Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2020

Văn hóa đổ lỗi nơi người Việt


Tôi chạnh lòng khi biết người Việt thường đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh. Nhiều người còn đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên, đổ tội cho số phận. Không ít người gọi đó là căn bệnh. Báo động là căn bệnh này ngày càng lây lan.
Ngay từ nhỏ, cha mẹ ông bà vô tình tập cho con cháu đổ lỗi. Khi bé vấp phải cái bàn, chiếc ghế, bà liền dỗ cháu bằng cách đánh cái bàn, đập cái ghế: “Mày làm cháu bà đau nè, đánh nè, đánh nè.” Bà đã vô tình gieo vào tâm trí của trẻ cách đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đứa trẻ ấy lớn lên, mọi vấp ngã của nó, không bao giờ là do nó. Khi thất bại trong kỳ thi, học sinh đổ thừa cho thầy cô ra đề khó, tại xui xẻo nên bị  “tủ đè”. Trong gia đình, mỗi khi thất bại, người lớn thường đổ lỗi tại hoàn cảnh, tại điều này, điều nọ. Hiếm khi người ta dám: tiên trách kỷ, hậu trách nhân – xem mình trước, trách người sau.
Bạn nghĩ sao khi Tony  Buổi Sáng nhận xét rằng:
“Ở các nước châu Á, có lẽ lối giáo dục đổ lỗi tạo thành văn hóa chỉ trích người khác nhưng tuyệt nhiên không nói đến mình. Giáo viên nói học sinh dốt. Học sinh thì nói giáo viên dạy dở, chương trình dở. Giám đốc nói nhân viên kém cỏi. Nhân viên thì chê giám đốc không đủ trình độ. Đồng nghiệp thì xét nét nhau, đổ lỗi cho nhau khi có sự cố. Trừ mình. Hễ ai nói đến mình là nổi điên,vì tôi là một pháo đài bất khả đề cập.”[1]
Thực ra câu chuyện đổ lỗi cho người khác là thân phận của con người. Kinh Thánh khéo léo trình bày hiện tượng này bằng một câu chuyện xảy ra ngay trong Vườn Địa Đàng. Nơi đó có một cây mà Thiên Chúa cấm ông Adam và bà Eva không được ăn. Xui thay con rắn là loài xảo quyệt ngày đêm thủ thỉ với Eva. Bà mủi lòng và hái trái ngon ngọt trên cây đó. Ăn xong, bà còn đưa cho chồng ăn nữa. Họ đã phạm thiên luật, chống lại Thiên Chúa và xấu hổ trốn chui trốn nhủi.
Như thường lệ, Thiên Chúa dạo quanh Vườn và hôm nay không thấy ông bà đâu hết. Thiên Chúa gọi vang cả khu vườn. Ông bà liền thưa và Thiên Chúa hỏi tội ông bà. Kinh Thánh kể hai ông bà chối lấy chối để. Ông đổ thừa cho Eva đã đưa cho ông ăn, chứ ông đâu biết gì. Ông tưởng chối như thế là hết tội. Đúng là Eva đã đưa cho Adam ăn, nhưng chính con rắn đã dụ dỗ bà ăn. Thực lòng bà đâu muốn hái ăn trái cấm. Thiên Chúa ngó sang con rắn. Dĩ nhiên, hắn chẳng biết đổ lỗi cho ai nữa, vì hắn là thủ phạm cám dỗ, đầu nêu mọi chuyện. Kết quả là Thiên Chúa trừng phạt con rắn, đuổi ông bà ra khỏi khu vườn hạnh phúc. Từ đó, câu chuyện đổ lỗi, chối tội và đổ thừa đi vào tâm tính của con người.
Tiếc là đổ thừa lại rất phổ biến ở người Việt. Chúng xảy ra như cơm bữa, có khi chính tôi và bạn cũng mắc phải. Khi phạm lỗi lầm gì đó, phản xạ tự nhiên của nhiều người là lỗi đó không phải của tôi. Tại người ta, tại hoàn cảnh, tại nhà nước, tại ông trời mà tôi mắc lầm lỗi thôi. Chối cãi như thế để lỗi lầm nhẹ hơn. Về mặt tâm lý có vẻ đúng, nhưng về nhiều mặt khác sẽ ảnh hưởng rất nhiều:
– Trách nhiệm: Khi lỗi lầm, người nhát đảm thường đổ lỗi để trốn tránh trách nhiệm. Ngược lại, người can đảm dám đương đầu với sự thật, để nhận trách nhiệm về những gì mình đã gây nên. Stephen R. Covey, tác giả một cuốn sách gối đầu giường: 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, viết: Người tích cực, chủ động: Là những người luôn tự chịu trách nhiệm về mọi việc và chủ động tạo ra hoàn cảnh cho mình. Người tiêu cực, thụ động: Là những người chỉ biết đổ lỗi, và luôn chờ hoàn cảnh xảy đến với mình.
– Trưởng thành: Người nhận lỗi bao giờ cũng chững chạc để giải quyết những gì mình đã gây ra. Từ đó, họ ý thức lỗi lầm cũng có giá trị để họ học tập và rút kinh nghiệm. Họ muốn lớn lên từ những lỗi lầm, có khi trả giá rất đắt. Hẳn nhiên, những người cứ đổ lỗi, thật khó để lớn lên, để đương đầu với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Kết quả là họ sợ không dám làm gì, hoặc cứ phải luẩn quẩn tìm lý do để biện minh. Như thế thì mệt lắm!
–Lịch sự. Văn hóa thường là những gì tốt, tuy nhiên với tựa đề trên đây, thật tội cho chữ văn hóa[2] khi đứng chung với những người đổ lỗi. Người lịch sự mỗi khi họ cảm thấy, hoặc gây ra lỗi lầm, họ xin lỗi chân thành. Họ ý thức được những yếu đuối của bản thân và xin người khác thứ tha. Đó là điều kiện quan trọng để chúng ta thành nhân. Người lịch sự ai cũng mến.
–Trong làm ăn kinh tế, đổ lỗi luôn là kẻ thù của thành công. Khi khởi nghiệp làm giàu, thất bại là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, hầu hết những người thành công đều thừa nhận thất bại luôn có giá trị cho những ai dám phân tích đúng sai, rút kinh nghiệm và học từ những lỗi lầm. Tiến sĩ tâm lý Menis Yousry, tác giả cuốn sách: Tìm lại chính mình, quả quyết: “Những người luôn đổ lỗi cho người khác là những người không bao giờ thành công, bởi bạn sẽ không thể biết được mình thất bại ở điểm gì để lần sau còn rút kinh nghiệm.” Tôi muốn thành công!
– Xây dựng tương quan. Từ gia đình, nhóm nhỏ, giáo xứ, giáo hội và xã hội, đổ lỗi đồng thời với đổ vỡ những mối tương quan. Không phải tôi làm, không phải lỗi của tôi. Tại anh A, vì chị B, tại nhóm, vì xã hội, nên tôi…Mặc nhiên, ai cũng thấy chính đương sự gây lầm lỗi. Đúng là ai cũng hiểu, chỉ một người không chịu hiểu! Người ấy cứ đổ thừa, đổ tội. Lời xin lỗi cũng vắng bóng trên môi miệng của người này.
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi người Công Giáo ý thức mình luôn mang thân phận tội lỗi. Chúng ta là những tội nhân, cần được Thiên Chúa tha thứ. Có bạn đưa tay ý kiến: “Tôi đâu có tội tình chi, cần gì phải đi xưng tội!” Thực lòng, chúng ta đúng là sinh ra trong bể khổ; nơi ấy, tội lỗi thấm vào từng thớ thịt của ta. Bởi đó, ngay chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhiều lần nhắc cho chúng ta về thân phận này. Để với tâm hồn khiêm tốn, chúng ta biết chạy đến xin Thiên Chúa tha thứ, cứu độ. Chỉ có người kiêu ngạo mới tưởng mình vô tội. 
Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận điểm yếu của người Việt: đổ lỗi. Nhất là người trẻ và các gia đình trẻ, chúng ta can đảm tập nói lời xin lỗi. Mỗi khi mình gây ra lỗi lầm, hãy chấp nhận khuyết điểm, hãy nhận trách nhiệm về những gì mình làm. Đừng quanh co đổ lỗi. Đó chưa bao giờ là đặc tính của người mạnh mẽ. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi người Phương Tây thường nói lời xin lỗi. Đó là văn hóa của kẻ mạnh.
Ước gì, ngay từ nhỏ, người Việt tập sống trách nhiệm với cuộc đời, với số phận của mình. Đừng đi vào thứ văn hóa rẻ tiền là đổi lỗi. Nếu nhỏ đổ lỗi nhỏ, lớn lên họ sẽ đùn đẩy, sợ trách nhiệm và đổ lỗi cho người này, người kia. Hệ quả là xã hội vẫn còn nhiều lỗi: lỗi to, lỗi nhỏ và lỗi hệ thống. Tiếc thay, cả dân tộc phải gồng mình chịu lỗi, có khi lỗi lầm rất khủng khiếp.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Đọc thêm: Phần: Tony Buổi Sáng, Trên Đường Băng, phần: Nhành cây trứng cá
[2] Văn hóa có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin theo ngôn ngữ Latinh: colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng. Tuy nhiên, văn hóa là một khái niệm rất rộng và có nhiều cách hiểu về từ ngữ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét