xót, cũng như về những điều kiện lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh, xin tham khảo tại địa chỉ trang web www.im.va


Khẩu hiệu và logo Năm Thánh
Khẩu hiệu và logo Năm Thánh đi chung với nhau, cung cấp một tổng hợp nội dung Năm Thánh.
Khẩu hiệu Thương xót như Chúa Cha (x. Lc 6,36) là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Cha trên trời, dạy chúng ta đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn (x. Lc 6,37-38).
Logo là công trình của linh mục dòng Tên, cha Marko I. Rupnik. Tự nó, logo là một tổng luận thần học về lòng thương xót. Thật vậy, logo trình bày một hình ảnh rất thân quen với Giáo Hội sơ khai, nghĩa là trình bày tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã đưa mầu nhiệm Nhập thể (hai bản tính, thiên tính và nhân tính) đến chỗ hoàn thành bằng ơn cứu chuộc (những dấu đinh trên hai tay và hai chân). Đấng chăn chiên lành đã chạm đến xác thịt nhân loại cách sâu xa và tràn đầy tình yêu đến nỗi mang lại sự thay đổi tận gốc. Người đã mang nhân loại trên vai Người với tất cả lòng thương xót, cặp mắt của Đấng chăn chiên lành và cặp mắt của Adam trở nên một, để Chúa Kitô nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Adam và Adam nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, Adam mới, mọi người nam nữ đều khám phá nhân tính của chính mình và tương lai sẽ đến, khi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Cha qua cặp mắt của Chúa Kitô.
Nền của hình ảnh trên là ba hình bầu dục đồng tâm, càng đi ra bên ngoài thì mầu sắc càng nhạt đi, diễn tả hành động của Chúa Kitô đưa nhân loại ra khỏi đêm tối của tội lỗi và sự chết. Ngược lại, khi nhìn từ ngoài vào, chiều sâu của mảng màu tối lại diễn tả tính khôn dò của tình yêu Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả.
Những vấn đề liên quan đến việc sử dụng logo
Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc-Âm-hóa giữ bản quyền về việc sử dụng logo trong Năm Thánh. Hội đồng cho phép các tổ chức trong Giáo Hội Công giáo sử dụng logo với mục đích mục vụ, nhưng không cho phép làm thương mại.
Không được phép thay đổi logo, cho dù lấy lý do phải thích nghi với văn hóa địa phương. Tuy nhiên, được phép dịch câu khẩu hiệu từ tiếng La tinh Misericordes sicut Pater, vốn là thành phần gắn liền với logo. Các giáo phận muốn dịch khẩu hiệu trên sang ngôn ngữ khác, xin vui lòng liên hệ với Ban Tổ chức qua địa chỉ email: info@im.va để cung cấp cho Ban Tổ chức biết cách đánh vần chính xác khẩu hiệu trong ngôn ngữ của mình. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ lo việc đưa câu khẩu hiệu đã được dịch vào logo và gửi lại cho giáo phận đó. Theo đó, tất cả các câu khẩu hiệu bằng các ngôn ngữ sẽ được liệt kê trên trang web của Năm Thánh.
Câu khẩu hiệu trong tiếng Việt: Thương xót như Chúa Cha.
Quy định này cũng được áp dụng cho việc chuyển ngữ Thánh thi chính thức của Năm Thánh và Kinh Năm Thánh do Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn.
Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,
và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa
và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu
và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;
làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna
không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;
cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,
và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.
Xin cho chúng con được nghe
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,
như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:
“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”
Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:
Xin làm cho Hội Thánh
phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.
Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa
cũng mặc lấy sự yếu đuối
để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,
xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
quan tâm, yêu mến và thứ tha.
Xin sai Thần Khí Chúa đến
xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này
trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,
có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,
công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.
Lạy Chúa Giêsu,
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,
xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
Đức giáo hoàng Phanxicô

Văn phòng thư ký HĐGMVN
Nguồn: http://www.hdgmvietnam.org/nam-thanh-long-thuong-xot-%E2%80%93-nhung-thong-tin-can-biet/7348.57.7.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét