Khi trò chuyện với các bạn sinh viên, tôi nhận được một câu hỏi khá thú vị: “Thầy ơi, nếu không tin vào Thiên Chúa, không tin vào tôn giáo, vậy người ta bám vào đâu trong đại dịch?” Hỏi như thế vì bạn sinh viên Công Giáo này thấy mình may mắn, vì có Thiên Chúa và Giáo Hội. Đó là nguồn an ủi rất nhiều để nâng đỡ đời sống tâm linh cho bạn đó. Khi buồn sầu, nhất là khi dịch bệnh khiến nhiều người hoang mang, bạn ấy được rất nhiều bình an khi chạy đến với Thiên Chúa.
Để trả lời cho câu hỏi của bạn trên đây, thiết tưởng là những người trong cuộc mới rõ. Nghĩa là thử nhìn những người vô tín, chắc họ cũng có nhiều thứ để bám vào. Họ cũng vẫn nhiều hy vọng một ngày rất gần, khoa học sẽ tìm ra phương thuốc chữa trị. Người ta vẫn bám vào những mối tương quan trong gia đình. Họ thảo luận với bạn bè, khuyến khích nhau trước cú sốc này; và họ cũng bày tỏ, chia sẻ cảm giác của mình trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Instagram, v.v. Cuộc sống vẫn êm trôi đối với nhiều người. Bởi trước giờ, Thiên Chúa hay tôn giáo không thuộc lãnh vực của người vô tín. Khi khó khăn hoặc dịch bệnh xảy đến, họ cũng đang tiếp tục cuộc sống mưu sinh.
Các nhà tâm lý phát hiện ra rằng, tôn giáo có thể giúp người ta được bình an để vượt qua khó khăn thử thách hơn. Ngược lại, những người không có đời sống tâm linh, thường bất an nhiều hơn khi họ phải đương đầu với sóng gió. Khoa tâm thần phân liệt cũng cho thấy tâm linh có thể giúp người bệnh vượt qua bệnh tật dễ dàng hơn. Đó là những nghiên cứu phần nào cho chúng ta câu trả lời trong thời gian đại dịch này.
Khi trò chuyện với một chuyên viên tâm lý về vấn đề này, câu hỏi trên phần nào sáng lên hơn. Vị ấy chia sẻ với tôi về những chỗ người ta có thể bám víu. Đó là tiền bạc, địa vị hoặc danh vọng, những thú vui của nhân tình thế thái. Tuy vậy, dịch bệnh dường như đang kéo đổ mọi điểm tựa ấy của nhiều người. Virus không phân biệt đẳng cấp xã hội, không kén chọn giàu nghèo, ai cũng có thể nhiễm và ai cũng có nguy cơ tử vong. Trước nguy hiểm nhãn tiền ấy, lắm người vô tín đang để ý đến đời sống nội tâm của mình hơn. Không ít người cũng suy nghĩ về hậu vận của mình. Nhiều người đến với những phương pháp thiền, Yoga hoặc trầm mặc hơn để lòng bất biến giữa dòng đời vạn biến. Họ trò chuyện với gia đình, người thân nhiều hơn. Họ tìm đến những điều ý nghĩa hơn. Lúc này tiền bạc, quyền lực dường như không quá quan trọng bằng sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Dĩ nhiên người vô tín là người không biết và không tin vào Thiên Chúa. Họ cũng chẳng tin Thiên Chúa có thể giúp họ đạt được những điều họ ước ao không? Tựu trung, họ chưa có kinh nghiệm về Thiên Chúa, hoặc rất ít tâm tình thiêng liêng về Đấng Siêu Việt nào đó. Họ tự sức tin rằng mình có thể làm cho cuộc sống này nhiều ý nghĩa và bình an hơn. Hẳn là ai cũng có quyền tin và phủ nhận Thiên Chúa. Nhưng nếu để ý, những điều họ đang khao khát, Thiên Chúa của chúng ta, hoặc tôn giáo nói chung, có thể cho họ câu trả lời thỏa đáng hơn. Đó là đạo, là con đường mà không phải ai cũng thích bước vào!
Để tiếp cận gần hơn câu hỏi trên, chúng ta thử đi sâu hơn một chút. Chắc ai cũng biết Blaise Pascal (1623–1662). Ông là nhà toán học và là triết gia nổi tiếng người Pháp. Khi bàn luận về vấn đề tôn giáo hoặc Thiên Chúa có cần thiết hay không, ông giải thích bằng “một phiên đánh cược”. Nghĩa là trước vấn đề thiện ác, con người không thể tự sức mình giải quyết được. Ông cho rằng người ta có thể làm một cuộc đánh cược, mà kết quả chỉ có thể biết được sau khi người tham gia trò chơi lìa đời. Nếu một tín hữu tin vào Thiên Chúa mà Thiên Chúa không có thật thì số phận của anh cũng giống như một người vô tín. Ngược lại, nếu Thiên Chúa có thật thì người ấy lại được tất cả. Như vậy, vấn đề lo âu và khắc khoải trong đời sống con người không được giải quyết bằng lý trí đơn thuần, nhưng còn được giải quyết bằng niềm tin.
Là người Công Giáo sùng đạo, Pascal tin rằng Thiên Chúa luôn cho người ta những điều tốt đẹp. Nhất là trong hoàn cảnh khốn cùng, niềm tin tôn giáo hoặc tương quan với Thiên Chúa luôn cho họ sức mạnh để vượt qua dễ dàng hơn. Thật dễ thấy khi đại dịch bùng phát, cả Giáo Hội Công Giáo nói riêng, các tôn giáo nói chung, mọi tín hữu đều muốn bám vào Đấng họ đang tôn thờ. Các Kitô hữu thì bám vào Thiên Chúa; các phật tử thì bám vào Đức Phật; người đạo Hồi thì bám vào Đấng Allah; người theo đạo Do Thái thì bám vào Đấng Gia–vê; hoặc người không theo đạo cũng có thể cầu khẩn trời phật. Nói chung, người tin vào Đấng Siêu Việt, nghĩa là tuy sống dưới đất, nhưng lòng họ vẫn hướng về trời cao. Đó là nguồn sức mạnh để họ vượt qua mọi sóng gió phong ba.
Thật khó để đo được mức độ bình an và hạnh phúc của mỗi người. Hẳn là người không tin vào Thiên Chúa cũng đang có những cách phòng chống dịch bệnh. Với họ, Thiên Chúa vẫn còn xa vời. Nếu người tín hữu bám vào Thiên Chúa, thì người vô tín vẫn bám vào những thứ cần thiết trên mặt đất này. Nếu Thiên Chúa cho ta sức mạnh, hy vọng, bình an và phó thác để vượt qua cơn đại dịch này, thì người vô tín chắc cũng bám vào những điều ấy; nhưng với họ, những giá trị ấy không đến từ Thiên Chúa.
Dẫu sao trong đại dịch lần này, người tín hữu nói chung, người Công Giáo nói riêng, may mắn vì còn Thiên Chúa để bám vào. Thiên Chúa không phù phép cho dịch bệnh hết ngay lập tức. Ngài cũng chẳng biến hóa cuộc sống nhân loại để bình thường như trước. Ngài cũng chẳng ép buộc ai tin theo Ngài. Chắc một điều, Thiên Chúa thì gần gũi, Ngài là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6). Ai tin yêu nơi Ngài thì được hơn là mất, lợi ích nhiều hơn thiệt hại, và may mắn hơn là rủi ro.
Chút giải thích trên đây có thể chưa đi vào ngọn nguồn câu trả lời; nhưng đó là dịp để chúng ta tạ ơn Chúa. Cảm ơn Ngài vì hồng ân đức tin. Bởi chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà chúng ta được cứu độ, đây không phải bởi sức lực của ta mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc ta đang làm, để không ai có thể hãnh diện. (Ep 2,8–9). Nhất là trước hiểm nguy của virus, chúng ta không mất niềm tin và hy vọng vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài đã sống lại và chiến thắng tử thần. Đó là sứ điệp Phục Sinh.
Sau Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh, khi ban phép lành toàn xá cho Rôma và toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc mỗi người tín hữu: Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, không phải thời gian của ích kỷ, của chia rẽ và cũng chẳng phải thời điểm của lãng quên. Trong tâm tình đó, thật cao đẹp biết bao để cầu nguyện cho những người chưa tin vào Thiên Chúa. Mong họ cũng được nhiều bình an, và biết bám vào những gì là chân, thiện, mỹ.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét