Ý cầu nguyện tháng

- Ý CẦU NGUYỆN THÁNG 10:

Cầu cho sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội:
Xin cho các Kitô hữu giáo dân, cách riêng là phụ nữ, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, có thể tham gia nhiều hơn vào các cơ quan hữu trách của Giáo Hội.

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2020

Nhận diện “tình yêu giả”


Sau ngày lễ tình yêu (14/02), có lẽ nhiều cuộc tình mới bắt đầu và cũng có không ít những cuộc tình tan vỡ. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Chúng ta cùng bắt đầu với một thao tác đơn giản, “mở google và gõ dòng chữ ‘tình yêu’/‘love’”, chỉ mất 0,54 giây, bạn sẽ nhận được khoảng 381.000.000 (tiếng Việt) và 13.960.000.000 (Tiếng Anh) các bài báo và tài liệu có liên quan. Điều này chứng tỏ ‘tình yêu’ không phải là đề tài mới mẻ nhưng tính nóng sốt của nó thật không thể phủ nhận.
Thực tế cho thấy, giới trẻ ngày nay thực sự cần được trang bị kiến thức và kỹ năng về tình yêu và giới tính như một trong những hành trang thiết yếu để có được một cuộc sống tốt đẹp. Như vậy, bất cứ cái gì giúp ta có được một cuộc sống tốt đẹp thì đó là điều ta cần theo đuổi và chân nhận; cái gì không giúp ta đạt đến điều đó, ta cần phải nhận diện và loại trừ. Tuy nhiên, thật khó để khẳng định cái gì thực sự là tốt, cái gì thực sự là xấu; cái gì là thật, cái gì là giả. “Tình yêu” cũng vậy!
Trong “tình yêu”, việc nhận diện “tình yêu giả” là một điều thật không dễ chút nào đối với những “tâm hồn ngây thơ”, tình yêu giả cũng là một trong những thách đố rất lớn của các bạn trẻ trong xã hội đầy dẫy những hỗn mang này. Dưới đây là một vài trong số đó:
Yêu chỉ vì vẻ bề ngoài: Đó là những “rung động” bắt nguồn từ ấn tượng ban đầu về vẻ xinh gái, đẹp trai, nói chuyện có duyên…vv. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, thì tình yêu ấy sẽ chấm dứt khi cái bề ngoài ấy không còn nữa hoặc khi xuất hiện “cái bề ngoài khác” hấp dẫn hơn.
Yêu chỉ vì vụ lợi: Đó là sự hấp dẫn khởi đi từ tiền bạc, quà tặng, từ thế giá gia đình…vv..của đối tượng. Với kiểu tình yêu này, đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy phẩm giá của mình thật quá rẻ mạt, và rồi sự cô đơn, đau khổ trong tâm hồn giống như kiểu chết đói giữa cánh đồng, chết khát giữa biển khơi là điều mà họ sẽ phải gánh chịu trong suốt quãng đời còn lại.
Yêu theo phong trào: Thật khó lòng “bình chân như vại” khi bạn bè ai nấy đã có cặp có đôi cả rồi. Thôi thì yêu cho bằng bạn bằng bè; yêu để khẳng định mình trước những lời thách thức của đám bạn…
Yêu theo kiểu chức năng: Đến một lúc nào đó, ai trong chúng ta cũng sẽ nhận thấy rằng: “con người ở một mình thì không tốt”. Thôi thì yêu đại ai đó để bớt cô đơn, để chống ế, để ông bà có cháu bế …
Yêu theo kiểu thay thế: Khi mới chia tay một mối tình, ta thường thấy lòng mình nghe sao trống trải, ta đành tìm ai đó để thay thế và khoả lấp “khoảng trống” mà người kia vừa mới lấy đi khỏi lòng ta.
Yêu kiểu thương hại: Ai trong chúng ta cũng có sẵn trong mình tấm lòng trắc ẩn, thương người. Muốn bao bọc, chở che và bảo vệ kẻ yếu dường như là nhu cầu tự nhiên của con người. Đặc biệt nhu cầu ấy thường hướng đến người khác phái. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, tình yêu thương hại ấy lớn dần lên và trở thành một mối tương quan phụ thuộc hơn là tương quan hai chiều của tình yêu thật.
Yêu theo kiểu không lý trí: Có những ngày trời nắng chang chang mà Sét vẫn đánh rầm rầm trong tâm hồn. Yêu ngay từ cái nhìn, từ cái cảm nhận đầu tiên ấy người ta gọi là “tiếng sét ái tình”. Trớ trêu thay, khi bị sét đánh thì mấy ai còn đủ tỉnh táo để phân định phải-trái-đúng-sai nữa. Dẫn đến một tình yêu mù quáng, thiếu cân nhắc, bất chấp những lời tham vấn, khuyên bảo và dĩ nhiên bất chấp hậu quả…
Yêu theo kiểu sở hữu: Đây là thứ tình yêu xuất phát từ sự ích kỷ của một người. Họ coi người yêu thuộc về sở hữu của riêng mình. Dẫn đến việc họ ra sức kiểm soát facebook, điện thoại, nhật ký, thậm chí kiểm soát luôn cả thể xác lẫn tinh thần của “người yêu”…
Yêu kiểu “tâm thần”: Có những kiểu tâm thần thật “dễ thương”. Khi “tình yêu kiểu sở hữu” trở nên thái quá. Nó sẽ dẫn đến tình yêu kiểu tâm thần: cùng sống hoặc cùng chết, “nếu bạn không đáp trả lại lời tỏ tình của tôi, nếu bạn chia tay tôi, thì tôi sẽ đe dọa bạn, xúc phạm bạn, thậm chí sẽ giết bạn và người thân của bạn nữa… ”.
Trên đây là sự phác hoạ một vài chân dung của tình yêu giả. Nếu là người ngoài cuộc, ai trong chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận diện. Nhưng nếu là người trong cuộc, thì thật chẳng dễ dàng chút nào để nhận ra. Lẽ dĩ nhiên, sự khởi đầu của một tình yêu thật đôi khi cũng na ná với sự khởi đầu của một vài trong số những tình yêu giả nói trên. Điều quan trọng là những người trong cuộc cần tỉnh táo và suy xét đủ chín chắn để phân định càng sớm càng tốt trước khi đi đến những quyết định quan trọng hơn cho tương lai của mình.
Vậy nên, nếu bạn đang “nhận” hoặc đang “khởi phát” một tình yêu giống với những “tình yêu” kể trên, bạn hãy coi chừng có thể mình đang rơi vào “bẫy của tình yêu giả”. Vì tình yêu giả có thể sẽ giúp bạn mãn nguyện ở một vài khía cạnh, nhưng lại khiến bạn phải đánh đổi và trả giá rất đắt về nhiều phương diện khác. Rốt cuộc nó chẳng thể bền lâu. Còn tình yêu thật thì giúp bạn lớn lên và mãn nguyện với nhiều hoặc thậm chí với tất cả mọi phương diện của cuộc sống và nó tồn tại cùng đất trời!

Văn Tài, S.J

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét