Theo Đài Phát Thanh Vatican, Chúa Nhật vừa qua, tiền đình Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô đã được trang trí bằng mầu xanh và đỏ tươi khi các nghị phụ thượng hội đồng tụ tập quanh bàn thờ cử hành thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng Thường Lệ về Gia Đình do Đức Thánh Cha Phanxicô chủ tọa.
Chân lý và bác ái
Các bản văn Thánh Kinh là các bản văn của Chúa Nhật 27 Mùa Thường Niên, nhưng trong lời mở đầu bài giảng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng “xem ra chúng đã được chọn cho giờ phút ơn thánh này, một giờ phút Giáo Hội đang trải nghiệm”.
Bởi vì, theo ngài, các bài đọc đã xoáy vào ba trọng điểm sau đây: “cô đơn, tình yêu giữa người đàn ông và người đàn bà, và gia đình”.
Cô đơn đây là cô đơn của Adong, được Sách Sáng Thế thuật lại trong bài đọc một. Và cũng là nỗi cô đơn của rất nhiều người hiện nay: người già, người góa chồng góa vợ và những ai bị người phối ngẫu bỏ rơi. Nói chung: giữa những biệt thự sang trọng và nhà chọc trời, thế giới hoàn cầu hóa càng ngày càng thiếu hơi ấm của mái nhà, của gia đình. Vì con người hiện đại “càng ngày càng kém nghiêm túc trong việc xây dựng các liên hệ yêu thương sinh hóa trái: lúc mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, từ nay suốt đời”.
Đức Phanxicô không quên nói tới các đặc tính của hôn nhân Công Giáo: lâu dài, trung thành, có ý thức, ổn định và sinh hoa trái. Ngài cũng nhắc tới những yếu tố phá hoại hôn nhân và gia đình: sinh suất thấp, phá thai, ly dị cao.
Nhưng ngài bảo: Thiên Chúa dựng nên người đàn ông đàn bà không phải để sầu khổ hay cô đơn mà là để hạnh phúc. Vì theo Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy rằng: chính Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của họ, Người là Đấng kết hợp trái tim hai người để họ yêu thương nhau, Người kết hợp họ nên một và vĩnh viễn bất khả phân.
Một kế hoạch tốt đẹp như trên, oái oăm thay, lại bị xã hội hiện đại chế nhạo trong khi vẫn đi tìm tình yêu đích thực “Ta thấy con người thời nay chạy theo những cuộc tình mau qua trong khi mơ ước một cuộc tình chân thực, họ chạy theo các thú vui xác thịt nhưng lại ước mong việc tự hiến hoàn toàn”.
Ngài cho rằng chính trong tình huống oái oăm ấy, “Giáo Hội có nghĩa vụ phải thực thi sứ mệnh của mình một cách đầy trung thành, sự thật và yêu thương”.
Giáo Hội phải trung thành với tiếng nói của Thầy mình và nhờ làm thế, đã bênh vực tính thánh thiêng của sự sống, tính đơn nhất và bất khả tiêu của hôn nhân, và là dấu chỉ ơn thánh Chúa và khả năng con người có thể yêu thương một cách nghiêm túc.
Đức Phanxicô lớn tiếng quả quyết rằng sự thật không thay đổi theo sở thích chóng qua hay theo dư luận quần chúng. Nó phải là “sự thật biết bảo vệ các cá nhân và nhân loại như một toàn thể tránh cơn cám dỗ lấy mình làm trung tâm và tránh biến tình yêu sinh hoa trái thành lòng ích kỷ cằn cỗi, biến cuộc kết hợp trung thành thành những mối dây tạm bợ”.
Dĩ nhiên phải là sự thật “trong bác ái”, như Đức Bênêđíctô XVI vốn nhấn mạnh. Giáo Hội phải là một người mẹ “ý thức được nghĩa vụ của mình là đi tìm và chăm sóc cho các cặp đang bị thương tích bằng dầu nóng chấp nhận và thương xót”. Giáo Hội phải là một bệnh viện dã chiến với “những cánh cửa mở rộng đón nhận bất cứ ai tới gõ để được giúp đỡ và nâng đỡ”.
Ngài nhấn mạnh rằng: Giáo Hội giảng dạy và bảo vệ các giá trị nền tảng nhưng không quên “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người được tạo nên cho ngày Sabát” (Mc 2:17).
Rồi ngài nhắc lại lời của Thánh Gioan Phaolô II dạy rằng “Sai lầm và sự ác luôn phải được kết án và chống đối; nhưng người sa ngã hay người sai lầm cần được hiểu biết và yêu thương… Ta phải yêu thời nay và giúp con người thời nay”. Giáo Hội phải đi tìm những người này để chào đón và đồng hành với họ, đừng trở thành rào cản mà hãy trở thành những cây cầu.
Chỉ chú trọng tới lòng thương xót
Lối tường thuật trên đây hết sức trung thực vì không bỏ sót bất cứ điểm trọng yếu nào trong Huấn Quyền Giáo Hội, được Đức Phanxicô, môt lần nữa, nói lên. Chắc chắn những điều ngài nói, không một nghị phụ nào không đồng ý vì đó vốn là quan điểm của Giáo Hội xưa nay, cụ thể qua giáo huấn của hai vị tiền nhiệm của ngài.
Đây cũng là lối tường thuật của các cơ quan truyền thông Công Giáo. Không như một số cơ quan truyền thông thế tục: nhân những lúc tường thuật các biến cố của Giáo Hội, luôn ngụ một ẩn ý nào đó khiến bài tường thuật ngả nghiêng sinh hàm hồ. Reuters/AFP, chẳng hạn, đặt tựa đề cho bài tường thuật của họ như sau: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô khai mạc Thượng Hội Đồng trước tấm phông tranh cãi về vấn đề gây chia rẽ đồng tính luyến ái”.
Họ có ý nói tới vị linh mục “thâm niên”, cha Krzystof Charamsa, vừa công bố mình là người đồng tính và đang sống trong mối liên hệ đồng tính, ngay trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng. Dù Tòa Thánh có phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của vị linh mục này, ai cũng thấy hành động của ngài không thể có ảnh hưởng gì tới Thượng Hội Đồng này cả. Ấy thế mà Reuters/AFP dám cho rằng “Với cả việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bị kéo vào cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính tại Hoa Kỳ, xem ra Thượng Hội Đồng đã được triệu tập chỉ để đề cập tới vấn đề Giáo Hội phải tiếp cận ra sao các tín hữu đồng tính nam nữ”.
Reuters/AFP, nhân dịp này, còn cho hay ngay trước khi có hành động của vị linh mục Ba Lan vừa nói ở trên, các thái độ của Công Giáo đối với đồng tính luyến ái cũng đã tạo ra các hàng tít lớn đáng lưu ý rồi. Tòa Thánh cũng đã phải xác nhận việc Đức Phanxicô ôm hôn người bạn cũ mang chứng đồng tính của ngài và cả người “phối ngẫu” của ông ta nữa trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa rồi.
Reuters/AFP có nhắc tới cuộc gặp mặt, cũng trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vừa qua, giữa Đức Phanxicô và Kim Davis, một người cực lực chống đối hôn nhân đồng tính, nhưng nhấn mạnh là Vatican không ủng hộ lập trường của bà này.
Nói tóm lại, trong ngày khai mạc Thượng Hội Đồng về Gia Đình, tập chú của Reuters/AFP chỉ là lòng thương xót. Tiểu đề của họ: “Đức Phanxicô thúc giục Giáo Hội tỏ lòng thương xót”. Tiếp theo, họ thuật lại diễn trình thảo luận về đồng tính luyến ái tại Thượng Hội Đồng năm ngoái với phe cải cách muốn Giáo Hội thừa nhận các liên hệ đồng tính và phe bảo thủ “coi đồng tính luyến ái như một thứ bệnh” nên đã chặn đứng được ý muốn kia.
Reuters/AFP coi đó là những “rạn nứt sâu xa trong Giáo Hội” trong khi các dị biệt trong lúc thảo luận chỉ là việc bình thường của một cơ cấu bao trùm 1.2 tỷ con người. Không thấy ai nói tới những “rạn nứt sâu xa” trong phán quyết 5 chọi 4 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính!
Mặt khác, họ còn coi lời kêu gọi thương xót như chỉ là của riêng Đức Phanxicô chứ không phải là của truyền thống Công Giáo: “tại tâm điểm nghị trình của Thượng Hội Đồng là niềm tin của đức Phanxicô rằng Giáo Hội phải tỏ lòng thương xót trong cố gắng giải quyết hố phân cách giữa điều Giáo Hội hiện đang nói về hôn nhân, tình yêu và giới tính và điều hàng chục triệu các tín hữu của mình thực sự đang làm hàng ngày.
“Nói một cách cụ thể, điều trên được chi tiết hóa rõ ràng nhất qua đòi hỏi cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được phép rước lễ và xưng tội, hơn là trên thực tế bị loại ra khỏi Giáo Hội như hiện nay”.
Không một lời tường thuật nào nói tới hôn nhân, tình yêu, và gia đình chân thực theo quan điểm Công Giáo.
Trèo đèo
Thiển nghĩ, John L. Allen Jr. đã nhận định đúng khi mô tả các cố gắng của Đức Phanxicô như một cuộc trèo đèo.
Một đàng, Đức Phanxicô rõ ràng muốn duy trì giáo huấn truyền thống Công Giáo về hôn nhân và gia đình. Ngài tin rằng các giáo huấn này không làm cho Giáo Hội thành “Bà Bác Sĩ Chuyên Nói Không” với thế giới hiện đại, nhưng đúng hơn vạch ra một con đường dẫn con người tới chỗ thành toàn chân chính.
Nhưng mặt khác, Đức Phanxicô cũng là vị giáo hoàng từng nói câu “Tôi là ai mà dám phê phán?” liên quan tới những người đồng tính cố gắng sống cuộc sống có đức tin; ngài muốn lùi bước trước bất cứ điều gì khiến người ta nhìn Giáo Hội như người bất khoan dung hay không thương xót.
Bởi thế, đối với Thượng Hội Đồng về Gia Đình, rõ ràng ngài muốn hai điều. Trước nhất, một cách tiếp cận quân bình đối với các vấn đề nóng bỏng như đồng tính luyến ái và cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, phối hợp việc bảo vệ thánh truyền với một ngôn từ mới và một phương thức mục vụ mới nhấn mạnh tới việc bao gồm mọi người.
Thứ hai, ngài không muốn Thượng Hội Đồng bị các vấn đề nêu trên tiêu hao. Khi đề cập tới các vấn đề này, ngài thường đặt chúng vào các bối cảnh rộng lớn hơn. Nhưng ngài cũng không muốn Thượng Hội Đồng tránh né xem xét các vấn đề này.
Ai cũng biết, các vấn đề trên quả có tạo ra một căng thẳng tại Thượng Hội Đồng năm ngoái. Có người hy vọng sự căng thẳng này sẽ nguôi dần trong khoảng một năm giữa hai kỳ họp của Thượng Hội Đồng. Nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy sự nguôi ngoai này.
Gần tới ngày khai mạc Thượng Hội Đồng năm 2015, một nhà báo nổi tiếng ở Rôma đã cho công bố một ebook với câu hỏi không biết Thượng Hội Đồng năm ngoái có bị chơi khăm hay không, có ý ám chỉ phe cấp tiến âm mưu đưa ra các quan điểm lỏng lẻo về đồng tính và ly dị.
Phe cấp tiến cũng không vừa. Đã có những “Thượng Hội Đồng trong bóng tối” chính thức lên tiếng ủng hộ đồng tính và Đức HY Kasper thì vẫn tin quan điểm của ngài sẽ được nhìn nhận tức cho phép người ly dị tái hôn được rước lễ. Trong khi ấy có vụ linh mục Chamrasa công bố hành vi sống đồng tính của mình, mà có người cho động lực là chuyện mua bán của phe ủng hộ đồng tính.
Thành thử, các cố gắng của Đức Phanxicô hẳn đúng là các cố gắng của một người trèo đèo cao. Tuy nhiên, ngài cũng là người không ngại chu toàn bổn phận của Giám Mục Rôma: ngài từng nói nhiều tới parrhesia, và ngài từng đưa ra các giải pháp mạnh dạn như hai tự sắc vừa qua đã chứng tỏ.
Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholic.net/News/Html/144590.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét